Năm 2013 các doanh nghiệp nhà nước được tái cơ cấu.
Theo kế hoạch các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện cơ cấu lại danh mục đầu tư và ngành nghề kinh doanh, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính, thoái vốn Nhà nước đã đầu tư vào các ngành không phải kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan đến ngành kinh doanh chính và thoái vốn nhà nước ở các công ty cổ phần mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối.
Cơ cấu để tồn tại
Không chỉ doanh nghiệp nhà nước, các công ty tư nhân cũng phải cơ cấu lại. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giảm bớt lực lượng lao động, bộ máy tổ chức được tinh giảm bớt cồng kềnh, trở lên linh hoạt duy trì khả năng tồn tại qua khó khăn.
Trong lĩnh vực chứng khoán nhiều nhà đầu tư cũng cơ cấu lại danh mục đầu tư, bán bớt đi một số cổ phiếu để chỉ tập trung vào một số cổ phiếu. Nhiều công ty chứng khoán rút bớt nghiệp vụ kinh doanh, rút bớt phạm vi hoạt động.
Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng phải dứt bỏ một số dự án mặc dù đã được phê duyệt để tập trung nguồn vốn vào chỉ một số dự án trọng yếu.
Ngành ngân hàng đứng trước tình hình nợ xấu và suy thoái cũng đã cơ cấu lại, bằng cách sáp nhập một số ngân hàng, giảm bớt số lượng ngân hàng trên thị trường.
Đứng trước bối cảnh kinh tế khó khăn hầu hết các doanh nghiệp đều phải cơ cấu lại. Điều đó đã được tính toán thận trọng trên mọi phương diện và không ai cho là không đúng.
Đứng trước khó khăn doanh nghiệp hành xử giống như con thuyền vượt đại dương, cần dứt bỏ bớt để nhẹ bớt, hầu vượt qua được bão giông.
Người thuyền trưởng có tầm nhìn xa, tự mình thấy được và giúp các thủy thủ cùng thấy vùng chân trời màu tối phía trước, từ đó có kế hoạch ứng phó với bão giông, sẵn sàng bẻ lái con tàu. Thuyền trưởng khi đó phải có bản lĩnh vững vàng, tinh thần dũng cảm, gạt bỏ mọi ý kiến dao động để kiên quyết hành động.
Giống như thế, lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải thấy được những biến đổi theo hướng xấu của môi trường kinh tế xã hội. Từ đó đề ra những biện pháp điều chỉnh để tìm hướng đi.
Nhìn về Đảng
Mỗi tổ chức đảng đều có hai vấn đề quan trọng: kết cấu nhân sự và phạm vi hoạt động. Trong quá trình phát triển cùng với sự biến thiên của thời cuộc tổ chức đảng sẽ có những điều chỉnh sao cho phù hợp.
Khi tổ chức còn nhỏ, nhân sự ít thì phạm vi hoạt động cũng hẹp. Sau khi đã nắm chính quyền, trong một thời kỳ dài Đảng Cộng sản đã chủ trương phát triển mạnh về số lượng đảm bảo có đủ nhân sự để lãnh đạo chính quyền và quản lý mọi mặt đời sống xã hội.
Hiện nay, Đảng cộng sản có khoảng 3,6 triệu đảng viên phân bổ trên mọi miền đất nước, hoạt động trong tất cả các cơ quan chính quyền và trong mọi tổ chức xã hội dân sự.
Sự hiện diện của tổ chức Đảng trong mọi mặt đời sống giúp cho các chủ trương đường lối của Đảng được thực thi chặt chẽ và giúp Đảng lãnh đạo kiểm soát xã hội.
Mặc dù vậy cũng phát sinh hạn chế là ở một số phạm vi, sự hiện diện của tổ chức đảng khiến cho đời sống xã hội dân sự bị bóp nghẹt mất đi không gian tự do dân chủ. Bộ máy tổ chức nhân sự khổng lồ là sức ì lớn làm chậm mọi chủ trương đổi mới cải cách của lãnh đạo Đảng.
Đặc biệt khi các đảng viên suy thoái về đạo đức lối sống thì dễ dàng bị nhân dân nhận ra. Tệ trạng này nghiêm trọng đến nỗi chính các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng đã cảnh báo về sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Sự suy thoái của đảng viên thực chất chính là việc lãnh đạo Đảng không kiểm soát nổi đảng viên. Điều này phải chăng có nguyên nhân từ số lượng đảng viên quá lớn và phạm vi quản lý quá rộng?
Tôi cho rằng Đảng nên được cơ cấu lại giống như cách các doanh nghiệp đã làm, tức là Đảng nên rút bớt phạm vi hoạt động.
Lâu nay Đảng nắm giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nay nên chăng Đảng chỉ nên giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước, bớt đi vai trò lãnh đạo xã hội.
Tức là Điều 4 Hiến pháp sẽ được sửa lại chỉ còn: Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước.
Như thế Đảng sẽ được cơ cấu lại giống như doanh nghiệp, bộ máy Đảng sẽ trở lên nhẹ bớt và linh hoạt. Đảng sẽ củng cố lại tổ chức, siết chặt lại đội ngũ lỏng lẻo, rũ bỏ đi những đảng viên suy thoái để lấy lại uy tín. Đảng sẽ tập trung những đảng viên ưu tú vào lãnh đạo bộ máy chính quyền, trong đó có Chính phủ, quân đội, công an, ủy ban nhân dân.
