Mới đây Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã họp bàn và cho ra đời một nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân.
Trong bối cảnh tăng trưởng phát triển chậm, ngân sách cạn kiệt, nợ công ngập trần thì kinh tế tư nhân được nhìn ra như là một động lực cho phát triển kinh tế.
Đây là một điểm tiến bộ về nhận thức khi trong quá khứ nhiều người chỉ coi trọng kinh tế nhà nước mà có thời còn xóa bỏ kinh tế tư nhân.
Nhưng để đạt mục tiêu phát triển kinh tế thì một nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân là chưa đủ, để phát triển nền kinh tế cần nhìn ra những động lực khác nữa. Và tôi với tư cách một luật sư còn nhìn ra một động lực khác cho nền kinh tế đó là vai trò của nền tư pháp.
Ít người nhìn ra
Theo dõi báo chí lâu nay thì thấy các giải pháp đưa ra nhằm phát triển kinh tế quay đi quay lại vẫn chỉ mấy vấn đề cũ, như cải cách thủ tục hành chính mời gọi đầu tư nước ngoài, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp, loại bỏ những rào cản danh mục điều kiện ngành nghề kinh doanh, tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… và mới đây là chính sách về kinh tế tư nhân.
Đó đều là những vấn đề mang tư duy nhận thức thuần tính kinh tế, còn thì chưa thấy ai chỉ ra vai trò tác dụng của nền tư pháp đối với nền kinh tế. Không thấy ai chỉ ra xem nền kinh tế phát triển lớn mạnh nhanh chậm thế nào, có nguyên nhân ảnh hưởng từ nền tư pháp ra sao.
Để hiểu rõ hơn thì xem xét vấn đề thế này.
Lâu nay người ta bàn nhiều đến các vấn đề như nợ xấu ngân hàng, dự án đắp chiếu, doanh nghiệp phá sản mà không nhìn ra bản chất trong đó là các hợp đồng kinh tế bị vi phạm.
Rõ ràng là trong các khoản nợ xấu ngân hàng, dự án đắp chiếu hay doanh nghiệp phá sản đã tồn tại các bản hợp đồng được ký kết giữa các bên, và bên nào đó đã vi phạm khiến dẫn đến đổ vỡ quan hệ hợp đồng.
Chưa cần bàn xem vì sao các bên vi phạm cam kết, nhưng rõ ràng bên bị vi phạm có quyền khởi kiện để giải quyết yêu cầu đền bù thiệt hại. Nếu việc này được thực hiện nhanh chóng khẩn trương nhờ một cơ chế tư pháp hiệu quả, thì vấn đề sẽ sớm được giải quyết, phạm vi hậu quả kinh tế đã được thu hẹp, không để bị tồn đọng thành các khối hậu quả lớn.
Vậy trên thực tế tồn tại các khoản nợ xấu lớn hoặc các dự án đình trệ nhiều năm, rõ ràng là bên bị thiệt hại đã không tìm nhờ đến tòa án để giải quyết để bảo vệ quyền lợi.
Nền tư pháp đã không được doanh nghiệp tín nhiệm. Hệ quả là các vi phạm hợp đồng bị để đó không được giải quyết, khiến cho các mối quyền lợi nghĩa vụ bị ùn ứ thành đống lớn.
Để khai thông dòng chảy về các quyền, nghĩa vụ và tài sản thì cần đến vai trò của nền tư pháp. Một nền tư pháp đủ tính năng hiệu quả sẽ giúp tạo ra sự rõ ràng minh bạch về các quyền, nghĩa vụ và tài sản, từ đó tạo chất lượng nguồn lực cho phát triển kinh tế.
Thiếu luật chi tiết
Một nguyên nhân khiến cho tòa án kém giải quyết các vấn đề kinh tế là do còn thiếu luật chi tiết về hợp đồng.
Nền kinh tế ở Việt Nam lâu nay được chăm lo phát triển qua mấy chục năm nhưng mới chỉ ở góc độ vĩ mô, phát triển theo chiều rộng. Đã đến lúc các ban ngành cần phát triển kinh tế theo chiều sâu, tạo ra sự bền vững cho kinh tế.
Việt Nam đã xây dựng luật về đầu tư, luật về thương mại, luật về doanh nghiệp, nhưng lại chưa có luật về hợp đồng. Trong khi hợp đồng là yếu tố pháp lý căn bản của mọi hoạt động đầu tư, thương mại hay doanh nghiệp.
Đó là một lỗ hổng và điều này rõ ràng ảnh hưởng đến khả năng thực thi các cam kết hợp đồng, cũng như ảnh hưởng đến khả năng giải quyết các tranh chấp, mà do vậy ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.
