Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được khởi công xây dựng từ năm 2011 tới nay đã 10 năm nhưng vẫn chưa thể đi vào sử dụng.
Với chiều dài quãng đường chỉ hơn 13km sau nhiều lần đội vốn số tiền đầu tư đã lên tới con số 18 nghìn tỷ đồng.
Mới đây một đơn vị tư vấn của Pháp đã đưa ra đánh giá khuyến cáo về 16 nguy cơ gây mất an toàn của hệ thống đường sắt khi vận hành, điều này càng gây thêm sự phẫn nộ của dư luận.
Khía cạnh hành chính
Đằng sau dự án này bộc lộ một vấn đề bao quát rộng lớn của bộ máy hành chính công vụ mà nếu không được khắc phục sẽ trở thành điểm nghẽn cho phát triển.
Nhiều người đã tính toán với đơn giá vé 15.000đ và bộ máy vận hành cần tới 700 người thì công trình khi vận hành sẽ lỗ nặng, lợi ích không bõ cho thiệt hại.
Những phép tính tương đối rõ ràng mà ai cũng thấy đặt ra câu hỏi về năng lực trách nhiệm của các đơn vị chuyên môn.
Các đơn vị đã thẩm định tính toán về lợi ích của dự án cũng như tìm hiểu về năng lực của đối tác thi công như thế nào mà để xảy ra sự việc như hiện nay.
Như thế một phần lỗi đã thuộc về khối chuyên viên kỹ thuật hành chính công vụ của các ban ngành quản lý mà ý kiến của họ cũng chính là cơ sở để các cấp lãnh đạo đưa ra các quyết sách.
Để tránh những dự án dở về sau thì bây giờ cần đặt ra yêu cầu về cải cách trong việc tuyển dụng bổ nhiệm bộ máy hành chính công vụ.
Lâu nay việc tuyển dụng bổ nhiệm chỉ dựa vào năng lực chuyên môn hay còn vì các yếu tố chính trị thân hữu khác, khi đó sẽ làm giảm mặt bằng năng lực chất lượng của các đơn vị.
Mới đây tôi đọc được cuốn sách của tác giả Francis Fukuyama nói về quá trình cải cách nền hành chính công vụ của các nước Mỹ, Anh trước kia.
Thông tin cho biết thời trước ở các nước họ cũng tồn tại nền hành chính thân hữu bảo trợ với việc cất nhắc bổ nhiệm dựa vào thân quen và ủng hộ chính trị.
Bộ máy hành chính công sau đó được cho là đã không đáp ứng được những đòi hỏi của tầng lớp trung lưu ngày một đông đảo, gồm những lãnh đạo chính trị, những nhà báo, những thương nhân đô thị, cộng đồng kinh doanh .v.v.
Tất cả đều đòi hỏi một nền hành chính công vụ chất lượng hiệu quả trong các vấn đề như quản lý ngân sách, dịch vụ công ích, phòng chống tội phạm, xử lý sự cố.
Những điều chỉ có thể đạt được dựa trên việc tuyển dụng theo năng lực thực tài và tách bạch nền hành chính công vụ với hệ thống chính trị đảng phái.
Tác giả Fukuyama cho biết, các chính sách cải cách ban đầu cũng gặp phải nhiều lực cản do truyền thống thói quen cố hữu khó bỏ.
Nhưng bằng những nỗ lực thúc đẩy của các chính trị gia có tầm nhìn cùng nhu cầu thiết thân của những nhóm xã hội tiến bộ mới đã giúp công việc tiến triển tới thành công.
Mô hình về tuyển dụng qua thi tuyển và cạnh tranh công bằng dựa trên năng lực đã trở thành mô hình chuẩn cho các nước trên thế giới về sau.
Ở Việt Nam lâu nay việc tuyển dụng công chức cũng thông qua thi tuyển theo thông lệ chung của thế giới.
Nhưng bộ máy nhân sự tạo lập không hoàn toàn chỉ dựa vào thi tuyển công bằng, và những vị trí nhân sự quản lý được bổ nhiệm không hoàn toàn chỉ dựa vào năng lực cạnh tranh.
Sau một quá trình phát triển biến đổi đời sống xã hội, hiện nay cũng đã có những nhu cầu đòi hỏi khác về nền hành chính công vụ, mà vụ đường sắt Cát Linh – Hà Đông là một ví dụ hệ quả.
Cần đổi mới tư duy quản lý
Bộ máy hành chính ngoài vấn đề cải thiện năng lực chuyên môn thì còn cần thay đổi về đường lối quản lý.
Đừng để sự lạc hậu về tư duy nhận thức trở thành điểm nghẽn cản trở sự phát triển hoặc gây nguy hại cho tiền đồ quốc gia dân tộc.
