Quá trình bào chữa minh oan cho ông Hàn Đức Long tôi nhận thấy một sự thật là vai trò vị thế của luật sư Việt Nam còn yếu kém nên tiếng nói không được lắng nghe. Thực tế các vụ án oan sai lâu nay như vụ Nguyễn Thanh Chấn hay Hàn Đức Long thì cũng đều có luật sư nhưng vẫn bị oan sai, nguyên nhân bởi vì ý kiến của luật sư đã không được lắng nghe chấp nhận. Nhận ra điều đó nên quá trình minh oan cho ông Long tôi nhận ra vấn đề cần tìm cách thúc đẩy nâng cao vị thế tiếng nói của luật sư bào chữa.
Trong vụ án ông Long phạm tội giết người và hiếp dâm trẻ em thuộc khung hình phạt chung thân tử hình, theo luật lúc đó phải chỉ định luật sư bào chữa nhưng các cơ quan tư pháp không chỉ định ngay từ đầu, mà mãi về sau mới có luật sư, cho nên mặc dù nói là ông Long thú nhận tội trạng nhưng không hề có bản khai thú nhận tội nào có luật sư tham gia. Điều này cho thấy vai trò của luật sư bào chữa đã bị các cơ quan tư pháp xem nhẹ lược bỏ.
Thực tế quá trình bào chữa minh oan tôi thấy ý kiến luật sư dù có cơ sở pháp lý và xác đáng đến đâu cũng bị thô bạo từ chối. Khi luật sư viện dẫn tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ cho rằng khoảng thời gian từ 4 đến 6 giờ chiều ngày mùa hè 26/06/2005 trời còn sáng, chẳng có tên tội phạm nào lại gây án trong thời gian đó, bắt bế cháu bé ra cánh đồng giết hiếp giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng đã không được lắng nghe. Luật sư cũng nói rằng mực nước mương 35cm không thể làm chết đuối cháu bé có chiều cao 1,07m, chỉ cần cháu lồm cồm ngồi dậy cũng cao hơn mực nước.
Giám định pháp y trong phổi và khí phế quản có nhiều dị vật lẫn bùn đất cho thấy cháu bé bị dìm cho chết sặc chứ không phải đuối nước. Như thế kết quả điều tra mô tả ông Long đẩy cháu bé ngã xuống mương nước rồi bỏ chạy về là sai. Luật sư cũng cho rằng lời tố cáo hiếp dâm của hai mẹ con bà cụ, thực hiện sau khi Long đã hành hung đánh nhau với gia đình họ thì lời vu cáo đó là đáng ngờ, rất có thể đó là sự vu oan giáng họa như lời Long khai báo. Nhưng tất cả các ý kiến đều không được chấp nhận.
Trong khi nên biết rằng bản chất của toàn bộ các hoạt động luật sư bào chữa đó là ĐƯA RA CÁC Ý KIẾN. Luật sư đưa ra các ý kiến dựa trên các quy định pháp luật và cơ sở bằng chứng. Luật sư không có thẩm quyền quyết định về sự việc, chấp nhận hay không lời bào chữa đó là quyền hạn của các cơ quan tư pháp, nhưng để đảm bảo công bằng thì ý kiến nói đúng phải được lắng nghe, lập luận thuyết phục phải được chấp nhận.
Thực tế không như thế, việc giải quyết vụ án dựa nhiều vào quyền lực của các cơ quan, với thẩm quyền định đoạt mọi việc nhiều khi không dựa vào tính hợp lý chính đáng của sự vật hiện tượng. Trong khi bản chất của hoạt động bào chữa chỉ là đưa ra các ý kiến thì vai trò của luật sư chỉ có ý nghĩa trong môi trường cơ chế tư pháp mà tiếng nói đúng phải được lắng nghe, lời xác đáng phải được ghi nhận, còn thì luật sư sẽ vô nghĩa trong môi trường cơ chế tư pháp nặng tính chuyên quyền áp đặt.
Vậy một khi ý kiến của luật sư không được lắng nghe chấp nhận thì phải làm sao? Tôi trăn trở và thấy rằng cần phải nói rộng ra cho cộng đồng xã hội và các ban ngành biết, để họ thấy được sự bất cập và lối làm việc sai trái của các cơ quan tư pháp. Khi đó việc minh oan cho tử tù Hàn Đức Long không đơn thuần là minh oan cho một người mà đó còn là sự nghiệp thúc đẩy tiến bộ cho nền tư pháp. Muốn được thế thì không còn cách nào khác là phải phơi bày ra những sự lạm quyền xảy ra trong vụ án Hàn Đức Long và tôi đã làm việc này một cách kiên trì bền bỉ.
