Trong quá trình kêu oan cho ông Hàn Đức Long tôi rất thấm thía về vai trò trách nhiệm của cơ quan kiểm sát trong việc đảm bảo một vụ án được giải quyết đúng đắn. Trong một vụ án bình thường các cơ quan tiến hành tố tụng tham gia giải quyết gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Và để đảm bảo cho hoạt động điều tra đúng pháp luật tránh nhầm lẫn sai sót, luật đã quy định Viện kiểm sát là cơ quan kiểm sát hoạt động điều tra. Nhưng thực tế lâu nay vì nhiều lý do khác nhau viện kiểm sát đã không làm tốt vai trò kiểm soát ngăn chặn của mình.
Hầu như ở tất cả các huyện trên cả nước người ta bố trí xây dựng trụ sở cơ quan công an, viện kiểm sát và tòa án rất gần nhau, nhiều trường hợp là liền kề nhau dẫn đến cán bộ của các cơ quan này biết rất rõ về nhau. Số lượng nhân sự thì cũng có hạn, ví như một tòa án huyện có khoảng 05 thẩm phán, 05 thư ký và vài ba nhân viên hành chính tạp vụ, một viện kiểm sát huyện có khoảng 05 đến 07 kiểm sát viên. Theo thời gian công tác và thông qua các sinh hoạt đoàn thể địa phương, qua các dịp lễ tết hoặc ma chay hiếu hỉ, các điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán có điều kiện biết rõ về tính cách, thói quen sở thích, về công việc của vợ con, các vấn đề gia đình.v.v.
Đây là một nguyên nhân khiến xảy ra tình trạng nể nang, xuê xoa, dĩ hòa vi quý trong công tác, mà nhiều trường hợp pháp luật bị gạt sang một bên dẫn đến các hành vi bao biện cho nhau trước sai phạm. Bởi vậy vô hình chung vì những lý do không liên quan gì đến chuyên môn mà chỉ do các vấn đề đời sống thường nhật đã làm vô hiệu hóa mối trách nhiệm kiểm soát giữa các thiết chế.
Tiến hành nghiên cứu đánh giá vai trò của kiểm sát trong vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn và Hàn Đức Long thì sẽ thấy. Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong cả hai vụ này cùng là ông Đặng Thế Vi, nguyên trưởng phòng 10 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang. Tháng 04/2016 ông Vi đã bị truy tố về tội cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn. Ông Vi cũng là kiểm sát viên tham gia xử lý vụ án Hàn Đức Long ở giai đoạn điều tra ban đầu và xét xử sơ thẩm thời điểm năm 2007.
Trong quá trình suy nghĩ minh oan cho ông Long tôi nghĩ: Nói điều tra viên đánh đập bức cung ép khai còn nghe được, thế lúc kiểm sát viên phúc cung lấy lời khai thì có bị đánh đập không, tại sao cũng nhận tội, chẳng lẽ kiểm sát viên cũng đánh bắt phải nhận? Lý giải điều này ông Long khai rằng khi Kiểm sát viên vào làm việc với bị can thì đều có điều tra viên ngồi làm việc cùng, ông Long cho rằng kiểm sát viên đã chép lại bản cung của điều tra viên và bảo ký vào bản khai.
Còn trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn thì theo một bài báo trên báo Đời sống pháp luật, ông Chấn cho biết khi ra đến tòa “Nhìn thấy mặt kiểm sát viên Đặng Thế Vi là tôi khóc”. Theo lời ông Chấn thì: “Ông Đặng Thế Vi dáng người nhỏ, thấp, ít tuổi hơn tôi. Trước khi ra tòa thì ông ấy cũng trực tiếp gặp tôi nhiều lần. Ông ấy không trực tiếp đánh nhưng luôn miệng dọa nạt nếu tôi không nhận tội thì sẽ bị giết chết như chị H. Tôi gặp ông Vi nhiều lần lắm, có lần ngồi trong phòng suốt 3h đồng hồ, lần nào ông ấy cũng bắt phải ký vào giấy nhận tội. Lúc ấy, tôi đành phải ký để mong ra tòa được kêu oan. Thế nên, khi vừa nghe chủ tọa phiên tòa đọc tên ông ấy và khi ngước mặt lên thấy ông ấy ngồi phía bên trên tôi đã bật khóc. Lúc ấy tôi nghĩ chết đến chín phần, phía sau thì nghe tiếng khóc của vợ và người nhà tôi…”, ông Chấn nghẹn ngào.
Như vậy là đã rõ, lối làm án khép tội của kiểm sát viên trong vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn cũng đã được sử dụng áp dụng trong vụ ông Hàn Đức Long, Kiểm sát viên chỉ chăm chăm kết tội bị can mà không ghi chép lại những lời kêu oan. Nhận ra được vấn đề như thế và thấy rằng người đã làm oan cho ông Chấn cũng chính là người làm vụ ông Long, việc ông Long kêu oan bởi cùng những cán bộ tư pháp với phẩm chất năng lực như vậy đã giúp tôi củng cố nhận định việc kêu oan là sự thật.
