Hôm 23/5 trong kỳ họp Quốc hội khi bàn về đề xuất bãi bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh, đại biểu Phạm Khánh Phương Lan có phát biểu được nhiều báo dẫn lời rằng “nhân văn với tội phạm là độc ác với đồng bào”.
Cụ thể, sau khi nêu những băn khoăn về đề xuất bỏ án tử hình đối với các tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và phòng bệnh; tội tham ô và tội nhận hối lộ trong lần sửa đổi này, bà Lan đặt câu hỏi.
“Vậy còn gia đình nạn nhân thì sao? Chúng ta nhân văn với tội phạm là độc ác với đồng bào mình, với những người sống tuân thủ pháp luật. Những thân nhân của nạn nhân, những người chết vì tội phạm này làm sao họ có thể chấp nhận được”.

Tội phạm cũng là đồng bào
Tôi không đồng tình với ý kiến đó và thấy thật là sai khi phân biệt tội phạm với đồng bào.
Rõ ràng những người phạm tội, trừ một số người nước ngoài còn phần lớn là công dân trong nước, đó là những đồng bào với mình, dù hành vi phạm tội của một số có dã man tàn bạo đến đâu đi chăng nữa. Đó là một sự thật rõ ràng. Không coi họ là đồng bào, vậy coi họ là địch thù để áp dụng mọi biện pháp bất kể tiêu chí tiêu chuẩn với họ?
Đừng quên rằng hầu hết các tội phạm sau khi mãn hạn tù họ lại trở về với đầy đủ quyền công dân. Thực tế rất nhiều những ông bố, bà mẹ, những người lao động đang tạo ra của cải xã hội, đã từng là tội phạm.
Việc đối xử với người phạm tội như thế nào sẽ trở thành kinh nghiệm ký ức với họ.
Trong khi mỗi năm có hàng trăm nghìn người vướng vào vòng lao lý. Đằng sau hàng trăm nghìn con người đó lại có hàng trăm nghìn gia đình người thân, họ sẽ kể cho nhau nghe những câu chuyện và truyền cho nhau những kinh nghiệm. Những gì họ đã được đối xử là rất quan trọng để vun đúc giữ gìn nền tư pháp. Bởi vậy đối với mọi tội phạm đều cần được đối xử nhân văn, tình người.
Đối với việc bãi bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh, gồm các tội dễ gây tranh cãi như tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, quan điểm của tôi là nên bỏ. Pháp luật cần sự nhân văn, duy trì hình phạt tử hình là truy cầu công lý bằng sự nghiệt ngã.
Nên công khai số liệu
Cũng khi phát biểu về án tử hình, Đại biểu Sùng A Lềnh đã chia sẻ một vài thông tin mà qua đó cho thấy phần nào số liệu về vấn đề này. Nội dung trích dẫn lại từ báo Thanh niên như sau:
Đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) ủng hộ việc bỏ án tử hình với 8 tội danh, đặc biệt là với án vận chuyển trái phép ma túy. Ông dẫn chứng, qua giám sát thực tiễn vào năm 2023 thì 83% số người bị kết án tử hình là án ma túy. Như ở Lào Cai là 97% trong số 110 đối tượng bị kết án tử hình là do tội danh này.
Trong khi đó số lượng thi hành án tử hình theo ông Lềnh là rất chậm, chỉ khoảng 1% mỗi năm. Do đó ông Lềnh đánh giá việc chuyển án tử hình thành chung thân không xét ân giảm thì đối tượng chính là những người bị kết án tử hình do tội vận chuyển ma túy, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng cao biên giới.
Theo đại biểu, việc chuyển hình phạt tử hình sang chung thân không xét ân giảm là hợp lý, thể hiện tính chất nhân đạo của Nhà nước, đồng thời giảm tải trại giam của Bộ Công an. “Theo số liệu chúng tôi nắm được thì còn khoảng trên 1.000 đối tượng bị kết án tử hình thiếu buồng giam. Các trại giam thì quá tải”.
Từ lời phát biểu của Đại biểu Sùng A Lềnh, tôi thấy theo kết quả giám sát trên cả nước, 83% án tử hình là tội về ma túy. Nếu bỏ hình phạt tử hình cho tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy sẽ giúp tụt giảm số lượng lớn án tử hình.
Ở riêng tỉnh Lào Cai tính đến năm 2023 có 110 người bị kết án tử hình. Để thấy được ý nghĩa của con số này có thể so sánh với số tử tù của cả nước Nhật Bản.
