Ngày 21/4 Tòa án Nhân dân Tối cao phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo: Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp.
Tòa án Nhân dân Tối cao là cơ quan chủ trì soạn thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi, việc lắng nghe ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp chứng tỏ sự cầu thị tiến bộ.
Có chịu tiếp thu?
Bộ luật Tố tụng Dân sự là văn bản pháp lý quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng, nếu các vấn đề được sửa đổi mà trúng và đúng thì sẽ tạo hiệu quả chuyển biến tích cực lớn.
Tuy vậy có lý do để nghi ngờ chất lượng của hoạt động sửa đổi luật, vì lẽ Bộ luật Tố tụng Dân sự mới được sửa đổi năm 2011 có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 tới nay mới chỉ ba năm, tình hình thực tiễn đời sống chưa thay đổi nhiều mà đã lại sửa đổi.
Xung quanh việc sửa đổi này liệu có xảy ra tình trạng từ chối tiếp thu những ý kiến góp ý xác đáng không?
Điều này liên quan đến tính hợp lý trong quy trình công tác tổ chức sửa đổi luật.
Có hợp lý không khi cơ quan chịu ảnh hưởng chính từ những thay đổi của luật lại là cơ quan chủ trì việc soạn thảo? Liệu có việc từ chối tiếp thu những đề xuất sửa đổi tiến bộ để giữ quyền lợi ích kỷ cho ngành mình không?
Ví như Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là cơ quan chủ trì soạn thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi, cơ quan này đã từ chối tiếp thu đề xuất quy định bố trí chỗ ngồi ngang hàng giữa kiểm sát viên buộc tội và luật sư gỡ tội.
Đấy là ví dụ để công luận thấy được tính công tâm vô tư của các cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan đến ngành lĩnh vực của mình: có thể xảy ra tình trạng từ chối tiếp thu những ý kiến xác đáng.
Đặc biệt trong trường hợp này cơ quan chủ trì soạn thảo lại là các cơ quan tư pháp mà sự công tâm khách quan là thuộc tính nghề nghiệp quan trọng. Nếu thiếu công tâm khách quan thì công luận sẽ nhìn vào đánh giá như thế nào?
Thời gian tố tụng quá dài
Một thực trạng xấu đối với tố tụng dân sự lâu nay là thời gian giải quyết các vụ án bị kéo dài. Hầu hết các vụ án thường bị mất thời gian để giải quyết lâu hơn cần thiết.
Thực tế hành nghề thì thấy hầu như vụ án dân sự nào cũng có thể được giải quyết nhanh hơn so với thực tế đã diễn ra.
Bản thân tôi lâu nay khi đến liên hệ với cán bộ tòa án làm việc thì không hề thấy tình trạng tất bật bận rộn.
Thực tế lâu nay các vụ án bị kéo dài thời gian giải quyết khiến người dân và doanh nghiệp mất nhiều thời gian công sức, một trong những nguyên nhân của vấn đề là mức lương của cán bộ tòa án hiện còn thấp.
Muốn nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ tòa án thì cần nâng cao mức lương cho họ.
Bởi một khi còn phải vướng bận lo toan cho các chi tiêu đời sống gia đình, họ sẽ không thể vô tư, thay vào đó họ cài gắn lợi ích của mình vào việc giải quyết các vụ án.
Ngân sách nhà nước cần cân đối các khoản chi, dành một mức cao hơn cho ngành tư pháp.
Bằng cách rút bớt khoản chi cho các hội đoàn hoạt động không rõ tính thiết thực, hoặc dừng việc chi tiêu đầu tư cho các dự án công trình chưa thực sự cấp thiết.
Cần rút ngắn thời gian tố tụng
Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam có bài ‘Cần thiết quy định thủ tục rút gọn trong giải quyết các vụ án dân sự’, theo đó một vấn đề mới được ngành tòa án đưa ra là thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự có giá trị tài sản tranh chấp dưới 100 triệu đồng.
Như thế xem ra ngành tòa án cũng đã nhận thức được tệ trạng giải quyết án kéo dài và đã chịu sức ép phê phán bất bình cho nên đã đưa ra chế định về thủ tục rút gọn.
