Trong khi người dân Hong Kong đoàn kết rộng rãi đã đấu tranh phản đối thành công dự luật dẫn độ nghi phạm hình sự sang Trung Hoa đại lục xét xử, thì ở Việt Nam một nhóm nhỏ luật sư lẻ loi đã thất bại trong kiến nghị cho phép phạm nhân được quyền có luật sư pháp lý.
Nhóm nhỏ lẻ loi
Hôm 22/5 có 34 Luật sư thuộc các đoàn luật sư Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Giang, Tây Ninh, Kiên Giang, Đồng Nai đồng kiến nghị tới Quốc hội đang họp, đề nghị quy định trong dự luật thi hành án hình sự sửa đổi cho phép phạm nhân được quyền có luật sư pháp lý, một điều hiển nhiên theo thông lệ quốc tế.
Sau đó trên diễn đàn Quốc hội, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14, tại buổi trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm, Đại biểu Luật sư Nguyễn Văn Chiến đã đặt câu hỏi rằng Phạm nhân có nhu cầu cần được có luật sư, tại sao dự luật thi hành án hình sự không đưa điều này vào?
Trong phần trả lời Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng quyền hoạt động của Luật sư đã được Luật tố tụng hình sự và Luật luật sư ban hành và điều đó là đương nhiên, không cần có thêm quy định để tránh sự trùng lặp của nhiều quy định.
Sau đó trong phần bổ sung câu hỏi chất vấn Luật sư Nguyễn Văn Chiến có hỏi thêm rằng mặc dù luật thi hành án hình sự không quy định rõ ràng về quyền của phạm nhân được mời luật sư tư vấn pháp luật, tuy nhiên thực tế vẫn đảm bảo quyền này và luật sư vẫn được tham gia.
Nhưng trong thực tế do luật chưa quy định nên việc thực hiện chưa đồng bộ. Lẽ ra Luật thi hành án hình sự phải được bổ sung quyền của phạm nhân. Vì vậy đề nghị Bộ trưởng với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo nêu lý do tại sao không quy định cụ thể việc này khi thực tiễn vẫn có nhu cầu?
Trả lời câu hỏi thêm này Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định lại quyền của người thi hành án được sự hỗ trợ của luật sư được đảm bảo bằng luật pháp và được tạo điều kiện thuận lợi nhất để luật sư tiếp cận với người cần sự trợ giúp.
Không bổ sung
Đến hôm 14/6 Quốc hội đã thông qua dự Luật thi hành án hình sự sửa đổi mà không có quy định bổ sung cho phép phạm nhân được quyền có luật sư.
Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội diễn giải về ý kiến cho rằng thi hành án hình sự là giai đoạn cuối của quá trình tố tụng hình sự, vì vậy cần bổ sung vào Điều 27 nội dung quy định quyền của phạm nhân có luật sư trợ giúp họ thực hiện quyền và nghĩa vụ của phạm nhân trong giai đoạn này.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng theo quy định của Điều 22 Luật luật sư thì phạm vi hành nghề của luật sư gồm: Tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật, thực hiện dịch vụ pháp lý khác và không có quy định loại trừ khách hàng là phạm nhân.
Ngoài ra Điều 27 Luật thi hành án hình sự sửa đổi đã có quy định cho phép Phạm nhân được quyền gặp, liên lạc với tổ chức, cá nhân (bao gồm cả luật sư), đồng thời Phạm nhân được tự mình hoặc thông qua người đại diện (luật sư, người được ủy quyền khác) thực hiện các giao dịch dân sự.
Do đó Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định riêng về quyền của phạm nhân được nhận sự trợ giúp pháp lý của luật sư.
Bản thân tôi là người soạn thảo kiến nghị đã được 34 luật sư đồng tình ghi danh tham gia, tôi không đồng tình với phần diễn giải của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Theo như diễn giải của Ủy ban thường vụ Quốc hội và ngay như nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tô Lâm đối với câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Văn Chiến thì Phạm nhân được quyền có luật sư pháp lý, pháp luật không cấm vấn đề này.