Để thấy được vấn đề có thể lấy ví dụ nhìn vào một nhánh cụ thể là công tác quản lý ngành xuất bản.
Mới đây Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với cục xuất bản Bộ thông tin truyền thông bàn về chiến lược ngành xuất bản trong 05 năm tới.
Tôi cho rằng công tác xuất bản hiện nay cần phản ánh được những mối thách thức mà đất nước đang phải đối mặt và góp phần tạo ra được giải pháp để vượt qua.
Làm được như vậy công tác xuất bản sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển của quốc gia dân tộc.
Vậy nhưng không rõ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nhìn thấy được vấn đề nơi ngành xuất bản?
Hiện nay môi trường quốc tế đang có nhiều biến động ảnh hưởng tới Việt Nam, Trung Quốc đang trỗi dậy thành siêu cường biểu dương sức mạnh ở Biển Đông trong khi Mỹ và nhiều nước cũng đang tính toán kiềm chế, còn đất nước thì rất cần môi trường hòa bình để phát triển.
Điều đó đòi hỏi các lãnh đạo chính phủ và tầng lớp trí thức chính trị cần phải nâng tầm kiến thức hiểu biết về các vấn đề chính trị quân sự và ngoại giao, những mong có được khả năng giúp đất nước vượt qua được thách thức.
Hơn chục năm trước cơ quan quản lý đã cho phép xuất bản cuốn sách Hồi ký của Winston Churchill nguyên Thủ tướng nước Anh trong thế chiến thứ hai.
Cuốn sách cung cấp nhiều thông tin diễn biến về quan hệ chính trị quân sự và ngoại giao giữa các nước trước trong và sau thế chiến thứ hai, mối quan hệ giữa các nước lớn và rủi ro mà các nước nhỏ hơn đã phải chịu.
Đó là những kiến thức rất cần để giới học giả Việt Nam hiện nay tham khảo học hỏi trong bối cảnh Việt Nam bị xen kẹt trong cạnh tranh giữa các siêu cường.
Đặc biệt ông Winston Churchill còn là Thủ tướng hiếm hoi trên thế giới được trao giải thưởng Nobel Văn chương cho nên tác phẩm của ông càng thêm đáng đọc.
Nhưng rất đáng tiếc không hiểu vì hạn chế thế nào mà từ chục năm qua tác phẩm của ông đã không thể tìm thấy trên các giá sách.
Một cuốn khác là sách hồi ký của Tướng Charles De Gaulle cũng về thế chiến thứ hai, sau chiến tranh ông là Tổng thống của nước Pháp. Cuốn sách cũng cung cấp nhiều kiến thức về chính trị quân sự và ngoại giao giữa các nước nước.
Sau khi được xuất bản tập 1 thì các tập sau của cuốn hồi ký cũng không còn thấy được ra đời nữa.
Là người đọc sách tôi thấy vô cùng đáng tiếc khi những tác phẩm có ý nghĩa lịch sử lớn đã không đến được với bạn đọc Việt Nam.
Hiện nay để đất nước vượt qua được thách thức áp lực từ các siêu cường, điều cần thiết là nâng tầm mặt bằng tri kiến hiểu biết của mọi người lên.
Từ mặt bằng kiến thức chung tăng lên mới hy vọng có được các quyết sách đường lối chất lượng đúng đắn.
Trong khi không có trường lớp nào có thể dạy được cho số đông dân chúng những điều cần thiết thì giải pháp là cho xuất bản những cuốn sách chứa đựng những kiến thức kinh nghiệm mà bối cảnh hiện nay đang cần.
Khắc phục để bứt phá
Tác giả Francis Fukuyama trong cuốn sách về trật tự và suy tàn chính trị đã cho biết, thể chế quản lý hành chính là những mẫu hình hành vi kéo dài được tạo ra để đáp ứng nhu cầu của một giai đoạn lịch sử cụ thể.
Nhưng các xã hội, nhất là những nơi đang có đà tăng trưởng kinh tế lại không đứng yên một chỗ.
Nhiều tầng lớp xã hội mới được tạo ra, các công dân được giáo dục và những công nghệ mới được áp dụng đã gây ra những xáo trộn.
Nếu thể chế quản lý hành chính không điều tiết bản thân để đổi mới thích ứng cho phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng suy tàn.
Điều đó rất không có lợi cho phát triển mà một đất nước như Việt Nam cần phải tránh cho bằng được để có những bước phát triển bứt phá.
Bài đã đăng BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Để phát triển bứt phá VN cần khắc phục điểm nghẽn quản lý hành chính?’
Công ty luật TNHH Công Chính cung cấp dịch vụ pháp lý:
- Cử luật sư tham gia bào chữa cho Bị can, Bị cáo trong vụ án hình sự;
- Cử luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ kiện dân sự;
- Và các dịch vụ pháp lý khác;