Dư luận đang xôn xao về vụ ấu dâm xảy ra ở quận 4 thành phố Hồ Chí Minh và vụ gian lận điểm thi xảy ra tại một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Trong cả hai vụ việc người dân đòi hỏi cơ quan tư pháp khẩn trương xử lý thủ phạm dâm ô trẻ em và xử lý hình sự các bậc phụ huynh đã chạy điểm cho con mình đỗ điểm vào các trường đại học.
Sự chậm trễ của cơ quan tư pháp trong xử lý khiến cho dư luận bức xúc.
Vụ ấu dâm xảy ra từ ngày 02/4/2019, hình ảnh camera thu giữ được rõ ràng nhưng mãi 20 ngày sau mới có quyết định khởi tố.
Vụ gian lận điểm thi xảy ra trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2018, tới nay đã sắp hết một năm học nhưng nhiều vấn đề sai phạm vẫn chưa được làm rõ. Dư luận đang đòi hỏi công khai danh tính các quan chức có con được nâng điểm, kỷ luật cách chức và xử lý những người này về hành vi hối lộ.
Cách một tháng trước, dư luận cũng phẫn nộ với việc cơ quan tư pháp huyện Chương Mỹ đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong nhận định đánh giá về một vụ việc hiếp dâm trẻ em ở vườn chuối.
Sau khi dư luận phẫn nộ về vụ việc Công an thành phố Hà Nội đã lấy vụ án lên trực tiếp điều tra thay đổi tội danh từ dâm ô sang hiếp dâm trẻ em và bắt giam trở lại thủ phạm trước đó được cho tại ngoại.
Một vụ việc khác xảy ra trong một thang máy chung cư tại Hà Nội, đó là hành vi sàm sỡ cưỡng hôn cô gái của một người đàn ông nhưng sau đó chỉ bị phạt 200 nghìn đồng.
Hình phạt rẻ rúng như thế khiến dư luận xã hội cười chê, mạng xã hội xuất hiện rất nhiều video clip được dân chúng tự quay chế diễu hình phạt 200 nghìn cho hành vi cưỡng hôn trong thang máy.
Những vụ việc đó và nhiều vụ việc khác xảy ra rải rác theo thời gian đều được báo chí điện tử, mạng xã hội và ngay cả đài truyền hình quốc gia loan tin rộng rãi.
Người nghiêm túc thận trọng thì đặt câu hỏi về năng lực của ngành tư pháp, người thô lỗ thẳng thừng thì bảo chúng nó chạy chọt luồn lọt hết rồi.
Tựu chung lại là một sự mất niềm tin vào khả năng xử lý khách quan đúng đắn sự việc của cơ quan tư pháp, một sự mất niềm tin vào năng lực thực thi công lý.
Và khi tâm lý dân chúng như vậy thì người ta tìm đến với sức mạnh của quyền lực và tiền bạc.
Vắng bóng công lý
Ở nhiều nước, Công lý là thuật ngữ cổ xưa đã được ý niệm từ rất sớm, đó được xem như khúc hoan ca được xướng lên trong mọi buổi khởi đầu của chính thể xã hội.
Trải qua thời gian hàng ngàn năm dù biết bao những biến động, mọi thực thể chính quyền đều chỉ có thể đạt được chỗ đứng nơi dân chúng nếu có khả năng thực thi công lý.
Cho tới ngày nay quyền tư pháp ở nhiều nước là một trong ba trụ cột quốc gia sánh vai cùng với lập pháp và hành pháp. Tư pháp đảm đương một phần khối lượng công việc to lớn trong đời sống đất nước, đóng góp quan trọng trong quản trị quốc gia.
Trong khi đó ở Việt Nam lâu nay ý niệm về công lý còn là mộng ảo xa vời.
Cho tới Hiến pháp năm 2013 thì lần đầu tiên từ công lý mới được xướng lên trong câu “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý” mà các bản hiến pháp 1960, 1980, 1992 trước đó không có
Tiếp theo đó lần đầu tiên Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng đưa vào gọi tên hai từ Công lý mà các Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và năm 1988 không có.
Và sự thiếu vắng đó liệu có ảnh hưởng đến sự hiển lộ của công lý trong xã hội?
Sự thật là sự vắng bóng của từ công lý không chỉ trong các văn bản quan trọng, nó đồng thời cũng vắng bóng trong các diễn ngôn đời sống.
Điều đó phản ánh nhận thức chính trị kém coi trọng sự thực hành công lý, từ đó kém coi trọng vai trò của tư pháp, đặt để quyền hạn của tư pháp ở một cương vị khiêm tốn yếu kém.
Sự tiến bộ cải thiện trong lĩnh vực tư pháp là rất chậm chạp.
Về thể chế bộ máy nhà nước thì Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận Tòa án thực hiện quyền tư pháp bên cạnh Quốc hội thực hiện quyền lập pháp và Chính phủ thực hiện quyền hành pháp.
Nhưng về quyền lực chính trị thì hầu như không có gì thay đổi về vị trí tư pháp, người đứng đầu các thiết chế tư pháp như Tòa án, Viện kiểm sát không có chân trong Bộ chính trị và chỉ giữ một vài vị trí trong Ban chấp hành trung ương 200 vị.
Điều đó trái ngược với vị thế vượt trội của khối lập pháp và hành pháp nắm giữ nhiều vị trí trong các cơ quan quyền lực.
Mà quyền lực thì có khả năng áp lực chi phối sai khiến.
Bởi vậy vị thế chính trị khiêm tốn của ngành tư pháp đã ảnh hưởng đến những việc có thể làm, những việc không thể làm trong thực tế.
Những vụ như ấu dâm, gian lận điểm thi, cưỡng hôn trong thang máy đó đều là những vi phạm pháp luật hình sự cần được khởi tố, nhưng vì năng lực và quyền hạn của ngành tư pháp địa phương hạn chế nên đã không thể thực thi công lý như người dân mong đợi.
Hành vi đã rõ và pháp luật đã có, vấn đề chỉ là ở sự nhận thức đánh giá và thực thi theo pháp luật, nhưng điều đáng tiếc là các cơ quan tư pháp đã không thể khiến cho người dân cảm thụ được công lý.
Mà rồi từ đó sẽ ảnh hưởng xấu tới hành xử của dân chúng, tác động xấu tới quản trị quốc gia. Người dân sẽ sử dụng tiền bạc và quyền lực trong các mối quan hệ để xử lý công việc.
Điều đó đồng nghĩa với sự suy đồi của đạo đức cá nhân và đạo đức công vụ, tạo ra sự hỗn loạn nhất định trong trật tự xã hội và tạo ra các xung động xấu trong sự vận động đời sống xã hội.
Nay để công cuộc quản trị quốc gia được tốt lên, điều nên làm là phải xử lý đúng đắn các vụ việc đang thu hút được sự chú ý của xã hội.
Hãy làm sao để người dân chứng kiến và cảm thụ được công lý.
Về lâu dài là cần tập trung đầu tư cải cách, nâng cao năng lực, bổ sung thêm quyền hạn cho ngành tư pháp.
Để tư pháp phát huy được hết vai trò, thay vì để yếu kém đóng góp ít ỏi cho quản trị quốc gia.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Nền tư pháp đóng góp ít ỏi cho quản trị quốc gia’