Luận giải của luật sư về vụ án ở Sơn Tây

Báo GDVN, LTS: Những ngày này, dư luận đang phẫn nộ vì hành vi hãm hại hai cháu bé ở Sơn Tây của tên “sát thủ máu lạnh “Đặng Trần Hoài. Ngay sau khi đăng tải những thông tin đầu tiên về vụ án, bạn đọc của báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phẫn nộ đến tột độ về hành vi vô nhân tính đó. Để có cái nhìn kỹ hơn về hành vi và tội ác của hung thủ đã gây ra tội ác dã man với hai cháu bé, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư  Ngô Ngọc Trai.

Theo thông tin mà phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thu thập được, kẻ thủ ác trong vụ trọng án hiếp dâm, giết hại bé gái man rợ xảy ra tại thị xã Sơn Tây là Đặng Trần Hoài (SN 1986, trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội). Tên Hoài đã thực hiện hành vi hiếp dâm một cháu bé 9 tuổi và giết hại cháu bé 4 tuổi, cả hai là con gái của anh Khuất Duy Hiền trú tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội).

Tội phạm thực chất là những kẻ yếu đuối.

Nhiều người cho rằng tội phạm là những kẻ to gan lớn mật, không run sợ khi thực hiện tội ác, có bản lĩnh khác thường, sẵn sàng chấp nhận cái chết. Đây là suy nghĩ cần loại bỏ bởi nó rất nguy hại đưa dẫn đến tâm lý phạm tội, tâm lý coi thường mạng sống của chính mình và người khác. 

Vì suy nghĩ như thế nên trong thực tế có hiện tượng phạm tội để chứng tỏ bản lĩnh, phạm tội để lấy số má trong giới giang hồ. Nhiều thanh thiếu niên khi thấy được thông tin tội phạm thì cười cợt, tôn vinh kẻ phạm tội là đại ca máu lạnh, tự tạo suy nghĩ dám phạm tội, coi thường mạng sống, coi thường cái chết. 

Đây là tâm lý không tốt chút nào trong việc tôn trọng pháp luật, tôn trọng các chuẩn mực xã hội. 

Kẻ phạm tội thực ra là người yếu đuối khi không đủ khả năng, không đủ bản lĩnh dám sống theo các khuôn thước đời sống cộng đồng. Kẻ tội phạm yếu đuối vì không khống chế được dục vọng bản thân, để cho dục vọng lôi kéo xâm phạm tới các chuẩn mực giá trị đạo đức.

Cuộc sống luôn có khó khăn thử thách, đó là vấn đề của mỗi người, của tất cả mọi người không phải chỉ riêng kẻ phạm tội mới gặp vướng mắc. Nhưng chỉ người mạnh mẽ mới vượt thoát lên trên những rắc rối mà vẫn tôn trọng các chuẩn mực giá trị, tôn trọng người khác, tôn trọng luật pháp.

Kẻ phạm tội khi gặp thử thách thì yếu đuối không vượt lên được mà chui ngang, đục bỏ những giá trị đời sống, chúng yếu đuối đến nỗi không thể hành xử một cách bình thường như bao người khác.

Trong vụ án này kẻ phạm tội đã để cho dục vọng bản năng vượt thoát khỏi lý trí, lấn át cả lý trí, một kẻ không khống chế được dục vọng bản năng thì không được coi là mạnh mẽ.

Cha anh ta khi trong chiến tranh chiến đấu với kẻ thù, chứng kiến va chạm với những điều khủng khiếp. Nhưng khi trở về với đời thường thì sống tuân theo luật pháp, vẫn tôn trọng các khuôn thước chuẩn mực đạo đức xã hội. Đó mới thực sự là những người mạnh mẽ. Chỉ những người vượt thoát lên khỏi những khó khăn mà vẫn tôn trọng luật pháp, tôn trọng các khuôn thước chuẩn mực, đó mới là người mạnh mẽ.

Bằng các phương tiện truyền thông, thông qua đời sống văn hóa, chúng ta cần làm rõ và mô tả chân thực chính xác tội phạm là những kẻ yếu đuối, không có gì ghê gớm đáng “nể” ở một tên tội phạm. 

Tội phạm cần ở đúng vị trí xứng đáng dành cho chúng, đó là những kẻ yếu đuối, những kẻ thấp kém vì không thể hành xử một cách bình thường như những người bình thường.

