Mới đây giáo sư Trần Văn Thọ công tác tại Đại học Waseda Nhật Bản, vừa có bài viết giới thiệu về cuốn sách The Entrepreneurial State: Debunking Public vs. Private Sector Myths của tác giả Mariana Mazzucato, tác phẩm được dịch ra tiếng Việt chuẩn bị xuất bản và Giáo sư Trần Văn Thọ viết lời giới thiệu.
Khi xem Lời giới thiệu cuốn sách được giáo sư Thọ đăng trên facebook, tôi thấy có vài điều muốn chia sẻ ý kiến, kết hợp với một số yếu tố thực tiễn ở Việt Nam thì thấy, giới chuyên gia học giả hiện vẫn đang loay hoay đi tìm triết lý phát triển.
Thuật ngữ
Giáo sư Trần Văn Thọ khen tiêu đề cuốn sách được dịch sang tiếng Việt thành ‘Nhà nước khởi tạo’ là cách dịch hay, và cho biết nội dung chủ đạo trong cuốn sách nêu ra vai trò quan trọng của nhà nước trong việc khởi tạo thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó lựa chọn Mỹ làm đối tượng phân tích để chứng minh chủ trương của tác giả.
Tôi thấy từ ‘Nhà nước’ vốn là thuật ngữ của học thuyết về mô hình toàn trị mà lại dùng để mô tả cho hệ thống Mỹ thì quả là sai lạc. Từ lâu nay đọc sách báo chưa khi nào tôi nghe đọc từ những sách báo nghiêm túc mà người ta lại gắn từ ‘nhà nước’ với Mỹ cả.
Cụ thể là chưa khi nào thấy sách báo mô tả về việc nhà nước Mỹ đã quyết định hay hành động một việc gì đấy, thay vào đó chỉ thấy nói Tổng thống Mỹ, Thượng viện Mỹ, Hạ viện Mỹ, Tòa án liên bang Mỹ.
Cho nên quả là không ổn khi gắn từ ‘nhà nước’ với Mỹ, một thuật ngữ của mô hình toàn trị lại gắn với Mỹ là quốc gia theo mô hình tam quyền phân lập trái ngược hoàn toàn. Đây quả là một sự sáng tạo lạ lẫm trong việc sử dụng từ ngữ, không rõ là thuộc về các dịch giả hay là tác giả cuốn sách, có lẽ là cần phải đợi đến khi đọc sách thì mới biết ý các tác giả muốn nói điều gì.
Giáo sư Trần Văn Thọ cũng cho biết, cuốn sách chứng minh một cách thuyết phục là nếu không có vai trò đó (khởi tạo) của nhà nước thì Mỹ không có Thung lũng Silicon, không có Iphone, không thấy được sự thành công của Apple.
Điều này tôi thấy quả là khó hiểu, bởi nền kinh tế Mỹ vốn có đầy đủ những thuộc tính của một nền kinh tế thị trường tự do thuộc vào hàng bậc nhất thế giới, mà nay lại có quan điểm cho là nếu không có vai trò khởi tạo của nhà nước thì Mỹ không có Thung lũng Silicon, không có Iphone, Apple thì quả là mới lạ.
Nếu cho rằng chính quyền Mỹ đã có những việc làm nào đấy trong quá khứ mà kết quả cuối cùng đã giúp trên đời này có được những Iphone, Apple thì không hề sai, nhưng nói điều như đó cũng thật ít ý nghĩa giá trị bài học.
Bởi lẽ một chính quyền trong một nước thì không thể vô hình miễn nhiễm với nền kinh tế, những việc thông thường chính quyền nào cũng làm là ban hành chính sách hoặc giữ gìn trật tự xã hội để doanh nghiệp hoạt động, quyết định đầu tư công xây dựng các công trình, hoặc chủ động hơn là ban ra các chính sách tài chính thuế khóa thúc đẩy đầu tư xuất khẩu.
Nhưng xét một cách thực tiễn gần gũi thì để có những Iphone, Apple thì phải khẳng định đó là sự phát triển sáng tạo của doanh nghiệp Mỹ, cái có được từ nền kinh tế thị trường tự do, chứ quan điểm cho rằng không có vai trò khởi tạo của nhà nước ở Mỹ thì không có, thì tôi cho là quan điểm này khó thuyết phục.
Một ý khác giáo sư Trần Văn Thọ cho rằng, ngay cả hai nước lớn nhất của thế giới gần đây cũng phát huy vai trò tích cực của nhà nước để kinh tế mạnh hơn (điển hình là chính sách America First của Mỹ và chiến lược Chế tạo 2025 của Trung Quốc)
Tôi thấy chính sách America First là một quan điểm chính sách của riêng Tổng thống Mỹ Donald Trump chứ nó có đại diện cho toàn bộ hệ thống Mỹ đâu? Tòa án Mỹ có quan điểm nào về America First? Hoặc chính quyền các bang hay quân đội Mỹ có cùng quan điểm không? Các đảng phái khác thì sao? Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ sau thì sao?
Việc gán ý chí của một tổng thống cho toàn bộ hệ thống Mỹ, để so với sự nhất quán toàn diện của mô hình nhà nước toàn trị như Trung Quốc nhằm chỉ ra ưu thế của nhà nước trong phát triển kinh tế, là không ổn.
Mặt khác, chính sách America First chỉ là quan điểm của tổng thống Mỹ nhưng sau đó cũng được định hình bằng một số chính sách tài chính thuế khóa mà theo đó cộng đồng doanh nghiệp tự lựa chọn dựa trên lợi ích bản thân, chứ đó không bao giờ là những mệnh lệnh cho thị trường, không bao giờ là mệnh lệnh cho doanh nghiệp.
