Mới đây, tối hôm 11 tháng 4 tại thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang một phụ nữ tên Phạm Thị Hà, sinh năm 1984 đã chém 12 nhát dao làm chết một phụ nữ chủ shop quần áo.
Sáng hôm sau nghi phạm đã bị bắt giữ, qua xác minh ban đầu giữa thủ phạm và nạn nhân có quan hệ chị em họ.
Hiện chưa rõ động cơ gây án thật sự là gì, do yếu tố tài sản muốn cướp đoạt hay tư thù ghen tuông. Nhưng qua vụ án này tôi muốn chỉ ra ba điều nhận thức sai lệch lâu nay vẫn đang tồn tại trong vụ án hình sự.
Nỗi đau nào lớn hơn?
Một trong các lý do động cơ gây án trong nhiều vụ trọng án là do người phạm tội muốn gây ra nỗi đau cho phía nạn nhân (gây án do tư thù).
Nhưng qua thực tế hành nghề luật sư tôi lại thấy hành vi phạm tội đưa đến nỗi đau lớn lao không kém cho chính gia đình thân nhân bị cáo.
Hoặc cũng có nhiều vụ án khi gây án thì nghi phạm suy nghĩ bất chấp cho rằng có sao thì mình chịu mà không biết rằng đâu chỉ vậy. Người gây án không ý thức được rằng người thân họ gồm vợ chồng, cha mẹ, con cái cũng phải gánh chịu nỗi đau rất lớn.
Khi vụ án xảy ra thì những thân nhân cũng bàng hoàng kinh hãi như bao người chứng kiến, ngay sau đó họ bị đặt vào một môi trường hoàn cảnh hoàn toàn mới lạ lo âu sợ hãi.
Họ sẽ phải làm quen dần khi lần đầu tiếp nhận các thuật ngữ hình sự như tội danh, khởi tố, điều tra.
Họ sẽ phải tiếp xúc làm việc với những người mới lạ như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư và chịu những việc liên quan như lấy lời khai, khám xét nhà ở, ký tá điểm chỉ các giấy tờ.
Họ sẽ chịu sự nghi ngờ, nghi kỵ trong cuộc sống và công việc hay học tập dù không làm gì sai mà đơn giản chỉ vì là thân nhân của kẻ giết người.
Suốt quá trình kéo dài nhiều tháng hoặc cả năm họ hoang mang phán đoán về mức án người thân phải chịu, liệu có được sống hay phải chết.
Nghe nhiều lời tư vấn bảo làm việc này việc kia, đi chỗ này chỗ nọ, rồi vào trại giam thăm gặp trông thấy người thân tiều tụy, tất cả những điều đó là nỗi cơ cực khổ sở dày vò.
Và nếu bị cáo chịu án tử hình thì thân nhân ngoài việc sẽ phải chịu nỗi đau mất đi người thân như phía gia đình nạn nhân thì họ còn những nỗi ê chề mà bị hại không phải chịu.
Đó là góc khuất trong những vụ án hình sự mà ít ai để ý đến trong khi báo chí đưa tin các vụ án thường chỉ thấy hình ảnh gia đình nạn nhân với khăn trắng ở trên đầu và khung ảnh người chết ôm trước ngực.
Phim ảnh sách báo cũng chưa chú trọng khai khác lột tả những gì mà thân nhân những người gây trọng án phải gánh chịu mà nếu làm tốt thì có khi đã truyền đi thông điệp lời cảnh báo ngăn ngừa những ý định phạm tội rồi.
Bởi vậy một điều tôi muốn nói đến tất cả mọi người qua vụ việc xảy ra mới đây ở Tân Yên, Bắc Giang là hãy dừng ngay ý định phạm bất kỳ tội nào nếu như không muốn đưa đến những niềm đau to lớn cho thân nhân của các bạn.
Tôi muốn lưu ý lại rằng những vụ trọng án gây ra nỗi đau cho gia đình bị cáo không kém gì phía bị hại bởi vậy hãy chấm dứt ngay những suy nghĩ bất chấp gây án do thù hằn.
