Sáng hôm 15/8, tại một số địa điểm cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh, như khu vực Bến xe Miền Đông, hàng nghìn người hợp thành đoàn chuẩn bị đi xe máy về quê nhưng đã bị lực lượng chức năng của thành phố ngăn lại.
Giải pháp nào?
Chính quyền thành phố không để người dân đi về các tỉnh lý do được cho là không để người về mang mầm bệnh lây lan đi khắp nơi.
Nhưng việc buộc người dân ở lại thì ai cũng biết là hệ thống an sinh xã hội quá tải dân khổ, bệnh viện không còn chỗ.
Trong việc chống dịch ban đầu những người bị nhiễm covid, tức F0, đều phải đưa đi điều trị, đến ngay cả F1 là những người chưa xác định được là bị nhiễm hay không nhưng có tiếp xúc gần với người nhiễm thì cũng còn phải đưa đi cách ly.
Nhưng do số ca bệnh tăng nhanh, chừng một tháng trước, ngày 14/7 Bộ y tế đã phải thực thi chính sách mới, theo đó Bộ y tế ra văn bản hướng dẫn cách ly F1 tại nhà và những người là F0 phát hiện tại cộng đồng đã nhiễm covid nhưng chưa chuyển bệnh nặng thì cũng để điều trị tại nhà.
Mới đây báo chí đưa tin sự việc ở Bình Dương một ca cấp cứu bệnh nhân tai biến mà xe cứu thương đưa người bệnh đến 5 cơ sở y tế đều bị từ chối tiếp nhận, khi đưa về lại phòng trọ thì tử vong.
Trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều thông tin gặp khó khăn khi liên hệ với cơ sở y tế cấp cứu người bị bệnh covid.
Trước những diễn biến thực tế như vậy, cho thấy dấu hiệu quá tải, dân thấy vậy ai chả lo sợ muốn rời đi, những người có quê thì muốn trở về.
Nguyện vọng là chính đáng và lựa chọn như vậy là hợp lý đúng đắn.
Vấn đề là cách làm như thế nào.
Có một cách là bố trí xét nghiệm cho những người muốn về để xem ai mắc bệnh thì đưa đi điều trị, ai khỏe thì bố trí xe ô tô đưa đón về quê.
Làm vậy sẽ giúp giảm tải cho thành phố, danh sách được lưu lại sau dịch người dân yên tâm sẽ quay trở lại.
Tôi nghĩ khoảng cách vài trăm đến cả nghìn cây số cũng không quá xa, với hệ thống xe ô tô khách, tàu hỏa được trưng dụng thì hoàn toàn có thể đưa đón hàng vạn người cùng đồ đoàn xe máy vật dụng một cách mau chóng an toàn.
Ở Hà Nội tôi cũng thấy đang có chính sách thông báo xem ai muốn về quê thì đăng ký với chính quyền.
Việc này chưa biết kết quả như nào nhưng tôi nghĩ thực hiện việc xét nghiệm rồi tổ chức đưa người về quê giảm tải áp lực cho thành phố mới là cách làm đúng, rất đáng để đầu tư chi phí thực hiện.
Còn như cách cấm cản đơn giản đang làm dựa nhiều vào mệnh lệnh hành chính cưỡng bức mà thiếu những tính toán mềm mang giá trị khoa học nhân văn với tinh thần phục vụ tận tụy nhân dân.
Việc tổ chức xét nghiệm và đưa người về quê là có thể thực hiện được bởi tham chiếu một việc như mới đây, 5 ngày trước, chính quyền thành phố Hà Nội đã quyết định triển khai xét nghiệm trên diện rộng.
Theo đó Hà Nội đã quyết định xét nghiệm khoảng 300.000 mẫu tại các khu vực có nguy cơ cao ở 30 quận, huyện, thị xã nhằm phát hiện sớm người mắc bệnh, từ đó đánh giá tình hình và có các biện pháp chống dịch kịp thời.
Thông tin cho biết lãnh đạo Hà Nội đã chỉ đạo khẩn trương nâng cao năng lực xét nghiệm đạt trên 200.000 mẫu/ngày và trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất.
Dự tính trong khoảng thời gian từ ngày 9.8.2021 đến 17.8.2021, thành phố Hà Nội sẽ tập trung thực hiện xét nghiệm với tổng số tối đa khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR.