Tội phạm cũng là nạn nhân

Mỗi vụ án đặt ra vấn đề trách nhiệm của toàn xã hội. Không được suy nghĩ đơn giản trừng trị kẻ phạm tội là xong, như thế thực chất là lảng tránh rũ bỏ trách nhiệm.

Trừng trị kẻ tội phạm không phải là vấn đề quan trọng nhất, quan trọng nhất là đánh giá tổng thể tìm ra căn nguyên của vấn đề để có hướng tháo gỡ, ngăn ngừa tội phạm, việc này khó nhưng không thể không làm, không được tránh việc khó.

Chúng ta cần nhìn một loạt các vụ trọng án gần đây như một vấn nạn, vấn nạn này có nguyên nhân gắn liền với các yếu tố kinh tế, xã hội. 

Tội phạm là những kẻ bị bế tắc, hành vi phạm tội chính là sự khai thông bế tắc, nhưng thay vì bằng con đường hợp pháp, kẻ phạm tội lại thực hiện giải pháp bất hợp pháp.

Kẻ thủ ác trong vụ án này 26 tuổi, vợ hắn mới sinh con được 10 ngày, mục đích phạm tội của hắn là hiếp dâm, phải chăng ở thời điểm phạm tội hắn đã bị nhục dục hun đúc lôi kéo?

Pháp luật hiện tại xác định việc mua bán dâm là không hợp pháp. Do vậy nếu tuân thủ luật pháp thì khi vợ mang bầu mà có nhu cầu tình dục thì cũng không được đi mua bán dâm. Quy định như vậy liệu có đảm bảo yếu tố khoa học pháp lý, khoa học tâm lý hay không?

Khi bị thúc giục bởi nhục dục bản năng, kẻ phạm tội có thể lựa chọn giữa việc mua bán dâm và hiếp dâm. Quy định hiện tại, mua dâm hay hiếp dâm đều là phạm pháp, đều có mặc cảm tội lỗi.

Nếu luật có sự điều chỉnh thay đổi, ở một mức độ giới hạn nào đó, cho việc mua bán dâm là hợp pháp, thì những kẻ như tên tội phạm trong vụ án này sẽ có cách thức để giải thoát dục vọng bản năng mà không bị mặc cảm tội lỗi. Hắn sẽ được lựa chọn giữa phạm pháp và không phạm pháp, thay vì ở giữa hai hình thức phạm pháp như hiện thời?

Trách nhiệm của chính quyền

Rất nhiều vụ trọng án xảy ra, nhưng hình như đó là câu chuyện của báo chí, là vấn đề riêng của gia đình nạn nhân, các cơ quan tố tụng. Đúng ra các cấp chính quyền phải có trách nhiệm chính, vì rằng khi hoạch định đường lối phát triển đúng đắn, đời sống vật chất tinh thần người dân được nâng cao thì cũng sẽ giúp ngăn ngừa tội phạm.

Người viết bài này rất trân trọng việc làm của ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư thành ủy Đà Nẵng. Khi ngày 12/7/2012 ông Nguyễn Bá Thanh đã tập hợp 176 thanh thiếu niên chậm tiến trên địa bàn thành phố, đưa các em này đi thăm trại giam, nói chuyện tại hội trường. Ông Thanh đã yêu cầu các em phải từ bỏ lối sống phạm pháp, phải nỗ lực học tập rèn luyện trở thành công dân có ích cho xã hội.

Việc làm của ông đã bộc lộ triết lý rằng: Cần giáo dục giúp đỡ để ngăn con người phạm tội, thay vì đưa đẩy họ đến con đường phạm tội rồi lại ra tay trừng trị.

Rõ ràng là khi đời sống kinh tế văn hóa tốt thì tội phạm giảm. Khi tội phạm nhiều đó là chứng tỏ kinh tế văn hóa xuống cấp.

Cuối cùng: Vụ án xảy ra tại thị xã Sơn Tây là rất thương tâm, kẻ thủ ác rồi sẽ bị trừng phạt. Để ngăn ngừa các vụ việc tương tự mỗi chúng ta phải có trách nhiệm trong việc tôn trọng pháp luật. Vi phạm điều nhỏ rồi sẽ vi phạm điều lớn, từ đó tạo tâm lý coi thường pháp luật. Do vậy từ những việc nhỏ chúng ta cần phải tôn trọng pháp luật.

 

Bài đã đăng trên báo Giáo dục Việt Nam tại Đây