Một quán cơm đông đúc trong một con ngõ phía bên kia đường Trần Khát Chân, Hà Nội là nơi các luật sư và nhân viên văn phòng tôi cùng đi ăn với nhau. Trời nắng nóng. Trong khi những người khác thường la cà uống nước, hút thuốc sau khi ăn thì tôi thường về ngay văn phòng để nghỉ ngơi. Nhờ lao động miệt mài và nghiên cứu hồ sơ kỹ lưỡng, tôi vững tin khi ra tòa và bước vào phần tranh luận với kiểm sát viên.
Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang giữ vai trò công tố tại phiên tòa là hai ông Hoàng Văn Quý và Nguyễn Quang Hưng và tích cực đối đáp với luật sư. Xem ra thì họ đang nắm giữ thế mạnh với những cơ sở chứng cứ trong hồ sơ thuận lợi cho việc buộc tội.
Từ lâu nay, trong nền tư pháp hình sự tồn tại một điều bất hợp lý, đó là việc các cơ quan tư pháp coi biên bản ghi lời khai của bị can là chứng cứ để kết tội. Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng quy định lời khai là chứng cứ.
Trong khi theo khoa học pháp lý thì chỉ những người và vật tồn tại ở không gian và thời gian khi tội phạm xảy ra, trên đó chứa đựng các dấu vết của tội phạm giúp người ta nhìn vào đó thấy được tội phạm đã xảy ra như thế nào và ai là người phạm tội thì đó mới được coi là chứng cứ.
Có thể hiểu, chứng cứ chỉ bao gồm nhân chứng và vật chứng, còn các biên bản ghi lời khai là cái hình thành sau này, không tồn tại ở không gian và thời gian khi tội phạm xảy ra nên không phải là chứng cứ. Vậy mà lâu nay, trong tố tụng hình sự người ta vẫn sử dụng biên bản ghi lời khai để kết tội, kể cả khi ra tòa bị cáo phản cung, chối tội thì lời khai ban đầu nhận tội vẫn được sử dụng làm cơ sở kết tội.
Lời khai chỉ được dùng làm cơ sở để giải quyết vụ án nếu người khai tự nguyện và không bị bức cung, nhục hình. Để đảm bảo yếu tố đó thì việc khai báo phải có luật sư bào chữa tham gia chứng kiến hoặc phải ghi âm, ghi hình lại việc hỏi cung để đảm bảo việc khai báo là tự nguyện.
Trong thực trạng tư pháp vụ án Hàn Đức Long, việc sử dụng biên bản ghi lời khai làm chứng cứ để kết tội là một việc làm bình thường được chấp nhận, và theo đó các kiểm sát viên đang nắm giữ thế mạnh trong việc kết tội. Trong khi nếu luật sư chỉ ra những điểm bất hợp lý về mặt khoa học pháp lý để yêu cầu không sử dụng lời khai để kết tội thì lại khó được xem xét trong phạm vi giải quyết một vụ án tại phiên tòa.
***
Một nội dung đối đáp giữa luật sư và kiểm sát viên như sau:
Luật sư phát biểu rằng theo lời tố cáo của mẹ con bà cụ thì Hàn Đức Long hiếp dâm chị Năm vào một ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 2005. Trong khi đó vụ án cháu bé xảy ra vào ngày 26/6/2005. Như vậy, ngay sau khi đã hiếp giết cháu bé 5 tuổi, trong lúc cơ quan điều tra đang ráo riết truy tìm thủ phạm thì Long lại gây án. Nếu là người có năng lực bình thường thì lúc đó thủ phạm phải sợ hãi nằm im nghe ngóng chứ sao lại gây án tiếp? Và tại sao Hàn Đức Long có thể đi hiếp dâm bà Khuyến, một người sinh năm 1930 và khi đó đã 75 tuổi?
Luật sư cho rằng, lời cáo buộc hiếp dâm của hai mẹ con bà cụ là không có tính thuyết phục, khó chấp nhận. Ngay bản thân Hàn Đức Long đã phủ nhận và cho rằng điều đó là do thù hằn gia đình. Luật sư cho rằng lời kêu oan của Hàn Đức Long đáng tin hơn.
