Hôm 24/2/2025 ở tỉnh Trà Vinh, một thanh niên 21 tuổi có hảnh vi rưới xăng đốt mẹ ruột, còn hôm mùng 3/3 ở Vũng Tàu một thanh niên 37 tuổi đã đâm chết một chiến sĩ cảnh sát.
Là người có kinh nghiệm bào chữa trong nhiều vụ án giết người trước đây, tôi cho rằng hai trường hợp này có nguy cơ cao sẽ phải đối diện với án tử hình.
Án tử hình có giúp xã hội an toàn hơn?
Nhiều người cho rằng khỏi bàn cãi gì nữa, phải loại bỏ những kẻ này ra khỏi xã hội để đời sống trở lên an toàn hơn. Nhưng tôi cho rằng sự thể đâu đơn giản thế, làm sao xã hội trở lên an toàn hơn khi nguyên nhân đưa đến hành vi phạm tội vẫn còn đó?
Con người là sinh vật có tính xã hội, khi sinh ra con người không có bản năng giết người như con thú săn mồi, chỉ là trong quá trình lớn lên môi trường xã hội đã ảnh hưởng đến tính cách khiến cho một số người trở lên hung bạo phạm tội, bởi vậy cần nhìn ở hành vi phạm tội những yếu tố xung quanh nó.
Lấy ví dụ, đứa bé lớn lên trong gia đình có bố thường xuyên nhậu nhẹt và đánh mắng vợ con thì lớn lên cũng có tính cách hung bạo dễ phạm tội. Một đứa trẻ lớn lên ở khu ổ chuột nhiều tội phạm thì cũng có xác xuất phạm tội cao.
Bởi vậy, khi những nguyên nhân điều kiện xã hội vẫn còn đó thì việc loại bỏ thủ phạm ra khỏi đời sống sẽ không khiến cho mọi người được an toàn hơn. Theo đó việc sử dụng án tử hình đã tránh né không nhìn nhận nguyên nhân đưa đến tội phạm vốn là những vấn đề khó xử lý giải quyết hơn nhiều.
Có người bảo, thôi không lý luận nhiều nữa, tôi thực sự nghĩ rằng phải tử hình những kẻ kia, tôi sẽ không thay đổi suy nghĩ của mình.
Đến đây xin nêu ra câu chuyện của những người yêu chó, mèo.
Ngày trước, chó mèo đơn giản chỉ là những vật nuôi trong nhà và là nguồn thực phẩm, mọi người giết thịt chó mèo để ăn là bình thường.
Ngày nay kinh tế xã hội phát triển, trạng thái tâm lý của một bộ phận công chúng thay đổi, nhiều người trẻ nuôi chó mèo là thú cưng không thể tưởng tượng được việc giết hại chó, mèo để ăn thịt.
Nếu để ý sẽ thấy sự phát triển trạng thái tâm lý nhận thức này như một quy luật đã xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới khi đã đạt được phát triển về kinh tế, dù có nước trước nước sau.
Xét trong một quốc gia thì đó là những chuyển biến về tâm lý xã hội của lứa tuổi thế hệ, do điều kiện kinh tế thay đổi khiến cho quan niệm giá trị thay đổi.
Cũng do điều kiện kinh tế xã hội thay đổi đã đưa đến những nhìn nhận chú trọng về quyền con người, trong đó quan trọng hơn cả là quyền được sống.
Nhiều người trẻ ngày nay không biết giết một con gà để làm thịt, họ không tưởng tượng được việc giết một con người. Ngày trước việc giam giữ kéo dài một người có thể bị bác bỏ do điều kiện kinh tế, nhưng ngày nay điều kiện kinh tế xã hội đã khác.
Nếu để ý kỹ hơn sẽ thấy, câu chuyện về án tử hình cũng giống như chuyện ăn thịt chó mèo, có nguyên nhân từ kinh nghiệm và trải nghiệm cá nhân.
