ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI CÔNG TY LUẬT TNHH CÔNG CHÍNH —————– V/v Kiến nghị giải thích luật |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————– Hà Nội ngày 12 tháng 7 năm 2014 |
KIẾN NGHỊ
(Giải thích Điều 27 Luật luật sư sửa đổi năm 2012)
Kính gửi: |
– ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI |
Công ty luật Công chính kính gửi tới Quý cơ quan lời chào trân trọng!
Căn cứ Điều 28 Hiến pháp sửa đổi năm 2013 quy định Công dân có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.
Căn cứ Điều 74 Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và Điều 7 Luật tổ chức Quốc hội, quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có thẩm quyền giải thích luật.
Nay chúng tôi kiến nghị UBTVQH giải thích Điều 27 Luật luật sư sửa đổi năm 2012, quy định về việc xuất trình và cung cấp các giấy tờ tài liệu để cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận người bảo vệ hoặc Giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư.
Toàn văn nội dung Điều 27 như sau:
Điều 27. Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư
1. Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư phải tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng và Luật này.
2. Khi tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự, luật sư xuất trình Thẻ luật sư và giấy yêu cầu luật sư của khách hàng. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ khi luật sư xuất trình Thẻ luật sư và giấy yêu cầu luật sư của khách hàng, cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng của luật sư, trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trong trường hợp người tập sự hành nghề luật sư đi cùng với luật sư hướng dẫn trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này thì khi liên hệ với cá nhân, cơ quan, tổ chức, luật sư hướng dẫn xuất trình Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư và giấy tờ xác nhận có sự đồng ý của khách hàng.
3. Khi tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người bào chữa, luật sư được cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, Giấy chứng nhận người bào chữa có giá trị trong các giai đoạn tố tụng, trừ trường hợp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo từ chối hoặc yêu cầu thay đổi Luật sư hoặc luật sư không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
Khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, luật sư xuất trình các giấy tờ sau đây:
a) Thẻ luật sư;
b) Giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc của người khác hoặc văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật sư hành nghề với tư cách cá nhân trong trường hợp tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc trong trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý.
Trong trường hợp người tập sự hành nghề luật sư đi cùng với luật sư hướng dẫn trong vụ án hình sự theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này thì khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, luật sư hướng dẫn gửi kèm theo Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư và giấy tờ xác nhận có sự đồng ý của khách hàng đến cơ quan tiến hành tố tụng để đề nghị cho phép người tập sự được đi cùng luật sư hướng dẫn.
Chậm nhất là ba ngày làm việc hoặc 24 giờ đối với trường hợp tạm giữ, kể từ khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư, trong đó cho phép người tập sự hành nghề luật sư tham gia vụ việc (nếu có); trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật tố tụng.
Khi cần liên hệ với cá nhân, cơ quan, tổ chức để thực hiện quyền, nghĩa vụ và các hoạt động có liênquan đến việc bào chữa trong vụ án hình sự, luật sư xuất trình Thẻ luật sư và Giấy chứng nhận người bào chữa của luật sư.
4. Luật sư chỉ bị từ chối cấp Giấy chứng nhận người bào chữa khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất từ chối luật sư;
b) Luật sư là người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó;
c) Luật sư đã tham gia trong vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định hoặc người phiên dịch;
d) Luật sư là người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.
5. Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước khác và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư thực hiện quyền và nghĩa vụ của luật sư khi hành nghề, không được cản trở hoạt động hành nghề của luật sư.”
Thắc mắc 1: Tại khoản 2 nêu trên khi luật sư tham gia bảo vệ trong vụ án dân sự, vụ án hành chính, bảo vệ cho bị hại trong vụ án hình sự, luật sư chỉ phải xuất trình Thẻ luật sư và Giấy yêu cầu luật sư của khách hàng MÀ KHÔNG PHẢI GIAO NỘP bản phô tô hay bản sao chứng thực cho cơ quan tiến hành tố tụng có đúng không?
Tức là khi luật sư đến liên hệ công việc thì Thẩm phán, Thứ ký hay cán bộ hành chính văn thư sẽ được Luật sư xuất trình cho xem Thẻ luật sư và Giấy yêu cầu luật sư, sau đó ghi chép lại các thông tin rồi báo cáo Chánh án để cấp giấy chứng nhận cho luật sư trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi luật sư xuất trình giấy tờ. Hiểu như thế có đúng không?
Thắc mắc 2: Tại khoản 3 khi luật sư tham gia bào chữa trong vụ án hình sự, luật viết: Chậm nhất là ba ngày làm việc hoặc 24 giờ đối với trường hợp tạm giữ, kể từ khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư. Như vậy thì ngoài việc XUẤT TRÌNH luật sư còn phải GIAO NỘP Thẻ luật sư và Giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc của người khác. NHƯNG LÀ BẢN PHÔ TÔ HAY PHẢI LÀ BẢN SAO CHỨNG THỰC ?
Liên quan đến việc phải cung cấp bản sao chứng thực, mới đây ngày 20/6/2014 Thủ tướng chính phủ đã có Chỉ thị số 17/CT-TTg chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính. Theo đó Thủ tướng chỉ thị khi đến làm việc người dân đã xuất trình bản chính để đối chiếu rồi thì cán bộ hành chính không được đòi bản sao chứng thực nữa.
Trên đây là 2 nội dung thắc mắc, Kính mong UBTVQH quan tâm giải thích giúp đỡ, nếu được như vậy sẽ giúp ích rất nhiều cho giới luật sư, tiết giảm các thủ tục giấy tờ hành chính phiền hà.
Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe!
CÔNG TY LUẬT TNHH CÔNG CHÍNH
Giám đốc
Đã ký
Luật sư Ngô Ngọc Trai