Kiểm sát viên phản bác lại, cho rằng sở dĩ có những việc đó là vì Hàn Đức Long có tâm sinh lý không bình thường, không hành xử như người bình thường, rằng đó là kẻ bệnh hoạn, một kẻ hiếp dâm cả người già và trẻ em.
Luật sư lại có ý kiến tiếp là kết quả giám định Hàn Đức Long không bị bệnh tâm thần, cho nên Long là người bình thường. Ngoài ra thì Long là người có đời sống bình thường, có một vợ và hai con, một trai một gái. Bản thân Long là đảng viên đảng Cộng sản, được kết nạp trong thời gian phục vụ quân ngũ, thời gian phục vụ quân ngũ từ năm 1980 đến năm 1984, và có 15 năm làm công an viên của xã. Những thông tin đó cho thấy Long là người bình thường và có nhận thức khá tốt so với mặt bằng chung ở địa phương.
***
Một nội dung khác luật sư tranh luận với kiểm sát viên như sau: Việc điều tra viên bỏ ra ngoài hồ sơ 49 bút lục tài liệu là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và có dấu hiệu của việc làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Nguyên do là trong quá trình điều tra lại năm 2010, người ta phát hiện ra trong tủ hồ sơ của một điều tra viên là ông Dương Khương Duy, người đã chết trước đó, một số tài liệu liên quan đến vụ Hàn Đức Long nhưng không được đưa vào hồ sơ vụ án. Liên ngành tư pháp đã họp và thống nhất đưa lại vào hồ sơ vụ án các tài liệu được đánh số bút lục từ 1 đến 49.
Nghiên cứu nội dung 49 bút lục tài liệu này thì luật sư thấy rằng đó là các tài liệu giải thích vụ việc mâu thuẫn, xô xát, đánh nhau giữa Hàn Đức Long và mẹ con bà Khuyến, vốn là người tố cáo Long hiếp dâm. Sự việc xảy ra ngày 31/8/2005, khi con trai bà Khuyến là Trương Công Lành đổ đất lấn lối đi chung đã khiến Long gây gổ, hành hung, đùn đẩy bà Khuyến, vụt Trương Thị Năm và dùng gạch ném làm chị Nguyễn Thị Chung bị thương ở đầu.
Công an xã Phúc Sơn đã buộc Long phải bồi thường cho Chung 1,6 triệu đồng nhưng Long mới bồi thường được 1,3 triệu. Đến ngày 12/10/2005 thì Nguyễn Thị Chung viết đơn cho mẹ chồng là bà Khuyến và chị chồng là Trương Thị Năm tố cáo Hàn Đức Long hiếp dâm họ. Cơ quan điều tra bắt giam Long và Long khai nhận mình đã hiếp dâm hai mẹ con. Ngoài ra Long thú nhận thêm mình là hung thủ hiếp giết cháu bé ngày 26/6/2005.
Luật sư chất vấn tại sao lại bỏ 49 bút lục tài liệu quan trọng này ra ngoài hồ sơ? Có phải là hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án không và ý kiến của Viện kiểm sát về vấn đề này thế nào?
Kiểm sát viên đối đáp lại rằng việc xô xát giữa hai gia đình đã được công an xã giải quyết dứt điểm cho nên không cần phải xem xét lại. Và việc vì sao ông Dương Khương Duy bỏ hồ sơ ra ngoài thì mọi người không biết, nhưng nay phát hiện ra thì đã đưa lại, cho nên không có hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Tôi không đồng tình với ý kiến như vậy và cho rằng việc đánh giá các tài liệu liên quan đến vụ xô xát giữa hai gia đình không nhằm giải quyết lại sự việc, mà là để có cơ sở đánh giá lời tố cáo hiếp dâm của hai mẹ con bà Khuyến có trung thực và khách quan hay không, hay đó đúng là sự vu oan giá họa do hằn thù gia đình như Hàn Đức Long khai báo.
Đồng thời, cần phải đánh giá xem việc bỏ ra ngoài 49 bút lục tài liệu là việc làm của cá nhân ông điều tra viên đã chết hay là có sự nhất trí đồng ý của những người khác? Vụ án có nhiều điều tra viên được phân công giải quyết, không lẽ những tài liệu chỉ đến tay một người và người đó đã bỏ ra ngoài mà những người còn lại không biết?
(Còn nữa)
Bài đã đăng trên Tạp chí Luật Khoa tại Đây