Chuyện buồn dưới chân Núi Đót – Bài 1: Đứa con út dòng họ Hàn

Sau vụ oan sai, đã được minh oan, thả tự do của tù nhân Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang), nhiều ngày nay người dân khắp nơi cũng như các phương tiện thông tin đại chúng lại xôn xao trước thông tin về việc TAND Tối cao vừa có bản kiến nghị xử Giám đốc thẩm, hủy án tử hình đối với Hàn Đức Long về tội giết người, hiếp dâm. Việc điều tra lại, Hàn Đức Long có vô tội, thoát án hay thoát chết hay không là chuyện của các cơ quan tố tụng. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập những đắng cay, tan nát của một dòng họ khi có người “dính án”.

Ngôi nhà tử tù Hàn Đức Long như nhà hoang đã từ lâu

 

Trong tỉnh Bắc Giang, Phúc Sơn là một xã “lọt khe” và rất gần với huyện Phú Bình của tỉnh Thái Nguyên. Núi Đót, thôn Yên Lý là ngọn núi cao nhất, cũng là nơi tụ họp của nhiều gia đình nghèo, trong đó có gia đình tử tù Hàn Đức Long. Đây là họ Hàn duy nhất ở thôn này và hiện nay, sau 9 năm đứa con út có tên Hàn Đức Long vướng vòng lao lý thì dòng họ này đã gặp vô vàn tai ương và hầu như đang khánh kiệt trong bi ai và tủi nhục!

 

Cái sảy nảy cái ung?!

 

Vì là thôn nghèo, xóm nghèo nên người dân ở Yên Lý rất thuần. Bà con yêu thương, nhường nhịn nhau và chủ yếu mưu sinh trên đồng ruộng. Ấy thế mà sự yên ả ấy bỗng bị xáo trộn khi có vụ án đặc biệt nghiêm trọng xẩy ra. Đứa con gái cưng tên Yến, mới 5 tuổi của hai vợ chồng có tên Sơn Liễu nơi đầu xóm bỗng dưng mất tích sau đó được người dân phát hiện đã bị hiếp và giết, rồi dìm dưới con mương cách nhà gần 2km.

 

Người dân nơi đây vẫn còn nhớ, vào khoảng 7 giờ chiều ngày 26-6-2005, vợ chồng anh Sơn, chị Liễu đi làm đồng về không thấy con đâu. Mọi người vội vã đi tìm, nhưng không thấy. Sáng hôm sau người dân đi làm sớm phát hiện thấy xác cháu Yến tại mương nước ngoài đồng.

 

Công an tỉnh Bắc Giang đã đưa những cán bộ có kinh nghiệm và có nghiệp vụ vào chuyên án. Sau 4 tháng điều tra không tìm ra manh mối thủ phạm nên đã phải ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, đồng thời phát động nhân dân trong thôn, xóm tố giác tội phạm. Sự phát động này nhanh chóng nhận được “hồi âm”. Cơ quan điều tra nhận được đơn tố cáo của hai mẹ con, gồm cụ Ngô Thị Khuyến, 75 tuổi và người con gái Trương Thị Năm, 45 tuổi (do Nguyễn Thị Chung con dâu viết hộ) tố bị Hàn Đức Long hiếp dâm. Trước thời điểm tố cáo bị hiếp dâm chừng một tháng, gia đình cụ Khuyến, chị Năm và Hàn Đức Long đã xảy ra mâu thuẫn đánh nhau vì tranh chấp đất đai.

 

Từ đơn tố cáo này, Cơ quan điều tra bắt giam Hàn Đức Long để điều tra. Trong quá trình đấu tranh, Hàn Đức Long đã thú nhận việc hiếp dâm hai mẹ con cụ Xuyến và còn khai nhận thêm chính mình là thủ phạm hiếp, giết cháu Yến. Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm tuyên án tử hình Hàn Đức Long, Tòa phúc thẩm TAND tối cao xử phúc thẩm tuyên y án tử hình. Sau đó Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xử giám đốc thẩm tuyên hủy hai bản án yêu cầu điều tra lại. Đến năm 2011 TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm lần 2 vẫn tuyên án tử hình, Tòa phúc thẩm TAND tối cao xử phúc thẩm lần 2 cũng tuyên án tử hình

 

Từ đó, gia đình họ Hàn bắt đầu lao đao và bước đến bên bờ vực của sự tan nát.

