Khi tôi tuyên án tử

Với các thành viên trong hội đồng xét xử, khi đưa ra một bản án tử hình họ đã phải cân đong đo đếm đến từng chi tiết nhỏ. Đằng sau sự cân đong đo đếm ấy là rất nhiều suy nghĩ trăn trở, day dứt khi tuyên một án tử.

“Không ai muốn”

Mới chuyển công tác từ TAND TP Bắc Giang về TAND tỉnh Bắc Giang từ cuối năm 2010, thẩm phán Thân Quốc Hùng (phó chánh tòa hình sự) không thể nào quên phiên tòa đầu tiên mình quyết định án tử đối với một bị cáo, cũng là quyết định kết thúc cuộc sống của một con người.

“Đó là bị cáo Hàn Đức Long, phạm hai tội giết người và hiếp dâm trẻ em. Lần đầu tiên cầm hồ sơ vụ án, tôi thấy hành vi của bị cáo quá dã man. Hiếp dâm một trẻ em 9 tuổi rồi siết cổ cho đến chết. Trong trường hợp này chỉ cần xác định bị cáo có tội là tử hình. Thế mà khi quyết định án tử, tôi vẫn phải cân nhắc thật kỹ, đọc đi đọc lại hồ sơ. Đầu tiên phải xác định bị cáo có tội hay không. Khi đã xác định có tội rồi mới xem xét các tình tiết giảm nhẹ để giảm nhẹ tội cho bị cáo. Lúc đầu tôi cũng phân vân, day dứt nhiều lắm. Không ai muốn tước đi mạng sống của người khác bao giờ, nhưng mình là người thực thi pháp luật nên phải dứt khoát thôi” – thẩm phán Thân Quốc Hùng chia sẻ.

Ở TAND tỉnh Bắc Giang hay một số TAND tỉnh phía Bắc, án tử hình chủ yếu liên quan đến ma túy. Theo lời thẩm phán Hùng, không thể nào cứ một vụ ma túy có sáu người, mỗi người mang 600g ma túy đều tử hình cả sáu được. Khi đó hội đồng xét xử phải phân hóa vai trò của từng bị cáo, áp dụng đường lối xét xử khoan hồng cho các bị cáo.

Là phó chánh án TAND tỉnh Điện Biên, từng tuyên rất nhiều án tử hình, từng làm chủ tịch hội đồng thi hành án tử, chứng kiến giây phút các bị cáo sụp đổ dưới vành móng ngựa, rồi trút hơi thở cuối cùng trên pháp trường, thẩm phán Phạm Văn Nam khi nhắc đến án tử vẫn còn nguyên những bồi hồi: “Mỗi lần làm chủ tịch hội đồng thi hành án tử về, tôi thường bị phân tâm mất mấy ngày sau đó. Tội phạm ở Điện Biên đa số là do ma túy. Người dân nghèo chỉ vận chuyển thuê, bắt được họ chứ không bắt được người cầm đầu đường dây buôn bán. Đa số bị cáo đều rất nghèo, không biết chữ, vì cuộc sống nên phải lao vào con đường phạm tội. Án tử đối với họ vì không còn sự lựa chọn, sự ân giảm nào khác. Sau những bản án ấy, tôi suy nghĩ nhiều về được mất, về sự sống và cái chết, nhưng luôn phải gạt bỏ tất cả để thi hành nhiệm vụ”.

Vụ án mà ông Nam nhớ nhất là bị cáo Nguyễn Thị Vân. Vân bị bắt khi đang vận chuyển hơn 10kg ma túy vào bản Na Ư (Điện Biên). Vân bỏ chồng, nuôi mẹ già và hai con nhỏ. Ngày Vân ra tòa, mẹ già dắt díu hai con của Vân đến. Đứa lớn 15 tuổi, đứa nhỏ 10 tuổi. Nhìn cảnh ấy Vân xúc động không thể đứng vững. Để chuẩn bị cho án tử hình sắp tuyên với Vân, hội đồng xét xử phải cử hai nữ cảnh sát đứng hai bên và y tá ngồi bên cạnh Vân vì sợ Vân bị sốc.

