Tôi là luật sư đã có hơn 10 năm hành nghề, từ kinh nghiệm thực tế cho thấy, trong sâu xa mỗi người phạm tội đều là nạn nhân của một cái gì đấy.
Họ có thể là nạn nhân của một môi trường giáo dục nhiều khiếm khuyết, là nạn nhân của một nền kinh tế thiếu đi những cơ hội tiềm năng. Hoặc họ có thể là nạn nhân của một hệ thống quy định pháp luật bất hợp lý khoa học, là nạn nhân của một bộ máy nhà nước nhiều lạm quyền bạo hành.
Họ cũng có thể là nạn nhân của thói thờ ơ vô cảm thiếu tình người, hay nạn nhân của sự thiếu kỹ năng sống và không được hướng dẫn xử lý các khúc mắc trong đời sống, cái trách nhiệm vốn thuộc về các ban ngành xã hội học, tâm lý học…
Nhìn ra được như thế, sau khi kết thúc công việc của một luật sư bào chữa, tôi lại bị thôi thúc lên tiếng thúc đẩy thay đổi các quy định chính sách, cải thiện cái môi trường xã hội nơi đã sản sinh ra các tội phạm.
Về vấn đề mại dâm
Các ban ngành hiện nay đang bàn luận về việc có nên hợp pháp hóa hoạt động mại dâm hay không?
Nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh vấn đề này, có ý kiến hài hước cho rằng nếu coi là một nghề thì phải đưa ra các danh hiệu thi đua lao động, giới thiệu việc làm, thi tay nghề…
Có ý kiến khác nghiêm túc hơn phản đối gay gắt cho rằng mại dâm trái với thuần phong mỹ tục, và hợp pháp hóa là cổ súy cho lối sống sa đọa, làm suy đồi đạo đức con người.
Bình tâm xem xét ở góc độ quản lý nhà nước thì thấy.
Mại dâm đã có rồi, chứ không phải đợi đến khi các cơ quan quản lý chấp nhận mới có. Theo số liệu từ các cơ quan quản lý nhà nước thì tổng số người bán dâm trên cả nước ước tính khoảng 15 nghìn người.
Còn theo số liệu của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì số người hành nghề mại dâm tại Việt Nam hiện nay vào khoảng 100.000 người, cao hơn gấp nhiều lần con số của các ban ngành trong nước đưa ra.
Đó là số lượng công dân đông đảo trong một đất nước và các vấn đề dân sinh, dân quyền của họ tạo ra một khối trách nhiệm to lớn cho các cơ quan quản lý.
Nếu các cơ quan nhà nước thực sự có ý thức trách nhiệm thì khi đứng trước một khối trách nhiệm to lớn về dân sinh và dân quyền như vậy thì thực sự họ sẽ phải sốt ruột và không thể áp dụng cách thức quản lý như lâu nay.
Lâu nay cấm mại dâm nhưng không cấm được nên các ban ngành đành ngó lơ cho tồn tại. Khi đó người hành nghề mại dâm bị đặt vào thế rủi ro kém được bảo vệ, họ sẽ là con mồi cho những lạm quyền bạo hành, và vấn đề sức khỏe của dân chúng cũng kém được bảo vệ.
Nay đặt ra vấn đề có nên hợp pháp hóa hay không, ban ngành quản lý còn vô cảm khi nêu ra là sẽ phải mở các lớp dạy nghề, kiểm tra tay nghề, hay đánh giá thành tích trong lao động sáng tạo này nọ…
Thực tế lâu nay có rất nhiều ngành nghề mà do tính chất lao động giản đơn nên lâu nay chỉ có người lao động bươn chải với đời, mà chẳng được các ngành quan tâm đến, như nghề đánh giày, nghề bán hàng rong, giúp việc gia đình hoặc phụ hồ chẳng hạn.
Cho nên trong quản lý hoạt động mại dâm, nếu các cơ quan quản lý thực sự có ý thức trách nhiệm trước cộng đồng xã hội thì họ sẽ phải làm khác.