Đừng quên rằng phương Tây họ đã phát triển thương mại và hợp đồng từ hàng mấy trăm năm trước. Việc các nước phương Tây đô hộ các vùng đất châu Á như nước Anh quản lý Hồng Kong, Bồ Đào Nha quản lý Macao thực tế cũng bằng các bản khế ước hợp đồng.
Hợp đồng là yếu tố nền tảng căn bản cho các hoạt động của kinh tế, luật về hợp đồng là văn bản pháp lý quan trọng cho phát triển kinh tế, thiếu nó nền kinh tế kém đi chiều sâu bền vững. Mặc dù quy định về hợp đồng đã được thể hiện trong Bộ luật dân sự, nhưng tính quan trọng của nó đòi hỏi cần phải có hẳn một luật về hợp đồng.
Sự kém coi trọng vấn đề hợp đồng cũng tương tự như trong hệ thống pháp luật hình sự hiện nay mặc dù đã có luật về điều tra, luật về tội phạm hình sự, luật về tố tụng hình sự, nhưng lại không có luật về chứng cứ, trong khi vấn đề chứng cứ cũng lại là yếu tố căn bản của toàn bộ hệ thống pháp luật về hình sự.
Toàn bộ hoạt động điều tra đều chỉ xoay quanh vấn đề thu thập tìm kiếm chứng cứ, toàn bộ hoạt động truy tố và xét xử cũng chỉ xoay quanh vấn đề xem xét đánh giá chứng cứ.
Kém coi trọng và thiếu hẳn một luật về chứng cứ là nguyên nhân đã dẫn đến một loạt các vấn đề nổi cộm lâu nay như bức cung nhục hình và oan sai, mà chỉ cho tới gần đây vấn đề chứng cứ mới được bù đắp phần nào giúp củng cố chặt chẽ thêm khi bộ luật tố tụng hình sự đã bổ sung thêm quy định về quyền im lặng và buộc ghi âm ghi hình khi hỏi cung.
Dẫn ra như thế để so sánh thấy được việc thiếu những luật điều chỉnh các vấn đề căn bản quan trọng bộc lộ một lối quan điểm nhận thức trong xây dựng hệ thống thiếu chiều sâu nền tảng, chỉ ‘ăn xổi ở thì’ với những giải pháp trước mắt đáp ứng cho cái khát vọng tối thiểu thô sơ kiểu ‘no cơm ấm áo’.
Vai trò của tư pháp
Nền tư pháp rất quan trọng đối với nền kinh tế ở chỗ nó giải phóng và cung cấp các nguồn lực cho phát triển kinh tế.
Thực tế lâu nay luôn tồn đọng một khối lượng lớn tài sản bị gim giữ trong nền tư pháp do quá trình giải quyết các vụ tranh chấp kéo dài, tài sản chậm được phân định rõ ràng về chủ quyền sở hữu, chậm được đưa vào lưu thông để tạo ra hiệu quả kinh tế.
Không chỉ vậy, lâu nay còn tồn đọng một khối tài sản lớn có tranh chấp trong nhân dân nhưng không được các bên đưa ra giải quyết bởi tòa án vì người ta không tín nhiệm vào tòa án.
Những thủ tục tư pháp nhiêu khê, thời gian giải quyết quá dài, sự nhũng nhiễu, nạn tham nhũng khiến cho giải pháp tư pháp kém hấp dẫn, nó tệ đến mức người ta bỏ mặc khối tài sản có tranh chấp thay vì nhờ đến tư pháp. Từ đó gây hậu quả xấu cho nền kinh tế.
Tầng lớp doanh nhân với kỹ năng và khát vọng làm giàu cũng là một nguồn lực cho phát triển kinh tế. Nhưng nguồn lực này lâu nay kém chất lượng, lý do không phải là vấn đề trình độ tri thức, mà bởi vì họ bị bủa vây vướng mắc trói buộc bởi các tranh chấp về tài sản và quyền lợi không được giải quyết, khiến cho khả năng hành động của họ giảm đi, làm kém đóng góp cho nền kinh tế.
Nền tư pháp yếu kém còn khuyến khích vi phạm hợp đồng, vì kẻ vi phạm hiểu rằng bên kia sẽ tốn kém khi theo đòi quyền lợi công bằng.
Đó là những tác hại tiềm ẩn ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế mà lâu ai ít ai nhận ra, muốn nhìn ra được thì phải có tư duy tư pháp mới nhìn ra được, thay vì chỉ nhìn vấn đề thuần theo tính kinh tế.
Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google search: ‘Nền tư pháp là nút thắt cản trở kinh tế?’