Từ đầu năm 2018 luật hình sự mới của Việt Nam có hiệu lực quy định về các biện pháp điều tra đặc biệt.
Theo đó các biện pháp điều tra đặc biệt bao gồm ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật và thu thập bí mật dữ liệu điện tử.
Là một luật sư đã có hơn mười năm kinh nghiệm bào chữa hình sự, tôi cho rằng những hoạt động điều tra bí mật như này xưa nay có thể đã làm rồi nhưng chỉ để xác định phương hướng đường lối phá án.
Sau khi đã điều tra bí mật và nắm được một số thông tin về tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ thực hiện thêm các biện pháp nghiệp vụ khác để xử lý phá án và chuyển hóa thông tin thành chứng cứ.
Nhưng giờ đây các dữ liệu được thu thập bí mật có thể được sử dụng trực tiếp để kết tội.
Theo luật, chỉ các tội sau mới có thể bị áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, gồm: Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền. Và các tội phạm có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.
Ngoài những tội kể trên, luật không quy định cho phép áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt đối với các tội danh còn lại trong Bộ luật hình sự.
Về thẩm quyền thì Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên (cơ quan điều tra trong quân đội) có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt.
Nhưng trước khi thực hiện phải được sự phê chuẩn đồng ý của Viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp.
Hoặc Viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp nêu trên có quyền yêu cầu thủ trưởng cơ quan điều tra phải thực hiện biện pháp điều tra đặc biệt.
Có một điểm đáng lưu ý là các biện pháp điều tra bí mật chỉ được thực hiện sau khi đã khởi tố vụ án, còn thì khi sự việc mới có đơn thư tố cáo hoặc dấu hiệu nghi vấn mà chưa khởi tố vụ án thì không áp dụng biện pháp điều tra bí mật.
Đây là một điểm hạn chế của chế định pháp lý này, bởi khi đã khởi tố vụ án rồi thì đã ‘rút dây động rừng’. Đối tượng đã đề phòng rồi thì việc điều tra bí mật sẽ cho hiệu quả ra sao?
Đúng ra khi cơ quan tố tụng nhận được đơn thư tố giác hoặc thông tin về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì cần phải áp dụng điều tra bí mật ngay, chứ sao lại để khởi tố rồi mới làm?
Tôi cho rằng lý do có thể vì đây là một vấn đề mới, lợi hại của nó chưa biết thế nào nên các nhà làm luật mới tìm cách giảm bớt sự sắc bén của ‘công vụ vũ khí mới’ này trong điều tra hình sự.
Song cũng cần lưu ý tiếp là có những khi vụ án đã khởi tố rồi nhưng lại chưa khởi tố bị can, do vậy nhiều người không biết mình đã dính đến một vụ án đã bị khởi tố rồi và đang bị điều tra bí mật.
Dữ liệu điện tử
Cùng với quy định về các biện pháp điều tra đặc biệt thì luật cũng ràng buộc chặt chẽ thêm vào đó bằng điều luật về dữ liệu điện tử.
Theo đó Bộ luật tố tụng hình sự quy định ‘Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử’.
‘Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác’.
‘Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác’.
Với quy định mới này (trước đây chưa có) thì những đoạn ghi âm, video ghi hình… sẽ được đánh giá là chứng cứ và sử dụng trực tiếp để xử lý hình sự, thay vì bị coi là để tham khảo hoặc giá trị chứng cứ không rõ ràng như trước đây.
Do vậy trong quan hệ giao dịch làm ăn người dân cần cẩn trọng, đặc biệt trong bối cảnh các thiết bị ghi âm ghi hình ngày một dễ kiếm giá rẻ và sử dụng thông dụng. Với quy định mới này của luật thì những lời nói hứa hẹn, cam kết hớ hênh, hoặc những hành vi dấm dúi khuất tất sẽ tăng khả năng bị phát hiện xử lý
Người ghi âm ghi hình thì lưu ý, để được dùng làm chứng cứ thì dữ liệu cần nguyên bản đừng chỉnh sửa cắt xén (vì sẽ được giám định), bằng cách đó gia tăng tối đa giá trị sử dụng của dữ liệu điện tử được sử dụng làm chứng cứ.
Xâm nhập máy tính, email
Luật mới cho phép cơ quan điều tra được thu thập bí mật dữ liệu điện tử.
Điều này đồng nghĩa với việc máy tính cá nhân và thư điện tử có thể bị xâm nhập và bị lấy đi dữ liệu.
Tất nhiên theo luật thì điều đó chỉ xảy ra trong phạm vị các đối tượng phạm tội theo các điều luật nêu trên.
Nhưng quy định mới này vẫn đem lại nguy cơ xấu trong bối cảnh tình hình xã hội Việt Nam hiện nay.
Hiện nay luật hình sự Việt Nam đang quy định một danh mục các tội về xâm phạm an ninh quốc gia rất ngặt nghèo và rộng rãi.
Nhiều hành vi chỉ đơn thuần là phát biểu ý kiến về các chính sách, đánh giá về các hoạt động của cơ quan nhà nước cũng bị quy cho là xâm phạm an ninh quốc gia.
Việc đòi hỏi thực thi các quyền công dân theo Hiến pháp và các quyền đã được ấn định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã ký kết tham gia, như quyền biểu tình, quyền lập hội, quyền tự do báo chí… cũng bị quy cho là chống đối nhà nước.
Khi đó một số lượng lớn các nhà hoạt động xã hội, những người bất đồng chính kiến sẽ đứng trước mối nguy của các biện pháp điều tra đặc biệt.
Máy tính cá nhân, điện thoại thông minh và địa chỉ email của họ sẽ có thể bị xâm nhập một cách hợp pháp, và các thông tin từ đó có thể được sử dụng trực tiếp để kết tội họ.
Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google search: ‘VN áp dụng nghe lén trong điều tra hình sự’