Thông tin mới đây cho biết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu EU, gọi tắt là EVFTA, sẽ được ký kết vào ngày 30/6 tại Hà Nội.
Hiệp định được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội to lớn cho đầu tư thương mại, giúp hàng hóa Việt Nam bán được nhiều hơn vào thị trường EU và qua đó thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Vậy điều gì đã giúp các nước EU phát triển được như ngày hôm nay khiến cho một đất nước nghèo khó xa xôi như Việt Nam mừng rỡ được làm ăn cùng?
Và ngoài những vấn đề về đầu tư thương mại, có điều gì lãnh đạo Việt Nam cần thấu hiểu sâu sắc, để bảo đảm trong tương lai sẽ phát triển thịnh vượng được như những nước EU?
Đế chế toàn cầu
Mới đây tôi đọc được cuốn sách “Lược sử loài người” của tác giả Yuval Noah Harari người Israel, cuốn sách rất hấp dẫn mà như lời đánh giá cảm nhận của tỷ phú Bill Gates thì khi đọc sẽ thật khó đặt xuống khi chưa đọc xong.
Đúng như tiêu đề của nó, cuốn sách lược lại lịch sử của loài người từ khi xuất hiện trên trái đất hàng triệu năm trước, cho tới ngày hôm nay và gợi ra viễn cảnh trong tương lai.
Tác giả đã nghiên cứu phân tích những dấu mốc quan trọng trong quá trình tiến hóa đời sống loài người, từ một giống loài không phải to lớn nhất, không khỏe nhất, không chạy nhanh nhất, không lặn sâu nhất, nhưng lại trở thành kẻ thống trị trái đất.
Một tiến trình thật dài trong một cuốn sách chỉ hơn 500 trang.
Vậy nhưng bên cạnh vô số những yếu tố đã góp phần quan trọng cho sự phát triển thịnh vượng của loài người, tác giả đã kịp dành ra những trang sách trang trọng chỉ ra vai trò của hệ thống Tòa án.
Điều đó cho thấy vai trò ý nghĩa của tòa án hay một nền tư pháp nói chung có ảnh hưởng quan trọng đến sự thịnh vượng của các quốc gia như thế nào.
Trong cuốn sách tác giả chỉ ra cho thấy, một hệ thống tòa án có khả năng phán xử công bằng, đã giúp một quốc gia Châu Âu ban đầu ở vị trí nhỏ khiêm tốn, sau đó đã trở thành đế chế toàn cầu giàu nhất Châu Âu.
Tác giả cho biết, thế kỷ 16 Tây Ban Nha là quốc gia hùng mạnh nhất châu Âu, họ thống trị một đế chế toàn cầu rộng lớn, cai trị phần lớn châu Âu, một phần rất lớn của Bắc và Nam Mỹ, quần đảo Philippines và một chuỗi những căn cứ dọc theo các bờ biển châu Phi và châu Á.
Trong khi đó, Hà Lan là một vùng đầm lầy nhỏ chẳng có tài nguyên thiên nhiên, chỉ bằng một góc nhỏ lãnh địa của Vua Tây Ban Nha.
Nhưng chỉ trong vòng 80 năm, người Hà Lan không chỉ giành lại độc lập từ tay người Tây Ban Nha, mà còn thành công trong việc thay thế người Tây Ban Nha và đồng minh Bồ Đào Nha của họ để trở thành chủ nhân của những tuyến vận tải đường biển, dựng lên một đế chế Hà Lan toàn cầu, và trở thành quốc gia giàu có nhất châu Âu.
Ở thời kỳ đó để tạo lập những chuyến thương thuyền, thám hiểm tìm ra những thuộc địa mới, người châu Âu đã nghĩ ra mô hình công ty cổ phần trách nhiệm hữu hạn để giảm thiểu rủi ro và cùng chia sẻ lợi nhuận.
Người Hà Lan đã làm rất tốt công việc huy động vốn cho những chuyến thám hiểm và thu được lợi ích lớn, bởi họ đã tạo được sự tin tưởng nơi hệ thống tài chính châu Âu.