Thông tin tham khảo Chat GPT cho biết, tại Nhật Bản vào năm 2022 họ đã hành quyết 01 trường hợp tử tù. Từ năm 2023, 2024 cho tới tháng 5/2025 họ không hành quyết trường hợp nào. Hiện tại cả nước Nhật Bản có 106 tử tù đang chờ thi hành án.
Tìm kiếm thông tin khác từ một bài báo năm 2017 trên báo pháp luật, cơ quan của bộ tư pháp, bài báo cho biết trong 07 năm, từ năm 2010 đến 2017, Nhật Bản đã hành quyết 28 trường hợp, trung bình mỗi năm hành quyết 04 tử tù. Cũng ở thời điểm năm 2017 cả nước Nhật Bản có 122 tử tội đang chờ thi hành án.
Dẫn ra như thế để tham khảo thấy rằng, cùng là các quốc gia có án tử hình nhưng họ có số lượng rất ít, cả nước Nhật chỉ ngang bằng một tỉnh ở mình.

Công khai số liệu sẽ giúp cho phát triển kinh tế
Là người đã dành nhiều năm kêu oan cho tử tù, trước kia là trường hợp ông Hàn Đức Long, hiện nay là trường hợp Hồ Duy Hải, thật là hợp lý khi tôi có quan điểm về việc bãi bỏ án tử hình. Điều đó như một sự tất yếu, bởi lẽ chẳng thể nào một người đã dành nhiều năm kêu oan cho tử tội mà lại ủng hộ hình phạt tử hình.
Cũng bởi do đã dành nhiều năm nghiền ngẫm tìm kiếm luận chứng gỡ tội cho án tử, tới nay tôi đã tích lũy được một cơ số luận điểm tri thức phong phú về vấn đề này, có thể đưa ra những luận bàn cung cấp một nguồn quan điểm tham chiếu giúp cho việc ban hành ra quy định được hợp lý đúng đắn nhất.
Những năm qua tôi có lẽ là người đã tích cực nhất trong giới chuyên gia pháp lý đã thường xuyên quan tâm luận bàn về án tử hình, qua các bài luận bàn trên mạng xã hội và báo chí điện tử. Trên cơ sở kiến thức hiểu biết đã nghiên cứu về chủ đề này đã cho phép tôi nhìn ra được định hướng phát triển cho vấn đề mà có lẽ những người ít quan tâm hơn sẽ không nhận ra.
Cụ thể nếu Bộ luật hình sự mới được thông qua bãi bỏ hình phạt tử hình tám tội danh, trong đó có tội vận chuyển trái phép chất ma túy, khi đó những người đã bị kết án tử hình vì tội này sẽ được ân giảm xuống án chung thân, điều này sẽ giúp làm sụt giảm số lượng lớn án tử hình đã tuyên.
Điều này là có căn cứ bởi như thông tin chia sẻ từ đại biểu Sùng A Lềnh thì 83% án tử hình là về tội ma túy. Còn theo hiểu biết của tôi thì người phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy chiếm số lượng trong các án tử hình về ma túy được tuyên ra (gồm sản xuất, mua bán, vận chuyển)
Khi số lượng án đã giảm nhiều tôi cho rằng các ban ngành nên tính tới việc công khai số liệu về án tử hình. Có thể trong thời gian tới Việt Nam vẫn là quốc gia có án tử hình nhưng con số cũng chỉ ở mức vừa phải như các quốc gia khác. Đó sẽ là điểm nhấn đáng chú ý về sự cải cách tiến bộ của pháp luật hình sự.
Lâu nay có những tổ chức quốc tế đánh giá thang điểm cho việc thực thi pháp luật mỗi nước, dữ liệu về sự thực thi pháp luật được chia sẻ cho các tổ chức thương mại đầu tư. Theo đó hệ thống pháp luật văn minh phù hợp với thông lệ quốc tế sẽ là điểm cộng để thu hút đầu tư thương mại.
Chính phủ các nước cũng sẽ xác lập mối quan hệ bang giao sâu sắc nếu như hệ thống pháp luật nước ta tương đồng với họ về các giá trị chung. Bỏ tử hình thì vẫn còn đó hình phạt giam giữ chung thân, có thể còn chung thân không ân xá, đó cũng là những hình phạt rất nghiêm khắc rồi.
Luật sư Ngô Ngọc Trai