Như thế xem ra việc xét nghiệm cho hàng vạn, hàng triệu người là điều có thể làm được, nếu gắn với số đông những người có mong muốn trở về quê như ở TP HCM là việc có thể làm được.
Chi phí cho việc này có thể sẽ thấp hơn chi phí cho việc phải trao tặng tiền cùng thực phẩm chăm lo đời sống cho người ở lại thành phố như cách TP Hồ Chí Minh đang làm.
Quá coi trọng “phát triển”
Việc giữ mọi người ở lại sẽ khiến chính quyền thành phố chịu áp lực gánh nặng quá tải cả về mặt y tế lẫn an sinh xã hội, vậy tại sao vẫn lựa chọn giải pháp như vậy, muốn tránh lây lan dịch bệnh cho các tỉnh có thật là lý do thuyết phục không.
Tôi nghĩ như vầy.
Một người lao động khi đến với thành phố là đem đến sức lao động và sức tiêu thụ, đó là những yếu tố đem đến sự thịnh vượng cho thành phố, doanh nghiệp cũng phát triển thuận lợi nhờ nguồn cung lao động dồi dào.
Nay dịch bệnh như vậy các doanh nghiệp và chính quyền sẽ cùng có lý do để giữ chân người lao động ở lại, tuy vậy nếu lo được cho họ thì tốt còn không sẽ gây ra những hệ lụy nhân đạo.
Một điều lâu nay tôi nhận thấy là chính quyền nhà nước quá coi trọng sự phát triển, vấn đề phát triển có lẽ là mục tiêu nội dung quan trọng bậc nhất trong tất cả các kế hoạch quyết sách.
Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cũng đươc coi là thước đo đánh giá năng lực cán bộ thay vì những thước đo không kém phần quan trọng khác.
Mặt khác tôi cũng thấy các lãnh đạo chính trị quá coi trọng doanh nghiệp sản xuất, nhiều lúc cảm tưởng như lãnh đạo chính trị và lãnh đạo doanh nghiệp cùng là một.
Trong nhiều trường hợp tôi thấy như lợi ích của doanh nghiệp được lấy hoàn toàn làm nền cho các chính sách, các chuyên gia tư vấn cho chính quyền hầu hết cũng là chuyên gia kinh tế, cảm tưởng như ngoài đó ra thì các lĩnh vực khác không cần gì đến tư vấn vậy.
Phát triển không là tất cả
Dịch bệnh hiện nay bộc lộ cho thấy phát triển không phải là tất cả, dù điều đó rất quan trọng, mà quan trọng hơn là vai trò trung tâm của con người với đầy đủ các quyền và giá trị ý nghĩa con người.
Nếu coi trọng con người bậc nhất thì các giải pháp trong phòng chống dịch sẽ phải khác đi, như việc xác định các mong muốn của nhóm dân chúng và đáp ứng.
Ví như trong đó có nhóm muốn về quê thì không ngăn cản hoặc tổ chức cho dân về quê một cách khoa học chu đáo.
Trong các giải pháp chống dịch như hiện nay theo tôi cần cân đối lại giảm bớt sự coi trọng của phát triển mà đề cao chăm lo con người.
Các chính trị gia và bộ phận chuyên gia tư vấn cần số lượng nhân sự hài hòa, bên cạnh những chuyên gia kinh tế cổ xúy cho phát triển cần bổ sung thêm những nhà hoạt động có kinh nghiệm kiến thức về quyền con người và biết chăm lo đời sống cũng như bênh vực giới lao động.
Có thế các chính sách ban ra mới đảm bảo cân nhắc tính toán đầy đủ các yếu tố khía cạnh, quyền lợi của các nhóm giai tầng dân chúng dù là chủ doanh nghiệp hay giới lao động cũng đều được đảm bảo cân xứng.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Covid-19 tại VN: Phát triển rất quan trọng nhưng không phải là tất cả?’
Công ty luật TNHH Công Chính cung cấp dịch vụ pháp lý:
- Cử luật sư tham gia bào chữa cho Bị can, Bị cáo trong vụ án hình sự;
- Cử luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ kiện dân sự;
- Và các dịch vụ pháp lý khác;