Trong khi đó, Vua Tây Ban Nha lại làm xói mòn niềm tin của hệ thống tài chính này.
Những nhà tài phiệt châu Âu đã nới rộng vốn tín dụng cho người Hà Lan xây dựng quân đội và hạm đội, đã giúp Hà Lan kiểm soát những tuyến đường thương mại trên thế giới và mang lại lợi nhuận hậu hĩnh.
Nhờ đó Amsterdam thủ đô của Hà Lan không chỉ nhanh chóng trở thành một trong những hải cảng quan trọng nhất châu Âu mà còn là thánh địa tài chính của châu lục này.
Tác giả Harari đặt câu hỏi, chính xác thì người Hà Lan đã gây dựng được sự tin tưởng của hệ thống tài chính bằng cách nào?
Ông cho biết, thứ nhất, họ đã tuân thủ triệt để việc trả nợ đúng hạn và đầy đủ. Thứ hai, hệ thống tư pháp của đất nước họ có được sự độc lập và bảo vệ những quyền cá nhân – đặc biệt là quyền tư hữu.
Nguồn tư bản rò rỉ khỏi các quốc gia độc tài vì không bảo vệ được những cá nhân và tài sản của họ. Thay vào đó nó chảy vào những quốc gia duy trì được nguyên tắc của luật pháp và quyền tư hữu.
Để câu chuyện được rõ hơn, tác giả đã lấy ra ví dụ về một gia đình thương gia người Đức, có một người con đầu tư làm ăn ở Tây Ban Nha và một người con đầu tư làm ăn ở Hà Lan.
Người con đầu tư ở Tây Ba Nha đã cho vị vua của nước này vay để xây dựng đạo quân chiến đấu chống lại vua Pháp, nhưng hết một năm qua đi tiền vay không được trả lại vì vị Vua vẫn đang cần tiền đầu tư cho một cuộc chiến mới.
Đòi không được nên người này khởi kiện vị Vua Tây Ban Nha ra tòa án ở Madritd
Trong khi đó người con đầu tư ở Hà Lan cho một doanh nhân vay, người này đã thực hiện thương vụ thành công và trả lại tiền đúng hạn. Người này tiếp tục cho vay, nhưng không may đối tác làm ăn thất bại nên việc đòi nợ phải khởi kiện ra tòa án ở Amsterdam.
Ở Tây Ban Nha tòa án phục tùng nhà vua, những thẩm phán phục vụ nhà vua và sợ bị trừng phạt nếu không làm theo ý muốn của ông ta, đã bác bỏ đơn khởi kiện. Sau đó vị vua Tây Ban Nha còn kiếm cớ vu cho người kia phạm tội, nếu gia đình không nộp thêm tiền thì sẽ bị tống vào ngục tối.
Trong khi đó tại Hà Lan, tòa án là một nhánh riêng biệt của chính phủ, không phụ thuộc vào những vương hầu của đất nước, đã chấp nhận đơn kiện.
Bài học được các thương gia rút ra từ câu chuyện này là nếu muốn kinh doanh làm giàu, tốt nhất là hãy làm việc đó ở Hà Lan.
Chính những nhà tư bản Tây Ban Nha khi đó cũng đã lén chuyển tài sản của họ ra nước ngoài.
Họ nhận ra rằng muốn giữ tiền của mình và sử dụng chúng để giàu có hơn, thì tốt nhất là đem tiền đó đi đầu tư ở nơi có tinh thần thượng tôn pháp luật, nơi mà quyền tư hữu được tôn trọng, chẳng hạn như Hà Lan.
Bởi đó vị Vua Tây Ban Nha đã phung phí niềm tin của nhà đầu tư và dần mất vị thế, còn Hà Lan đã trở thành một đế chế thay thế.
Tác giả cũng cho biết, chính các thương gia Hà Lan chứ không phải nhà nước Hà Lan đã xây dựng lên đế chế Hà Lan.