Nhưng cũng theo bài báo trên thì đại diện một số ngân hàng đã có ý kiến phản đối. Họ cho rằng chỉ áp dụng thủ tục rút gọn đối với mức tài sản tranh chấp 100 triệu đồng thì số tiền thu về không xứng đáng với thời gian và công sức bỏ ra để theo đuổi vụ kiện.
Lâu nay các doanh nghiệp và ngân hàng chịu rất nhiều thiệt hại từ tệ trạng giải quyết án kéo dài và họ muốn rút ngắn thời gian giải quyết các vụ án xuống áp dụng đối với mọi vụ án mà không giới hạn về giá trị tài sản tranh chấp.
Tuy vậy việc rút ngắn thời gian tố tụng hẳn sẽ tạo ra áp lực không mong muốn đối với ngành tòa án.
Tại sao lại rút ngắn để phải chịu áp lực thay vì thong dong như lâu nay?
Cho nên vấn đề tuy chính đáng đấy, khả năng có thể đáp ứng đấy, nhưng chưa chắc ý kiến góp ý đã được ngành Tòa án chủ trì soạn thảo tiếp thu.
Tài sản lưu thông mới tạo ra giá trị
Việc kéo dài thời gian giải quyết các vụ án dân sự dẫn đến những thiệt hại lớn cho nền kinh tế mà lâu nay chưa được nhận ra và tính toán thống kê.
Một cuốn sách đã lưu hành rộng trên thế giới và đã được dịch xuất bản ở Việt Nam có tiêu đề ‘Sự bí ẩn của tư bản’, tiêu đề phụ là Vì sao chủ nghĩa tư bản thành công ở Phương Tây và thất bại ở mọi nơi khác?
Tác giả cuốn sách đã nhận định rằng: Sự thành công của các nền kinh tế tư bản Phương Tây là do khả năng xác lập rõ ràng minh bạch chứng từ về tài sản rồi đưa vào lưu thông.
Tài sản khi không được lưu thông sẽ không tạo ra giá trị, khiến cho nền kinh tế không thể phát triển.
Mà tài sản chỉ có thể được đưa vào lưu thông khi nó được chứng từ hóa, tức là có thông số dữ liệu biểu đạt, ví như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận sở hữu nhà, xe ô tô, hoặc cổ phiếu.
Khi tài sản được biểu đạt qua những chứng từ đó sẽ giúp nó có hồ sơ như hồ sơ cá nhân, có thể đưa vào cầm cố thế chấp hoặc chuyển nhượng. Tạo ra sự lưu thông rộng khắp của tài sản.
Muốn được như vậy thì tài sản cần được xác lập rõ ràng về chủ quyền sở hữu, xem ai sở hữu tài sản gì. Khi tài sản chậm được xác lập rõ ràng về chủ quyền sở hữu thì đương nhiên sẽ bị hạn chế ở khâu lưu thông.
Từ luận điểm trên đối chiếu với thực tế Việt Nam thì thấy:
Ở Việt Nam lâu nay luôn tồn tại một khối lượng rất lớn tài sản chậm được phân định rõ ràng về chủ quyền sở hữu và do đó chậm được đưa vào lưu thông vì lý do nó còn nằm trong giai đoạn tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp ở tòa án.
Rất nhiều tài sản được cầm cố, thế chấp hoặc tiền vay lẫn nhau, vay ngân hàng, hoặc các khối tài sản tranh chấp giữa những người dân và doanh nghiệp, đã rất chậm trễ trong việc phân định rõ ràng chủ quyền sở hữu.
Lý do như trên đã chỉ ra đó là thời gian giải quyết một vụ án dân sự thường bị kéo dài. Nhiều dự án sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ vì phải đợi tòa án phân định về chủ quyền sở hữu tài sản.
Sự chậm trễ ở khâu tòa án là chướng ngại lớn cho việc bạch hóa về chủ quyền sở hữu, khiến tài sản chậm được đưa vào lưu thông.
Và tài sản không được lưu thông thì không tạo ra giá trị, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.
Đây là vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế mà lâu nay đã không được nhận ra và tính toán thống kê thiệt hại.
Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại: http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/05/150519_toa_an_viet_can_tro_luu_thong_tai_san_ngongoctrai