Ai đó đã nói, quá trình điều tra hình sự và kết án là một quá trình thuyết phục lẫn nhau. Vì xét cho thì cùng bên buộc tội là cơ quan điều tra, viện kiểm sát hay tòa án với bên gỡ tội là luật sư thì cũng đều không ai tận mắt chứng kiến tội phạm cả.
Cho nên người buộc tội và bên gỡ tội chỉ cố thuyết phục lẫn nhau về tội phạm dựa vào các tài liệu chứng cứ thu thập được. Bên thì bảo vô tội bên thì nói có tội. Nếu vụ nào có nhân chứng vật chứng rõ ràng thì cơ bản là ổn ít tranh cãi.
Nhưng nếu vụ án như vụ Hàn Đức Long, không có nhân chứng vật chứng, không gian hiện trường là đồng ruộng với bề mặt cỏ không để lại dấu vết thì cơ quan điều tra có gì để kết tội? Họ chỉ có lời khai nhận tội của bị cáo, nhưng sau đó bị cáo đã phản cung cho rằng đã bị nhục hình buộc phải khai nhận.
Còn luật sư gỡ tội thì chỉ ra các điểm phi lý mâu thuẫn có trong hồ sơ vụ án, để cố thuyết phục rằng Long đúng là đã bị bức cung và việc kêu oan là có cơ sở.
Nhưng không ai nghe ai, cơ quan tư pháp thì sợ phải chịu trách nhiệm và lo mất mát uy tín nên cù nhầy không chịu minh oan, luật sư thì lâu nay đã kêu oan, không có chuyện thay đổi quan điểm bảo Long có tội.
Tóm lại hướng giải quyết là: Các ông muốn kết tội (mà trong trường hợp này là đoạt mạng người ta) thì các ông phải đưa ra được chứng cứ rõ ràng, phải giải đáp được những điểm phi lý mâu thuẫn có trong hồ sơ.
Nếu Bộ luật tố tụng hình sự 2015 mà có hiệu lực, thì khi không làm rõ được cơ sở căn cứ để kết tội thì phải kết luận bị cáo không có tội. Đây là nguyên tắc pháp lý mới có tính ràng buộc, giúp phòng tránh oan sai.
Nhưng luật chưa có hiệu lực và căn cứ vào luật cũ thì người ta cứ bảo căn cứ vào các tài liệu khác có trong hồ sơ thì vẫn đủ cơ sở kết tội, mặc kệ bất chấp những chỗ vô lý khác.
Cái kiểu kết án như thế mới dễ dãi bạo ngược làm sao. Tương lai vài chục năm nữa khi nền tư pháp đã tiến bộ văn minh và luật đã hoàn thiện rồi, con cháu sẽ thấy cha ông chúng nó sao mà dễ dàng kết án người ta đến thế.
Xem bài trên web www.luatcongchinh.vn tại đây