Vụ án của ông Lê Thanh Vân, cơ quan xử lý có hiểu sai về thẩm quyền của Đại biểu Quốc hội?

 

Mới đây báo chí đưa tin về vụ án của ông Lê Thanh Vân, từng là Đại biểu Quốc hội các khóa 13, 14, 15, hiện đã bị bãi nhiệm, tôi thấy có những nội dung đáng chú ý liên quan đến thẩm quyền của Đại biểu Quốc hội.

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình cho rằng, ông Lê Thanh Vân, ủy viên thường trực Ủy ban Ngân sách Quốc hội, mặc dù không thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh và sự việc không thuộc lĩnh vực phụ trách của ủy viên thường trực Ủy ban Ngân sách Quốc hội, nhưng ông Vân đã có hành vi sai phạm khi thúc đẩy một sự vụ ở nơi này.

Viện kiểm sát cũng cho rằng ông Vân đã ký 4 văn bản can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ nhằm đồng ý cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36ha. Ngoài ra ông Vân còn gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp, để Công ty cổ phần Trường Sinh sớm được cấp phép khai thác dự án đồi Bắc Sơn. 

Từ đó Viện kiểm sát đánh giá ông Lê Thanh Vân nhiều lần phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, nên bị áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 2 lần trở lên”. 

Đọc nội dung báo chí đưa tin vụ án như vậy tôi thấy dường như cơ quan công tố trong trường hợp này đã có những đánh giá sai về vai trò quyền hạn của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Hiến pháp và Luật quy định ra sao?

Để xác định đúng vai trò thẩm quyền của ĐBQH cần bám sát vào quy định của hai văn bản quan trọng, đó là Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Quốc hội năm 2014.

Qua tìm hiểu thì thấy, có những quy định đã xác định một cách rõ ràng về vai trò thẩm quyền của ĐBQH, được vận dụng mà không gây tranh cãi. Bên cạnh đó cũng có những quy định cần đến sự diễn giải để hiểu một cách chuẩn xác, đúng đắn về vai trò, thẩm quyền của ĐBQH.

Đầu tiên, về nội dung cho rằng ông Lê Thanh Vân đã sai khi thực hiện vào một sự vụ dù ông không thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh và sự việc không thuộc lĩnh vực phụ trách của ủy viên thường trực Ủy ban Ngân sách Quốc hội.

Tôi thấy cả Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội đều quy định “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước”

Theo quy định này thì ĐBQH rõ ràng không thể bị giới hạn phạm vi công việc đại diện chỉ cho người dân ở một địa phương nào, điều luật đã quy định rất rõ rồi có thể hiểu đúng ngay mà không cần đến sự diễn giải. 

Nhưng để mọi người hiểu rõ hơn thì tôi xin lưu ý thêm là, một tỉnh thành có nhiều đơn vị bầu cử, ví như thành phố Hà Nội được chia ra làm 10 đơn vị bầu cử khác nhau trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa 15, tại mỗi đơn vị bầu cử lại có danh sách các ứng viên đại biểu khác nhau.

Như thế, khi ĐBQH được bầu ra thì sẽ không chỉ đại diện cho người dân chỉ ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho người dân toàn thành phố Hà Nội. Cũng không chỉ thế mà còn đại diện cho người dân cả nước như Hiến pháp và Luật đã ghi rõ. 

Điều này buộc phải hiểu đúng như thế (đại diện cho người dân cả nước) thì mới đảm bảo tương thích phù hợp giữa quy định về vai trò quyền hạn với những quy định về công việc của ĐBQH, ví như bầu và phê chuẩn các vị trí lãnh đạo quốc gia, thông qua các chính sách kinh tế xã hội áp dụng cho cả nước, phê duyệt ngân sách hàng năm .v.v..

Cụ thể hơn, để xác định phạm vi thực hiện công việc của Đại biểu theo chuyên môn hoặc theo phạm vi địa phương, cần căn cứ thêm vào Điều 27 Luật tổ chức Quốc hội về trách nhiệm của ĐBQH với cử tri, luật quy định như sau:

Điều 27. Trách nhiệm với cử tri

  1. Đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.
  2. Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở nơi ứng cử theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm. Trong quá trình tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và Quốc hội.

Luật quy định Đại biểu được “tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm”, thì theo quy định này, vấn đề mà ĐBQH thúc đẩy phụ thuộc vào sự quan tâm của Đại biểu. 

Ví như một Đại biểu thuộc đoàn Đại biểu tỉnh Cà Mau (ĐB Lê Thanh Vân) hay một Đại biểu thuộc đoàn tỉnh Bến Tre (ĐB Lưu Bình Nhưỡng) hoàn toàn có quyền quan tâm về một vụ án kêu oan ở tỉnh Long An (vụ án Hồ Duy Hải) hay bất cứ vụ án nào trên cả nước. 

