Vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn giúp gì cho vụ Hàn Đức Long?
Ngày 15/8/2003 tại xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang xảy ra một vụ án mạng nghiêm trọng. Buổi tối hôm đó người dân nghe tiếng trẻ con khóc trong nhà một phụ nữ, khi mở cửa ra thì thấy người mẹ nằm trên nền nhà đã chết với nhiều vết đâm trên người. Cơ quan điều tra xác định nạn nhân bị giết và tiến hành điều tra trong hoàn cảnh không có nhân chứng. Khoảng 30 người đàn ông trong xã được triệu tập để lấy lời khai, trong đó có ông Nguyễn Thanh Chấn. Ông Chấn thường ngày bán hàng tại một quán nước nhỏ tại sân bóng đá của địa phương gần nhà nạn nhân. Sau hai ngày bị công an mời lên thẩm vấn rồi cho về, mười lăm ngày sau, đến ngày 29 tháng 8 năm 2003 ông Chấn bị tạm giam để điều tra và bị khởi tố về tội giết người.
Kết quả điều tra xác định chập tối hôm xảy ra vụ án ông Chấn đi lấy nước để bán hàng có đi qua nhà nạn nhân, khi thấy thấy nạn nhân ở nhà một mình thì trêu ghẹo và đòi quan hệ tình dục. Khi bị cự tuyệt từ chối và lo sợ hành vi bị phát giác nên ông Chấn đã dùng giao giết chết nạn nhân. Tháng 03 năm 2004 Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm tuyên án tù chung thân. Ông Chấn kháng cáo kêu oan, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử bác kháng cáo kêu oan tuyên y án sơ thẩm. Mặc dù tại hai phiên xử ông Chấn đều một mực kêu oan và không nhận tội, nhưng tòa án dựa vào các biên bản nhận tội của ông tại cơ quan điều tra để tuyên án.
Vợ ông Nguyễn Thanh Chấn là bà Nguyễn Thị Chiến một mực tin rằng chồng mình vô tội. Suốt 10 năm bà theo đuổi kêu oan cho chồng, ở địa phương bà âm thầm nghe ngóng nắm bắt tin tức. Manh mối xuất hiện vào năm 2010, bà nghe có chuyện một gia đình vợ chồng cãi nhau nói về kẻ giết người. Bà Chiến đã gần gũi nói chuyện và được tiết lộ về hung thủ của vụ án. Nhờ được một người bà con hiểu biết hướng dẫn, bà Chiến đã ghi âm lại một số cuộc nói chuyện khẳng định Nguyễn Văn Chu, người cùng làng với ông Chấn mới là thủ phạm. Những bằng chứng này sau đó được gửi lên các cơ quan trung ương như Bộ công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Vụ án sau đó được điều tra xem xét lại. Sau một quá trình theo dõi, điều tra và truy bắt, ngày 25 tháng 10 năm 2013 thủ phạm đã được vận động ra đầu thú khai nhận là thủ phạm vụ giết người cướp tài sản mười năm trước. Thủ phạm khai (khi đó mới 15 tuổi) khi vào cửa hàng tạp hóa nhà nạn nhân để mua hàng, thấy có tiền trong tủ kính bán hàng liền nảy sinh ý định cướp, hung thủ đã dùng dao bấm đâm và giằng co đâm nhiều nhát vào người nạn nhân, sau đó lấy tiền bỏ đi. Khi về nhà ông bố thấy trên người con có nhiều máu hỏi bị làm sao rồi giục đi tắm rửa, đến đêm sự việc nạn nhân bị giết gây ồn ào thôn xóm thì ông bố hiểu ra câu chuyện, ông đã khuyên con trai bỏ trốn lên Lạng Sơn, rồi sau đó đưa vào Đắk Lắk làm thuê tại một vườn trồng cây cà phê cho đến ngày ra đầu thú.
