Làm sao để thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước là vấn đề được toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước quan tâm. Nhiều khi tôi nghĩ rằng nếu mình đưa ra được giải pháp cho phát triển kinh tế, đánh trúng vào mối quan tâm của các ban ngành thì chắc chắn vụ án Hàn Đức Long sẽ nhận thêm được sự quan tâm thuận lợi. Vấn đề là mình có đủ năng lực để chỉ ra được giải pháp cho nền kinh tế hay không, thật may mắn là dường như tôi đã tiệm cận có được cái mình cần.
Tôi đã viết một số bài báo phân tích nêu ra một nguyên nhân khiến nền kinh tế chậm phát triển đó là do nền tư pháp yếu kém. Nền tư pháp yếu kém gây ách tắc dòng chảy của tài sản, và tài sản khi chậm được đưa vào lưu thông thì sẽ không tạo ra hiệu quả kinh tế, những ý kiến phân tích rõ ràng dễ hiểu đã nhận được sự chú ý của các ban ngành.
Tôi cho rằng, một thực trạng xấu đối với nền tư pháp lâu nay là thời gian giải quyết các vụ án còn kéo dài. Hầu hết các vụ án thường bị mất thời gian để giải quyết lâu hơn mức cần thiết. Trong khi đó, chúng ta biết rằng tài sản lưu thông mới tạo ra giá trị, việc kéo dài thời gian giải quyết các vụ án dân sự sẽ dẫn đến những thiệt hại lớn cho nền kinh tế mà lâu nay chưa được nhận ra và tính toán thống kê.
Một cuốn sách đã lưu hành rộng trên thế giới và đã được dịch xuất bản ở Việt Nam có tiêu đề ‘Sự bí ẩn của tư bản’, tiêu đề phụ là Vì sao chủ nghĩa tư bản thành công ở Phương Tây và thất bại ở mọi nơi khác? Tác giả cuốn sách đã nhận định rằng: Sự thành công của các nền kinh tế tư bản Phương Tây là do khả năng xác lập rõ ràng minh bạch chứng từ về tài sản rồi đưa vào lưu thông.
Tài sản khi không được lưu thông sẽ không tạo ra giá trị, khiến cho nền kinh tế không thể phát triển. Mà tài sản chỉ có thể được đưa vào lưu thông khi nó được chứng từ hóa, tức là có thông số dữ liệu biểu đạt, ví như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận sở hữu nhà, xe ô tô, hoặc cổ phiếu. Khi tài sản được biểu đạt qua những chứng từ đó sẽ giúp nó có hồ sơ như hồ sơ cá nhân, có thể đưa vào cầm cố thế chấp hoặc chuyển nhượng. Tạo ra sự lưu thông rộng khắp của tài sản.
Muốn được như vậy thì tài sản cần được xác lập rõ ràng về chủ quyền sở hữu, xem ai sở hữu tài sản gì. Khi tài sản chậm được xác lập rõ ràng về chủ quyền sở hữu thì đương nhiên sẽ bị hạn chế ở khâu lưu thông. Từ luận điểm trên đối chiếu với thực tế Việt Nam thì thấy:
Ở Việt Nam lâu nay luôn tồn tại một khối lượng rất lớn tài sản chậm được phân định rõ ràng về chủ quyền sở hữu vì lý do nó còn nằm trong giai đoạn tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp ở tòa án. Rất nhiều tài sản được cầm cố, thế chấp hoặc tiền vay lẫn nhau, vay ngân hàng, hoặc các khối tài sản tranh chấp giữa những người dân và doanh nghiệp, đã rất chậm trễ trong việc phân định rõ ràng chủ quyền sở hữu.
