Cải cách thể chế ở Việt Nam quá chậm chạp?

Mới đây báo chí trong nước đưa tin về tình hình đón tết tại nhà tù Tần Thành ở ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc. Thông tin cho biết nhiều người nguyên là quan chức cao cấp được giam giữ tại nơi này như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai.

Tới nay do nhà tù bị quá tải vì chương trình chống tham nhũng của Trung Quốc cho nên nhiều đặc quyền các quan chức được hưởng như ăn uống cùng người thân trong dịp tết này đã bị cắt bỏ.

Là một luật sư, thông tin tôi đáng quan tâm nhất là các báo cho biết nhà tù Tần Thành là trại tù duy nhất của Trung Quốc do Bộ công an quản lý, còn lại đều thuộc sự quản lý của Bộ tư pháp.

Đây là một tiến bộ lớn trong cải cách tổ chức bộ máy nhà nước của Trung Quốc, đó là bước tiến bộ theo hướng dân sự hóa các hoạt động của nhà nước ở những lĩnh vực mà trước đó vốn mang đậm yếu tố an ninh chính trị như giam giữ.

IMG_0801

Nhìn lại Việt Nam

Các cải cách đổi mới của Trung Quốc trong lĩnh vực bộ máy nhà nước để tương thích với kinh tế thị trường đã bỏ lại Việt Nam kém xa. Các bộ ngành ở Việt Nam còn đang tự giam hãm mình bằng những nhận thức lạc hậu về khoa học tổ chức bộ máy nhà nước.

Liên quan đến vấn đề giam giữ, tìm hiểu thì được biết hồi năm 2015 khi thảo luận ban hành về Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã có ý kiến từ phía Ủy ban tư pháp của Quốc hội, khi đó bà Lê Thị Nga đã đề xuất chuyển cơ quan quản lý trại giam từ Bộ công an sang Bộ tư pháp nhưng đã không được tiếp thu.

Việc chuyển quyền quản lý như vậy là nhằm mong muốn tách bạch giữa các hoạt động giam giữ và điều tra để ngăn ngừa giảm bớt các vấn đề bức cung nhục hình, bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự, nhưng rất tiếc đã không được chấp nhận.

Tìm hiểu sâu hơn thì thấy, hóa ra từ trước đó 10 năm, vào năm 2005 Bộ tư pháp khi đó do ông Uông Chu Lưu làm Bộ trưởng cũng đã đề xuất chuyển lực lượng quản lý trại giam từ Bộ công an sang Bộ tư pháp.

Theo ý kiến của Bộ tư pháp khi đó thì qua khảo sát phần lớn các nước như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc… đều giao cho Bộ Tư pháp quản lý thi hành án hình sự và các trại giam để dân sự hóa hoạt động thi hành án hình sự.

Theo Bộ tư pháp thì dân sự hóa – có nghĩa là lực lượng quản lý trại giam sẽ không phải là lực lượng vũ trang. Lực lượng quản lý trại giam sẽ không trang bị vũ khí “nóng”, chỉ có một số công cụ hỗ trợ như dùi cui, roi điện…

Bộ tư pháp cũng cho rằng việc chuyển đổi nhằm bảo đảm sự khách quan, vì cơ quan điều tra vừa có chức năng điều tra, lại vừa trực tiếp giam giữ họ thì không bảo đảm khách quan.

Trước những lo ngại xáo trộn, Bộ tư pháp khi đó cho rằng việc chuyển đổi được thực hiện theo nguyên tắc chuyển giao “trọn gói” toàn bộ nhân sự, tổ chức, bộ máy thi hành án hình sự hiện có. Vì thế sẽ không tạo ra sự xáo trộn về tổ chức và cán bộ cũng như về cơ sở vật chất và kỹ thuật.