Sau khi thủ phạm ra đầu thú, sự việc được làm sáng tỏ và ông Chấn đã được trả tự do minh oan. Các bản án kết tội ông Chấn trước đây được hủy bỏ, thủ phạm chính trong vụ án bị xét xử về tội giết người với mức án 12 năm tù. Ông Chấn đã được bồi thường 7,2 tỷ đồng cho quãng thời gian 10 năm ở tù oan sai.
Câu chuyện về vụ án Nguyễn Thanh Chấn được truyền thông báo chí đưa tin rộng rãi suốt nhiều tháng liền. Tôi nhanh chóng nắm bắt các thông tin và tìm hiểu về các hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp xử lý vụ ông Chấn cũng chính là các cơ quan đã xử lý vụ Hàn Đức Long. Hai vụ án xảy ra cách nhau hai năm, vụ ông Chấn xảy ra năm 2003 còn vụ ông Long xảy ra năm 2005.
Tôi đã tổng hợp chỉ ra một loạt điểm chung giống nhau của hai vụ án rồi gửi báo chí nhờ đăng tải, cụ thể như sau:
- Cả hai đều có gia đình ổn định, có vợ và con cái đầy đủ. Đều là những nông dân, ít học hành và ít giao lưu rộng rãi bên ngoài xã hội. Nhưng sau khi vướng vòng lao lý, họ đều được xây dựng thành hình ảnh xấu, tha hóa… Cả hai đều bị mô tả là đã từng trêu ghẹo phụ nữ ở địa phương, có biểu hiện của hành vi dâm ô hoặc lệch lạc về nhận thức tình dục.
- Cả hai vụ đều được mô tả gây án tình cờ.Khi gây án ông Chấn được kết luận điều tra mô tả đi lấy nước qua nhà nạn nhân, thấy nạn nhân ở nhà một mình thì nảy sinh ý định gạ gẫm giao cấu rồi giết hại. Vụ ông Long được mô tả là trong lúc chờ đợi xay xát thóc đã đi lang thang qua nhà cháu bé, khi thấy cháu ở nhà một mình thì Long cũng tự nhiên nảy sinh ý định bắt cóc cháu và hãm hiếp.
- Cả hai đều bị bắt truy xét mà không có chứng cứ trực tiếp. Ông Chấn bị triệu tập lên cơ quan công an sau 15 ngày kể từ ngày xảy ra án mạng, ông Long bị triệu tập lên cơ quan công an sau gần 04 tháng kể từ ngày xảy ra án mạng. Ông Chấn có một quán nước gần sân bóng vì lăng xăng giúp đỡ cơ quan điều tra để rồi lại bị nghi vấn. Ông Long vì trong lúc cơ quan điều tra đang ráo riết truy tìm hung thủ lại gây hấn xô xát với gia đình hàng xóm nên bị để ý nghi vấn là hung thủ.
- Sau khi bị giam giữ thì cả hai đều có đơn thú nhận hành vi phạm tội. Cả hai đều được cho viết thư về gia đình và đều thừa nhận hành vi phạm tội trong thư. Cả hai vụ cơ quan điều tra đều ghi âm lời nhận tội của bị can đưa về cho vợ ở nhà nghe.
- Cả hai vụ đều không có nhân chứng, vật chứng. Vật chứng căn bản nhất của vụ án hiếp dâm thường là dấu vết tinh dịch, lông, tóc, lời khai của nhân chứng… tất cả đều không có. Căn cứ kết tội dựa chính đều dựa vào lời khai nhận của bị cáo và các cơ quan tố tụng đánh giá là lời khai nhận tội phù hợp với các tài liệu dấu vết thu được ở hiện trường.
- Cả hai đều được cho “tự vẽ” lại sơ đồ đường đi gây án, cho thực hiện lại thao tác hành vi phạm tội và cả hai đều được cơ quan điều tra mô tả đánh giá là thực hiện “thuần thục”.
