Hôm 25/7, bà Helen Nguyễn, vợ của công dân Mỹ Michael Nguyễn, người vừa bị kết án 12 năm tù ở Việt Nam, đã ra điều trần trước Hạ viện Hoa Kỳ với tư cách nhân chứng cho các vụ vi phạm nhân quyền ở các quốc gia Đông Nam Á, theo VOA.
Bà cáo buộc chồng bà bị tước quyền được xét xử một cách công bằng theo tiêu chuẩn luật pháp quốc tế.
Gia đình bà cho biết: “Trong suốt thời gian bị giam giữ gần một năm trước khi xử án, ông Michael không được phép gặp thân nhân hay tiếp xúc với luật sư bào chữa”.
Lên tiếng tại buổi điều trần, dân biểu Brad Sherman, Chủ tịch Tiểu ban phụ trách các vấn đề châu Á của Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện, cảnh báo rằng Việt Nam nên coi trọng mối quan hệ giao thương với Hoa Kỳ bằng cách hãy trả tự do cho ông Michael.
“Việt Nam nên quan tâm đến hình ảnh của chính quốc gia mình trong mối quan hệ với Hoa Kỳ. Việt Nam hiện đang đặt mục tiêu để hưởng lợi trong mối quan hệ với Hoa Kỳ. Nhân quyền là vấn đề quan trọng đối với Hoa Kỳ. Đã đến lúc phải đưa Michael Nguyễn về nhà.”
Thể diện quốc gia
Là một luật sư nên tôi thấy lời cáo buộc không có luật sư bào chữa là điều hết sức đáng tiếc và rất không đáng có, đã làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong con mắt quốc tế.
Tôi thấy giới luật sư Việt Nam hoàn toàn có thể đóng góp xây dựng để xóa đi lời cáo buộc này trên toàn thế giới từ nay trở về sau.
Chỉ bằng cách giản dị là nhà nước tạo điều kiện và đừng cấm cản luật sư tham gia bào chữa cho các bị can.
Các cơ quan tư pháp cần chấm dứt ngay những hành vi làm xấu hình ảnh quốc gia trong con mắt cộng đồng quốc tế bởi việc không để bị can có được luật sư bào chữa.
Thực tế hiện nay, các cơ quan tư pháp không cho luật sư tham gia bào chữa trong giai đoạn điều tra đối với các vụ án về an ninh quốc gia, nhiều bị can có quốc tịch nước ngoài và những người còn lại thì cũng được giới nhân quyền quốc tế quan tâm.
Từ đó khiến tạo ra hình ảnh diện mạo xấu xí của nền tư pháp Việt Nam trong con mắt cộng đồng quốc tế.
Điều cũng khiến người ta bức xúc thêm là các vụ án thường kéo dài từ nhiều tháng đến cả năm. Việc gặp thân nhân cũng không được thực hiện như luật đã có quy định.
Việc cấm cản luật sư tham gia ở giai đoạn điều tra được viện lý do là phải giữ bí mật, trong khi các vụ án người ta thực hiện các hành vi công khai như biểu tình, viết bài, lập hội nhóm công khai, và đó thực ra cũng chỉ là thực hiện quyền tự do dân chủ của công dân.
Cho nên các cơ quan tư pháp cần chấm dứt ngay những sự phân biệt đối xử, kỳ thị, để cho bị can được có luật sư bào chữa ở giai đoạn điều tra. Không để tạo hình ảnh xấu ra quốc tế vì bị can không có luật sư bào chữa.
Giới luật sư có khả năng và trách nhiệm trong việc giữ gìn hình ảnh vị thế đất nước bằng chức phận nghề nghiệp của mình.
Đừng để sự cẩu thả, kém năng lực trách nhiệm, lạm quyền của cơ quan tư pháp, đã khiến mỗi vụ án lại tạo thành một hồ sơ xấu, sẽ khiến tập hồ sơ xấu dày thêm theo thời gian, gây tác hại cho hình ảnh đất nước và cơ hội bang giao phát triển kinh tế.
Đối nội thì sao?
Không biết ở đất nước Triều Tiên có nghề luật sư không?
Và nếu có thì mọi người hãy hình dung là trong một nhà nước tập quyền chuyên chính cao thì vai trò của người luật sư đối với số phận của bị can bị cáo thế nào, tác dụng vai trò của người luật sư có đáng kể không?