Luật quy định luật sư bào chữa được quyền gặp bị can đang bị tạm giam, đây tưởng chừng như là điều đương nhiên tối thiểu của hoạt động bào chữa nhưng vẫn bị xâm phạm. Khi ông Long được chuyển đến giam giữ tại Trại tạm giam T16 ở huyện Thanh Oai, Hà Nội, tôi muốn tìm đến gặp để động viên ông khi vụ án đang ở vào giai đoạn nước rút, nhưng cán bộ quản lý trại giam không cho gặp và thô lỗ xua đuổi về, họ nói rằng vụ án đang được giám sát đặc biệt nên không cho gặp. Trong đầu tôi lúc đó nghĩ rằng, các anh định làm gì, các anh định thực thi công lý bằng cách vi phạm pháp luật à?
Ở các nước có nền tư pháp tiến bộ như Canada thì luật sư bào chữa thường là người đầu tiên gặp bị can sau khi bị bắt, và để bị can hiểu được quyền im lặng thì luật sư dành nhiều thời gian để giải thích hướng dẫn cách thực hiện quyền im lặng. Ở Việt Nam luật cũng quy định luật sư được gặp bị can nhưng thực tế hay bị ngăn cản với đủ mọi lý do (chứ đừng hòng được gặp đầu tiên). Nguyên nhân của việc này là cơ quan điều tra muốn khai thác bị can trước, lấy lời khai để tạo lập cơ sở phá án, vì họ lo ngại nếu bị can gặp luật sư trước sẽ khiến bị can không chịu khai báo. Luật cũng quy định một việc phải làm ngay sau khi bắt bị can là phải lấy lời khai ngay, chính cái quy định lấy lời khai kiểu ‘mỳ ăn liền nóng sốt’ như vậy chính là nguyên nhân dẫn đến bức cung nhục hình.
Vị thế yếu của luật sư bào chữa ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng bảo vệ cho thân chủ, từ đó khiến gây ra những rủi ro oan sai. Vị thế yếu của luật sư còn thể hiện ở chỗ giai đoạn điều tra luật sư chỉ được gặp khi có sự tham gia của điều tra viên chứ không được gặp riêng. Thực tế thì hầu như lần gặp đầu tiên nào của luật sư với bị can cũng đều là buổi làm việc của điều tra viên, sau khi làm thủ tục thì bị can được đưa vào phòng làm việc đã có sẵn điều tra viên và luật sư ở đó.
Khi đó sự xuất hiện lần đầu của luật sư bên cạnh điều tra viên sẽ làm giảm đi mức độ tin cậy ở nơi người bị giam giữ. Luật còn quy định trong quá trình hỏi cung luật sư chỉ được phép hỏi khi được điều tra viên đồng ý, đây là một sự ấn định vị thế rất yếu kém cho luật sư trong con mắt khách hàng, điều này dẫn đến tình trạng khi luật sư lên tiếng can thiệp vào quá trình hỏi thì bị điều tra viên ngắt không cho nói, nếu không có thể bị quy cho là gây khó khăn cho hoạt động điều tra.
Tại giai đoạn truy tố cuối cùng tôi không được Viện kiểm sát tỉnh Bắc Giang cho sao chụp hồ sơ vụ án, họ đã tránh né bác bỏ yêu cầu chính đáng của luật sư bằng nhiều biện pháp. Khi tôi gửi công văn về hẹn lịch làm việc thì không được hồi đáp, gọi điện thì kiểm sát viên ban đầu không nghe máy sau đó thì bị gọi nhiều quá nên chặn số, khi tôi về trực tiếp tìm gặp thì hết lần này lần khác không gặp được, hôm thì bảo đi công tác ở huyện, khi thì đang họp ở nơi khác, hôm có mặt ở cơ quan thì bảo đang họp, đợi từ sáng đến trưa gặp được thì trả lời sẽ trả lời anh sau. Luật sư phản ánh tới Viện trưởng viện kiểm sát thì cũng gặp phải thái độ sỗ sàng thiếu thiện chí và không giải quyết.
