Án tử hình: Đừng quyết định khi đang nóng giận

 

Lâu nay trong cuộc sống mọi người có thể đã bắt gặp đâu đó lời khuyên rằng đừng quyết định việc gì khi đang nóng giận, bởi vì khi nóng giận lý trí thường kém sáng suốt.

Ví như trong việc giáo dục con cái hoặc trong mối quan hệ vợ chồng, khi một người đang nóng giận thì hãy kiềm chế đừng nói hay làm gì lúc đấy, bởi nếu không thì người nóng giận thường sẽ cảm thấy hối tiếc về sau.

Và điều này cũng đúng với nỗi sợ hãi. Nếu một người đưa ra quyết định khi đang trong tâm trạng sợ hãi, khi đó quyết định sẽ không được cung cấp bởi những lý do thỏa đáng cho nên khó đảm bảo sự khôn ngoan.

Trong nhiều trường hợp quyết định khi đang sợ hãi sẽ gây ra tổn thương cho chính người quyết định.

Ở đây, việc đừng quyết định một việc gì cũng tương đương với việc đừng đưa ra phán xét, một phán xét hay phán quyết trong khi đang tức giận hoặc sợ hãi sẽ khó đảm bảo được sự đúng đắn.

Tức giận và sợ hãi

Tối ngày 18/12/2024, một người đàn ông tên Cao Văn Hùng, sinh năm 1973, do mâu thuẫn thù tức cá nhân đã mua xăng phóng hỏa một quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Vụ cháy gây ra thảm nạn khiến 11 người chết.

Ngay sau khi gây án thủ phạm đi tự thú. Trong đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy thủ phạm cười nói tại trụ sở công an, tay vung vẩy điếu thuốc lá trong khi kể lại lý do và hành vi gây án của mình. Sự việc khiến đông đảo dư luận vừa sợ hãi và phẫn nộ.

Nhiều người cho rằng cần mau chóng đưa thủ phạm ra xét xử với phán quyết tử hình. Điều tôi nhận thấy là công chúng khi ấy đang trong tâm trạng tức giận và sợ hãi, vậy thì như trên đã chỉ ra, liệu những phán xét như vậy có bị sai ở chỗ nào không?

Nhiều người cho rằng phạt tử hình đối với hành vi đã gây ra cái chết cho 11 người là hoàn toàn thỏa đáng và đó là công lý đích thực. Tôi thấy đây là dịp để thử thách quan điểm về án tử hình và là dịp để nhìn sâu vào nội tâm và tâm lý con người.

Đầu tiên nên lưu ý rằng, những sự tức giận và nỗi sợ hãi chính là những con quái vật nằm trong mỗi người, nó là phần “con” trong mỗi “người” chúng ta, điều cần thiết là phải điều khiển nó để phát tác phục vụ cho những ý định tốt đẹp, thay vì bị sự tức giận và nỗi sợ hãi điều khiển.

Tiếp đến, có một thực tế rằng, cảm thức công lý của một người phụ thuộc vào hiểu biết pháp lý của người đó.

Dù một người đang hoàn toàn tỉnh táo về lý trí khi đưa ra phán xét thì cũng cần hiểu là phán xét bị giới hạn bởi khả năng nhận thức của người đó, bởi vì con người là sản phẩm bị giới hạn, giới hạn bởi sự hiểu biết và kinh nghiệm.

Cũng tức là nếu có một người dành thời gian đủ nhiều suy nghĩ về các vấn đề pháp lý, suy nghĩ đủ nhiều về hình phạt tử hình, đã kinh qua những vụ án có tử tội, có hiểu biết về cách thức mà một nền tư pháp vận hành đem tới an toàn cho mọi người, người đó sẽ có phán xét khác với những người còn lại khi đứng trước một sự việc như Cao Văn Hùng.

Nhiều người có thể nói rằng tôi không phải là luật sư, với toàn bộ sự chân thành thẳng thắn tôi cho rằng bản án tử hình trong trường hợp này là đúng. Theo đó nhiều người hiểu rõ suy nghĩ của bản thân và không hề có sự nghi ngờ gì về phán xét trong trường hợp này.

Thực ra cũng không cần phải là luật sư thì mới có được suy nghĩ rằng không cần thiết phải có án tử hình, ngược lại có thể nhiều luật sư cũng đồng ý với hình phạt tử hình. Việc tạo dựng quan điểm nhìn nhận về án tử hình cần đến sự phổ biến giáo dục pháp lý cùng những câu chuyện giá trị nhân văn.

