Tôi mới đọc được cuốn sách có tiêu đề Nhân từ với quỷ dữ, tiêu đề phụ là Bàn về công lý và sự cứu chuộc, tác giả là một luật sư người Mỹ tên là Bryan Stevenson.
Cuốn sách kể sự việc người thật việc thật trong đó vị luật sư đã minh oan cứu sống cho một tử tù đang chờ thi hành án tử hình và đấu tranh cho hàng chục tù nhân khác được giảm án.
Theo lời giới thiệu về tác giả thì Bryan Stevenson là giám đốc điều hành văn phòng luật Equal Justice Intiative ở Montgomery, Alabama và là giảng viên luật tại trường Luật, Đại học New York.
Ông đã tranh tụng năm lần trước Tối cao Pháp viện và được ca ngợi trên khắp nước Mỹ vì những nỗ lực chống phân biệt đối xử với người nghèo và người da màu. Ông đã được tặng nhiều giải thưởng trong đó có Giải thưởng “Thiên tài” của quỹ MacAthur.
Nội dung cuốn sách mô tả cho thấy rất nhiều cuộc làm việc thăm gặp, rất nhiều cuộc gọi điện thoại trực tiếp của những tử tù đã bị kết án nói chuyện với luật sư bên ngoài, ngay cả trước ngày bị thi hành án tử hình.
Những thông tin đó cho thấy luật pháp của Mỹ không hề hạn chế việc tiếp xúc gặp gỡ giữa những phạm nhân đang thi hành án và luật sư pháp lý.
Trong khi đó ở Việt Nam lại khác.
Luật thi hành án hình sự năm 2010 đang có hiệu lực không có quy định nào cho phép phạm nhân đang thi hành án được quyền mời luật sư pháp lý.
Điều này dẫn đến thực tế là bị can bị cáo sau khi đã trở thành phạm nhân rồi thì mất luôn mối liên hệ với luật sư bào chữa trước đó, cứ như là họ tự dưng mất luôn quyền có luật sư trợ giúp pháp lý vậy.
Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến số phận pháp lý của rất nhiều phạm nhân.
Ví như rất nhiều tử tù bị kết án kêu oan mà gia đình mời luật sư kêu oan giúp thì cũng chỉ làm “chay” bên ngoài, vì luật sư ko được vào gặp làm việc với tử tù. Điều này đương nhiên ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả của việc kêu oan cũng như số phận sống chết của tử tù.
Người thi hành án phạt tù cũng không phải là đã dứt bỏ khỏi cuộc sống bên ngoài, vì họ vẫn còn rất nhiều mối quan hệ pháp lý ràng buộc cần giải quyết, ví như ly hôn, để thừa kế, ủy quyền quản lý công ty… và do vậy họ cần được quyền mời luật sư giúp giải quyết các vấn đề pháp lý.
Hoặc rất nhiều những trường hợp phạm nhân không đồng tình với bản án đã kết tội, họ muốn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm để xét lại bản án nhưng lại không được tiếp cận luật sư.
Bản thân tôi là luật sư mới đây cũng thất bại trong việc đăng ký làm việc với một thân chủ đang thi hành án phạt tù là ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Ông Thức, 53 tuổi, hiện đang thụ án sang năm thứ 10 của bản án 16 năm tù về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Mặc dù không nhận tội và liên tục đấu tranh đòi được tự do nhưng hiện tại ông Thức vẫn đang bị giam tại Trại giam số 6 của Bộ công an nằm ở tỉnh Nghệ An.
Năm 2015 Quốc hội đã ban hành Bộ luật hình sự mới đã sửa đổi tội danh về hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Điều luật mới đã bổ sung thêm quy định về hành vi chuẩn bị phạm tội chịu mức hình phạt 5 năm tù, nhẹ hơn nhiều so với luật cũ không phân biệt hành vi chuẩn bị với hành vi đã thực hiện đều chịu mức án nặng như nhau.
Nhận thấy điểm mới của luật có lợi, ông Thức căn cứ vào đó đòi hỏi trả tự do và gia đình cũng mời luật sư cho ông Thức.
Không được gặp
Việc luật mới có sửa đổi tội danh về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân đó là sự thật.
Và điểm mới của luật đã tạo ra một tình huống pháp lý mới có tác động ảnh hưởng đến quyền lợi của phạm nhân, do vậy cần được giải quyết để đảm bảo quyền lợi công bằng, thì đây là lẽ phải cần được thừa nhận.
Sự thật và lẽ phải là như thế, nhu cầu có luật sư pháp lý để giải quyết sự vụ phát sinh là chính đáng, nhưng rà soát toàn bộ hệ thống các quy định pháp luật hiện tại thì không có quy định nào cho phép người đang thi hành án phạt tù được gặp làm việc với luật sư.
Thay vào đó Luật thi hành án hình sự chỉ quy định một nội dung chung chung trao quyền tùy nghi cho trại giam là.
‘Trường hợp đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác (ngoài người thân) có đề nghị được gặp phạm nhân thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem xét, giải quyết’.
Đó là quy định khả dĩ luật sư có thể vận dụng cho việc thăm gặp nhưng sau khi gửi văn bản đến trại giam đăng ký trước và ngay cả khi tìm đến trại trực tiếp thì luật sư cũng đều bị từ chối không cho gặp.
Luật mới đang sửa
Phạm nhân rõ ràng là những người đang gặp phải vấn đề về pháp lý và nhu cầu nhận được sự trợ giúp pháp lý của họ cao hơn những người dân bình thường, vậy nhưng trong khi người dân bình thường không bị hạn chế tiếp cận với dịch vụ pháp lý của luật sư thì phạm nhân lại bị cản trở.
Hiện nay Luật thi hành án hình sự đang được sửa đổi và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 7 khóa 14 đang diễn ra. Điều đáng tiếc là trong dự thảo luật mới cũng không có quy định nào cho phép phạm nhân được quyền có luật sư pháp lý.
Thay vào đó dự thảo quy định ‘Phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ’.
Đây cũng lại là một quy định có tính chất tù mù không rõ ràng kiểu như quy định về sự thăm gặp của cá nhân, tổ chức, nhân thân khác như luật cũ đã nêu.
Với tình trạng lạm quyền và không gian áp dụng điều luật thiếu sự giám sát kiểm soát, những quy định như vậy là không đủ đảm bảo cho phạm nhân được quyền có luật sư.
Trong khi quyền có luật sư là một thứ quyền căn cơ quan trọng, cái quyền sẽ giúp bảo hộ cho các quyền còn lại, cái quyền sẽ giúp phạm nhân đòi hỏi được thực hiện đầy đủ tất cả các quyền khác, cái quyền sẽ giúp tháo gỡ cứu chữa cho số phận pháp lý của họ, thì lại không có.
Theo đó phạm nhân ở Việt Nam hiện nay đang bị mất quyền được có luật sư, mất đi khả năng được tiếp cận công lý.
Quốc hội đang họp cần bổ sung thêm quyền cho phạm nhân được mời luật sư pháp lý trong dự luật thi hành án hình sự lần này.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Tại sao luật Việt Nam cấm phạm nhân tiếp cận luật sư’