Việc ủng hộ duy trì án tử hình theo đó không liên quan gì đến tính khoa học của án tử hình có giúp cho việc ngăn chặn tội phạm hay không, nhưng do là những trải nghiệm cuộc sống lâu năm cho nên quan niệm theo đó cũng khó thay đổi.
Tôi thấy rằng những kinh nghiệm và trải nghiệm trong quá khứ đã đưa mọi người tới trạng thái tâm lý nhận thức như hiện nay, việc bác bỏ suy nghĩ của một người ủng hộ án tử hình hay ăn thịt chó mèo gần như là một sự phủ nhận toàn bộ đời sống quá khứ của con người trưởng thành, cho nên điều đó là không thể.
Bởi vậy, việc thay đổi suy nghĩ quan điểm về án tử hình cần dựa vào khả năng tự điều chỉnh nhận thức của mọi người, nhờ những thông tin kiến thức bên ngoài soi chiếu vào, vì một đời sống tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai. Cũng bởi vậy việc vận động chia sẻ thông tin kiến thức là điều quan trọng.

Đề xuất về án tử hình treo
Hôm 24/2/2025 Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Lương Cường. Theo bài “Nghiên cứu điều chỉnh, giảm áp lực thủ tục thi hành án tử hình” trên báo điện tử Pháp luật (plo.vn) đưa tin về cuộc họp, tôi thấy có hai nội dung đáng chú ý quan trọng.
Thứ nhất, Chủ tịch nước Lương Cường, Trưởng ban Chỉ đạo, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao tập trung sớm hoàn thiện đề án rà soát, đánh giá những bất cập liên quan áp dụng hình phạt tử hình và thi hành án tử hình.
Đề án này cần đề xuất giải pháp giảm bớt tội danh bị áp dụng hình phạt tử hình, tăng cường áp dụng biện pháp chuyển đổi từ hình phạt tử hình sang hình phạt tù.
Thứ hai, tại cuộc họp có nội dung đề xuất cải cách thủ tục trong thi hành án tử hình theo hướng quy định rõ thời gian xét đơn xin ân giảm án tử hình, mà hết thời hạn đó, Chủ tịch nước không ân giảm thì được hiểu là đã bác đơn xin ân giảm.
Tôi cho rằng việc xây dựng chính sách pháp luật cần đảm bảo tính khoa học, logic và nhất quán về phương hướng.
Việc định hướng sửa luật giảm bớt số tội danh áp dụng hình phát tử hình là đúng với tinh thần tôn trọng quyền sống của con người, phù hợp với xu hướng tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Nhưng việc đề xuất cải cách thủ tục theo hướng tạo thuận lợi dễ dàng cho việc thi hành án lại đi ngược lại tinh thần nêu trên.
Như quy định hiện nay hoạt động của chức danh Chủ tịch nước là chốt chặn cuối cùng của việc thi hành án, việc thi hành án chỉ được thực hiện khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.
Mặt khác có việc số tử tù phải thi hành án đang tồn đọng lớn, ùn ứ lại, gây áp lực cho hoạt động giam giữ.
Có một cách để giải quyết tình trạng này đó là nên quy định một thời gian xét đơn xin ân giảm án tử hình, mà hết thời hạn đó, nếu Chủ tịch nước không bác đơn thì tử tội được mặc định ân giảm xuống chung thân.
Trường hợp nào Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm thì mới đưa ra thi hành án. Bằng cách đó đảm bảo rằng những trường hợp đưa ra thi hành là đã được rà soát đánh giá tính xác đáng thêm một lần cuối cùng bởi hoạt động của thiết chế Chủ tịch nước.
Cụ thể, có thể ấn định như sau, trong thời gian 03 năm từ khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, nếu bản án không bị kháng nghị, thêm 01 năm nữa nếu Chủ tịch nước không bác đơn xin ân giảm, khi đó tử tội được mặc định ân giảm xuống chung thân.
Đây có thể xem như hình thức tuyên án tử hình treo, phù hợp với tinh thần nhân đạo của pháp luật hiện nay và giúp giảm bớt số lượng án tử hình được thi hành.
Luật sư Ngô Ngọc Trai