Nhiều người bày tỏ sự bất bình đối với bản án của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đối với 29 bị cáo trong vụ Đồng Tâm.
Là luật sư tham gia bào chữa trong vụ án, mặc cho những yếu tố dễ gây phân hóa chia rẽ sâu sắc như cái chết của ông Lê Đình Kình và ba chiến sĩ cảnh sát, bản thân tôi thấy rằng cần kiên định và cố gắng hơn nữa những nỗ lực thúc đẩy dựng xây cho một nền pháp quyền hoàn chỉnh.
Những điều nhận thấy
Là người tham dự phiên tòa từ đầu đến cuối nên đã được chứng kiến nhiều điều có ý nghĩa. Hôm tòa tuyên án, ngay khi thẩm phán chủ tọa đang đọc bản án thì hai lần nhân viên tòa án cầm những tờ giấy tiến đến đưa cho Hội đồng xét xử.
Điều đó cho thấy vào những giờ phút cuối cùng của vụ án vẫn có những ý kiến chỉ đạo đối với án tuyên, cho thấy một sự giám sát sát sao sâu sắc của các cấp lãnh đạo nào đó đối với phán quyết của tòa.
Trong suốt phiên xử kéo dài nhiều ngày không thấy trong giọng nói của thẩm phán chủ tọa sự đanh thép cứng rắn cần có trong một vụ án có tính chất loại này, mà thay vào đó nhiều lúc giọng ông xét hỏi xúc động như muốn khóc cho thấy một ý nghĩa tác động khác về vụ án.
Mọi nguồn lực đều được phát huy nhằm giúp cho việc giải quyết vụ án trong đó có ưu thế thể chế, ngay cả nhân viên quản giáo vốn không có vai trò tố tụng cũng đã tham gia vào công tác giáo dục nhận thức cho các bị cáo để thành khẩn ăn năn hối cải.
Trong những ngày diễn ra phiên xét xử, vào những giờ buổi sáng và chiều tối, dọc tuyến đường từ trại giam tới trụ sở tòa án đã bị cấm đường phong tỏa để cho đoàn xe dẫn giải bị cáo tới tòa án.
Một sự ưu tiên thường chỉ thấy ở sự bố trí di chuyển cho nguyên thủ các nước đến Việt Nam. Điều đó cho thấy một sự quan tâm lo lắng rất lớn của các cấp chính quyền trước các mối nguy cơ có thể làm cho vụ việc thêm phần biến động xã hội.
Chứng kiến những điều đó bản thân tôi rút ra rằng dù cho bản án Đồng Tâm có thế nào thì cũng vẫn cần tiếp tục những nỗ lực dựng xây cho một nền pháp quyền hoàn chỉnh. Bằng cách đó sẽ giúp đỡ cho không chỉ người dân mà ngay cả các cơ quan chính quyền nhìn ra được giải pháp lối thoát cho các vấn đề phát triển và quản trị xã hội của họ.
Chế định pháp lý
Vụ án Đồng Tâm nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội cho thấy bản thân vụ án chứa đựng trong đó nhiều điều có ý nghĩa.
Với những chiều kích cảm xúc trái ngược nhau từ các phía cho thấy vụ án đụng chạm tới gốc rễ lương tri nhận thức con người và ẩn chứa các vấn đề triết lý nền tảng mà từ đó đòi hỏi sự xác lập lại nhận thức và thiết lập lên những thiết chế.
Thực tế quá trình xét xử cho thấy Hội đồng xét xử chỉ tập trung vào hành vi của các bị cáo để xử lý mà không xét đến những hoàn cảnh đã đẩy đưa nhóm người dẫn đến chống đối. Hội đồng xét xử cũng không xét đến những yếu tố về lệnh điều động hay phương án bố ráp bắt giữ không hợp lý của cấp chỉ huy đã góp phần dẫn đến hệ quả của tội phạm.
