Việt Nam hiện nay đang ở bước ngoặt, vừa bị ảnh hưởng bởi chính sách phát triển dân tộc to lớn của Trung Quốc, vừa vào lúc Hoa Kỳ là cường quốc số một cũng đang đặt trọng tâm vào chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương, từ đó khiến Việt Nam bị mắc kẹt giữa những xung động giữa các nước lớn.
Thành ra đây là giai đoạn mà người Việt rất cần đến những kiến thức kinh nghiệm về chính trị, quân sự và ngoại giao, để từ đó có thể hoạch định được tầm nhìn phát triển dài hạn, cả trăm năm cho quốc gia và dân tộc.
Đọc sách là hội nhập với thế giới
Hiện tôi đang đọc cuốn sách “Từ Beirut đến Jerusalem”, một cuốn sách cũ đã được viết từ những năm 1980s, nội dung mô tả về những diễn biến xung đột giữa các nước ở khu vực Trung Đông như Israel, Lenanon, Syria, người Ả rập, Palestine… mà trong một thời gian dài những sự kiện ở đó đã thu hút sự quan tâm chú ý của toàn thế giới.
Đó là một cuốn sách dày hơn 700 trang, được viết bởi một nhà báo của The New York Times từng có thời gian 10 năm công tác ở Trung Đông, tên tuổi tác giả chẳng mấy xa lạ đó là Thomas Friedman, tác giả của những đầu sách bán chạy như Thế Giới Phẳng, Chiếc Lexus và cây Ô liu, đã giành được nhiều lần giải thưởng sách danh giá Pulitzer.
Nội dung sách mô tả từ những bố cục lớn như là mối quan hệ giữa các nước, đường lối hành động của các nhà chính trị như Thủ lĩnh lực lượng PLO Yasir Arafat hay Thủ tướng Israel Ariel Sharon, sự tác động của khối Ả rập hay Iran, Iraq và Mỹ.
Bên cạnh đó là tâm trạng căng thẳng của người dân sống giữa môi trường xung đột, không biết khi nào thì một quả bom phát nổ lấy đi tính mạng của họ, ngoài ra là các hoạt động buôn bán chung chuyển những món hàng hóa xa xỉ vẫn diễn ra dưới sự bảo kê của các nhóm vũ trang…
Tình cảm, lý trí và ước vọng quốc gia
Khi đọc một cuốn sách như vậy, người đọc sẽ thấy được một góc nhìn lớn bao quát về cục diện lịch sử biến động của một khu vực, trong một giai đoạn vài chục năm.
Và khi đối chiếu với hiện tại thì thấy được tương lai của quá khứ, thấy được hệ quả của những quyết định chính sách, thấy được sự thăng trầm của các dân tộc, với tình cảm và lý trí đã đưa họ đi xa đến đâu trong tiến trình phát triển không ngừng của lịch sử.
Hay như trước đây tôi cũng đọc tác phẩm về Hoàng đế Napoleon, một cuốn sách dày hàng nghìn trang, mô tả từ một người thanh niên đảo Corsica đã trở thành một lính pháo thủ và Hoàng đế nước Pháp ra sao.
Hoàng đế Napoleon Bonaparte là người đầu tiên của chính sách không trả thù giết hại những người bị thua trong cách mạng, có lẽ bởi đó mà chính ông đã giữ được tính mạng khi bị thất trận mất quyền để rồi sau đó bị đày đến đảo Elba.
Và ngay cả khi sau đó ông quay trở lại nước Pháp làm cuộc cách mạng chiếm quyền trở lại và rồi thua trận ở Waterloo thì ông cũng vẫn không bị kẻ thù sát hại mà thay vào đó bị đày tới đảo Saint Helena ở giữa Đại Tây Dương.
Nhờ cuốn sách mà tôi thấy được một tiến trình mấy chục năm lịch sử, những cuộc xung đột giữa các vị vua của châu Âu thời kỳ những năm 1800s, quan điểm nhận thức của tầng lớp quý tộc hay cảm nhận đời sống của tầng lớp bình dân, những điều đó đã dẫn nước Pháp và châu Âu tiến tới thế kỷ 20 như thế nào.
Hoặc như một tác phẩm lịch sử được coi là thuộc vào hàng quan trọng nhất là tác phẩm về Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế Chế thứ 3, một cuốn sách dày cỡ 1500 trang, mô tả đầu tiên từ một họa sĩ lang thang đi lính, rồi trở thành người đứng đầu của Đế chế Đức Quốc Xã ra sao.
Cuốn sách cho ta thấy được thể chế dân chủ còn yếu kém của nước Đức đã giúp một người cực đoan chỉ với bàn tay trắng đã trở thành lãnh đạo một đảng phái chính trị và đứng đầu một đất nước thế nào, nhưng chỉ vì quan điểm nhận thức và đường lối sai lầm đã đem đến thảm họa cho nhân loại.
Cuốn sách cũng cho biết những quyết định đúng đắn hay sai lầm của các nhà lãnh đạo Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Liên Xô trong thế chiến thứ hai đã định hình sự phát triển của thế giới cho tới tận hôm nay.
