Sáng ngày 4/5/2020, trên Quốc lộ 28 đoạn qua xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đăk Nông, người dân phát hiện một xe ôtô bán tải bị cháy trơ khung, bên trong có một thi thể người bị cháy gần hết.
Kết quả điều tra xác định nạn nhân là anh T.N.V (SN 1995), người làm anh Vương chết là ông Đ.V.M (SN 1972).
Nguyên nhân vụ việc được xác định là do nợ nần nhiều người, ông M đã tạo dựng một vụ tai nạn ô tô, để mọi người nhầm tưởng là mình đã chết, không nhận dạng được, từ đó trốn tránh được việc trả nợ.
Ngày 08/01/2021, tòa án nhân dân tỉnh Đăk Nông đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm tuyên mức án tử hình.
Là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận quan tâm nhưng hồ sơ vụ án bộc lộ cho thấy nhiều vấn đề bất cập trong việc tuân thủ pháp luật tố tụng hình sự.
Không ghi âm ghi hình
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định một nội dung tiến bộ nhằm đảm bảo các quyền con người trong tố tụng hình sự, đó là việc hỏi cung bị can phải được tiến hành ghi âm ghi hình.
Cụ thể, khoản 6 Điều 183 quy định về hỏi cung bị can như sau:
‘Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng’.
Mặc dù quy định đã có từ năm 2015 nhưng việc triển khai lại rất chậm trễ, đã sáu năm trôi qua mà một quy định tiến bộ của pháp luật lại rất khó khăn trong việc áp dụng.
Vụ án ở Đăk Nông xảy ra vào tháng 5/2020 nhưng không được thực hiện biện pháp điều tra hỏi cung có ghi âm ghi hình lại để có được bằng chứng đảm bảo những lời khai báo là tự nguyện đáng tin cậy.
Sự làm tắt đơn giản hóa thủ tục trong vụ án này khiến cho về sau khi bị cáo thay đổi lời khai kể ra những diễn biến mô tả khác về sự việc thì những nghi ngờ khúc mắc lại không có cơ sở để giải đáp.
Điều này cho thấy hoạt động điều tra còn tồn tại những vi phạm, pháp luật tố tụng chưa được tuân thủ coi trọng.
Bị can chậm có luật sư
Vụ án được khởi tố theo tội giết người thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, theo luật thì bắt buộc phải có luật sư bào chữa cho bị can, nếu gia đình không mời luật sư thì cơ quan tố tụng có trách nhiệm chỉ định luật sư bào chữa.
Cụ thể Bộ luật tố tụng hình sự quy định:
Điều 76. Chỉ định người bào chữa
1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:
a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
Một quy định khác về thời điểm người tham gia bào chữa như sau:
Điều 74. Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng
Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.
Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, …
Pháp luật quy định là vậy nhưng trong vụ án ở Đăk Nông và nhiều vụ án khác, việc đảm bảo quyền bào chữa được thực thi một cách hết sức tùy nghi lỏng lẻo, luật sư thường được vào cuộc rất chậm so với tiến trình điều tra vụ án.
Câu hỏi đặt ra là với các quy định pháp luật như thế thì cơ quan tố tụng có phải đảm bảo chỉ định luật sư bào chữa cho bị can ngay từ khi bị bắt không?
Với những biên bản lời khai không có sự tham gia của luật sư bào chữa trong khi bị can thuộc trường hợp án nặng phải chỉ định luật sư thì đó có bị coi là chứng cứ vi phạm tố tụng?
Trong khi đó Bộ luật tố tụng hình sự cũng đã có quy định rằng những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.
Nhìn từ vụ án ở nước ngoài
Gần đây báo chí đưa tin một vụ án ở Nhật Bản, một nghi phạm hình sự trong vụ án giết người đã từ chối cung cấp mẫu vật so sánh để giám định AND xác định thủ phạm. Cơ quan điều tra đã tiến hành lục soát thu thập một số lông tóc của nghi phạm trong túi rác để trước cửa nhà nghi phạm và giám định cho ra kết quả.
Các luật sư bào chữa của bị cáo phản đối cho rằng việc thu giữ mẫu vật mà không có lệnh khám xét thu giữ của tòa án là bất hợp pháp, nhưng bên công tố lại cho rằng đối với những vật dụng đã bỏ vào thùng rác nơi cửa nhà thì chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu của mình, do vậy việc thu giữ mẫu vật không cần có quyết định khám xét của tòa án.
Một câu chuyện khác mới đây ở Mỹ, một người đàn ông bị cho là nghi phạm đã sát hại một phụ nữ trong vụ án hai mươi năm về trước, nhưng cơ quan điều tra cũng không lấy được mẫu vật để giám định AND so sánh do ông này từ chối cung cấp.
Khi vụ án được báo chí đăng tải, một người là đồng nghiệp cùng nơi làm việc đã bí mật giữ lại một chiếc cốc giấy mà người đàn ông kia đã sử dụng uống nước, rồi giao cho cơ quan điều tra, sau đó kết quả giám định cho thấy ông ta đúng là thủ phạm.
Những câu chuyện đó ở nước ngoài cho thấy hệ thống pháp luật tố tụng các nước đòi hỏi phải được tuân thủ chặt chẽ về thủ tục mà nếu vi phạm thì chứng cứ dù thu thập được cũng sẽ bị cho là không hợp pháp.
Trong khi đó ở VN lâu nay nhiều vị phạm tố tụng đã xảy ra nhưng lại được cho là không quan trọng, không ảnh hưởng đến xác định sự thật và vẫn tiến hành bình thường.
Đã đến lúc các ban ngành ở VN cần nâng cao chuẩn mực tư pháp hình sự, bác bỏ việc chấp nhận duy trì những lề lối tiêu chuẩn thấp, thúc đẩy yêu cầu thực hiện chặt chẽ các quy định pháp luật tố tụng.
Bởi quy trình tố tụng cũng là quy định pháp luật, việc vi phạm pháp luật để mưu cầu công lý là điều rất khó thể chấp nhận.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Việt Nam: Khắc phục lỏng lẻo trong tuân thủ pháp luật tố tụng’
Công ty luật TNHH Công Chính cung cấp dịch vụ pháp lý:
- Cử luật sư tham gia bào chữa cho Bị can, Bị cáo trong vụ án hình sự;
- Cử luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ kiện dân sự;
- Và các dịch vụ pháp lý khác;