Bài toán khó về các nhóm lợi ích

 

Ở Việt Nam gần đây nói nhiều về nhóm lợi ích với dụng ý phê phán vì những nhóm đó lũng đoạn chính sách để trục lợi cho phe nhóm, ảnh hưởng đến quyền lợi chung, tôi chia sẻ quan điểm như sau:

 

Đứng ở phương diện chính quyền và xét một cách tổng quát thì thấy rằng: Trong điều kiện nguồn lực quốc gia là hữu hạn thì tại mọi thời điểm sẽ luôn phải lựa chọn để giải quyết trước những vấn đề được đánh giá là đáng quan tâm hơn các vấn đề khác.

 

Khi nguồn lực quốc gia được tập trung dành giải quyết cho vấn đề được đánh giá là quan trọng hơn, khi đó sẽ có nhóm người hưởng lợi từ vấn đề được giải quyết. Đồng thời với đó, các vấn đề khác bị cho là ít quan trọng hơn sẽ bị bỏ lại và có nhóm bị thiệt thòi.

 

Do vậy mà ở mọi thời điểm, trong xã hội luôn luôn tồn tại những nhóm người có quyền lợi không đồng nhất hoặc đối lập nhau.

 

Ở phạm vi nhỏ hơn như ở một huyện, một xã, hoặc một gia đình cũng vậy. Khi nguồn lực là giới hạn thì luôn phải lựa chọn xem cần ưu tiên làm gì.

 

Ví dụ trong gia đình người vợ muốn mua một căn nhà mới trong khi con lại muốn đi du học, còn ông bố thì muốn có chiếc xe ô tô. Khi đó người vợ, người con và người chồng có quyền lợi không đồng nhất.

 

Tồn tại khách quan

 

Chính quyền giải quyết các vấn đề đất nước dưới dạng cho ra đời các chính sách kinh tế xã hội, các văn bản pháp luật.

 

Khi một chính sách kinh tế mới ban hành sẽ phá vỡ hiện trạng vốn có, sẽ tạo ra tình thế mới phân làn gianh giới bên trong bên ngoài, được và không được, cấm và không cấm, sẽ có nhóm người được hưởng lợi từ quy định mới và có nhóm người chịu vướng mắc thiệt thòi.

 

Nhóm quyền lợi hình thành khi chính quyền cho ra đời những văn bản chính sách như thế. Khi có càng nhiều chính sách phát triển kinh tế, sẽ càng hình thành nên những nhóm lợi ích có quyền lợi không đồng nhất.

 

Trong xã hội sẽ có rất nhiều nhóm người có quyền lợi khác nhau, một người cũng có thể thấy mình có quyền lợi chung với nhiều nhóm khác nhau về các vấn đề kinh tế xã hội khác nhau.

 

Các nhóm lợi ích luôn tìm cách chi phối tác động dưới hình thức này hình thức khác tới việc hình thành các chính sách để có lợi cho mình. Những người chưa tập hợp với nhau thành nhóm trong khi quan tâm tìm cách bảo vệ quyền lợi cho mình họ có những hoạt động, trong quá trình đó họ gặp gỡ nhau và liên kết hình thành nên nhóm mới.

 

Những nhóm người có quyền lợi giống nhau luôn có xu hướng tập hợp lại với nhau để nhân lên sức mạnh tranh đấu cho nhóm quyền lợi của mình, ban đầu là các hội đoàn nhỏ, đến đỉnh cao là các chính đảng, những tổ chức được thành lập khoa học có mục đích chiếm lĩnh quyền lãnh đạo quốc gia để phục vụ tốt nhất cho nhóm lợi ích của mình.

 

Trong xã hội có những nhóm lợi ích là một sự tất yếu khách quan giống như nước chảy chỗ trũng, phải thừa nhận là có và vấn đề không phải là tốt hay xấu mà quan trọng là ứng xử giải quyết với hiện tượng đó.

 

Bài toán khó

 

Không thừa nhận sự tồn tại tất yếu của nhóm lợi ích là quay lưng với thực tại khách quan, sẽ làm méo mó đi quá trình soạn thảo ban hành các chính sách.

 

Mỗi một chính sách thực chất cũng chỉ nhắm đến một số nhóm lợi ích nhất định, không có một chính sách nào có thể hướng đến toàn dân, trong mỗi chính sách dù có lớn rộng đến mấy sẽ vẫn có người thấy mình thiệt thòi.

 

Ví dụ: Việc dành mấy trăm nghìn tỷ để thu mua nợ xấu trong nền kinh tế, có nhóm cho việc đó là đúng, họ sẽ chỉ ra hàng loạt lý do hợp lý. Nhưng có người thì cho rằng nên dành tiền đó cho phát triển kinh tế vùng núi để các em bé được ăn bữa cơm có thịt.

 

Hoặc đề án sử dụng đến 70 nghìn tỷ đồng đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, có người cho điều đó là rất cần thiết, có người thì cho rằng tiền đó nên dành để xây trường lớp cho học sinh vùng còn khó khăn.

 

Có rất nhiều nhóm người đòi hỏi chính quyền dành sự quan tâm hơn nữa đến họ, dành nguồn lực đầu tư giải quyết vấn đề của họ ví dụ đời sống khó khăn của hàng triệu lao động xa quê, ví dụ hàng triệu người già ở quê không có lương hưu, hay thu nhập quá thấp của người cán bộ công chức..v.v

 

Thực chất, nhóm lợi ích chính là đối tượng hướng đến của các chính sách, nếu không phải vậy thì việc ban hành chính sách không có mục tiêu phương hướng.

 

Nếu thẳng thắn nhìn nhận thực tế đó, quá trình làm soạn thảo sẽ cho ra đời các chính sách đã tính lường đến mọi góc độ lợi ích, hạn chế thấp nhất sự bất công, ngoài ra cũng sẽ thâu nhận được nhiều nguồn lực trí tuệ bộc lộ qua những luận thuyết xu hướng khác nhau.

 

Nhóm nào tiếp cận được với cơ sở đầu não ban hành chính sách hoặc có được cơ quan ngôn luận phản ánh tiên lục các vấn đề khó khăn của họ, thì cơ hội thành công hưởng lợi trong các chính sách là lớn hơn.

 

Qua đó có thể thấy sự quan trọng của tự do báo chí trong vai trò là cơ quan ngôn luận của các nhóm lợi ích. Những người thiệt thòi là những người kém hiểu biết, không có phương tiện để gửi gắm những tâm tư nguyện vọng nhu cầu bức thiết tới cơ quan ban hành chính sách.

 

Nếu thừa nhận nhóm lợi ích thì phải thừa nhận quyền tự do lập hội, nhóm lợi ích chính là nền tảng của các tổ chức hội, khi đã đa dạng về lợi ích thì sẽ có đa dạng về xu hướng, đa dạng về chính kiến, đa dạng về ý kiến hoạch định đường lối phát triển quốc gia… cuối cùng là đa đảng.

 

Như vậy chính quyền Việt Nam hiện nay đang ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc thừa nhận hay không sự tồn tại khách quan của nhóm lợi ích.

 

Bài đã đăng trên BBCVietnamese tại đây: Google search: ‘Bài toán khó về các nhóm lợi ích’