“Trước khi ra tòa, tôi xem rất kỹ hồ sơ vụ án. Hoàn cảnh Vân như vậy, đưa ra án tử là hậu quả đau lòng cho mẹ và hai con của Vân. Nhưng Vân bị bắt quả tang khi đang vận chuyển một số lượng ma túy lớn, Vân vận chuyển ma túy nhiều năm lại lôi kéo nhiều người tham gia nên không còn lựa chọn nào khác ngoài án tử” – ông Nam chia sẻ.

Phán quyết của cả hội đồng

Theo một thẩm phán TAND TP.HCM đã nhiều năm xét xử, tuyên án tử hình là hình phạt liên quan đến sự sống, cái chết của một con người, các thành viên hội đồng phải cân nhắc từng chi tiết nhỏ liên quan đến vụ án như động cơ phạm tội của bị cáo là gì? Bị cáo đã dùng phương tiện, công cụ gì để phạm tội? Nhân thân bị cáo ra sao? Với mỗi tình tiết tăng nặng như bị cáo phạm tội giết người với động cơ trả thù, hội đồng lại nghiêng về hình phạt tử hình, nhưng với một tình tiết giảm nhẹ thì hình phạt tù chung thân được đưa ra bàn luận. Phán quyết bị cáo lãnh án tử hình hay tù chung thân sẽ được quyết định theo số đông thành viên hội đồng biểu quyết. Bởi thế, tố tụng quy định thành phần hội đồng xét xử luôn là số lẻ: cấp sơ thẩm là năm người (gồm hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân), phúc thẩm là ba thẩm phán.

Thẩm phán T. (tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP. HCM) chia sẻ: “Bị kết án tử hình ở cấp sơ thẩm, biết bản án chưa có hiệu lực ngay mà còn quyền kháng cáo nên nỗi sợ hãi về cái chết đối với các bị cáo chưa rõ ràng lắm. Còn ở phiên tòa phúc thẩm, khi biết bản án sẽ có hiệu lực thi hành ngay, chuyện sống chết của bị cáo chỉ còn trông chờ vào cơ hội mong manh cuối cùng là sự ân xá của Chủ tịch nước, hều hết bị cáo bị tuyên án tử hình đều bị chấn động tâm lý. Biết số phận sống chết của mình sẽ được quyết định khi hội đồng vào nghị án nên thường giờ phút chờ nghị án này là khoảng thời gian căng thẳng nhất đối với người phạm tội.

Có khi trong giờ nghị án, bước ra ngoài nhìn qua chỗ bị cáo đang ngồi chờ, thấy họ đang gồng mình, căng cứng cả người như để chống chọi với nỗi sợ hãi về cái chết treo lơ lửng trên đầu khiến người xét xử cũng cảm thấy xót lòng. Thế nhưng công lý vẫn phải được thực thi. Những tội ác giết người man rợ, mất hết nhân tính thì chỉ có bản án tử hình mới tương xứng với bị cáo. Khi tuyên án, chúng tôi phải đặt mình vào vai trò của người được Nhà nước trao quyền thực thi công lý. Bản án tử hình hay hình phạt nào khác dành cho người phạm tội không phải là ý chí chủ quan của cá nhân thẩm phán nào mà đó là phán quyết của cả một hội đồng, sau khi đã xem xét kỹ lưỡng tất cả tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của người phạm tội. Không ai có quyền kết tội bị cáo trừ pháp luật của Nhà nước. Vì thế, những thẩm phán như chúng tôi phải xác định mình chỉ là người được giao thi hành quyền lực, dù có tuyên bản án cao nhất đối với người phạm tội cũng là thể hiện ý chí của Nhà nước, không phải cá nhân chúng tôi muốn người đó phải chết”.

Nhiều vị thẩm phán khi chúng tôi gặp đã yêu cầu được giấu tên. Theo họ, “đã lựa chọn ngành xét xử thì dù có thương cũng phải gác qua một bên để làm nhiệm vụ”. Không dễ dàng để tuyên bản án tử hình, tước đi mạng sống của một con người dù đó là người phạm tội. Khi lựa chọn công việc này, họ phải vượt lên những cảm xúc bình thường của con người.

C.MAI – H.ĐIỆP – T.LỤA

Theo Tuoitre.vn