Nhớ lại năm 2011, ở độ tuổi gần 30, tôi là một người đang tràn đầy sức trẻ và tận tình với công việc, mỗi ngày đi làm với khoảng cách 30km mà quanh năm suốt tháng hầu như không nghỉ. Đường Hà Nội thì thường xuyên bị tắc, nhưng tôi thường đi làm từ sớm, thường là 6 giờ đã ra khỏi nhà đến công ty khoảng 7 giờ.
Trước khi đến với vụ án Hàn Đức Long, tôi đã có 5 năm làm luật sư tranh tụng, tham gia bào chữa trong các vụ án hình sự và bảo vệ quyền lợi trong vụ kiện dân sự. Từng cộng tác và làm việc với những luật sư gạo cội trong lĩnh vực tranh tụng ở nhiều tổ chức hành nghề khác nhau như luật sư Nguyễn Văn Chiến, luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh, được tham gia nhiều phiên tòa nên tôi đã có được kiến thức và kỹ năng trong làm án hình sự.
Ở thời điểm tôi bước vào nghề thì nghề luật sư ở Việt Nam chưa phải là nghề hấp dẫn. Nhiều người xem nghề luật sư như là lựa chọn thứ hai sau khi không thi tuyển được vào nhà nước, còn tôi ngay từ đầu đã theo học nghiệp vụ và đăng ký gia nhập vào Đoàn luật sư tỉnh Nam Định, hành nghề chuyên nghiệp, sống bằng nghề cũng như có thẻ hành nghề thuộc vào hàng sớm nhất so với bạn đồng môn cùng lứa.
Trải qua kinh nghiệm làm việc tại nhiều đơn vị khác nhau, mà nơi nào cũng được thử thách về tinh thần trách nhiệm, lòng trung thực và năng lực chuyên môn, tôi được giao giải quyết những vụ án khó và xử lý những tình huống pháp lý phức tạp. Tất cả những điều đó giúp tôi có được nhận thức và đánh giá xác đáng cho những lời kêu oan trong vụ án Hàn Đức Long.
Phiên tòa năm đó, phía bị hại cũng có hai luật sư bảo vệ quyền lợi gồm luật sư Trần Văn An – Trưởng Văn phòng luật sư Dân An và luật sư Trần Bá Ngọc – Giám đốc Công ty luật số 1 Bắc Giang. Các luật sư của bị hại đã tích cực phản biện các ý kiến của luật sư bào chữa cho bị cáo và chúng tôi dành cho nhau sự tôn trọng nhất định.
Là luật sư của bị hại thì họ đang nắm giữ thế mạnh với những cơ sở theo hướng kết tội trong hồ sơ vụ án. Toàn bộ các tài liệu đều cho thấy Hàn Đức Long là hung thủ. Đại diện Viện kiểm sát giữ vai trò công tố là một đồng minh của họ cho nên hoạt động bảo vệ của luật sư bị hại tương đối thuận lợi.
Có một vấn đề tồn tại trong nhận thức của giới luật sư bào chữa lúc đó và cũng xảy ra tại phiên tòa vụ án Hàn Đức Long, đó là quan điểm rằng luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại không có vai trò, chức năng buộc tội, cho nên sẽ là không hợp lý nếu luật sư của bị hại đưa ra những cáo buộc nặng nề đối với bị cáo. Có luật sư bào chữa cho bị cáo tỏ ra ngạc nhiên và đề nghị luật sư của bị hại về kiểm tra lại quy định pháp luật xem luật sư bảo vệ cho bị hại có chức năng buộc tội hay không.
Tôi thì có quan điểm khác. Khi xem một số bộ phim hình sự của nước ngoài và tự bản thân hành nghề thì thấy, sẽ là hợp lý khi luật sư bảo vệ cho bị hại đưa ra những cáo buộc đối với bị cáo, ví như cáo buộc phạm vào tội nặng hơn, vào khung cao hơn. Theo đó, tôi cho rằng việc đấu tranh để yêu cầu xử lý hành vi của bị cáo là một phần trong chức năng ‘bảo vệ quyền lợi cho bị hại’. Quyền lợi của bị hại được đảm bảo và nó tồn tại ở cả trong vấn đề xử lý nghiêm hành vi của bị cáo.