Lý do là thời gian giải quyết một vụ án dân sự thường bị kéo dài, vì năng lực hoặc động cơ cố ý của cán bộ tòa án. Nhiều dự án sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ vì phải đợi tòa án phân định về chủ quyền sở hữu tài sản. Sự chậm trễ ở khâu tòa án là chướng ngại lớn cho việc bạch hóa về chủ quyền sở hữu, khiến tài sản chậm được đưa vào lưu thông. Và tài sản không được lưu thông thì không tạo ra giá trị, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Đây là vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế mà lâu nay đã không được nhận ra và tính toán thống kê thiệt hại. Từ đó tôi đi đến khẳng định rằng nền tư pháp yếu sẽ gây cản trở phát triển kinh tế.
Trong khi đó, lâu nay để tìm cách thúc đẩy phát triển nền kinh tế nhiều người chỉ nghĩ đến các khoản tiền vốn đầu tư, như đầu tư ODA, đầu tư FDI hay các khoản vốn vay trái phiếu Chính phủ, vay Ngân hàng quốc tế để thực hiện các dự án đầu tư trong nước. Đã có sự ít quan tâm hơn trong việc tìm kiếm thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách khơi dậy sức dân, khai phá tiềm lực trong nhân dân, kêu gọi người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh. Hoặc là cũng có chủ trương muốn vậy nhưng không biết làm cách nào để thúc người dân bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh thay vì cất giữ trong nhà.
Một điều quan trọng cần được hiểu là trong thời đại ngày nay nguy cơ xâm hại tới tài sản của người dân và doanh nghiệp không phải là từ giặc giã chiến tranh, mà nguy cơ đến từ sự vi phạm cam kết của chính những bạn hàng đối tác. Do vậy để người dân và doanh nghiệp yên tâm làm ăn, cần phải minh chứng cho họ thấy được là quyền lợi hợp pháp và tài sản của họ sẽ được bảo vệ nhanh chóng hiệu quả, và điều này chính là muốn nói đến vai trò trách nhiệm của nền tư pháp. Nền tư pháp phải đủ mạnh, đủ hiệu quả để đảm bảo tài sản của các bên được bênh vực bảo vệ thay vì bị giải quyết dây dưa kéo dài hoặc bỏ mặc.
Trong nền tư pháp thì Tòa án là thiết chế trung tâm, Tòa án cần trở thành nơi mà mọi người tìm đến để cậy nhờ bảo vệ, thay vì là thứ người ta ngao ngán chẳng thèm nghĩ đến. Một khi tòa án không chứng minh được khả năng đảm bảo công bằng nó sẽ triệt tiêu đi động lực cố gắng trong mỗi người. Khi đó tiền vàng sẽ nằm im trong két sắt gia đình thay vì được đưa vào lưu thông, theo đó nguồn vốn đầu tư của xã hội sẽ bị vơi cạn. Mà tiền trong dân thì nhiều ít không biết thế nào nhưng có lẽ cũng không ít hơn bao nhiêu so với các khoản vay quốc tế.
Cho nên để tìm đường hướng phát triển kinh tế, thay vì chỉ chú tâm kiếm tìm các khoản vốn đầu tư nước ngoài, thì hãy quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước, để khơi dậy và khai phá tiềm lực trong nhân dân. Môi trường đầu tư kinh doanh ở đây không chỉ gói gọn trong phạm vi các quy định thủ tục hành chính đầu tư kinh doanh như lâu nay vẫn được nhắc đến, mà nó còn đòi hỏi ở cả môi trường tư pháp hiệu quả nghiêm minh.
Nhận thức ra vấn đề như vậy tôi rút ra kết luận rằng nền tư pháp mạnh sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhưng khi nhìn lại thì thấy nền tư pháp Việt Nam hiện tại còn nhiều yếu kém và chưa được coi trọng. Sau mấy chục năm hội nhập kinh tế, nhiều người đã thống nhất nhận thức rằng một nền kinh tế thị trường phải đi đôi với một hệ thống pháp luật minh bạch rõ ràng (đây là điều mà các chuyên gia tư vấn quốc tế vẫn thường nói đến). Và thực tế là ở Việt Nam lâu nay người ta cũng đã quan tâm đến khâu làm luật của Chính phủ và Quốc hội nhằm cải thiện các vấn đề pháp luật đầu tư kinh doanh.
