Chính phủ lâu nay vẫn luôn nói rằng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tự do kinh doanh, kiến tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động.
Song thực tế lại không như vậy, rất nhiều trường hợp doanh nghiệp đang bị kiềm chế phát triển mà nguyên nhân thuộc về phía cơ quan quản lý.
Và điều đáng lưu tâm là dường như chẳng ai có lỗi trong những việc như vậy, thực tế xấu vẫn đang diễn ra hiển hiện hàng ngày, mà nguyên do là bởi khuôn khổ nhận thức chung còn nhiều hạn hẹp.
Doanh nghiệp bị kìm hãm
Ở Việt Nam, Chính phủ có thẩm quyền lớn trong quản lý điều hành nền kinh tế, cùng với doanh nghiệp, hai bên là những mảnh ghép tạo thành bức tranh tổng thể chung của nền kinh tế.
Trong đó doanh nghiệp thì lo làm ăn chạy theo lợi nhuận, nhà nước thì lo quản lý để mọi thứ chôi chảy đâu ra đấy. Nếu mọi thứ ăn khớp thì kinh tế phát triển, còn nếu xộc xệch thì sẽ khiến hiệu quả kinh tế kém đi.
Nhưng thực tế lâu nay tồn tại nhận thức coi trọng hoạt động quản lý nhà nước hơn là hoạt động của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp hiện đang chịu thiệt hại từ năng lực hạn chế yếu kém từ phía cơ quan quản lý.
Một từ thường nghe thấy nói đến là từ “quá tải”. Có một cái gì đó không phát triển kịp so với cái kia dẫn đến việc tắc nghẽn quá tải, và cái không phát triển kịp đó thường gắn liền với một hoạt động nào đấy từ phía nhà nước.
Lấy ví dụ, nhiều doanh nghiệp xây cao ốc vượt quá số tầng được cấp phép và bị cho là vi phạm, bị đập bỏ xử phạt. Tôi tự hỏi là tại sao doanh nghiệp muốn xây thêm tầng lại không cho xây? Doanh nghiệp có khả năng xây được lên 50 tầng tại sao lại chỉ cấp phép cho 30 tầng?
Doanh nghiệp muốn xây thêm, năng lực làm được, thị trường nó tiêu thụ được mà lại không cho, lại kìm hãm chỉ cho 30 tầng, để rồi xây vượt quá lại đập bỏ?
Lý do phía cơ quan quản lý nhà nước thường đưa ra là cho xây 30 tầng để còn phù hợp với cơ sở hạ tầng điện đường trường trạm, hạ tầng giao thông môi trường này nọ, nếu không sẽ bị quá tải hạ tầng đô thị không chịu nổi.
Từ cảm thức của một luật sư cũng như khi đặt mình vào vị thế của doanh nghiệp xây dựng tôi thấy thật bất công. Vì những cái đó do nhà nước phải chịu, đó là trách nhiệm thuộc về nhà nước chứ đâu phải trách nhiệm của doanh nghiệp xây dựng.
Nhà nước phải lo cái đó chứ không thể nào lo không được thì lại quay ra kìm hãm doanh nghiệp, trói buộc không cho lớn, không cho doanh nghiệp phát triển được như tiềm năng có thể.
Trong khi vốn dĩ doanh nghiệp có bản chất là làm theo lợi nhuận, họ muốn xây cao ốc kiếm tiền chứ đâu có trách nhiệm lo đường thông hè thoáng cho người dân đi lại. Quy định nào trong luật doanh nghiệp buộc doanh nghiệp chịu trách nhiệm về cái đó? Hay như theo luật giáo dục thì nhà nước lo trường lớp cho học sinh chứ đâu phải doanh nghiệp xây cao ốc?
Hoặc giả sử nếu vẫn bắt buộc phải khống chế hoạt động của doanh nghiệp để phù hợp với các yêu tố khác, thì câu hỏi phải đặt ra là các ngành chức năng đã phát huy hết năng lực của mình để giải quyết các vấn đề chưa? Hay là giải quyết kém rồi đẩy đưa vấn đề sang cho doanh nghiệp phải chịu?
Và như vậy là đang tồn tại một nhận thức tư duy chưa vì doanh nghiệp.
Mâu thuẫn giữa quản lý và phát triển
Ở lĩnh vực hàng không hiện có tình trạng doanh nghiệp muốn mua thêm máy bay, mở thêm hãng hàng không cũng không được. Lý do được cơ quan quản lý đưa ra là hạ tầng hàng không hiện nay chỉ có thể đáp ứng được ngần ấy doanh nghiệp, ngần ấy máy bay mà thôi, vượt quá không chịu nổi.