Chuyện này là đương nhiên, lâu nay đã được thực hiện mà không ai thắc mắc bảo là sai về thẩm quyền. 

Bởi thế cho nên việc Đại biểu Lê Thanh Vân quan tâm và thúc đẩy một vụ việc cho người dân hay doanh nghiệp ở Quảng Ninh là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn thi hành luật.

Ảnh chụp tại cổng sau Bưu điện Cầu Voi

Hiểu sao về sự “can thiệp”?

Về nội dung cáo buộc ông Lê Thanh Vân đã gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp cho một doanh nghiệp, có thể hiểu cơ quan tư pháp đang cho rằng việc ĐBQH gọi điện can thiệp vào công việc của cơ quan hành chính là sai trái.

Tôi cho rằng ngược lại, ĐBQH có quyền can thiệp vào hoạt động của cơ quan quản lý hành chính nhà nước, vấn đề là mọi người cần hiểu một cách lành mạnh về hoạt động “can thiệp” trong trường hợp này.

Điều 79 Hiến pháp quy định về hoạt động của ĐBQH là “trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn, giúp đỡ việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo”.

Từ nội dung này Luật tổ chức Quốc hội đã quy định rõ hơn về trách nhiệm, quyền hạn của ĐBQH trong tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân như sau:

Điều 28. Trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân

  1. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của pháp luật.
  2. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết. Người có thẩm quyền giải quyết phải thông báo cho đại biểu Quốc hội về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
  3. Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đúng pháp luật, đại biểu Quốc hội có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại; khi cần thiết, đại biểu Quốc hội yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó giải quyết.

Những nội dung trên cho thấy, việc ĐBQH tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân và chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết, chính là đã tạo ra một đầu công việc cần thực hiện cho người có thẩm quyền kia.

Đó có thể hiểu là một sự can thiệp vào hoạt động của cơ quan quản lý hành chính. Sự can thiệp tác động trong trường hợp này đã khiến thay đổi trạng thái của cơ quan quản lý hành chính từ “tĩnh” sang “động” bằng cách tạo ra một đầu công việc cần giải quyết.

Việc ĐBQH đôn đốc, theo dõi, giám sát việc giải quyết bản chất cũng chính là sự tác động can thiệp vào công việc của cơ quan quản lý hành chính. Bởi lẽ vai trò chính của ĐBQH là giám sát đảm bảo mọi hoạt động của bộ máy nhà nước phải được tuân thủ theo quy định pháp luật. 

Sẽ thế nào khi ĐBQH thấy một việc làm sai pháp luật mà bỏ qua, không quan tâm đến? Mà đã quan tâm đến thì phải là sự can thiệp.

Ngoài ra Luật cũng đã ghi rõ “Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đúng pháp luật, đại biểu Quốc hội có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại”, đây rõ ràng là luật đã cho phép Đại biểu được can thiệp để đảm bảo các vụ việc được giải quyết xử lý theo đúng pháp luật.

Cho nên việc cho rằng Đại biểu Lê Thanh Vân đã sai khi gọi điện can thiệp tới cơ quan quản lý hành chính là hiểu sai về vai trò quyền hạn của ĐBQH.

Mở rộng ra, thiết nghĩ các cơ quan nên có cách hiểu tích cực hơn về sự “can thiệp”, thực ra lâu nay mọi cơ quan đều đang hoạt động bình thường trong môi trường có nhiều sự “can thiệp”.

Những hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn (yêu cầu làm rõ, giải trình, xử lý trách nhiệm) chính là sự can thiệp. Các cơ chế về thanh tra bên Nhà nước, kiểm tra bên Đảng cũng chính là sự can thiệp. Các hoạt động và cơ chế giám sát của Báo chí, Mặt trận và các đoàn thể cũng là sự can thiệp. 

Hoặc đơn cử như việc một Công dân khi thấy hành vi vi phạm pháp luật và thực hiện hoạt động khiếu nại, tố cáo thì đó cũng chính là tạo ra sự tác động can thiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước. Những việc đó lâu nay vẫn được thực hiện một cách bình thường và sự can thiệp như thế không thể bị nhìn nhận theo nghĩa tiêu cực.

Bởi vậy, qua vụ án của ông Lê Thanh Vân, cần có một sự minh định rõ ràng về vai trò quyền hạn của ĐBQH, để việc giải quyết vụ án tránh gây ra hiểu lầm làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các ĐBQH.

Luật sư Ngô Ngọc Trai