 


 

Ngoài làm thuê chị Mai lại chăm chỉ vào việc
viết đơn kêu cứu cho chồng

 

Chuỗi ngày cơ cực của vợ kẻ tử tù

 

Trước những năm 1930 của thế kỉ 20, khu vực Núi Đót, Yên Lý, Phúc Sơn, Tân Yên vốn là nơi âm u tù hãm. Ông Hàn Đức Cảnh, bố của Hàn Đức Long lên đây từ ngày ấy. Mẹ của Hàn Đức Long trước đây ở Hưng Mai, Việt Yên lên, vốn là gái đã một đời chồng nhưng chồng bị chết, một nách nuôi 3 con gái.

 

Lên chốn hoang vu này, gặp ông Hàn Đức Cảnh, được mọi người vun vào, họ đã yêu và lấy nhau. Mối tơ duyên đầy tình người này đã cho ra đời dưới chân Núi Đót thêm 3 người con nữa là Hàn Thị Thanh, Hàn Đức Minh và Hàn Đức Long. Hàn Đức Long sinh năm 1959, năm 1978, lên đường nhập ngũ, tham gia chiến tranh biên giới. Phục viên trở về, ông Long đã được người dân ở đây bầu làm công an viên của xã.

 

Trong thời gian gần 10 năm làm công an viên của xã, ông Long đã được cô gái quê có tên Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1970, người cùng xã, bên thôn Đài Sơn đem lòng yêu quý. Sau nhiều lần đi lại, Long và Mai đã nên vợ thành chồng và “khai hoa, kết nhụy” được 2 con. Con gái đầu tên Hàn Thị Ninh, sinh năm 1988 và Hàn Đức Trọng, sinh năm 1989. Ngôi nhà nghèo nhưng hạnh phúc ở xóm Núi Đót này tưởng như sẽ hạnh phúc và ấm êm trong những ngày tháng tiếp theo, nào ngờ…

 

Với khuôn mặt già hơn với cái tuổi 43 của mình, bàn tay lấm lem vôi vữa, vàng khè móng và bị nước xi măng “ăn” đến nham nhở, chị Nguyễn Thị Mai sụt sùi cho biết, từ ngày chồng bị bắt đi, rồi lần tuyên án thứ nhất, lần thứ hai, cả nhà, cả gia đình hầu như đều bị tuyên án. Không dám ngẩng mặt lên nhìn xóm làng. Ra ruộng về nhà cứ phải lén lút, gặp người quen chỉ dám cúi mặt xuống để chào. Họ có nghe, có chào lại hay không không cần biết. Đành chấp nhận cái nhục, cái tủi mà sống.

 

Sau nhiều lần tuyên án, tin có một uẩn khúc gì đó với người chồng nên chị Mai vẫn đeo đuổi đơn thư cho chồng. Mất đi trụ cột chính, mấy mẹ con với vài sào ruộng, cơ cực đủ đường. Để cứu gia đình, theo cánh bạn, chị Mai đã “trôi” xuống Hà Nội. Nay Gia Lâm, mai Đông Anh, lại cả Sóc Sơn, chỗ nào có công trình xây dựng là chịM nhao vào xin làm thuê làm mướn. Hết nấu cơm, chợ búa cho cánh thợ thì công việc chính của chị vẫn là trộn vữa và đội vữa lên các tầng của công trình.

 

Làm thuê được 150 nghìn đồng/ngày, nhưng số tiền này mỗi ngày chị Mai cũng chỉ dám dùng 50 nghìn cả ăn uống và sinh hoạt, còn 100 nghìn là để lại. Chị dùng số tiền này cho việc đơn thư, xe ôm đến nơi gửi đơn và tiền xe cộ về quê để tiếp tế cho chồng trong trại. Dù gắng gượng và chắt chiu lắm nhưng mỗi lần vào thăm chồng, chị cũng chỉ gửi cho chồng được 500 nghìn để tiêu thêm!

 

Hiện nay tài sản của chị Mai chỉ là chiếc túi với bộ quần áo cũ. Bán sức kiếm tiền và đơn thư, mong muốn tìm được công lý cho chồng là những gì người phụ nữ này đang dồn những “hột sức” cuối cùng vào đấy!

 

ĐƠN THƯƠNG

 

Bài 2: Ngắc ngoải… những thế hệ
Theo Daidoanket.vn