- Khi ra tòa, cả hai đều kêu oan và khai báo việc bị bức cung, nhục hình, bị ép buộc phải khai nhận như những gì điều tra viên yêu cầu. Lời của cả hai đều không được Hội đồng xét xử lưu tâm đánh giá.
- Vụ ông Chấn và ông Long cùng được điều tra, truy tố và xét xử bởi một số cơ quan và cán bộ tư pháp tỉnh Bắc Giang. Cùng điều tra viên, cùng kiểm sát viên, cùng thẩm phán.
- Mặc dù gia đình đều nhận được thư từ trại giam thú nhận hành vi phạm tội nhưng đều không tin đó là thật. Gia đình hai bị cáo đều không từ bỏ và nhiều năm theo đuổi, tìm cách minh oan cho người thân của mình.
Điều gì đặc biệt ở Bắc Giang?
Quá trình minh oan cho tử tù Hàn Đức Long qua theo dõi tìm hiểu báo chí thì thấy ở Bắc Giang nổi lên nhiều vụ án oan sai, ngoài vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn đã được minh oan còn có vụ án Trộm cổ vật có tới 08 người bị bắt và cũng đã được xác định là oan sai. Tôi đặt ra câu hỏi rằng tại sao nơi này lại nổi cộm lên vấn đề oan sai? Tất nhiên lý do một phần là do lề lối làm án giống nhau và nếu lề lối đó bị sai lệch mà áp dụng nhiều năm thì hẳn nó không thể chỉ gây ra oan sai cho một vụ.
Ngoài ra ở đây có một điều hơi đặc biệt mà tôi đã phát hiện ra so với những nơi khác. Chúng ta biết là bình thường thì trụ sở cơ quan điều tra nằm thuộc công an tỉnh thường ở trong thành phố, còn Trại tạm giam thì ở ngoài rìa ven đô, đây là hai cơ quan khác nhau độc lập với nhau. Khi điều tra viên đi lấy cung thì vào trại làm thủ tục trích xuất rồi đưa ra phòng hỏi cung của trại giam nơi được quản giáo giám sát để lấy cung. Các luật sư lâu nay khi vào phòng hỏi cung cũng thường thấy ở các phòng hỏi cung bên cạnh cũng có việc hỏi cung, và cách một vài bước chân bên ngoài là cảnh sát quản giáo, vậy chẳng lẽ việc đánh đập diễn ra ngang nhiên trước mắt mọi người vậy sao? Người bị đánh chẳng lẽ không kêu la mà những người đang làm việc phòng bên cạnh lại không có ý kiến gì ngăn cản?
Tìm hiểu thì được biết trước đây cơ quan điều tra công an tỉnh Bắc Giang ngoài phạm vi trụ sở trong thành phố thì còn có một dãy nhà văn phòng làm việc liền kề với dãy nhà hành chính của Ban giám thị trại giam Kế và sau lưng hai hãy nhà này cách vài bước chân là khu phòng giam giữ bị can. Ông Long khai nhiều lần khai bị đưa đi cung trên phòng tầng hai của tòa nhà văn phòng làm việc của cơ quan điều tra và bị đánh tại đây, nhiều hoạt động điều tra diễn ra ở nơi này chứ không diễn ra ở phòng hỏi cung của trại giam. Tức là hoạt động điều tra đã không diễn ra ở phòng hỏi cung của trại giam để quản giáo giám sát mà diễn ra ở phạm vi nhà làm việc thuộc cơ quan điều tra. Quá trình điều tra lại sau này cơ quan điều tra đã thừa nhận trước đây có phòng hình sự, phòng điều tra ở trại tạm giam Kế.
Đây có lẽ là nguyên nhân lý giải vì sao tình trạng oan sai ở đây nổi cộm hơn những nơi khác, vì việc điều tra lấy cung đã không được quản giáo giám sát.
Còn tiếp …