Mới đây tại tỉnh Hải Dương xảy ra một vụ việc chấn động, một chủ nợ cho vay nặng lãi đã bị giết chôn xác mất tích mà gia đình tìm kiếm nửa năm không ra, nguyên nhân là do con nợ bị đẩy vào bước đường cùng nên đã bức xúc ra tay sát hại.
Với mức lãi xuất hơn 90%/năm, sau một thời gian dài trả lãi nặng, người vay bị ép viết giấy bán nhà và bị chủ nợ đe dọa cho người đến nơi làm việc để quấy phá, theo Tuổi Trẻ.
Lâm vào tình trạng quẫn bách người vay đã giết chủ nợ sau khi chôn thì đào lên đốt phi tang, cuối cùng ra đầu thú trước cơ quan pháp luật.
Đằng sau vụ án gây chấn động dư luận cần nhìn ra nguyên nhân là hoạt động cho vay nặng lãi có tính chất xã hội đen gây ra, để tình trạng này tồn tại có một phần lỗi trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước.
Mới đây tại Hà Nội, Công an quận Nam Từ Liêm đã phát hiện danh sách gần 1.000 người phải thế chấp ảnh khiêu dâm để được vay tiền từ tổ chức tín dụng đen. Tin này cũng được đài BBC đăng tải trên trang web.
Chủ nợ dùng hình ảnh nhạy cảm của con nợ để uy hiếp đòi tiền. Một số người vay bị đe dọa sẽ tung ảnh, video nhạy cảm lên mạng xã hội và gửi cho người thân nếu không trả nợ, khi không trả được nợ đã phải đi bán dâm.
Tại huyện Chương Mỹ, việc cho vay nặng lãi diễn ra phổ biến công khai, các chủ nợ nhắm đến đối tượng là các thanh niên trẻ nhẹ dạ muốn có tiền tiêu xài, khi không trả được nợ thì cho côn đồ đi đòi, nhiều đối tượng thường xuyên có các hành vi gây mất an ninh trật tự.
Ngày 7/9/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1118/CĐ-TTg gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay một số nhiệm vụ trong hoàn cảnh Covid-19.
Trong đó giao cho Bộ Công an tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tập trung trấn áp tội phạm có tổ chức liên quan đến ‘tín dụng đen’.
Chỉ đạo là thế nhưng thực tế nhiều hoạt động tín dụng đen vẫn đang tồn tại diễn ra công khai.
Để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, thiết nghĩ các cơ quan thực thi pháp luật cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, tích cực xử lý để giảm tránh những hệ lụy mà tệ trạng này đang gây ra cho đời sống xã hội.
Nhìn từ góc độ tội hình sự
Hiện nay Bộ Luật hình sự năm 2015 có quy định tội danh về cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Yếu tố cấu thành tội này ngoài lãi suất thì còn phụ thuộc vào mức thu lợi bất chính đã đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự hay chưa.
Cụ thể việc cho vay nếu lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Trường hợp phạm tội mà thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Dẫn chiếu sang Bộ luật dân sự năm 2015 thì thấy, luật quy định về lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Trường hợp lãi suất mà các bên thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Trường hợp các bên cho vay nhưng không xác định rõ lãi suất thì khi có tranh chấp mức lãi suất sẽ được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn 20%/năm của khoản tiền vay. Tức là 10%/năm của khoản tiền vay.
Dựa vào các quy định pháp luật như vậy các chủ nợ cho vay thường tính mức lãi suất sao cho không chạm mức tới hạn bị xử lý hình sự, tức ở mức 100%/năm.
Ví như trường hợp cho vay trong vụ án ở Hải Dương, có những khoản vay được tính lãi suất là 2500đồng/1 triệu/1ngày. Nếu khoản vay là 100 triệu thì lãi suất ngày là 250 nghìn đồng, mỗi tháng tiền trả lãi sẽ chừng 7,5 triệu đồng.
Theo đánh giá của tôi, mới mức lãi suất như vậy tính cho khoản vay 100 triệu thì lãi suất sẽ chừng 91%/năm, như thế gần đạt mức chạm đỉnh phạm tội 100%/năm.
