Ông Mahathir Mohamad vừa đắc cử Thủ tướng Malaysia khi đã ngoài 90 tuổi. Trước đó ông từng giữ cương vị Thủ tướng trong 22 năm và đã về hưu năm 2003 rồi viết cuốn hồi ký chính trị rất dày.
Sự trở lại nắm quyền khiến cho những bài học của ông về quản trị xây dựng đất nước trong quá khứ lại được tìm kiếm nhắc đến.
Tôn trọng sở hữu tư nhân
Trong cuốn hồi ký đã được dịch xuất bản ở Việt Nam, ông Mahathir kể lại, sau khi Malaysia tách ra độc lập với Anh Quốc, khi đó nhiều doanh nghiệp chủ chốt vẫn do người Anh nắm giữ. Đến khi nắm quyền ông muốn giành lại quyền quản lý cho người Malaysia.
Nhưng ông không tiến hành quốc hữu hóa, ông không làm như cách nhiều nước thuộc địa khác mới giành được độc lập đã làm, ông nghĩ làm như vậy sẽ là dấu chấm hết cho các hoạt động đầu tư thương mại. Điều mà Malaysia ý thức từ rất sớm về thu hút đầu tư không giống như các nước thuộc địa khác vẫn giữ thành kiến với tư bản bóc lột.
Tháng 9/1981 ngay khi vừa nắm quyền Chính phủ của ông đã thực hiện một chiến dịch có tên là ‘Cuộc đột kích lúc bình minh’, dùng tiền của Chính phủ mua gom các cổ phiếu doanh nghiệp ngay trên sàn chứng khoán London để giành quyền sở hữu.
Người Anh không muốn các doanh nghiệp bị Malaysia thâu tóm nên khi phát hiện ra kế hoạch đã tìm cách ngăn cản. Theo quy định của thị trường chứng khoán London lúc bấy giờ khi đã có 30% cổ phần của công ty việc mua cổ phiếu tiếp theo phải chào mua công khai để tránh việc cá nhân nắm quyền kiểm soát các công ty đại chúng.
Sau vụ đột kích, sàn chứng khoán London đã thay đổi quy định theo đó người giao dịch nào sở hữu từ 5% cổ phần trở nên đều phải công khai số cổ phần của mình. Quy định này sau đã trở thành quy chuẩn chung cho nhiều thị trường chứng khoán trong đó có Việt Nam (Cổ đông lớn sở hữu từ 5% cổ phần trở lên sẽ phải công bố thông tin khi giao dịch).
Câu chuyện này được ông Mahathir kể lại như một chính sách táo bạo thành công và là một sự quảng bá cho Malaysia về ý thức tôn trọng tài sản tư nhân.
Người Anh tuy không hài lòng nhưng đã không thể phủ nhận Malaysia là nước chấp nhận luật chơi, tôn trọng sở hữu và tuân theo thị trường.
Việt Nam thì sao?
Trong khi người Malaysia tôn trọng sở hữu tư nhân là thế còn Việt Nam thì sao?
Một câu chuyện khác trái ngược hoàn toàn về sở hữu tư nhân. Sau khi đánh đuổi người nước ngoài và giành được chính quyền, Nhà nước Việt Nam đã tiến hành quốc hữu hóa toàn bộ các cơ sở kinh tế mà họ để lại.
Điều này được thực hiện triệt để qua các thời kỳ cả đối với người Pháp ở miền Bắc và người Mỹ ở miền Nam, và cũng rất phù hợp với học thuyết Mác Lê Nin về xây dựng chủ nghĩa xã hội xóa bỏ tư hữu.
Không chỉ cơ sở kinh tế của người nước ngoài mà cả các cơ sở kinh tế của người dân trong nước cũng bị tiến hành quốc hữu hóa. Toàn xã hội chỉ còn hai hình thức sở hữu là sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể thông qua các doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã ở nông thôn.