Phần còn lại là không gian cho các tổ chức xã hội dân sự, Đảng thôi không giữ vai trò lãnh đạo, các đảng viên khi đó có quyền lựa chọn có tiếp tục hoạt động hay không trong các tổ chức đó, song chi bộ đảng sẽ không giữ vai trò lãnh đạo, không áp đặt.
Bằng cách đó, một mặt các chủ trương đường lối của Đảng vẫn còn có chính quyền là công cụ đảm bảo thực thi, Đảng vẫn có quyền và không lo mất vai trò lãnh đạo. Mặt khác, khi rút bớt phạm vi hoạt động, buông bỏ xã hội dân sự sẽ giúp dân chủ hóa đời sống.
Không phải lo ngại
Hiện nay có nhiều tiếng nói yêu cầu bỏ Điều 4 Hiến pháp, yêu cầu thiết lập thể chế đa đảng. Trong đó có những người là đảng viên. Quan điểm của họ cũng có cơ sở hợp lý mà Đảng không thể cứ mãi bác bỏ. Nếu thấy chưa thể đa đảng thì nên chăng hãy tìm ra đường lối giải quyết dung hòa?
Sẽ có người lo ngại nếu Đảng lùi một bước trước những đòi hỏi sẽ tạo đà khiến cho Đảng phải lùi thêm bước nữa và mất dần khả năng kiểm soát Nhà nước, xã hội.
Tôi cho rằng nếu Đảng được cơ cấu lại khi đó Đảng sẽ được thanh lọc, thành phần tinh hoa nhất sẽ lãnh đạo chính quyền và đó chính là nguồn lực tạo sức mạnh khiến Đảng mạnh lên. Khi Đảng tập trung nguồn lực cho lãnh đạo Nhà nước thì có cơ sở để tin Đảng sẽ nắm chắc hơn, làm tốt hơn.
Khi được buông bỏ, xã hội dân sự có được không khí tự do dân chủ sẽ song hành cùng với Đảng nâng tầm phát triển đời sống nhân dân, khi đó Đảng sẽ có được uy tín trong dân với tư cách là người chủ đạo việc thay đổi và đem lại kết quả tích cực. Mặt khác Đảng cũng vẫn gián tiếp lãnh đạo đời sống xã hội bằng cách thông qua luật pháp nhà nước. Xã hội dân sự phải tuân thủ luật pháp và cũng liệu mà hoạt động, nếu không muốn Đảng quay lại chi phối.
Đã có thời kỳ Đảng không lãnh đạo Nhà nước do chưa nắm được chính quyền, nhưng lịch sử đã chứng minh điều đó không hề ảnh hưởng tới sự lớn mạnh của Đảng. Nay Đảng đã nắm được chính quyền, tuy không lãnh đạo xã hội dân sự cũng không có lý do gì khiến Đảng không vững mạnh thêm.
Đã qua rồi thời kỳ Đảng cần có nhiều đảng viên để kiểm soát mọi mặt đời sống xã hội. Vai trò của tổ chức Đảng trong đời sống dân sự đến đâu, 6.000 đảng viên của Vinashin hẳn giúp ta thấy được phần nào của bức tranh toàn cảnh. Giai đoạn này Đảng cần cơ cấu lại, tập trung phát triển về chất lượng đảng viên và chất lượng lãnh đạo điều hành.
Chính Đảng cũng đã thấy được bộ máy cồng kềnh áp đặt lên đời sống xã hội đã không đem lại hiệu quả điều hành đất nước, không tốt cho Đảng. Vì lẽ đó nên từ năm 2008 Đảng và Nhà nước đã thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, thực chất là bỏ bớt đi phạm vi hoạt động của Đảng trong hệ thống. Điều này xem như một bước tạo đà để mạnh dạn thực hiện thêm những đổi mới.
Cũng sẽ vấp phải những tiếng nói phản đối do quyền lợi bị ảnh hưởng. Nhưng đứng trước nguy cơ tồn vong, lãnh đạo Đảng cần mạnh mẽ quyết đoán như người thuyền trưởng, lấy sứ mệnh và quyền năng của người đứng đầu để hành động. Khi Đảng cơ cấu lại sẽ lồng vào đó rũ bỏ đi những đảng viên thoái hóa biến chất, những đảng viên trung thành sẽ vì quyền lợi của chính Đảng mà ủng hộ chủ trương này.
Nhìn sang nước phát triển như Singapore sẽ giúp Đảng củng cố niềm tin, đảng lãnh đạo bên đó cũng chỉ lãnh đạo chính quyền mà không lãnh đạo đời sống xã hội dân sự, dành phần không gian cho xã hội công dân, có thế đất nước mới phát triển yên bình.
Cuối cùng, để tồn tại và tiếp tục phát triển các doanh nghiệp đều cơ cấu lại và không ai cho điều đó là không đúng, nhưng đã có ai nhận ra là Đảng cũng cần được tái cơ cấu? Bài viết này do thiếu những dữ kiện thông tin cần thiết nên không thể triển khai sâu thêm, rất mong được tiếp tục nghiên cứu.
Bài đã đăng trên BBCVietnamese tại đây: Google search: ‘Đảng cần tái cơ cấu’