Và America First nên hiểu đó là chính sách toàn diện trên các lĩnh vực quốc phòng, ngoại giao coi trọng lợi ích của nước Mỹ trên hết chứ đó không chỉ là vấn đề của doanh nghiệp sản xuất.
Cho nên việc viện dẫn quan điểm America First vốn rộng rãi trên nhiều phương diện để minh chứng cho rằng sự đang lên của quan điểm coi trọng vai trò của nhà nước trong phát triển kinh tế là khiên cưỡng.
Còn ngược lại, chiến lược chế tạo 2025 của ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ dẫn ngay đến những chỉ đạo mệnh lệnh cho những tập đoàn kinh tế nhà nước và cho toàn bộ hệ thống chính trị.
Đặt hai kiểu vận hành kinh tế chính trị đó cạnh nhau và kết luận cho rằng hai chính sách ở Mỹ và Trung Quốc đều giống nhau về vai trò khởi tạo của nhà nước là khó chấp nhận.
Loay hoay
Trước khi xuất hiện thuật ngữ ‘Nhà nước khởi tạo’ qua bài giới thiệu của giáo sư Trần Văn Thọ thì trước đây một số chuyên gia đã sử dụng thuật ngữ ‘Nhà nước kiến tạo’ để sử dụng làm triết lý phát triển cho các hoạt động kinh tế, ví như Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nguyên là Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế chính sách Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là những người chủ trương cho thuật ngữ này.
Một điểm chung ở ‘nhà nước kiến tạo’ hay ‘nhà nước khởi’ là đều cổ xúy cho vai trò chủ động của nhà nước trong việc đặt ra mục tiêu phát triển và tích cực chủ động hành động để đạt đến, ví như mục tiêu công nghiệp hóa đất nước.
Câu hỏi đặt ra là liệu đây có còn là triết lý phát triển phù hợp với Việt Nam hiện nay hay không?
Ngược trở lại trước nữa, xuất phát từ một số báo cáo đánh giá của các chuyên gia tại các định chế quốc tế như Ngân hàng thế giới, khi nghiên cứu về quá trình phát triển của các nước khu vực Đông Á, họ thấy được vai trò quan trọng của chính quyền nhà nước trong việc chủ động tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế.
Điều đã giúp cho các nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore đạt được những thành tựu mau chóng trong thời gian ngắn, từ đó họ gọi chung là mô hình Đông Á, trong đó yếu tố chủ đạo của mô hình này là vai trò chủ động của nhà nước trong kiến tạo phát triển, đặt ra mục tiêu công nghiệp hóa và thúc đẩy đạt đến, điều khác với sự vận hành của các nền kinh tế thị trường tự do truyền thống kiểu phương Tây vốn dành ít thẩm quyền cho chính phủ.
Ở Việt Nam, thực chất từ khi cải cách mở cửa đổi mới năm 1986 đến nay cũng đã phát triển theo mô hình Đông Á, trong đó vai trò của nhà nước đối với nền kinh tế là hết sức to lớn.
Chính phủ từng nắm nhiều quyền trong quản lý điều tiết nền kinh tế, bên cạnh việc ban hành các chính sách tài chính tiền tệ thuế khóa thì còn tác động vào nền kinh tế thông qua các hoạt động đầu tư công hay đầu tư của khối doanh nghiệp nhà nước.
Tới nay, Việt Nam đã tham gia vào nhiều định chế thương mại quốc tế, ký kết nhiều hiệp định thương mại quốc tế, hiệp định khu vực và song phương. Nhà nước không còn là chủ thể toàn quyền đối với nền kinh tế nữa, thay vào đó nền kinh tế vận hành chịu sự chi phối của nhiều khung khổ thương mại đầu tư.
Điều đó làm giảm đi vai trò của nhà nước trong nền kinh tế và triết lý nhà nước khởi tạo hay kiến tạo theo đó cũng giảm đi giá trị vận dụng. Ý thức được xu thế phát triển như vậy chính phủ hiện nay đã đúng khi không sử dụng thuật ngữ ‘nhà nước kiến tạo’ mà thay vào đó là thuật ngữ ‘chính phủ kiến tạo’.
Mặc dầu vậy, mục tiêu phát triển vẫn có thể được đặt ra bởi phía chính quyền nhà nước, nhưng để đạt được mục tiêu thì lại phải dựa vào các lực lượng thị trường.
Theo đó, chỉ số tăng trưởng hay mục tiêu công nghiệp hóa đất nước sẽ được quyết định một phần bởi những tập đoàn như Samsung, Honda, Toyota, Apple xem có đầu tư mở rộng thêm nhà máy ở VN hay không, hay các tập đoàn như Vingroup, Vietjet, Sungroup, FLC có mở rộng đầu tư phạm vi hoạt động hay không.
Mức độ phát triển cũng phụ thuộc vào quyết định của những người nông dân sẽ nuôi thêm bao nhiêu lợn gà trong năm nay, một phụ nữ công nhân cần mẫn với công việc có quyết định sẽ mang bầu sinh con hay chưa, hoặc sự sáng tạo của một kỹ sư đưa ra sáng kiến mới cho một thiết bị máy móc.
Tựu chung lại, khi đất nước đã hội nhập đủ sâu, nền kinh tế đã phát triển đến một mức độ nhất định, các nguồn lực thị trường đã trở lên quan trọng, khi đó sẽ không còn mấy không gian phù hợp có kiểu phát triển theo hoạch định của chính quyền nhà nước nữa. Và theo đó, các lý thuyết về ‘nhà nước khởi tạo’ hay ‘nhà nước kiến tạo’ cũng giảm mất đi tính khả thi vận dụng.