Tôi cho rằng đây là sự thừa nhận khẳng định một cách rất rõ ràng đáng mừng về một vấn đề khúc mắc mà trước đây chưa có một sự khẳng định nào như thế.
Nhưng rất tiếc sự khẳng định quyền đương nhiên này của phạm nhân lại không được thể hiện trong một văn bản pháp lý rõ ràng nào dù là luật hay nghị định, thông tư và cũng không được báo chí đưa tin.
Trước đây Luật thi hành án hình sự chỉ quy định phạm nhân được gặp ngoài người thân thì còn có cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Luật mới cũng dẫn lại quy định này, nhưng đây là quy định tù mù không rõ ràng, tùy thuộc vào sự cho phép ban ơn của nhân viên quản giáo.
Thực tế việc thực hiện quy định ở trại giam là nơi vốn dĩ đã có nhiều yếu tố cấm đoán, kín đáo ít công khai, khiến cho việc luật sư gặp phạm nhân rất khó được thực hiện.
Chính vì thế mà các luật sư mới kiến nghị ghi rõ vào trong luật lần này là phạm nhân được quyền có luật sư, để tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho khâu thực thi, nhưng Quốc hội đã không hiểu cho điều này.
Kêu oan thì tiếp xúc với ai?
Luật mới mặc dù cũng có thêm quy định cho phép phạm nhân thông qua người đại diện thực hiện các giao dịch dân sự (mà theo diễn giải của Ủy ban thường vụ quốc hội thì người đại diện có thể là luật sư), nhưng quy định này không bao quát được các vấn đề pháp lý xung quanh phạm nhân, ví như phạm nhân kêu oan cần có luật sư trợ giúp pháp lý như các trường hợp tử tù kêu oan lâu nay luật sư có được tiếp cận để giúp họ đâu?
Như thế luật mới rõ ràng vẫn không giải quyết được vấn đề khúc mắc quan trọng nhất lâu nay, đó là nhiều vụ án kêu oan luật sư được gia đình mời chỉ kêu oan “chay” bên ngoài mà không thể tiếp cận được với phạm nhân, điều này rõ ràng làm ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả của việc kêu oan, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận công lý, ảnh hưởng đến tính mạng sống chết của nhiều người.
Nhưng đáng tiếc là Quốc hội đã không thấy được vấn đề này.
Theo diễn giải của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì có thể hiểu là việc quy định phạm nhân được quyền nhận sự trợ giúp pháp lý của luật sư là dư thừa không cần thiết, tôi cho đó là nhận định sai.
Đáng ra Luật thi hành án hình sự nên có quy định rõ ràng như Luật thi hành tạm giữ tạm giam tại Điều 9 đã quy định: Người bị tạm giữ, tạm giam có quyền:
d) Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;
đ) Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý;
e) Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;
Như vậy luật thi hành án hình sự đã tước bớt quyền của cùng một người so với khi họ đang là bị can bị cáo.
Luật thi hành tạm giữ tạm giam quy định rất rõ người bị giam giữ được gặp người bào chữa, được trợ giúp pháp lý.
Cùng là một con người nhưng khi ở các giai đoạn tố tụng hình sự khác nhau thì quyền hạn lại thu hẹp mở rộng khác nhau, tại sao Luật thi hành tạm giữ tạm giam lại ấn định quyền hạn rõ ràng cho phép bị can bị cáo mà Luật thi hành án hình sự lại lược bớt quyền của phạm nhân?
Thật tiếc là Quốc hội đã không ban hành ra được nhiều quy định thực sự khoa học công bằng, đem lại ích lợi nhiều hơn cho người dân và xã hội.
Tóm lại là việc phạm nhân cần có sự hỗ trợ pháp lý của luật sư để giải quyết các vấn đề pháp lý xung quanh họ là rất rõ ràng cần thiết, là quy định đương nhiên phù hợp với thông lệ quốc tế.
Vậy nhưng hiện nay quyền của phạm nhân đang bị lược bỏ, pháp luật thì quy định không rõ ràng, thực tế triển khai thì môi trường hành chính quan liêu nhiều bưng bít, kém công khai khiến cho quyền của phạm nhân đang bị xâm hại.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Phạm nhân có hay không quyền mời luật sư’