Hôm vừa rồi tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng. Tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân.
Lời phát biểu của người đứng đầu Đảng và Nhà nước cho thấy mảng kinh tế tư nhân đang dành được sự coi trọng rất lớn để động viên phát triển. Trong phạm vi bài này tôi sẽ chỉ ra việc cần làm để tạo lập môi trường kinh tế lành mạnh giúp cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Điều đầu tiên cần hiểu là sẽ không có nền kinh tế lành mạnh khi mà những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc lại cùng hoạt động bên cạnh những doanh nghiệp yếu kém đã lâm vào tình trạng phá sản. Đó là những doanh nghiệp đã không còn trả được nợ khi đến hạn nhưng vẫn đi tìm kiếm các hợp đồng khác, như thế sẽ gây rủi ro cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Việc cần làm là phải cho phá sản những doanh nghiệp vốn đã lâm vào tình trạng phá sản. Song thực tế lâu nay luật phá sản doanh nghiệp mặc dù đã có từ năm 1993, được thay thế bằng luật phá sản năm 2004 và năm 2014 nhưng việc giải quyết phá sản rất ít ỏi. Ít đến nỗi không cả có số liệu thống kê về doanh nghiệp phá sản.
Ví như theo số liệu của Tổng cục thống kê, năm 2018 cả nước có 131.275 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động lên đến 90.651 DN. Trong đó bao gồm 27.126 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 63.525 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể. Trong số 63.525 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể thì có 44.730 DN ngừng hoạt động không đăng ký và 18.795 DN chờ giải thể.
Không thấy có số liệu về DN phá sản trong các dữ liệu của Tổng cục thống kê, nhưng có thể áng chừng số đó nó nằm trong con số 44.730 DN ngừng hoạt động không đăng ký. Và đó là còn chưa kể đến những doanh nghiệp mặc dù đã mất khả năng trả nợ rồi nhưng vẫn dây dưa lay lắt hoạt động.
Chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp của Việt Nam, theo Bảng xếp hạng Doing Business 2019 của Ngân hàng Thế giới, chỉ đạt 34,93 điểm, xếp hạng 133/190 quốc gia. Sau nhiều năm, chỉ số này không được cải thiện, thậm chí còn đi xuống.
Để tạo ra môi trường kinh tế lành mạnh cần thực hiện thủ tục phá sản cho những doanh nghiệp đã không trả được nợ trong vòng ba tháng kể từ ngày đến hạn, theo đúng quy định của luật phá sản. Bằng cách đó sẽ giúp tất toán mọi quan hệ nghĩa vụ hợp đồng, kết thúc một chu kỳ quan hệ hợp đồng trách nhiệm, làm minh bạch nền kinh tế.
Điều đó còn đem lại lợi ích lớn cho cộng đồng doanh nhân, vì hãy hình dung rằng trong số 44.730 DN tạm coi là lâm vào tình trạng phá sản trên kia, rất nhiều trong số này là những công ty TNHH hoặc công ty Cổ phần do từ hai doanh nhân trở lên thành lập. Vậy nên khi thực hiện thủ tục phá sản sẽ giúp cho số doanh nhân (nhiều hơn gấp mấy lần con số 44.730 DN) thoát khỏi những mối dây nhợ chằng chịt nợ nần, tất toán các mối quan hệ nghĩa vụ, giúp họ khỏe khoắn trở lại và có thể tái gia nhập vào nền kinh tế.
Cộng đồng doanh nghiệp còn lại cũng sẽ hưởng lợi về sự yên tâm khi xung quanh không còn những doanh nghiệp vốn đã lâm vào tình trạng phá sản, bởi không ai muốn làm ăn với một doanh nghiệp như vậy. Bằng cách đó môi trường kinh doanh sẽ được sàng lọc đảm bảo chỉ có những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc lành mạnh mới được hoạt động, theo đó cơ chế quản lý nhà nước sẽ tạo ra môi trường kinh doanh có tính bảo hiểm cho các doanh nghiệp.
Vì sao ít doanh nghiệp phá sản?
Hiện nay thủ tục phá sản là một quy trình tư pháp do Tòa án tiến hành. Có nhiều nguyên nhân khiến cho rất ít doanh nghiệp hoàn tất thủ tục phá sản.
Đầu tiên là do những nhiêu khê của quy trình thủ tục tư pháp khiến cho bên chủ nợ e ngại mắc vào một vụ việc pháp lý mà chưa chắc kết quả đã đem lại lợi ích gì. Đây là lý do khiến nhiều khoản nợ đã quá hạn 3 tháng mà chẳng mấy chủ nợ thiết tha với việc gửi đơn yêu cầu phá sản ra tòa án. Cho nên điều cần làm là phải rà soát lại quy trình thủ tục tư pháp để biến việc phá sản thành cơ chế bảo hộ quyền lợi chính đáng cho bên có quyền, thay vì để đó là mối rắc rối khiến người ta không muốn dây vào, mà theo đó quyền lợi chính đáng bị bỏ mặc không được bảo hộ.
