Đó là một ngày mùa thu năm 2011, tại trại giam Kế ở Bắc Giang.
Trước mặt tôi là một người đàn ông dáng thấp và gầy, gương mặt lưỡi cày với bề rộng ở phần trán và ngang mắt, và hẹp ở miệng và cằm.
Tôi mời ông hút thuốc. Với sự cho phép của viên quản giáo, ông có thể thoải mái hút.
Gần 6 năm trước, xác một bé gái 5 tuổi được tìm thấy ở một con mương làng ông. Ông bị người làng tố cáo và bị khởi tố về tội hiếp dâm trẻ em và giết người.
Trải qua chừng ấy thời gian, với ba phiên toà tại Toà án Nhân dân tỉnh Bắc Giang và Toà án Nhân dân Tối cao, ông bị tuyên án tử hình hai lần, sau đó Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao huỷ án, yêu cầu điều tra lại.
Tôi nhận lời gia đình tham gia bào chữa cho ông và được cấp giấy chứng nhận bào chữa từ tháng 8/2011, khi vụ án chuẩn bị được đưa ra xét xử lại ở toà Bắc Giang.
Người đàn ông đó là Hàn Đức Long.
Trước khi gặp ông, tôi đã nghiên cứu hồ sơ và thấy bị can Hàn Đức Long đều đã khai nhận rõ hành vi phạm tội. Các tài liệu tố tụng như Kết luận điều tra, Cáo trạng và Bản án sơ thẩm, phúc thẩm trước đó đều có nội dung Hàn Đức Long là hung thủ đã gây án. Bất kỳ người nào đọc hồ sơ với hàng loạt tài liệu như vậy cũng sẽ tự hình thành lên thành kiến rằng bị cáo chính là hung thủ.
Tôi băn khoăn tự hỏi vì sao sau đó bị cáo lại kêu oan.
Tôi dự tính sẽ đặt câu hỏi xem ông ta có thực sự bị oan hay không, hay là việc kêu oan chỉ nhằm trốn tránh hình phạt nghiêm khắc là mức án tử hình. Tôi cũng toan tính sẽ nắm bắt ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu và ánh mắt xem ông ta có là người gian ác hay không.
Rồi cuối cùng thì cũng gặp. Tôi và một luật sư vào gặp, giới thiệu là người được gia đình ông mời bào chữa và đặt bao thuốc lá lên bàn mời ông hút. Ông Long trả lời các câu hỏi của luật sư với thái độ điềm tĩnh, không nôn nóng vội vã.
Việc cho bị can hút thuốc khi làm việc trong phòng hỏi cung không biết có bị cấm hay không, tôi cũng không thấy quy định. Tuy vậy, khi thực hiện vẫn phải có sự đồng ý cho phép của cán bộ quản giáo. Việc này còn được các điều tra viên đồng tình bởi chính họ lại hay là người hút thuốc và điều tra viên cũng muốn cho phép bị can hút thuốc để tạo sự thân thiện và dễ dàng lấy cung hơn. Nhiều trường hợp sau khi làm việc với luật sư bị can còn lấy nốt những điếu thuốc trong bao cầm ở tay hay giấu trong người để đem về phòng hút hoặc chia sẻ với những người cùng phòng giam giữ.
Tôi thấy rõ là ông Long khá thoải mái dễ chịu. Ngoài tác dụng của những điếu thuốc thì có lẽ còn do thay đổi môi trường không khí. Bị can vốn bị giam giữ lâu này tại một nơi nên việc được đi ra ngoài một đoạn và ngồi ở phòng cùng luật sư cũng là cả một sự thay đổi không nhỏ.
Có một điều tôi nhớ rõ nhất là bị can Hàn Đức Long không cố nói về việc ông ta bị oan. Lúc đầu tôi nghĩ ông ta sẽ vồ vập, bức xúc kêu oan, có thể sẽ còn khóc lóc van xin giúp đỡ, nhưng thực tế bị can điềm tĩnh và trình bày nội dung câu chuyện như một người bình thường. Ông ngồi trình bày về diễn biến sự việc xảy ra ngày hôm đó ra sao, ông ta đi xay xát gạo thế nào và về nhà lúc mấy giờ. Ông ta nói mình không phải là hung thủ, ông nói về việc đã bị điều tra viên đánh đập, lấy bút kẹp ngón tay và dùng thước gỗ đánh.
Sau này nghĩ lại, tôi nghĩ ông Long đã chai sạn sau hơn 5 năm tiếp xúc với nhiều điều tra viên, kiểm sát viên và luật sư. Và có lẽ lý do lớn hơn khiến ông ấy bình thản là vì ông đã hai lần bị tuyên án tử hình. Ông đã trải qua điều kinh khủng nhất là phải đối diện với cái chết ngay trước mắt. Ông cũng đã có nhiều luật sư bào chữa, đã hy vọng nhiều và rồi thất vọng nhiều, cho nên việc được hủy án điều tra lại và gặp lại luật sư không khiến ông ấy xúc động nhiều nữa.