Khi đó, giả sử có một số luật sư, mà vì nhận thức thế nào đó, lại thường lên tiếng phê phán cơ chế tư pháp hiện thời và thúc đẩy cải cách thay đổi, thì luật sư đó đang làm điều đúng hay sai?
Có thể nói luật sư như vậy là những người đáng quý hiếm hoi, họ đã nhìn ra được các vấn đề của nền tư pháp và thúc đẩy thay đổi.
Luật sư như vậy vừa có trình độ vừa có trách nhiệm, và xã hội được hưởng lợi nhờ những người như vậy, vì họ đang thúc đẩy xây dựng cho một nền tư pháp đáng mong muốn, đáng có, một cơ chế tư pháp bảo hộ hữu hiệu hơn cho quyền công dân, thay vì một cơ chế tư pháp nặng tính chuyên chế trấn áp, gây rủi ro cho các quyền công dân và oan sai.
Ở Việt Nam hiện nay thì nền tư pháp không phải như thế nhưng có thể nói vẫn còn nhiều vấn đề. Và cũng đang có những luật sư tích cực lên tiếng thúc đẩy cho cải cách tư pháp.
Nhưng những người lên tiếng lại bị lọt vào tầm mắt để ý của an ninh chính quyền.
Trong khi các luật sư như vậy không gây hại mà còn đem lại lợi ích cho nhà nước.
Vì thứ nhất, chính nhà nước cũng hơn ai hết đã nhận thức ra vấn đề, và vì vậy nhà nước đã có chính sách về cải cách tư pháp.
Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương do Chủ tịch nước đứng đầu được thành lập từ năm 2011 là cơ quan thực hiện những cải cách về tư pháp.
Thứ hai, những luật sư tích cực là những người giúp thúc đẩy cho chính sách về cải cách tư pháp được thành công, là cơ chế đối trọng với bộ máy cán bộ tư pháp quan liêu ì trệ, mà vì sự lười biếng, chuyên quyền, không chịu và không muốn thay đổi, sự ì trệ đó không có lợi cho nhà nước.
Rõ ràng là nhà nước hiện nay đang gặp phải vấn đề với chính bộ máy của mình, tình trạng tham ô nhũng nhiễu, và sự quan liêu khiến nhiều chính sách kém chậm được thực thi.
Ví dụ như, từ năm 2003 Bộ chính trị có Nghị quyết 08, năm 2005 có nghị quyết 49 về cải cách tư pháp, trong đó có những chính sách cấp tiến mà cho đến nay vẫn chưa thực hiện được, đó là giảm bớt đầu mối cơ quan có thẩm quyền bắt giam giữ và chuyển giao trại giam giữ sang cho bộ tư pháp.
Hoặc Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã quy định phải lắp đặt ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can, nhưng hiện nay rất chậm triển khai, giới luật sư lên tiếng thúc đẩy để bảo vệ cho cộng đồng khách hàng, vậy nhà nước đứng về phía nào trong việc này?
Nhà nước về phía giới luật sư lên tiếng hay đứng về những cơ quan muốn giữ nguyên trạng?
Không chỉ góc độ chính sách, mà ở góc độ quy định chi tiết, quy trình giải quyết các vụ án hiện còn chứa đựng nhiều sự bất cập lạc hậu, cần phải thay đổi.
Việc chỉ ra những bất cập trong điều tra truy tố xét xử các vụ án, chính là đặt ra đòi hỏi cao về năng lực trách nhiệm của cán bộ tư pháp nhà nước, giúp ích cho nhà nước nhận diện được ra vấn đề và xúc tiến việc nghiên cứu sửa đổi.
Từ đó nhà nước nâng cao được năng lực hiệu quả trong quản trị quốc gia.
Để đạt được điều đó, chỉ cần lãnh đạo nhà nước quan tâm lắng nghe, và đừng nghĩ rằng những người lên tiếng, những người tích cực là người xấu.
Ngược lại, những luật sư như vậy mang đủ phẩm chất năng lực của những người giỏi nhất, vừa đủ thực tế, vừa có chuyên môn, lại có tinh thần xây dựng.
Nhà nước có thể dựa vào họ mà cải tiến cỗ máy tư pháp.
Tóm lại, có thể thấy rằng luật sư Việt Nam hiện nay, có khả năng đóng góp rất lớn cho đối nội và đối ngoại, góp phần tham gia vào quản trị quốc gia và xây dựng đất nước.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Để tư pháp VN có diện mạo đẹp hơn thì cần tôn trọng luật sư’