Hồi tháng 12 năm 2024, tại một hội nghị Bộ trưởng Bộ tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã cho biết, qua rà soát sơ bộ, có tới 184 luật và khoảng 200 nghị định liên quan tới tổ chức bộ máy cần phải sửa đổi bổ sung khi tinh gọn bộ máy.
Đến nay một trong các văn bản pháp luật đang được đưa ra sửa đổi là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Qua xem xét bản dự thảo sửa đổi được đăng trên trang Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 07/1/2025 tôi thấy có nhiều điều đáng bàn.
Nên bỏ hay giữ gì?
Đầu tiên cần nhận thấy Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là văn bản quy định về thể thức, trình tự, thủ tục cho việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cho nên đây là văn bản cơ sở mà từ nền móng này sẽ có rất nhiều dự luật khác được xây dựng sửa đổi ban hành.
Bởi vậy những ưu khuyết từ văn bản này sẽ không chỉ dừng lại ở đây mà sẽ còn kéo theo nhiều văn bản khác.
Tiếp theo cần nhận thấy việc sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật là nhằm đáp ứng đòi hỏi từ những thay đổi của thực tế đời sống, nhưng không phải mọi điều luật trong văn bản đều cần phải thay đổi.
Thực tế đời sống có thể chỉ đòi hỏi phải thay đổi một vài điều luật mà thôi, còn lại những điều luật khác đã có ở văn bản cũ trước đó nếu vẫn giữ được tính khoa học và hàm lượng tri thức trong đó thì nên được giữ nguyên.
Điều này cũng bởi vì một trong những thuộc tính cần có của pháp luật là tính kế thừa và ổn định, để giúp cho việc nắm bắt và tuân thủ thi hành.
Bởi vậy đối với những vấn đề nào của đời sống đòi hỏi đến sự thay đổi thì tập trung chủ yếu vào vấn đề đó, còn thì không nên nghĩ rằng khi đã sửa đổi thì phải sửa cho nhiều, cho bõ công sửa đổi.
Nếu làm thế có thể khiến cho quy định thêm rối rắm thay vì cho thấy chất lượng giá trị trong những nội dung sửa đổi.
Trên cơ sở nhận thức như vậy, khi so sánh quy định của luật cũ năm 2015 với dự thảo sửa đổi mới đây do Bộ tư pháp chuẩn bị, tôi thấy nhiều nội dung điều khoản cũ nên được giữ nguyên.
Ví như tại Điều 5 quy định về Nguyên tắc xây dựng, thi thành văn bản quy phạm pháp luật, luật cũ năm 2015 quy định một số nguyên tắc rất ngắn gọn, trong khi dự thảo sửa đổi lại viết dài dòng.
Luật cũ quy định một nguyên tắc là: “Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.”
Quy định như thế là rất rõ ràng, đúng đủ ý, dễ hiểu.
Trong khi dự thảo luật mới viết nguyên tắc như sau: “Bảo đảm dân chủ, công bằng, nhân đạo, kiến tạo phát triển, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khoa học, kịp thời, ổn định, khả thi, hiệu quả trong xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.”
Khi xem các nguyên tắc khác được viết lại thì thấy cách hành văn của luật cũ rõ ràng dễ hiểu hơn.
Thiết nghĩ, vấn đề nguyên tắc trong xây dựng pháp luật thì có lẽ thực tế không mấy có gì đưa đến sự thay đổi về nguyên tắc. Hoặc nếu có điều gì cần bổ sung thì chỉ cần sửa đổi một nguyên tắc nào đó thôi, còn thì nội dung cũ vẫn đúng và hành văn hay thì nên giữ nguyên, thay vì viết lại cả.
Tính kế thừa cần được chú ý coi trọng, điều này sẽ giúp cho việc sửa đổi các văn bản, được dự kiến là ở quy mô lớn, có được tính khả thi và đảm bảo cho chất lượng.
Về ngôn ngữ văn phong viết luật
Cũng tại Điều 5 quy định về nguyên tắc trong xây dựng pháp luật, có nội dung được viết như sau:
“Bảo đảm kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong công tác xây dựng pháp luật; bảo đảm không bị tác động, hướng lái trong xây dựng pháp luật.”
Tôi thấy cách hành văn dùng từ “hướng lái” trong câu trên không ổn.
Thiết nghĩ ngôn ngữ văn phong luật pháp tốt hơn hết là giữ được sự trong sáng gần gũi ấm áp, giúp cho việc lan tỏa tuân thủ thực hiện, tránh dùng những từ ngữ không rõ nghĩa dễ dẫn đến những suy diễn quy chụp.
Không chỉ một lần, từ “hướng lái” được sử dụng lặp lại 03 lần trong toàn văn bản dự thảo sửa đổi.
Tìm hiểu thêm thì thấy việc sử dụng ngôn ngữ ra sao trong xây dựng pháp luật đã được luật cũ năm 2015 quy định tại điều 8 như dưới đây, và cũng được nhắc lại trong dự thảo mới:
Điều 8. Ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật
Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu.
Bởi vậy việc dùng từ “hướng lái” trong trường hợp này không đảm bảo quy định về ngôn ngữ văn phong trong văn bản quy phạm pháp luật.
Đảm bảo an toàn cho người đóng góp
Trong vài năm qua vấn đề kiểm soát quyền lực đã được nêu ra tại nhiều cuộc họp của các cấp lãnh đạo.
Nội dung này theo đó cũng đã được đưa vào trong dự thảo sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Như thế thực tế đã đặt ra đòi hỏi về việc phải kiểm soát quyền lực.
Bởi vậy tôi thiết nghĩ nên có quy định cơ chế về ghi nhận đóng góp và đảm bảo an toàn cho những người đưa ra ý kiến đóng góp.
Việc kiểm soát quyền lực cho thấy sự cần thiết của việc ghi nhận đóng góp và đảm bảo an toàn cho những người luận bàn, khi người luận bàn đưa ra được những ý kiến xác đáng, thiết thực, đạt được hiệu quả tiếp thu.
Vì có khả năng những nhóm lợi ích bị ảnh hưởng quyền lợi có thể tác động ngược trở lại người đưa ra ý kiến phản biện.
Là người lâu nay đưa ra nhiều ý kiến luận bàn về chính sách pháp lý, bản thân tôi khó mà nói là chưa từng phải chịu những tấn công cá nhân hoặc ảnh hưởng cuộc sống công việc chỉ vì muốn làm một công dân có năng lực và trách nhiệm.
Luật sư Ngô Ngọc Trai