Tiếp đến là do sự yếu kém yếm thế của các Thẩm phán Tòa án, họ kém mạnh mẽ trong việc thụ lý và tuyên bố một doanh nghiệp phá sản do lo ngại ảnh hưởng đến doanh nghiệp vẫn còn đang hoạt động với nhiều người lao động. Quy định pháp luật đã có nhưng hành lang pháp lý đó không đủ bảo đảm sự an toàn cho Thẩm phán. Sự bảo hộ về kinh tế và chính trị cho Thẩm phán tòa án còn mỏng mảnh mong manh cho nên họ không dám làm những việc chứa đựng nhiều rủi ro.
Lý do còn lại đến từ chính những doanh nghiệp mắc nợ khi đã không nhận ra ích lợi từ thủ tục phá sản, cho nên doanh nghiệp mắc nợ đã không chủ động nhờ tòa án thực hiện việc phá sản để đem lại lợi ích cho mình. Thực tế đã có rất nhiều chủ doanh nghiệp loay hoay khổ sở với các khoản nợ mà không biết tìm cách giải thoát, sự lựa chọn thường là dừng hoạt động mà không thông báo đăng ký hoặc chấp nhận chịu đựng việc trả lãi cao kéo dài. Sự phổ biến giải thích pháp luật về bản chất của phá sản đã không có cho họ.
Nay tôi chỉ ra những ích lợi của thủ tục phá sản giúp cho cộng đồng doanh nhân biết được như sau:
Trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc ban hành năm 1966 được Việt Nam ký kết tham gia năm 1982, tại Điều 11 có nội dung: “Không ai bị bỏ tù chỉ vì lý do không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng”.
Theo nội dung của điều khoản này thì việc “không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng” sẽ không phải chịu chế tài hình sự. Từ nội dung này của Công ước luật pháp các quốc gia trong đó có Việt Nam đều quy định trách nhiệm trong thực thi hợp đồng thuộc về quan hệ pháp luật dân sự.
Theo quy định của pháp luật dân sự hiện nay thì khi bị vi phạm hợp đồng doanh nghiệp có quyền khởi kiện ra tòa án để buộc bên vi phạm phải chịu phạt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Sau khi bản án của tòa án có hiệu lực thì sẽ đến khâu thi hành.
Theo Luật thi hành án dân sự hiện nay thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ trả lại đơn yêu cầu thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án không có tài sản để thi hành, hoặc người phải thi hành án có mức thu nhập thấp chỉ đủ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho họ và gia đình họ.
Và khi không có tài sản để thi hành thì bên có nghĩa vụ sẽ được giải thoát khỏi trách nhiệm dân sự. Họ cũng không bị bỏ tù vì lý do không có khả năng thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
Tương tự như vậy, thủ tục phá sản là một cơ chế tư pháp cũng do tòa án tiến hành. Tòa án sẽ đánh giá mức độ tài sản hiện còn của doanh nghiệp và các khoản nghĩa vụ phải trả, một số khoản nghĩa vụ theo đó sẽ không được thanh toán nếu bên có nghĩa vụ không còn tài sản.
Theo quy định của luật phá sản hiện nay thì chế tài nặng nhất mà một chủ doanh nghiệp phải gánh chịu sau khi phá sản là bị cấm thành lập doanh nghiệp hoặc tham gia quản lý doanh nghiệp trong thời hạn 3 năm. Nhưng chế tài đó cũng chỉ áp dụng cho những người đã có hành vi bất hợp tác chống đối trong quá trình xử lý thủ tục phá sản. Còn lại hầu như không có vấn đề gì đối với một chủ doanh nghiệp phá sản.
Tựu chung lại doanh nghiệp mắc nợ sẽ rất hưởng lợi khi hoàn tất thủ tục phá sản, đó là cơ chế giải thoát cho các doanh nhân khỏi mối nghĩa vụ đe nặng. Vậy nhưng lâu nay rất ít doanh nghiệp thực hiện cho xong thủ tục phá sản, lý do như trên đã chỉ ra không có ai nói cho cộng đồng doanh nghiệp biết được ích lợi từ việc đó.
Nay để tăng tính minh bạch lành mạnh cho nền kinh tế, tôi cho rằng cần phải có biện pháp kiên quyết tháo gỡ các vướng mắc xung quanh thủ tục phá sản.
Bài đã đăng trên báo điện tử Vietnamnet tại đây: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/vi-sao-chi-cho-khai-sinh-ma-khong-cho-khai-tu-533746.html