Đâu đó người ta đã cho rằng thể xác là sản phẩm của những gì thể xác hấp thụ và tinh thần cũng là sản phẩm của những gì mà tinh thần hấp thụ. Theo đó toàn bộ niềm tin hiểu biết của một người có thể được lập trình để đạt được mục tiêu định sẵn.

Nếu một người có nhiều kinh nghiệm hiểu biết về tình yêu thương, lòng khoan dung nhân đạo, được giáo dục dạy dỗ về các giá trị nhân bản, trân quý mạng sống của con người, khi đó đứng trước một sự việc như Cao Văn Hùng sẽ có đủ khả năng tư duy lý trí để thấy rằng sẽ có một hình phạt xứng đáng cho hành vi nhưng không nhất thiết phải là án tử hình.

Hình phạt tử hình trong trường hợp này cuối cùng nhiều khả năng sẽ được đưa ra, nhưng điều đó chỉ cho thấy đó là hình thức “công lý” phù hợp với bầu không khí nhận thức của số đông hiện tại mà thôi.

Cũng có nghĩa là sẽ có thứ công lý khác phù hợp với niềm tin của số đông khác, nếu không thì thử hỏi nhiều nơi đã bỏ án tử hình (mà vẫn có những vụ án gây phẫn nộ) vậy chẳng lẽ ở những nơi đó họ không có công lý hay sao?

Bởi vậy điều nên làm là mọi người nên có thái độ hoài nghi với chính những nhận thức và đánh giá của mình, với những ai còn do dự về án tử hình thì tôi chỉ xin lưu ý rằng việc tôn trọng quyền sống của con người, hoàn toàn và luôn luôn là điều đúng đắn.

Luật sư Ngô Ngọc Trai, ảnh chụp năm 2010

Không ai đáng phải chết

Ngày 28/11/2024 tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên tử hình một phụ nữ 40 tuổi về tội giết người và cướp tài sản. Người phụ nữ làm nghề buôn bán rau quả thường ghé gian hàng của nạn nhân để lấy hàng. Một lần thấy nạn nhân đeo nhiều vòng vàng, nhẫn vàng đã nảy sinh ý định cướp của.

Bị cáo giả vờ đặt mua hàng rồi hẹn nạn nhân chở ra chỗ vắng, lợi dụng lúc nạn nhân không để ý bị cáo lấy con dao trong túi áo khoác, từ phía sau cắt cổ rồi rồi đâm nhiều nhát làm nạn nhân tử vong, toàn bộ hành vi đã được một camera an ninh gần đó ghi lại.

Khi theo dõi việc giải quyết vụ án này tôi tự hỏi, không rõ mỗi năm trên cả nước xảy ra bao nhiêu vụ án giết người, nhưng nếu mọi người đồng tình với quan điểm kết án như vụ án này thì có thể hình dung là án tử hình sẽ tương đối nhiều.

Khi đọc bài báo mô tả hành vi của bị cáo ai cũng sẽ trào lên cảm xúc tức giận, ghê sợ, khi đó tâm lý sẽ chi phối nhận thức, rất dễ khiến mọi người đồng tình với án tử.

Là người có kinh nghiệm tôi thấy rằng, trước bất cứ vụ án giết người nào, nếu mọi người quan tâm tới những chi tiết và để ý kỹ từng hành vi thì sẽ đều thấy được tính dã man và tàn bạo, theo luật thì đó là những cơ sở căn cứ pháp lý của án tử.

Điều mọi người nên làm là hãy giữ cho lý trí tỉnh táo khi phán xét, bởi chính sự cộng hưởng từ những tâm lý nhận thức nơi công chúng sẽ là cái tác động đến phán quyết nơi tòa án.

Bởi thế cho nên để thay đổi công lý nơi tòa án thì cần thay đổi nhận thức nơi công chúng.

Đứng trước thông tin về những vụ giết người, mọi người hãy nhớ rằng không ai đáng phải chết, kể cả thủ phạm trong vụ án, và nhớ rằng bản án chung thân, tức giam giữ suốt đời, thực cũng là rất nghiêm khắc rồi.

Luật sư Ngô Ngọc Trai