Những thương gia Hà Lan đã huy động vốn tín dụng, tài trợ cho những chuyến viễn chinh và rao bán các cổ phần.
Công ty cổ phần nổi tiếng nhất Hà Lan là công ty Đông Ấn Hà Lan đã mua bán hàng hóa với Trung Hoa, Ấn Độ và chính công ty này xây dựng hạm đội riêng, chinh phục Indonesia và cai trị suốt gần 200 năm.
Cho đến năm 1800 nhà nước Hà Lan đã nhận lấy quyền kiểm soát Indonesia biến nó thành thuộc địa của đế chế Hà Lan trong 150 năm tiếp theo.
Một công ty khác là công ty Tây Ấn Hà Lan lại có hoạt động kiểm soát buôn bán trên con sông Hudson huyết mạch, và xây dựng một khu định cư gọi là New Amsterdam.
Nhưng thuộc địa này sau đó bị người Anh chiếm lấy đổi tên thành New York.
Những phần còn lại của bức tường thành đã được công ty Tây Ấn Hà Lan xây dựng để bảo vệ thuộc địa chống lại thổ dân da đỏ và người Anh, ngày nay được xây trùm lên và trở thành con phố nổi tiếng nhất thế giới – phố Wall.
Bài học cho Việt Nam
Tác giả Harari đã cho thấy chính hệ thống tòa án công bằng là cái đảm bảo cho các hoạt động đầu tư kinh doanh.
Vậy lâu nay tòa án Việt Nam hoạt động thế nào? Có xét xử công bằng làm chỗ dựa cho doanh nghiệp không?
Thực tế hệ thống tòa án nói riêng và hệ thống tư pháp nói chung được tổ chức và hoạt động chưa khoa học, đầy rẫy tiêu cực, thiếu vắng sự công tâm khách quan, không là chỗ dựa cho doanh nghiệp.
Một bằng chứng là vụ ông Trịnh Vĩnh Bình, một doanh nhân gốc Việt có quốc tịch Hà Lan, đã đem tiền về đầu tư ở Việt Nam.
Nền tư pháp đã quy kết ông Bình làm ăn sai trái, bắt bỏ tù ông ấy, tịch thu tài sản, khiến sau đó ông ấy khởi kiện chính phủ Việt Nam ra tòa án quốc tế.
Phán quyết mới đây ông Bình đã chiến thắng vụ kiện giá trị lên đến hàng chục triệu đô la.
Điều đó cho thấy hệ thống tư pháp hiện nay không là cơ chế đảm bảo công bằng cho những nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong khi đó các nước châu Âu phát triển được như ngày hôm nay là nhờ đã gây lập, tạo dựng lòng tin từ một hệ thống tòa án đảm bảo được công bằng.
Hiện nay họ đã phát triển hệ thống tòa án lên nhiều cấp độ, tòa án quốc gia chỉ là căn bản, họ còn thiết lập hệ thống tòa án cho những bối cảnh mới về thương mại tự do, giữa các nước châu Âu với nhau và với các nước ngoài khối.
Đối với Hiệp định EVFTA, việc phân xử tranh chấp sẽ được thực hiện theo mô hình cơ chế của Tòa án đầu tư quốc tế.
Mọi tranh chấp sẽ được giải quyết theo một cơ chế tòa án do EU và Việt Nam cùng nhau xây dựng riêng cho EVFTA, mà không phải hệ thống tòa án hiện tại của Việt Nam.
Tuy vậy, để đất nước phát triển, các lãnh đạo Việt Nam cần thấu hiểu hiểu sâu sắc vai trò của nền tư pháp đối với sự thịnh vượng của một quốc gia.
Để từ đó nhìn sâu vào nội tại, căn cơ tháo gỡ xây dựng cho một nền tư pháp Việt Nam được trở lên công minh tiến bộ.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Goolge search ‘EVFTA và lời tư vấn cho lãnh đạo Việt Nam‘