Nhưng rồi kết quả là sự tê liệt sụp đổ của nền kinh tế khi chối bỏ tư hữu. Đến năm 1986 Đảng cộng sản Việt Nam thực hiện chính sách cải cách mở cửa quay sang phát triển kinh tế thị trường mà điểm cốt lõi là quay lại coi trọng quyền sở hữu tư nhân.
Cho đến nay sai lầm đã thuộc về quá khứ song tàn dư ảnh hưởng thì vẫn còn. Nhiều phạm vi lĩnh vực quyền sở hữu tư nhân vẫn bị xem nhẹ mà nếu không giải quyết thì Việt Nam sẽ mãi không có được các định chế đầy đủ của một nền kinh tế thị trường.
Lĩnh vực đất đai
Ở Việt Nam đất đai không thuộc sở hữu tư nhân mà thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước làm đại diện nắm quyền sở hữu. Người dân chỉ được quyền sử dụng đất và chuyển nhượng quyền sử dụng thay vì mua bán đất như một loại hàng hóa.
Trong khi đất đai chiếm một tỷ trọng giá trị cao trong nền kinh tế và thị trường bất động sản là một mảnh ghép lớn của nền kinh tế thị trường. Những bất cập lạc hậu của pháp luật về đất đai đã làm méo mó thị trường bất động sản, biến dạng các quan hệ giao dịch dân sự khiến cho nền kinh tế kém tính thị trường.
Trong khi các ban ngành nhà nước lâu nay luôn muốn quốc tế công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường để được hưởng các cơ chế bình đẳng về xuất khẩu hàng hóa, tiếp cận vốn vay. Thay vì bị các rào cản về xuất nhập khẩu hàng hóa, lãi suất vay vốn và hạn chế cho vay mà quốc tế họ áp dụng đối với những nền kinh tế kém tính thị trường.
Không công nhận sở hữu tư nhân đối với đất đai dẫn đến nhà nước dễ dãi trong việc thu hồi đất của người dân gây ra khiếu kiện chống đối. Hoặc khi người dân thực hiện quyền của người sử dụng đất như chuyển đổi mục đích sử dụng thì phải xin phép, bộ máy hành chính quan liêu khiến người dân trăm phần cơ cực trong việc bảo vệ khối tài sản giá trị nhất của mỗi gia đình.
Bài học từ Malaysia
Quốc hội đang họp và theo báo cáo của Chính phủ về quản lý sử dụng vốn tại doanh nghiệp nhà nước thì cả nước hiện còn hơn 500 doanh nghiệp nhà nước do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Dự kiến đến năm 2020 sẽ chỉ còn khoảng 150 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chủ yếu là các công ty xổ số, công ích và chỉ còn lại ba tập đoàn là Dầu khí, Điện lực và Viettel.
Một số liệu khác cho biết tính đến tháng 10/2016 cả nước có 718 doanh nghiệp nhà nước giữ số cổ phần chi phối (trong doanh nghiệp có cả sở hữu tư nhân), giảm xuống từ con số 6000 doanh nghiệp vào năm 2001.
Sở hữu nhà nước từ việc giữ vai trò xương sống của nền kinh tế nay đã thu hẹp phạm vi thông qua cổ phần hóa và cũng là tư nhân hóa. Đây là một bước tiến bộ lớn của sở hữu tư nhân.
Các ban ngành cần rà soát thêm các phạm vi lĩnh vực khác như đất đai để thiết lập củng cố định chế về quyền tư hữu, hoàn thiện khung khổ cho một nền kinh tế thị trường.
Nhìn sang Malaysia chính phủ nước họ đã ý thức từ rất sớm về việc phải tôn trọng tư hữu như một nguyên tắc căn bản của kinh tế thị trường.
Việt Nam hiện nay cũng đang phát triển kinh tế thị trường thì không còn cách nào khác cũng phải làm như Malaysia, cam kết và hành động quyết liệt để cho thấy ý thức về tôn trọng quyền tư hữu.
Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google Search: Bài học Malaysia: ‘Muốn hiện đại phải tư hữu’