Và cái lý lẽ như vậy dường như rất hợp lý và không ai phản bác gì được.
Nhưng tôi thấy thật ngang trái vô lý, doanh nghiệp họ muốn phát triển thì phải làm hết sức để giải quyết chấp nhận cho họ chứ, tại sao cơ quan quản lý nhà nước lại viện cớ để kìm hãm doanh nghiệp.
Như thế rất tai hại cho nền kinh tế. Trong khi theo luật doanh nghiệp thì luật không cấm người dân kinh doanh, nhưng khi hoạt động lại bị rào cản kìm hãm như vậy thì khác nào tự do kinh doanh chỉ một nửa?
Để giải quyết tình trạng quá tải, tại sao tất cả những vấn đề về hạ tầng liên quan đó không chuyển giao cho doanh nghiệp xử lý? Nếu làm như thế tất cả sẽ có được môi trường, tiềm năng phát triển cân xứng bởi năng lực chung của nền kinh tế.
Khi các vấn đề cùng được xử lý giải quyết bằng năng lực của doanh nghiệp và tầm vóc chung của nền kinh tế, thì các mảng hoạt động sẽ tương xứng cân xứng với nhau.
Còn ngược lại, một khi vẫn còn những mảng hoạt động nhà nước ôm đồm giữ lại cho mình, để lại một mảng hoạt động nào đấy nằm ngoài và không được sự điều tiết của bàn tay vô hình của thị trường, thì sẽ vẫn còn bị quá tải.
Để rõ hơn cho điều này, có thể lấy dẫn chứng từ phát biểu của Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, bà từng cho biết, để thay đổi một vách kính ở sân bay nhằm tạo không gian thông thoáng cho hành khách thì nhà nước làm mất 2 năm. Trong khi đó cùng thời gian đó thì doanh nghiệp tư nhân đã xây được cả một sân bay.
Chủ nghĩa tư bản
Một điểm khác biệt ở Việt Nam so với các nước, đó là sự đánh giá tác động ảnh hưởng này nọ lâu nay đều thuộc về một cơ quan quản lý nhà nước nào đó.
Do thiếu một nền tảng xã hội dân sự lành mạnh, thiếu những viện nghiên cứu đánh giá độc lập, cho nên sự đánh giá tác động chỉ do một phía cơ quan nhà nước đưa ra mà doanh nghiệp phải chấp nhận mà không thể có ý kiến gì khác.
Doanh nghiệp Việt chẳng thể tìm nhờ một viện nghiên cứu ngoài nhà nước đánh giá lại xem kết quả kia đúng sai, để rồi có thể khởi kiện cơ quan cấp phép, yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do bị áp dụng chính sách bất công.
Ở các nước tư bản, họ có một thứ chủ nghĩa tư bản, họ coi trọng các hoạt động của doanh nghiệp hơn là các hoạt động quản lý của nhà nước.
Ở đó doanh nghiệp không chỉ là trọng tâm của nền kinh tế mà toàn bộ hoạt động của đời sống chính trị và bộ máy nhà nước chỉ xoay quanh chủ nghĩa tư bản, dòng chảy tài chính, sự sinh lời của đồng tiền.
Đứng trước các vấn đề người ta sẽ luôn nhìn vào phía nhà nước, kiểm tra giám sát xem ông đã làm gì để tháo gỡ giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp, ông đã không làm gì để đến nỗi xảy ra sự việc nào đó, chứ người ta không bao giờ chấp nhận lý lẽ bao biện nhà nước chưa lo được hạ tầng này nọ nên đành để doanh nghiệp dừng việc kinh doanh lại.
Đồng thời với đó, qua cơ chế dân cử người ta sẽ loại bỏ ngay những người không đảm đương được công việc khiến ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp.
Đó là tinh thần của chủ nghĩa tư bản, đặt doanh nghiệp lên hàng đầu, luôn luôn giám sát đánh giá lại những lý do từ phía nhà nước, không thể chấp nhận tồn tại những rào cản kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ gặp phải rào cản phát triển từ chính năng lực hạn chế của mình.
Như thế, doanh nghiệp nước ngoài có cả một chủ nghĩa tư bản làm bệ đỡ, còn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, muốn phát triển mạnh hơn thì đã đến lúc cũng cần phải có một thứ tinh thần của Chủ nghĩa tư bản như vậy.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Doanh nghiệp Việt Nam cần tinh thần của Chủ nghĩa tư bản’