Đánh giá về vai trò của kiểm sát viên, thực tế qua nhiều vụ án tôi thấy không có sự khác nhau giữa có hay không có vai trò của kiểm sát viên. Trong các vụ án bình thường thì tự bản thân cơ quan điều tra họ cũng có ý thức làm đúng pháp luật rồi cho nên không cần lắm yếu tố kiểm sát, còn trong những vụ việc có dấu hiệu làm sai thì viện kiểm sát lại chẳng có tác dụng kiểm soát ngăn chặn. Quan điểm của viện kiểm sát thường chẳng khác gì cơ quan điều tra, cáo trạng thường chẳng khác gì kết luận điều tra. Kiểm sát viên rất ít tính phản biện đối kháng nên mặc dù tuy là giữ vai trò đối trọng kiểm soát nhưng thực tế kiểm sát viên chỉ như một người nhân viên dễ bảo của cơ quan điều tra.
Tôi cho rằng Viện kiểm sát đã không làm tốt vai trò chức năng nhiệm vụ của mình, Nhà nước và nhân dân lập ra viện kiểm sát với hy vọng rằng cơ quan này có năng lực chuyên môn, có nghiệp vụ và kinh nghiệm sẽ là thiết chế đối trọng tương xứng để kiểm soát hoạt động điều tra, giúp ngăn chặn lạm dụng để bảo vệ quyền công dân nhưng thực tế mục đích không đạt được.
Một nguyên nhân khác dẫn đến cơ sự này, đó là hai cơ quan này tuy là các thiết chế khác nhau nhưng đều chịu sự lãnh đạo của một cấp đảng ủy địa phương. Cho nên trước mỗi vụ án họ dễ có nhận thức cùng chung bổn phận trách nhiệm chính trị và có cảm nhận tâm lý là người cùng một phía nhiệm vụ. Khi đó yếu tố chính trị đã làm mất đi sự độc lập khách quan và yếu tố nhiệm vụ đã làm mất đi tính đối trọng kiểm soát ngăn ngừa.
Chức năng kiểm sát giúp ngăn chặn những hành vi lạm quyền bạo hành đối với bị can, nếu không làm tốt sẽ dẫn đến những hệ lụy to lớn đối với nền công lý mà nhiều người không nhận ra. Trong một bài báo tôi đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho lối làm án lạm quyền, chỉ coi trọng việc điều tra phá án mà xem nhẹ việc tôn trọng nhân phẩm con người sẽ dẫn đến hệ lụy tai hại cho xã hội.
Bài báo tôi viết trước ngày ông Long được trả tự do hơn một tháng nêu rằng: Tại tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 vào dịp tháng 10 năm 2016 (hơn hai tháng trước ngày ông Hàn Đức Long được trả tự do) Bộ trưởng công an đã báo cáo trước Quốc Hội về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016, theo đó số liệu thống kê cho biết năm 2016 đã khởi tố mới trên 70.430 vụ án với hơn 102.441 bị can. Tìm hiểu thêm về tình hình tội phạm năm 2015 số liệu tổng hợp cũng cho biết vào khoảng 77 nghìn vụ án với hơn 100 nghìn nghi phạm hình sự năm 2015. Các con số đó rất lớn cho thấy tình trạng tội phạm trong xã hội rất nghiêm trọng.
Trong bài báo tôi đặt ra vấn đề là làm sao để việc xử lý tội phạm đảm bảo được công lý, tức là phải làm sao để việc xử lý tội phạm giúp tạo ra được môi trường an toàn đem lại bình yên cho nhân dân, chứ đừng để việc xử lý tội phạm với những bất cập tai hại của nó lại là nguyên nhân góp phần gây thêm lên tình trạng phạm tội.
Ở một diễn biến khác Bộ luật tố tụng hình sự 2015 lần đầu tiên đã đưa vào sử dụng hai từ Công lý mà trước đó không có, theo đó nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng hình sự ngoài mục tiêu cũ như không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội thì có thêm mục tiêu mới bảo vệ Công lý. Vậy tại sao bây giờ lại phải thêm vào mục tiêu bảo vệ Công lý? Trước đó đặt mục tiêu không bỏ lọt, không làm oan vẫn chưa đủ hay sao?
Có thể hiểu thế này, nếu mục tiêu chỉ là xử lý đúng người đúng tội thì vẫn có khả năng người ta bất chấp phương thức thủ đoạn để xử lý tội phạm mà theo đó không có công lý. Ví như quá trình điều tra xảy ra tình trạng lạm quyền bạo hành thông qua các hoạt động lạm dụng bắt bớ, giam giữ kéo dài, đánh đập bức ép buộc phải khai báo và và đời sống nghiệt ngã khổ sở trong môi trường giam giữ. Tất cả những yếu tố này khiến con người bị hủy hoại nhân phẩm, làm mất niềm tin vào sự nghiêm chính của pháp luật và cơ quan công quyền.