Tới nay sau 13 năm nhìn lại các ý kiến đề nghị chuyển đổi cơ quan quản lý trại giam từ Bộ công an sang Bộ tư pháp vẫn chưa được thực hiện. Đó là một quãng thời gian quá dài cho một chương trình cải cách thiết chế bộ máy nhà nước, đồng nghĩa với đó bộ máy nhà nước đã không có được một thiết chế bộ máy khoa học, tước đoạt đi của người dân cơ hội được thụ hưởng một nền tư pháp chuẩn mực có khả năng đảm bảo công lý.

IMG_0825

Không chỉ tư pháp

Nhìn rộng ra thì thấy có rất nhiều chương trình cải cách được đề ra nhưng rất kém khả năng thực hiện.

Ví như mấy năm trước có đề án thành lập tòa án cấp khu vực, nhằm giảm tránh sự phụ thuộc của tòa án vào các cơ quan Đảng và chính quyền địa phương, ví như tòa án cấp huyện hiện nay phụ thuộc rất lớn vào các cấp Đảng ủy và chính quyền địa phương cấp huyện, những vụ kiện hành chính dân kiện tòa xử cơ bản là thua, nhưng rồi Luật tổ chức tòa án năm 2014 cũng không làm được.

Hay ví như kế hoạch bãi bỏ thiết chế Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn, biết bao ý kiến với đầy đủ tính hợp lý đúng đắn được đưa ra nhưng cũng không làm được. Cùng với đó là đề án để dân bầu trực tiếp chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phường do Bộ nội vụ đề xuất từ năm 2008 được hy vọng là bước tiến của dân chủ, được kỳ vọng gia tăng các sinh hoạt dân chủ cho bộ máy công quyền, nhưng rồi cũng không làm được.

Cho đến 10 năm sau, khi Luật tổ chức chính quyền địa phương được ban hành năm 2015 vẫn giữ nguyên quy định về thiết chế Hội đồng nhân dân cấp xã và cơ quan này giữ thẩm quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với Chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp. Những kỳ vọng cho dân bầu trực tiếp vẫn chỉ là ảo vọng xa xôi.

Cải cách để phát triển

Trông sang Trung Quốc thì thấy họ đã thực hiện nhiều chính sách mà chưa bàn đến tính đúng sai ra sao nhưng điều thấy rõ là hiệu năng làm việc của bộ máy của họ là không hề nhỏ. Ngay như kế hoạch chống tham nhũng, họ làm đến nỗi quá tải cả nhà tù thì mới thấy hiệu năng làm việc như thế nào.

Những cải cách của Trung Quốc và đặc biệt là hiệu năng làm việc của bộ máy là cái chắc chắn đã đưa đến những thành tựu kinh tế, biến họ thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Còn Việt Nam thì sao?

Ở Việt Nam lâu nay, về nguyên bản bộ máy nhà nước được thiết lập theo mô hình toàn trị. Đó là một hệ thống bộ máy cồng kềnh, ngoài các cơ quan đảng, chính quyền nhiều tầng nấc, còn có các hội đoàn đi sâu vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội để kiểm soát và duy trình quyền lãnh đạo cho Đảng cộng sản.

Mô hình kiểu đó rất hiệu quả cho việc kiềm tỏa, trấn áp và duy trì quyền lãnh đạo. Nhưng đó lại là mô hình ‘không có tính kinh tế’ vì quá tốn kém và không thích hợp với nền kinh tế thị trường vốn mang yếu tố cốt lõi là khai phóng sức sáng tạo và trao quyền tự chủ cho người dân.

x2

Nhận ra được điều đó từ lâu nay nhiều lãnh đạo ban ngành cũng đã nói nhiều đến cải cách thể chế, tinh giản bộ máy, dân sự hóa nhiều lĩnh vực vốn được gán cho an ninh chính trị. Nhưng nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu, các tiến bộ cải cách trong bộ máy nhà nước diễn ra rất chậm chạp.

Nay để tránh cho sự tụt hậu quá xa, Việt Nam không còn cách nào khác là phải tiến hành cải cách dứt khoát khẩn trương mau chóng.

Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google Search ‘Cải cách thể chế ở Việt Nam quá chậm chạp’