Lâu nay nhiều người bị xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ trong khi pháp luật lại chưa xác lập một nội dung rõ ràng về công vụ. Mặc dù vậy có thể hiểu công vụ là việc làm của cán bộ nhà nước thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ quyền hạn được pháp luật quy định.
Như vậy có hai điều kiện tiên quyết đó là người thực hiện là cán bộ công chức nhà nước và việc làm phải đúng chức năng nhiệm vụ theo pháp luật.
Vậy nếu việc làm của cán bộ công chức mà không đúng quy định pháp luật, ví như sai về thẩm quyền, sai về cơ sở căn cứ pháp lý, sai về trình tự thủ tục, thì đó không phải là công vụ.
Và đương nhiên người dân không có nghĩa vụ phải chấp hành hợp tác với một việc làm sai.
Nhưng lâu nay trong việc xử lý chống người thi hành công vụ, các cơ quan giải quyết thường chỉ xem hành vi công vụ có đúng thẩm quyền không mà ít quan tâm xem hành vi công vụ có sai về trình tự thủ tục không. Trong khi thủ tục cũng là luật định. Vi phạm thủ tục cũng là vi phạm pháp luật.
Đây là nhận thức tư duy dễ dãi giản đơn theo hướng xem nhẹ quyền lợi công dân mà tạo không gian tùy tiện quá lớn dễ gây ra lạm dụng ở cán bộ nhà nước.
Pháp luật đã quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng nhóm cán bộ công chức nhằm xác định rõ ràng tránh dẫm chân nhau, làm sai ảnh hưởng đến lợi ích nhà nước, lợi ích người dân.
Và pháp luật cũng quy định về thể thức, trình tự, thủ tục nhằm buộc các hoạt động công vụ phải đúng đắn rõ ràng, tránh mờ ám khuất tất, làm bừa làm bậy.
Những quy định rõ ràng cũng là để trang bị cho người dân cơ chế hiểu biết phòng ngừa, biết được đúng sai để tuân thủ và bảo vệ quyền lợi cho mình.
Như vậy, đúng ra một hành vi dù được thực hiện bởi cán bộ công chức, dù đúng thẩm quyền nhưng không đúng trình tự thủ tục theo pháp luật thì phải không là công vụ.
Bởi không có pháp luật nào, không có nhà nước nào chấp nhận một việc làm sai pháp luật là hoạt động công vụ nhân danh nhà nước. Kết quả của việc làm đó sẽ không có lợi cho nhà nước, không có lợi cho người dân, đó là hành vi xâm hại, đó không phải công vụ.
Và trước một hành vi xâm hại người dân có quyền chống lại để phòng vệ.
Phòng vệ chính đáng
Thực tế lâu nay nhiều trường hợp phản đối công vụ, người dân có cơ sở lý do để phản đối một cách chính đáng nhưng vẫn bị xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ. Ví như trong các vụ xử lý hành chính.
Pháp luật lại vô lý khi buộc người dân phải chấp hành trước rồi khiếu nại sau, trong khi các hoạt động xử lý hành chính thường xảy ra các thiếu sót vi phạm về trình tự thủ tục của cán bộ nhà nước.
Việc buộc người dân thấy sai nhưng vẫn phải tuân thủ sẽ khiến hiểu biết của người dân chẳng còn ý nghĩa, kiến thức pháp luật sẽ chẳng còn tác dụng khi phát hiện ra việc làm sai mà vẫn phải chấp nhận.
Điều đó là hoàn toàn đi ngược lại với phẩm giá nhân cách con người, khi thấy sai thì họ sẽ phản ứng chống đối, bắt người dân cam chịu là hạ thấp nhân phẩm.
Đó là những bất công đang xảy ra đối với những người bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ hiện nay.
Để công bằng tôi cho rằng trong quá trình giải quyết cần làm rõ xem hành vi của cán bộ nhà nước có vi phạm gì không và đó có được chấp nhận là công vụ không?
Nếu phát hiện ra vi phạm về thẩm quyền, cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, thì đó phải được coi không phải công vụ và không xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Hành vi chống đối cần được xem là phòng vệ chính đáng.
Đã đến lúc cần xác lập một tư duy nhận thức có chiều sâu và cơ chế kiểm soát chặt chẽ về các hoạt động của bộ máy nhà nước, ngăn ngừa dẹp bỏ nhận thức dễ dãi giản đơn, tạo ra sự lạm quyền tùy tiện nơi cán bộ nhà nước như hiện nay.
Và đây đang là một bất cập pháp lý đang tồn tại trong các vụ án hình sự về chống người thi hành công vụ hiện nay.