Bằng lối giải quyết như vậy sẽ khiến việc giải quyết vụ án không được khách quan toàn diện và đầy đủ như Bộ luật tố tụng hình sự đòi hỏi và không giúp chỉ ra được để khắc phục nguyên nhân điều kiện dẫn đến tội phạm. Ngoài ra sẽ không giúp nâng cao chất lượng của công tác huấn luyện và ra các mệnh lệnh, sẽ đặt để các chiến sĩ vào tình trạng rủi ro trong những việc về sau.
Điều đúng đắn là không nên lựa chọn góc nhìn hạn hẹp như vậy về sự việc mà cần thấy rằng đằng sau vụ án Đồng Tâm là rất nhiều vấn đề bất cập về chính sách pháp luật đất đai cũng như tổ chức bộ máy nhà nước, đòi hỏi một sự hiệu chỉnh thay đổi để kiến tạo môi trường pháp lý an toàn cho phát triển.
Đi tìm giải pháp
Vụ án Đồng Tâm là hệ quả của những bất cập trong chính sách quản lý đất đai, bất cập trong tổ chức chính quyền nhà nước, bất cập trong đường lối quản trị quốc gia. Ngày hôm nay là Đồng Tâm ngày mai có thể là một cộng đồng dân cư khác hay một tập đoàn doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Cho nên để đảm bảo nền pháp quyền chuẩn mực đúng đắn dù cho kết quả bản án Đồng Tâm hôm nay có như thế nào thì sẽ vẫn cần tiếp tục những nỗ lực dựng xây.
Mọi người cần tiếp tục thúc giục áp lực nhà nước sửa đổi chính sách pháp luật đất đai, công nhận quyền sở hữu của người dân đối với đất đai, củng cố vững chắc quyền tư hữu và quyền sở hữu tài sản của người dân. Tình trạng pháp lý giấy tờ mơ hồ của đất Đồng Sênh chính là hệ quả của việc đất đai vô chủ nhập nhèm là môi trường dung dưỡng cho những mâu thuẫn tranh cãi bất đồng.
Rà soát sửa đổi bãi bỏ những chế định pháp lý xem nhẹ quyền sở hữu, dễ dàng trưng mua trưng dụng thu hồi tài sản của công dân. Việc này cần làm để hoàn thiện thể chế về kinh tế thị trường, nền kinh tế sẽ không phát triển thịnh vượng khi quyền sở hữu tài sản không được củng cố vững chắc.
Mọi người cũng cần thúc giục nhà nước cải cách thể chế nâng cao quyền hạn cho ngành Tòa án để Tòa án có đủ khả năng thực thi công lý mà không cần đến những chỉ đạo, góp phần tích cực cho quản trị quốc gia.
Các vụ việc tranh chấp giữa người dân hoặc một cộng đồng dân cư với chính quyền các cấp hoặc kể cả với chính phủ đều sẽ phải được giải quyết bởi tòa án, thay vì cơ quan nhà nước sử dụng quyền lực hành chính để áp đặt lối giải quyết các tranh chấp vướng mắc có liên quan đến mình.
Thúc giục nhà nước xây dựng củng cố chính quyền dân sự, tiết giảm vai trò ảnh hưởng của ngành cảnh sát để hòa hợp với đời sống xã hội dân sự và nền kinh tế thị trường. Nhà nước cần đặt nền móng cho các hoạt động bằng lối nhận thức duy lý, coi trọng các hoạt động đối thoại, đàm phán, thương lượng, hòa giải thay cho các hoạt động sức mạnh cường quyền với nhiều thuộc tính cưỡng chế mệnh lệnh.
Thực tế thì nhà nước lâu nay cũng đã tiến hành những cải cách sửa đổi, nhưng quyết tâm không nhiều, bước tiến bước lùi, tiến bộ rất chậm chạp, mà trong thời gian đó nhiều sự vụ vẫn xảy ra trong đời sống, tính mạng và tài sản của người dân bị nhiều rủi ro.
Cho nên qua vụ Đồng Tâm này nhà nước nên coi đây là một hồi chuông báo động, một minh chứng cho thấy nhu cầu khẩn trương cấp bách về những giải pháp chính sách cải cách đột phá cho phát triển, nhằm tránh xảy ra cho những vụ việc về sau.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search Đồng Tâm một vụ án chứa đựng nhiều ý nghĩa