Vai trò của luật sư
Một nhận thức sai lệch khác tồn tại trong các vụ án hình sự đó là về vai trò của luật sư bào chữa.
Mấy năm trước khi tham gia bào chữa cho một bị cáo phạm tội quả tang, có người nói với tôi là vụ này bị cáo phạm tội rõ ràng rồi luật sư còn bào chữa gì nữa.
Theo nhận thức của người đó thì luật sư chỉ có vai trò bào chữa trong những vụ án mà hành vi phạm tội còn chưa rõ ràng mà thôi, còn những vụ án phạm tội đã rõ ví như bị bắt quả tang thì không cần luật sư bào chữa làm gì nữa.
Khi ấy tôi trả lời là dù bị cáo có phạm tội quả tang thì vẫn có những quyền của mình theo pháp luật và công việc của luật sư là bảo vệ giúp đỡ thân chủ thực hiện các quyền này.
Trong đó bao gồm nhưng không chỉ quyền được khai báo tự nguyện không bị ai ép buộc, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội.
Quyền được gặp người thân, quyền được bảo vệ sức khỏe nhân phẩm khi bị giam giữ, quyền được nhận các văn bản quyết định tố tụng, quyền được xét xử trong phạm vi thời hạn luật định và nhiều quyền khác.
Cho nên cần hiểu đúng về công việc của luật sư bào chữa.
Bào mòn nỗ lực phát triển
Những vụ trọng án giết người nói riêng và các vụ án về trật tự xã hội nói chung lâu nay vẫn được nhìn nhận bình thường mà không có gì đặc biệt.
Nhưng tôi cho rằng vấn đề này cần được nhìn nhận đúng về mức độ ảnh hưởng tới tiến trình phát triển đất nước.
Hiện tại mỗi năm có hàng chục nghìn vụ án hình sự được khởi tố với hàng trăm nghìn bị can, nếu tỉ lệ tính kéo dài 10 năm thì số bị can lên đến cả triệu.
Đồng nghĩa với đó là hàng triệu gia đình có thân nhân bị xử lý hình sự.
Đó là tỉ lệ không hề nhỏ về tổng số gia đình trong xã hội và chứa đựng nhiều hệ lụy lâu dài.
Bản thân tôi từ lâu nay hơn bất kể luật sư hay nhà báo nào ở Việt Nam, đã ý thức sâu sắc về vấn đề hệ lụy của tội phạm và người phạm tội, tôi đã nhắc đến rất nhiều qua các bài báo hay cuốn sách.
Từ đó đã kiên trì thúc đẩy xây dựng một cơ chế tư pháp tôn trọng bảo vệ tốt hơn quyền con người, để giảm đi những hệ lụy mà quá trình giải quyết các vụ án có thể vô ý gây thêm ra cho xã hội.
Trong đó bao gồm nhưng không chỉ vấn đề phân bổ nắm giữ các quyền hạn tư pháp, môi trường điều kiện giam giữ hay tính khoa học của án tử hình.
Cũng từ thực tế công việc thấy được tình trạng như thế tôi nhìn ngược trở lại các chính sách phát triển kinh tế xã hội, thấy được những bất cập hay giải pháp, rồi từ đó đưa ra những khuyến nghị luận bàn.
Mười năm qua đã làm như vậy, và trong tư cách hiện nay của một luật sư, một nhà báo, một chuyên gia pháp lý, một nhà hoạt động xã hội về quyền con người, bản thân tôi còn thấy rất nhiều việc phải làm, rất nhiều vấn đề quan trọng cần được chỉ ra cho mọi người thấy để có thể tháo gỡ giải quyết và đưa đến phát triển cho xã hội.
Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt
Công ty luật TNHH Công Chính cung cấp dịch vụ pháp lý:
- Cử luật sư tham gia bào chữa cho Bị can, Bị cáo trong vụ án hình sự;
- Cử luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ kiện dân sự;
- Và các dịch vụ pháp lý khác;