Lâu nay Chính phủ đang rất quan tâm chăm lo phát triển nền kinh tế nhiều chính sách giải pháp đã được đưa ra song cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa phát triển lớn mạnh được như mong muốn. Có nhiều nguyên nhân khiến nền kinh tế bị kìm hãm không thể phát triển trong đó có một nguyên nhân từ những yếu kém của nền tư pháp.
Bởi lẽ tài sản của doanh nghiệp khi được bảo vệ một cách chắc chắn sẽ tạo ra động lực cho doanh nghiệp gia tăng lượng của cải làm ra cho cho xã hội. Một khi tài sản tiền của làm ra dễ bị xâm hại chiếm đoạt thì không ai cố gắng làm giàu nữa.
Ở thời điểm hiện nay tài sản của doanh nghiệp được bảo hộ bởi môi trường đất nước hòa bình không có giặc giã chiến tranh, ngoài ra là một khung khổ pháp luật dân sự tương đối hoàn thiện ấn định các quy tắc bảo hộ quyền sở hữu.
Nhưng bình thường các doanh nghiệp ít quan tâm và không thấy được vai trò của các quy định pháp luật đó, chỉ khi có sự cố xảy ra tài sản của doanh nghiệp bị xâm hại thông qua những vi phạm hợp đồng của những bạn hàng đối tác kinh doanh thì khi đó mới phát sinh nhu cầu về một thể chế tư pháp có năng lực bảo vệ tài sản cho họ.
Vốn dĩ nền tư pháp được giao cho vai trò phân xử bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và đây chính là thiết chế bảo vệ lợi ích chính đáng hợp pháp của một doanh nghiệp khi bị xâm hại.
Chỉ khi bị xâm hại doanh nghiệp mới thấm thía thấy được tài sản của mình có được đảm bảo hay không, quyền sở hữu có được bảo hộ hay không. Và đây là thước đo chuẩn xác nhất về mức độ bảo vệ sở hữu chứ không phải là số lượng đông đảo của các quy định pháp luật dân sự về tài sản và sở hữu.
Vậy thực tế lâu nay nền tư pháp có đảm đương được vai trò bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp? Và Cộng đồng doanh nghiệp có tín nhiệm vào nền tư pháp?
Để thấy được vấn đề, tôi lấy một ví dụ như sau: Năm 2011 một doanh nghiệp sản xuất thiết bị ngành điện có nhà máy ở Vĩnh Phúc ký kết hợp đồng cung ứng vật tư cho một nhà thầu thi công một dự án di dời đường điện cao thế tại thành phố Hồ Chí Minh. Hợp đồng cung cấp thiết bị điện có giá trị khoảng chục tỷ đồng nhưng sau khi đã giao hàng và lắp đặt thiết bị nghiệm thu đưa hệ thống đi vào vận hành thì nhà thầu lại viện cơ này nọ không chịu trả tiền cho bên cung ứng hàng.
Sau một thời gian tranh cãi kéo dài giữa doanh nghiệp, nhà thầu thi công, và chủ đầu tư, đến năm 2015 các bên kiện nhau ra tòa. Nhưng cho đến nay là năm 2019 quyền lợi của doanh nghiệp cung cấp thiết bị điện vẫn không được đảm bảo, tiền hàng gần chục tỷ đồng chưa thu hồi lại được, tòa án vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử.
Đây chỉ là một trong hàng nghìn hàng vạn vụ kiện về tài sản xảy ra mỗi năm mà sự yếu kém của nền tư pháp khiến cho một khối lượng rất lớn tài sản bị kìm giữ trong vòng tranh chấp, chậm được phân định rõ ràng về chủ quyền sở hữu, chậm được đưa vào lưu thông để tạo ra hiệu quả kinh tế.
Do những yếu tố tiêu cực, chạy chọt, tham nhũng khiến cho nhiều phán quyết không đảm bảo lẽ công bằng, quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp không được bảo đảm, khiến cho nhiều vụ kiện kéo dài vì lẽ đương sự phải theo đuổi quyền lợi công bằng.