Cho nên cần khẳng định rằng dẫn đến vụ án oan sai có một phần nguyên nhân từ vai trò vị thế yếu kém của luật sư bào chữa, tiếng nói kém được lắng nghe. Thực tế lâu nay vị thế vai trò của luật sư trong đời sống chính trị kinh tế xã hội còn thấp, ngoại trừ mảng luật sư đầu tư thương mại được hưởng lợi từ những cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của nhà nước từ hàng chục năm qua, với các chính sách cải cách thủ tục hành chính, cải cách thủ tục đầu tư doanh nghiệp khiến cho hành lang pháp lý tương đối rõ ràng thuận lợi. Còn lại trong mảng tố tụng hình sự các thủ tục tư pháp nhiêu khê rất chậm được cải cách sửa đổi so với các thủ tục hành chính, các hoạt động còn mang đậm tính chất chuyên chế trấn áp.
Môi trường tư pháp bị bỏ rơi tệ đến nỗi nhiều trường hợp vi phạm pháp luật rõ ràng mà luật sư không làm gì được, ví như vi phạm quy định về thời hạn cấp giấy bào chữa, vi phạm quyền được sao chụp hồ sơ, vi phạm quyền được gặp bị can, vi phạm quy định thời hạn đưa vụ án ra xét xử, vi phạm quyền tham dự phiên tòa công khai…
Vị thế yếu của luật sư gây ảnh hưởng xấu tới tình trạng pháp lý của thân chủ, còn thể hiện ở chỗ trong giai đoạn tiền tố tụng, khi cơ quan điều tra xác minh theo đơn thư tố giác tội phạm thì luật sư không được phép tham gia. Trong khi ở giai đoạn này tuy cơ quan điều tra chưa khởi tố vụ án nhưng cũng thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ kiểm tra xác minh không khác mấy so với việc điều tra như khi đã khởi tố rồi, ví như triệu tập lấy lời khai, cho đối chất, yêu cầu giao nộp tài liệu đồ vật và tiến hành định giá, giám định.
Lúc này người bị tố cáo vì lo lắng cho mình nên đã mời luật sư tư vấn bảo vệ, khi họ bị triệu tập họ muốn có luật sư tham gia ngồi cùng khi lấy cung, để đảm bảo lời khai báo là tự nguyện tránh bị các hành vi bức cung. Nhưng khi luật sư đến làm việc thì lại bị điều tra viên yêu cầu ra ngoài, vì chưa khởi tố vụ án nên chưa phát sinh quyền bào chữa, luật sư cũng không được cấp giấy chứng nhận bào chữa ở giai đoạn tiền tố tụng này cho nên không có tư cách để tham gia buổi làm việc.
Cho tới khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 được sửa đổi ban hành thì bất cập pháp lý này mới được tháo gỡ, theo đó luật mới quy định cho phép người bị tố giác được mời luật sư tư vấn bảo vệ trong giai đoạn tiền tố tụng khi cơ quan điều tra xác minh kiểm tra theo đơn thư tố giác, và luật sư cũng được tham gia các hoạt động tố tụng bảo vệ cho thân chủ như tham gia cùng các buổi lấy lời khai. Như thế thì hãy hình dung rằng khi quy định pháp luật chưa được sửa đổi, quyền mời luật sư tại giai đoạn tiền tố tụng chưa có thì nó sẽ gây hệ quả thế nào cho hàng nghìn hàng vạn con người đã lâm vào vòng lao lý trước đây, và theo đó vấn đề án oan sai thì có phải là tất yếu?
Việc pháp luật ấn định phạm vi quyền hạn hạn hẹp cho luật sư bào chữa, bộc lộ quan điểm xem nhẹ vai trò luật sư trong xây dựng luật. Ngược lại, giới luật sư muốn nâng cao vị thế của mình không có cách nào khác là phải ra sức cống hiến cho cộng đồng xã hội, bằng việc nỗ lực không ngừng đóng góp cho xây dựng pháp luật và kiến tạo nền tư pháp an toàn cho các quyền công dân. Ngoài ra là sự lên tiếng của giới luật sư đóng góp trí tuệ, sáng kiến cho các giải pháp chính sách đời sống xã hội, sẽ giúp gây dựng nâng cao vị thế uy tín người luật sư trong con mắt cộng đồng xã hội và các ban ngành.
Còn tiếp …