Song nhiều người vẫn chưa nhận ra một nền kinh tế thị trường phải song hành với một nền tư pháp đủ tính năng hiệu quả. Vì dù cho các quy định thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh đã rõ ràng minh bạch, nhưng người ta vẫn chưa yên tâm bỏ tiền ra nếu vẫn còn những lo ngại rằng những tranh chấp vướng mắc trong quá trình làm ăn sẽ không được xử lý nhanh chóng chính xác.
Tức là lâu nay nhiều người mới chỉ chú trọng các vấn đề đầu vào như các vấn đề tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, khai thông vướng mắc cho thành lập doanh nghiệp, trong khi lại chưa coi trọng các vấn đề về sau. Ví như thủ tục thành lập doanh nghiệp đã được cải thiện nhanh gọn mau chóng, trong khi thủ tục phá sản doanh nghiệp do Tòa án tiến hành thì vẫn nhiêu khê phức tạp rối rắm (và trở thành điểm tắc nghẽn). Hoặc sau khi doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư rồi thì lại không lo giúp đỡ xử lý giải quyết các tranh chấp vướng mắc trong quá trình kinh doanh (bằng việc để tồn tại một nền tư pháp còn thiếu tính năng hiệu quả).
Điều này tạo ra sự mắc nghẽn của dòng chảy các quyền và nghĩa vụ pháp lý, mà khơi thông nó chính là vai trò tác dụng của nền tư pháp. Nhiều người đã không nhận ra sự tồn tại và tính quan trọng của “sự lưu thông dòng chảy các quyền và nghĩa vụ pháp lý”. Tôi cho rằng “sự lưu thông của dòng chảy các quyền và nghĩa vụ pháp lý” quan trọng chẳng kém gì sự lưu thông dòng chảy tài chính tiền tệ trong môi trường kinh tế. Một khi dòng chảy các quyền và nghĩa vụ pháp lý bị tắc nghẽn do khâu tư pháp yếu kém, nó sẽ cản trở sự minh bạch rõ ràng về tài sản và quyền lợi, cản trở tính năng hữu dụng của các nguồn lực dành cho phát triển kinh tế.
Tư pháp yếu kém cũng biểu hiện ở chỗ khi phán quyết đã có rồi thì khâu thi hành án cũng tồn tại những nhiêu khê khiến nó trở thành điểm nghẽn trong việc phân định tài sản, khiến cho tài sản chậm được phân định rõ ràng về chủ quyền sở hữu, từ đó chậm được đưa vào lưu thông để tạo ra hiệu quả kinh tế.
Cho nên một nền kinh tế thị trường đòi hỏi một nền tư pháp mạnh. Khi nền tư pháp yếu, không chứng tỏ được luật pháp nghiêm minh, sẽ tạo ra môi trường pháp lý mơ hồ khiến người dân và doanh nghiệp nhận thức phán đoán sai về các tín hiệu, dẫn đến các suy tính quyết định đầu tư sai lầm. Từ đó tôi kết luận, để tránh những thiệt hại cho nền kinh tế cần thúc đẩy nâng cao tính năng hiệu quả của nền tư pháp, để tư pháp trở thành điểm đột phá cho phát triển kinh tế, thay vì là điểm tắc nghẽn gây cản trở cho sự phát triển kinh tế như hiện nay.
Những luận giải về vai trò của nền tư pháp trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế đã gây được tiếng vang nhất định trong giới tư pháp và giới chuyên gia kinh tế. Nhiều người ngạc nhiên vì xuất hiện một nhãn quan tư duy kinh tế mới mẻ. Điều đó đã giúp tôi tạo được dấu ấn cá nhân và gián tiếp giúp cho vụ án Hàn Đức Long nhận thêm được sự quan tâm, cũng như củng cố thêm niềm tin oan sai nơi các ban ngành.
Còn tiếp …