Họ phải hợp pháp hóa, lên danh sách đăng ký hành nghề, đặt ra yêu cầu khám chữa bệnh mỗi 6 tháng hoặc 1 năm, yêu cầu sử dụng các biện pháp phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục, kiểm tra cơ sở hành nghề đảm bảo vệ sinh và các vấn đề an ninh trật tự.
Sẽ có một danh mục ngắn về các việc cần làm và làm được với đầy đủ tính hợp lý khoa học. Kinh nghiệm quản lý của các nước sẽ là nguồn tham khảo quan trọng.
Bảo vệ phụ nữ
Cũng theo thông tin từ tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì có tới 75% người hoạt động mại dâm là phụ nữ.
Như thế việc hợp pháp hóa mại dâm chính nhằm bảo vệ số đông phụ nữ đang hành nghề này, giúp họ tránh đi những ngược đãi, bạo hành, và tội phạm. Những người nghiêm túc phản đối mại dâm với ý nghĩa giữ gìn nhân phẩm cho phụ nữ cần nhận ra điều này.
Thực tế ai cũng biết từ nhiều năm nay mại dâm bị cấm song vẫn diễn ra trong bóng tối, điều đó đặt để nhiều phụ nữ vào tình trạng rủi ro. Các cơ quan quản lý không phải không biết, mà do bởi nhiều yếu tố như điều kiện kinh tế hạn hẹp, năng lực quản lý xã hội yếu kém cho nên các yếu tố dân sinh dân quyền còn bị coi thường bỏ mặc.
Cho tới hôm nay, triển vọng kinh tế vẫn kém sáng sủa, xã hội vẫn còn lạc hậu, dân số lại đông gần trăm triệu người. Có thể khẳng định rằng số người hành nghề mại dâm sẽ còn gia tăng và tình trạng mại dâm sẽ còn mãi.
Đứng trước thực trạng và xu hướng như vậy thì việc cần làm là đưa ra phương pháp quản lý sao cho khoa học hiệu quả. Theo đó việc quản lý nhà nước không thể chỉ dựa vào những mong muốn kỳ vọng về những điều tốt đẹp mà thờ ơ che mắt bỏ qua thực tế phũ phàng.
Trong khi triển vọng kinh tế còn chưa đảm bảo được cho mỗi người đều có được việc làm theo mong muốn thì sẽ vẫn có những người bị đưa đẩy vào con đường mại dâm như một nghề kiếm sống chẳng đặng đừng.
Xã hội có thể giúp giảm đi những nỗi đoạn trường bi ai cho họ chỉ bằng cách đơn giản là lên danh sách đăng ký để đảm bảo sự tự nguyện không bị cưỡng ép nơi mỗi người.
Xung động tự do
Những người hành nghề mại dâm là nạn nhân của một nền kinh tế còn thiếu những cơ hội tiềm năng, họ đã phải chịu đựng nhiều nỗi cơ cực. Bằng việc hợp thức hóa mại dâm chúng ta sẽ giúp họ giải thoát mặc cảm tội lỗi về một trong những thành kiến đạo đức khắt khe nhất của xã hội, sẽ giúp giảm bớt đi nỗi ê chề của nghề này.
Khi đó hợp pháp hóa mại dâm không chỉ nhằm giải quyết nhu cầu tình dục của số đông, mà nó còn làm giảm đi những nỗi oán trách của tầng lớp dưới đáy xã hội.
Nhìn rộng ra lâu nay các thể chế độc tài thường duy trì xung quanh nó những thành kiến xã hội hẹp hòi, bởi cả hai đều có cùng tính chất trói buộc con người ta, ngăn cấm họ khỏi những điều mà họ muốn làm.
Nay nếu các ban ngành quyết định hợp pháp hóa hoạt động mại dâm, đó sẽ là một bước dài tiến tới tự do, cho thấy xã hội đã đủ sức trưởng thành, đủ khả năng đề kháng xử lý trước những vấn đề vốn đầy éo le mặc cảm.
Hợp pháp hóa mại dâm sẽ tạo ra một xung động lớn về tự do và âm hưởng của nó sẽ còn vang vọng mãi.
Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google Search ‘Hợp pháp mại dâm tạo âm hưởng về tự do?’