Khi đọc những tác phẩm đó người đọc sẽ thấy được một chiều dài lịch sử thế giới đã diễn ra, thấy được sự phát triển của các quốc gia dân tộc, những xung lực tâm lý xã hội, các thành tựu khoa học, sự mở mang nhận thức, những tín điều xã hội, những nguồn lực vật chất, đã tác động tới quyết định hành động của các nhà lãnh đạo hay sự phát triển của các dân tộc thế nào.
Ở phạm vi một quốc gia, những cuốn sách về Thiên hoàng Minh Trị của nước Nhật thời kỳ những năm 1860s hay về Nhật hoàng Hirohito trong giai đoạn thế chiến thứ hai, sẽ giúp cho người đọc thấy được sự phát triển của nước Nhật và những quyết sách lớn quan trọng của lãnh đạo nước này đã biến một nước phong kiến phương Đông lạc hậu trở thành một cường quốc công nghiệp thế nào.
Còn nếu đọc hồi ký của Lý Quang Diệu sẽ thấy được tiến trình phát triển của Singapore và điều gì đã tạo lên thành tựu cho quốc đảo nhỏ bé trong khoảng thời gian từ những năm 1960s đến nay.
Nếu đọc Hồi ký chính trị của Mahathir Mohamad, người giữ cương vị Thủ tướng Malaysia trong 21 năm, người đọc sẽ thấy được những quyết sách lớn quan trọng đã giúp đất nước ông phát triển thế nào.
Và nhiều cuốn sách khác.
Những kiến thức du nạp được sẽ là nền tảng tri thức để hiểu về lịch sử và hình dung về tương lai.
Bạn đọc sẽ thấy được những chuẩn mực giá trị bất biến về lòng trung thực, sự chăm chỉ, tinh thần khoan dung, cơ chế dân chủ, khả năng học hỏi, tính lạc quan hướng thiện, là những giá trị đã quyết định sự phát triển vững bền của các dân tộc thế nào.
Khi nhìn lại nội lực của đất nước, thấy được những gì hiện hữu, thấy được những quy luật phát triển tất yếu, từ đó có thể áng chừng định hình được tầm nhìn phát triển cho đất nước trong một khoảng thời gian có thể là 20 năm, 50 năm hoặc 100 năm.
Đó là ích lợi của việc đọc sách giúp cho một người có được tầm nhìn.
Ngoài ra việc đọc sách còn giúp một người sống được nhiều cuộc đời, thấu hiểu và trải nghiệm được nhiều bối cảnh, mà nếu không đọc sách bạn sẽ chỉ sống và cảm nhận các vấn đề của một người ở Việt Nam mà thôi.
Bởi vậy, để hiểu sâu về lịch sử và thế giới, giúp đưa ra các quyết định sáng suốt đúng đắn, các nhà lãnh đạo lớn trên thế giới đều phải thường xuyên đọc sách.
Khi là một người thông thái có hiểu biết, thấy được sự hữu hạn của một chính phủ, một chính quyền, một nhiệm kỳ, trước tiến trình phát triển bất tận của lịch sử, người ta sẽ có xu hướng khiêm nhường hơn, có trách nhiệm hơn, nhân văn hơn và giảm thiểu đi sự hung hăng ngắn ngủi của những người không có thói quen đọc sách.
Kiểm duyệt lạc hậu
Mặc cho tính cách quan trọng của sách sử như vậy, nhưng hiện nay ở Việt Nam vẫn đang tồn tại chính sách kiểm duyệt lạc hậu, gây tác hại xấu tới khả năng xác định tầm nhìn phát triển tương lai lâu dài cho đất nước.
Xem xét lại lịch sử thế giới thì thấy, trong số nguyên thủ các nước, cho đến nay có lẽ chỉ có duy nhất Winston Churchill, cựu Thủ tướng nước Anh trong Thế Chiến II, người góp công lớn cứu nhân loại khỏi thảm họa phát xít, là người được giải Nobel Văn chương.
Sự hiếm có đó cùng với công trạng to lớn khiến cho tác phẩm của ông trở lên đáng đọc biết bao và có ý nghĩ với hiểu biết của hậu thế về lịch sử như thế nào.
Vậy nhưng tác phẩm quan trọng là cuốn Hồi ký của ông về cuộc chiến tranh thế giới thứ II, mặc dù đã được một nhà xuất bản dịch sang tiếng Việt từ và phát hành từ chục năm trước, không biết có nguyên nhân kiểm duyệt của ngành tuyên giáo thế nào mà cuốn sách không còn thấy xuất hiện và không thể tìm mua trong các hiệu sách?
Một tác phẩm khác là hồi ký của vị tướng tài ba của nước Pháp cũng thời thế chiến thứ hai, cựu Tổng thống Charles de Gaulle, cũng được một nhà sách phát hành từ năm 2015, nhưng chỉ ra được tập 1 còn sau đó không thấy gì nữa, nguyên nhân có lẽ cũng do kiểm duyệt.
Những chuyện này đang làm hạn chế cơ hội tiếp cận với những áng văn chương lớn mở rộng tri thức hiểu biết về nền văn hóa các nước, hạn chế khả năng tiếp cận học hỏi nguồn kiến thức kinh nghiệm về quan hệ chính trị, quân sự và ngoại giao giữa các nước, điều mà người Việt Nam hiện nay rất cần.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Chuyện đọc sách và Tầm nhìn phát triển Trăm năm của VN’