Ngoài ra thì theo luật, luật sư của bị hại có thể thực hiện mọi biện pháp hợp pháp để làm rõ sự thật của vụ án. Việc đưa ra những cáo buộc nặng hơn đối với bị cáo, có thể xem là một hoạt động giúp cung cấp thêm một hướng nhìn làm sáng tỏ thêm sự thật vụ án.
Tại phiên tòa vụ án Hàn Đức Long, luật sư của bị hại đã đưa ra các cáo buộc đối với bị cáo, chúng tôi tôn trọng và phản biện lại những ý kiến của họ. Chúng tôi đã tích cực đối đáp các vấn đề được nêu ra và qua đó giúp làm sáng tỏ vụ án. Gia đình bị hại qua đó cũng chịu lắng nghe hơn một chút những ý kiến của luật sư bào chữa vì lẽ rằng bản thân họ cũng có luật sư bảo vệ.
Trước những lập luận chặt chẽ và trình bày cặn kẽ các vấn đề của luật sư bào chữa cho bị cáo, đến phút cuối cùng luật sư Trần Bá Ngọc bảo vệ cho bị hại có lẽ cũng thấy ý kiến bào chữa có giá trị thuyết phục nên đã phát biểu theo hai hướng: một mặt yêu cầu xử lý nghiêm Hàn Đức Long nếu là thủ phạm, nhưng cũng đề nghị Hội đồng xét xử thận trọng làm rõ vụ án để tránh oan sai.
Tuy vậy, rốt cuộc những lời bào chữa cũng không làm thay đổi được phán quyết. Hội đồng xét xử vẫn tuyên Hàn Đức Long có tội với mức án tử hình về tội giết người và hiếp dâm trẻ em. Riêng tội hiếp dâm hai mẹ con bà cụ thì Hội đồng xét xử đánh giá không có đủ cơ sở kết tội nên đã tuyên Long không phạm tội hiếp dâm.
Điều này là vô lý vì hành vi hiếp dâm trẻ em và hiếp dâm người lớn đều không có nhân chứng vật chứng, cơ sở kết tội chỉ dựa vào lời khai nhận của chính bị cáo, vậy trong khi một vụ bị hại còn sống và còn khai báo được thì không kết tội được, còn vụ kia bị hại đã chết thì lại kết tội được?
Kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử vào phòng nghị án. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong ba ngày nhưng đã kết thúc sớm vào ngay buổi sáng ngày thứ hai. Dự cảm được sự nóng bỏng trong không khí phiên tòa, nhóm luật sư chúng tôi không ở lại nghe tuyên án, thay vào đó luật sư Dương Minh Nhâm ở lại nghe và báo cho chúng tôi kết quả qua điện thoại.
Đúng như dự đoán, khi chúng tôi ra xe ô-tô ở sân tòa thì một nhóm người lạ mặt cả đàn ông, đàn bà bu lại chửi bới, la hét, đập tay vào mui xe ô tô. Họ đứng chặn xe không cho đi. Khi tôi đưa máy ảnh lên chụp thì mấy người phụ nữ tốc áo lên lộ ra vú vê thách thức cho chụp. Sau này, tôi trao đổi với ông Hàn Đức Minh là anh trai của Hàn Đức Long thì ông cho biết những người đó không phải là người của gia đình bị hại.
Cảnh sát giữ trật tự phiên tòa có mặt tại đó nhưng phản ứng chậm, một lúc sau thấy sự thể ầm ĩ thì họ mới gạt những người kia ra để xe chúng tôi đi. Luật sư Đào Trung Kiên trước đó chưa lên xe mà đứng ở xa quan sát, đến lúc đó mới chạy lại lên xe. Chúng tôi đi ra khỏi cổng vừa đi vừa canh chừng, trên đường đi luật sư Dương Minh Nhâm gọi điện báo cho biết về nội dung kết quả tòa tuyên án.
Bài đã đăng trên Tạp chí Luật Khoa tại Đây: http://luatkhoa.org/2017/01/hoi-ky-vu-han-duc-long-ky-5-that-bai-trong-phien-tham/