Hiện nay còn xuất hiện một kiểu cho vay được gọi là ‘bốc bát họ’, một cách gọi sử dụng ngôn từ dân dã vốn gắn bó với mối quan hệ tín dụng truyền thống ở nông thôn, nhưng bản chất lại hoàn toàn khác.
Với những khoản vay nhỏ chỉ chừng một vài chục triệu đồng, thủ tục đơn giản nhanh chóng, đối tượng các chủ cho vay hướng đến là các thanh niên trẻ cần tiền tiêu xài.
Ví dụ như với khoản vay 10 triệu đồng, mỗi ngày sẽ phải trả mức lãi suất chừng 15 đến 20 nghìn đồng/1 triệu/1ngày, tức tiền lãi phải trả từ 150 nghìn đến 200 nghìn đồng mỗi ngày cho khoản vay 10 triệu. Tiền lãi sẽ được trích trừ thu ngay khi giao tiền vay.
Trong khi tiền lương trả cho lao động phổ thông cũng chỉ chừng khoảng 200 nghìn đến 300 nghìn hoặc 4 trăm nghìn đồng mỗi ngày.
Như thế nhiều người vay sẽ phải lao động gần như nô lệ để mỗi ngày trả lãi cho khoản nợ tín dụng đen.
Kiểu cho vay bốc bát họ chắc chắn vi phạm quy định về mức lãi nặng thuộc trường hợp phải bị xử lý hình sự.
Nhưng mức cho vay chỉ chừng vài ba chục triệu cho mỗi người vay trong thời gian ngắn, cho nên mức thu lợi bất chính đã đến mức phải bị xử lý hình sự chưa thì cũng cần xem xét.
Mặc dù thế có thể hình dung chủ nợ tiến hành cho vay nhiều người trong thời gian dài có thể đã thu lợi bất chính với số tiền rất lớn.
Xử lý cách nào?
Nếu các chủ vay đã tìm cách tránh vi phạm pháp luật hình sự thì việc xử lý sẽ thế nào.
Thông thường việc cho vay lãi nặng sẽ đi kèm với các hành vi thu hồi nợ có dấu hiệu xã hội đen bất hợp pháp.
Các chủ nợ luôn nuôi một đội quân gồm những thành phần côn đồ sẵn sàng sử dụng các biện pháp bạo lực, đe dọa cưỡng ép, xâm phạm sức khỏe tính mạng và tài sản người vay cũng như thân nhân gia đình họ.
Cơ quan chức năng chỉ cần nắm bắt theo dõi và xử lý các hành gây rối trật tự công cộng, xử lý về các tội xâm phạm chỗ ở của người khác, tội cố ý gây thương tích hay đe dọa giết người hoặc nhiều tội danh khác có thể áp dụng tương ứng với hành vi đòi nợ kiểu xã hội đen.
Có thể hình dung nếu đối tượng cho vay nặng lãi đã lọt vào tầm ngắm theo dõi của cơ quan chức năng sẽ rất dễ bị tóm hành vi vi phạm pháp luật, khi đó sẽ không thể hoạt động được nữa.
Thực tế như vậy cho nên tình trạng tín dụng đen lâu nay tồn tại là do bởi các hoạt động cho vay lãi nặng đã lọt khỏi con mắt của cơ quan quản lý.
Trong bối cảnh covid 19 hiện nay nền kinh tế đang chịu nhiều ảnh hưởng, các cơ hội kinh tế cho người lao động cũng bị sụt giảm đi.
Trong khi đó tầng lớp thanh niên trẻ với nhiều mong muốn đủ đầy vật chất, chứng kiến lối sống thực dụng dư dả của những ngôi sao mạng xã hội, sẽ bị thôi thúc đòi hỏi dễ sa vào cạm bẫy của tín dụng đen để thỏa mãn nhu cầu vật chất trước mắt.
Từ đó gây ra nhiều hệ lụy cho đời sống xã hội.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘VN: Cơ quan pháp luật cần xử lý nạn ‘tín dụng đen’, ‘bốc bát họ’ với lãi suất cắt cổ’
Công ty luật TNHH Công Chính cung cấp dịch vụ pháp lý:
- Cử luật sư tham gia bào chữa cho Bị can, Bị cáo trong vụ án hình sự;
- Cử luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ kiện dân sự;
- Và các dịch vụ pháp lý khác;