Mới đây Bộ tư pháp công bố hai văn bản dự thảo luật sửa đổi gồm Bộ luật hình sự và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Các văn bản đang được lấy ý kiến góp ý sửa đổi, qua nghiên cứu tôi thấy có mấy nội dung góp ý.
Đối với Bộ luật hình sự
Dự thảo mới đã đề xuất bãi bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh, gồm Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (điều 250); Tội tham ô tài sản (điều 353); Tội nhận hối lộ (điều 354); Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 109);
Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (điều 114); Tội gián điệp (điều 110); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (điều 194); Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (điều 421).
Ngoài ra một số nội dung khác cũng được điều chỉnh theo hướng giảm số lượng án tử hình có thể được tuyên ra.
Ví như tại tội danh về mua bán trái phép chất ma túy theo luật vẫn còn duy trì hình phạt tử hình, luật cũ quy định lượng ma túy khởi điểm của khung hình phạt có thể bị án tử hình là 100gam, dự thảo luật mới đã nâng lên thành 03 kilogam.
Có nghĩa là theo luật cũ người mua bán từ 100gam heroin Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, Ketamine, MDMA (luật mới thêm chất XLR-11) là đã có thể bị kết án tử hình rồi. Luật mới nâng khối lượng này lên 03 kilogam.
Sự điều chỉnh này là thể theo tinh thần chú trọng hơn về bảo vệ quyền con người.
Đối với tội danh về sản xuất trái phép chất ma túy, dù vẫn còn duy trì hình phạt tử hình cũng được điều chỉnh nâng mức khối lượng tương tự.
Tuy vậy có một nội dung vẫn giữ nguyên đó là: Không áp dụng hình phạt tử hình đối với trường hợp người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Tôi cho rằng nội dung này các cơ quan có thể xem xét điều chỉnh hạ thấp độ tuổi xuống thành đủ 70 tuổi, cũng là theo tinh thần bảo vệ quyền con người, sẽ giúp giảm đi số trường hợp có khả năng bị kết án tử hình.
Lý do là người đã ở độ tuổi 70 mà bị kết án ở khung hình phạt có mức án tử hình, nếu không bị tử hình thì án tù cũng là tù chung thân hoặc là tù thời gian thụ án lớn.
Kết quả đều là người bị kết án sẽ dành cả phần đời còn lại trong tù, họ sẽ không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.
Cũng có khả năng người bị kết án trở lại đời sống xã hội, nhưng khi đó đã quá già không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội. Bởi vậy chỉ cần áp dụng án tù đối với họ là đủ mà không cần phải tử hình.
Để đảm bảo tính khoa học, các cơ quan nắm giữ số liệu có thể tra cứu xác định xem lâu nay số lượng người bị kết án tử hình ở độ tuổi từ 70 trở lên đối với các tội danh còn duy trì mức án tử hình là bao nhiêu.
Có thể tạm hình dung án tử hình lâu nay phần lớn tập trung vào hai loại tội danh là về ma túy và giết người. Vậy số lượng thủ phạm gây án ở độ tuổi đó là nhiều hay ít.
Nếu thấy số lượng ít thì vì tính chất nhân đạo có thể sửa luật hạ độ tuổi xuống.
Đây là điểm cần chú ý để tránh bỏ sót một điểm có thể điều chỉnh để đạt được cùng mục đích mà đã tiến hành điều chỉnh ở những nội dung khác. Việc làm luật theo đó sẽ đảm bảo được sự chặt chẽ và khoa học.

Đối với Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự
Dự thảo mới đề xuất không quy định Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, vốn là cơ quan có thẩm quyền khởi tố điều tra đối với những hành vi sai phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp.
Lý do được đưa ra là viện kiểm sát vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát lại vừa thực hiện thẩm quyền điều tra sẽ không bảo đảm được tính khách quan trong quá trình tố tụng hình sự. Đề xuất mới sẽ bảo đảm mối quan hệ chế ước, kiểm soát lẫn nhau giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát.
Qua tìm hiểu tôi chỉ thấy nêu nội dung lý do này, ngoài ra không thấy đưa ra lý do nào khác.
Thiết nghĩ, trước đây khi các nhà làm luật thiết lập ra cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát tối cao hẳn đã tính đến yếu tố này rồi, cho nên đó không phải là điểm mới quan trọng được phát hiện.
Ngược lại nếu thực hiện như đề xuất như trong dự thảo sửa đổi thì cũng vẫn có những nguy cơ việc điều tra sẽ không đảm bảo được tính khách quan.
Ví như cơ quan an ninh điều tra vừa là cơ quan tiến hành điều tra đối với rất nhiều chương mục tội phạm, lại là cơ quan khởi tố những sai phạm xảy ra trong quá trình điều tra, như thế sẽ khó đảm bảo được tính khách quan.
Bởi vậy thiết nghĩ Bộ tư pháp cần đảm bảo có được một lý thuyết xác đáng rõ ràng cho mỗi đề xuất về thiết chế, lý thuyết có rõ ràng thì nhận thức mới thông suốt và thực thi mới hiệu quả.
Là người có những hoạt động nghiên cứu độc lập, tôi cho rằng việc xây dựng mô hình thiết chế bộ máy nhà nước có thể học hỏi từ quá trình phát triển thể chế của các quốc gia. Thiết nghĩ nền tư pháp của nên học hỏi phát triển như nền tư pháp của Hàn Quốc.
Đó là nước gần gũi có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, có nhiều ngôi sao điện ảnh âm nhạc mà giới trẻ yêu thích. Hệ thống tư pháp Hàn Quốc chống tham nhũng cũng rất hiệu quả, tổng thống cũng bị xử lý nếu có sai phạm.
Nền tư pháp của họ cũng đề cao quyền con người, họ đã bỏ việc thi hành án tử hình từ năm 1998. Tới nay đã 27 năm họ không thi hành tử hình trường hợp nào. Và cuối cùng họ có một thiết chế công tố mạnh, trong đó công tố viên chỉ đạo toàn bộ các hoạt động điều tra.
Trở lại với dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự do Bộ tư pháp đệ trình, thiết nghĩ cần giữ lại Cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Không chỉ thế tôi cho rằng củng cố trao thêm quyền cho thiết chế Viện kiểm sát, để có được tính năng hữu dụng thực quyền hơn như thiết chế cơ quan công tố bên Hàn Quốc, đó mới là hướng đi đúng trong xây dựng phát triển nền tư pháp.
Luật sư Ngô Ngọc Trai