Chẳng phán đoán được gì qua thái độ và cử chỉ của ông Hàn Đức Long, tôi tự nhủ là mình phải quay lại việc nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án, và tìm kiếm trong đó các cơ sở để kêu oan cho ông.
Xem xét hiện trường vụ án
Cùng với việc vào trại thăm gặp bị cáo vào buổi sáng, chúng tôi về thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên để xem hiện trường vụ án.
Dẫn chúng tôi đi là ông Hàn Đức Minh, anh trai của bị can Hàn Đức Long. Ông Minh cũng một tạng người thấp gầy, khuôn mặt khắc khổ còn hơn cả ông Long. Một phần vốn dĩ là người nông dân lam lũ nơi thôn xóm nghèo nàn, một phần vì tai ương, nghiệp chướng của người em khiến anh em đều bị ảnh hưởng. Gia đình ông bị sỉ vả và sống trong tủi nhục nhiều năm qua, bởi gia đình cháu bé nạn nhân và gia đình mấy mẹ con bà cụ tố hiếp dâm đều là người cùng xóm.
Trưa hôm đó, trời nắng gắt. Ông Hàn Đức Minh đưa chúng tôi ra cánh đồng nơi xảy ra vụ án cháu bé bị giết hại.
Thôn Yên Lý nằm dưới chân núi Đót, giống như bao làng quê nào đều chung một nét nghèo nàn, nhiều chỗ xác xơ với những bụi rậm và đường đất. Cổng nhà cháu bé nạn nhân đóng im lìm với đoạn tường dậu chẳng rõ là cây gì bao lấy khu nhà cấp bốn xập xệ.
Bố cháu là anh Nguyễn Đình Sơn, sinh năm 1973, biết chúng tôi về. Anh đứng trong vườn cầm dao rựa chặt những khúc cây còn miệng thì chửi tục. Chúng tôi nghe thấy nhưng chỉ im lặng bước đi. Tôi lúc đó cũng hơi lo lắng và thực ra cũng chẳng nhìn thấy rõ anh ta.
Trời nắng nóng, mồ hôi toát ra ướt áo. Do mới ốm dậy, luật sư Đào Trung Kiên nhanh chóng tìm bóng râm đứng, trong khi tôi trẻ người năng nổ đi dọc khắp con đường gây án. Đó là con đường mà theo hồ sơ thì Hàn Đức Long đi theo lối đó đưa cháu bé ra cánh đồng.
Ông Minh dẫn tôi đi ra gần chỗ hiện trường rồi đứng từ xa chỉ chỏ hướng dẫn. Tôi bỏ ông đứng đó rồi đi đến tận chỗ mương nước nơi người ta phát hiện xác cháu, gần đó là khu nghĩa trang chôn người.
Lúc đó, trong thâm tâm tôi cũng thấy hơi hoảng khi anh luật sư và ông Hàn Đức Minh đứng với nhau ở đằng xa, và những hình ảnh khám nghiệm tử thi cháu bé hiện về trong đầu. Tôi cố đi hết đoạn mương bê-tông nơi được cho là Hàn Đức Long đã thực hiện hành vi hiếp dâm để lại dấu vết tinh trùng và máu. Năm năm đã qua rồi thì còn gì đâu. Nắng quá gắt nên cũng chẳng có thời gian đứng mà ngẫm nghĩ điều gì, chỉ cố thu mọi thứ vào trong tầm mắt. Tôi đi ngược trở lại chỗ xe đậu và mọi người trở về Hà Nội.
Lúc trên xe đi về cậu lái xe tên Tùng bảo luật sư Trai bạo phết nhỉ, đi ra tận ngoài đấy có ‘thấy’ cháu không? Tôi đáp lại trước sau gì chúng ta chẳng gặp lại cháu bé đó. Cô nhân viên nữ đi cùng tên Phương Anh thốt lên: Các anh nói chuyện nghe ghê quá! Sau đó chúng tôi ai cũng im lặng một hồi lâu.
Khoảng hai năm sau thì anh luật sư mất. Ông Hàn Đức Minh cũng mất hồi tháng 3/2016 khi chưa được chứng kiến ngày em mình trở về.
Việc tôi theo đuổi minh oan cho ông Hàn Đức Long có một phần lý do là vì tâm niệm làm nghề với người anh luật sư đồng nghiệp và lời hứa theo đuổi việc kêu oan với người khách hàng đã mất.
(Còn nữa)
Bài đã đăng trên Tạp chí Luật Khoa tại Đây