Trong khi đó đừng quên rằng hầu hết các tội phạm sau khi mãn hạn tù họ lại trở về với đầy đủ quyền công dân, vậy với kinh nghiệm đã trải qua và ký ức lưu giữ liệu họ có còn tín nhiệm vào nền tư pháp? Hay họ đã trở lên táo tợn liều lĩnh khinh rẻ những giá trị trật tự xã hội và thù địch với trật tự công quyền? Trong khi cả nước mỗi năm có hàng trăm nghìn người vướng vào vòng tố tụng hình sự, việc họ còn hay mất niềm tin vào nền tư pháp công chính là rất quan trọng để giữ trật tự xã hội và kiến tạo môi trường pháp lý an toàn. Vì đằng sau hàng trăm nghìn con người đó lại có hàng trăm nghìn gia đình và người thân, họ sẽ kể lại cho nhau nghe những câu chuyện và truyền cho nhau những kinh nghiệm. Vậy liệu những câu chuyện và kinh nghiệm của họ sẽ vun đúc hay hủy hoại sự nghiêm chính của nền tư pháp?
Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào phân tích đánh giá về mối liên quan giữa tình trạng lạm quyền bạo hành trong vòng tố tụng hình sự với tình trạng tội phạm ngoài xã hội, tuy vậy có thể nhận định là giữa chúng có mối quan hệ nhân quả với nhau. Thực tế lâu nay các ban ngành chỉ vì coi trọng xử lý tội phạm cho nên đã xảy ra tình trạng xem nhẹ quyền công dân, làm kém đi giá trị công lý.
Bộ luật tố tụng hình sự đã bổ sung thêm mục tiêu bảo vệ Công lý, và để có thể thực hiện được mục tiêu này cũng như để bổ trợ cho năng lực có giới hạn của con người, luật đã tiếp thu đưa vào triển khai một số chế định mới như quyền im lặng, ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can và vai trò lớn hơn của luật sư bào chữa. Những chế định mới này giúp ngăn ngừa tình trạng lạm quyền và bạo hành khiến cho việc xử lý tội phạm tuy đúng người đúng tội nhưng không có công lý.
Những chế định mới sẽ giúp bảo vệ nhân phẩm con người trong suốt quá trình điều tra xử lý tội phạm, giảm tránh việc lạm quyền bất chấp phương thức thủ đoạn. Vì việc điều tra xử lý tội phạm xét cho cùng cũng chỉ là phương tiện nhằm đạt đến mục tiêu bảo vệ các quyền công dân mà thôi, cho nên phương tiện không được chống lại mục tiêu hướng đến, việc điều tra xử lý tội phạm phải tuân theo những chuẩn mực giá trị không được đi ngược lại mục tiêu bảo vệ dân quyền.
Những chế định mới vẫn không làm mờ đi vai trò trách nhiệm của thiết chế kiểm sát, không gì hơn được những con người có chuyên môn nghiệp vụ kiểm soát các hoạt động điều tra. Kiểm sát viên khi làm việc đúng chức trách nhiệm vụ sẽ là cơ chế hữu hiệu nhất để phòng tránh oan sai. Những chế định mới cùng với ý thức trách nhiệm công vụ của kiểm sát viên sẽ giúp ngăn chặn cái dễ xảy ra nhất trong hoạt động điều tra, đó là đánh đập bức bách buộc phải khai báo. Bởi vì ‘cái điều dễ xảy ra nhất trong hoạt động điều tra’ đó, nó làm mất đi mục đích ý nghĩa của hoạt động xử lý tội phạm là bảo vệ công lý, và nó gây ra hệ lụy xấu cho xã hội vì hãy thử hình dung xem cái cơ chế tư pháp kiểu đó sẽ cung cấp cho xã hội các công dân kiểu gì, hay làm tha hóa họ?
Từ đó tôi đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo rằng, đứng trước số liệu về thực trạng tội phạm trong xã hội hiện nay, cần nhận ra được đâu vấn đề nghiêm trọng nhất của nền tư pháp hình sự. Theo tôi đó không phải là vấn đề án oan hay vấn đề bỏ lọt tội phạm, là những vấn đề dễ gây được sự ồn ào chú ý, mà đó là tình trạng lạm quyền và bạo hành ẩn chứa trong hàng chục nghìn vụ án hình sự bình thường mỗi năm, với hàng trăm nghìn nghi can hình sự. Một khi những con người này bị tha hóa về nhân phẩm thì hậu quả gây ra tiềm ẩn cho xã hội là rất khủng khiếp. Và theo đó giải pháp là nâng cao năng lực trách nhiệm của kiểm sát viên trong việc kiểm sát điều tra vụ án..
Còn tiếp …