Nhiều vụ kiện theo đó bị xử lên xử xuống, hủy đi hủy lại, làm hao tổn thời gian công sức tiền bạc của doanh nghiệp, làm hư hỏng môi trường nghiêm chính của nền hành chính tư pháp công vụ. Nền tư pháp thay vì là giải pháp tháo gỡ các tranh chấp, triệt tiêu các xung đột, thì lại là nguyên nhân tạo ra thêm những xung động hỗn loạn trong đời sống xã hội.
Tổng kết cho việc này, theo một khảo sát của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI năm 2018 nhằm tìm giải pháp cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, kết quả khảo sát cho biết tỉ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện có xu hướng giảm theo thời gian, cụ thể năm 2013 tỉ lệ này là 60% thì năm 2017 giảm còn 30%.
Kết quả khảo sát cho biết tình trạng nhũng nhiễu, chạy án là nguyên nhân khiến doanh nghiệp ngại khởi kiện. Những doanh nghiệp đã từng tiếp xúc với tòa án có cái nhìn tiêu cực hơn, hệ thống tư pháp không hiệu quả khiến doanh nghiệp có xu hướng không sử dụng, mà thay bằng các biện pháp khác như trọng tài thương mại, xã hội đen.
Cần làm gì?
Nếu như ở các nước có nền tư pháp tiến bộ, để đòi một khoản nợ doanh nghiệp có thể nhanh chóng khởi kiện ra tòa để kê biên phát mại tài sản trả tiền cho bên đòi, nhưng ở Việt Nam như trên đã chỉ ra điều đó là đầy khó khăn.
Mặt khác ở các nước, nếu doanh nghiệp có nợ mà không trả thì họ sẽ chịu rủi ro rất lớn là bên chủ nợ sẽ đề nghị tòa án tuyên bố phá sản. Nhưng ở Việt Nam lâu nay thủ tục phá sản do tòa án tiến hành với những yếu kém và nhiêu khê khiến cho số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục phá sản đếm trên đầu ngón tay, và hầu như rất ít doanh nghiệp làm thủ tục phá sản, luật phá sản hầu như mất tác dụng. Vì thế rất nhiều doanh nghiệp mang nợ dù có tiền nhưng vẫn thách thức không chịu trả mà chẳng hề lo sợ trước việc có thể bị tuyên bố phá sản.
Tựu chung lại cộng đồng doanh nghiệp đang phải chịu đựng một nền tư pháp kém tính năng hiệu quả. Điều này khiến cho các doanh nghiệp sẽ phải dành một khoản tài chính lớn để dự phòng rủi ro mà theo đó sẽ làm hạn chế đi những cơ hội mở rộng giao thương đầu tư kinh doanh, làm cho nền kinh tế không phát triển được như tiềm năng. Nền tư pháp do đó đang là tác nhân kìm hãm cản trở phát triển nền kinh tế.
Thực trạng vấn đề là như vậy nhưng phía các ban ngành tư pháp thì dường như họ vẫn không tự ý thức được vấn đề nội tại của chính mình và các cán bộ tư pháp vẫn đang làm việc theo một cung cách bình thường mỗi ngày. Chỉ có các doanh nghiệp khi dính đến kiện cáo tranh chấp mới ý thức thấm thía được vấn đề.
Nay đứng trước những mong mỏi khát vọng cho một nền kinh tế phát triển đã đến lúc các ban ngành cần nhìn ra mối tương quan và mối quan hệ nhân quả giữa nền tư pháp và nền kinh tế.
Cộng đồng doanh nghiệp cần nhận ra nền tư pháp đang là rào cản chướng ngại cho nền kinh tế, để từ đó thúc đẩy thực hiện những chính sách đầu tư cải cách sắp xếp lại bộ máy tư pháp, để nền tư pháp thay vì là rào cản sẽ trở thành động lực phát triển cho doanh nghiệp.
Bài đã đăng trên Vietnamnet tại đây: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/ai-bao-ve-quyen-tai-san-cua-doanh-nhan-531055.html