Hôm 14/9 trong chương trình thảo luận bàn tròn của BBC News Tiếng Việt về nền kinh tế Việt Nam, một độc giả đặt câu hỏi cho khách mời hỏi rằng nội hàm của ‘Chính phủ kiến tạo’ hiện nay là gì?
Trả lời câu hỏi Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội nguyên là thành viên của tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chính phủ nhiệm kỳ trước cho biết.
Cái gọi là “Chính phủ kiến tạo” hay “Nhà nước kiến tạo” là những thuật ngữ đã được hình thành từ thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. “Nhà nước kiến tạo” khác với “Chính phủ kiến tạo”, bởi vì chính phủ chỉ là một phần của bộ máy nhà nước, bộ máy nhà nước khổng lồ hơn rất nhiều và nó định hình rất lớn.
Ông Thành cho biết “trong Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam, là sản phẩm của Đại học Quốc gia Hà Nội về mảng kinh tế, thì trong Báo cáo của năm 2017, chúng tôi dành toàn bộ chuyên đề đó cho cái gọi là ‘Nhà nước kiến tạo’ ở Việt Nam”.
Theo đó ý kiến ông Thành thiên về lựa chọn thuật ngữ “Nhà nước kiến tạo” hơn là thuật ngữ “Chính phủ kiến tạo” mà Chính phủ hiện nay đang sử dụng.
Minh định lại thuật ngữ “Nhà nước”
Để xem lựa chọn thuật ngữ “Nhà nước kiến tạo” của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành có khoa học hợp lý hay không thì cần minh định lại thuật ngữ “Nhà nước”.
Trước đây trong một nghiên cứu về sửa đổi Hiến pháp tôi đã tìm hiểu về thuật ngữ nhà nước thì thấy.
Để viết lên những học thuyết mới người ta cần đến những khái niệm ngôn từ mới hoặc sử dụng những ngôn từ cũ nhưng trao cho những nội dung ý nghĩa mới.
Không biết từ ban đầu thuật ngữ “nhà nước” mang ý nghĩa gì nhưng đến một giai đoạn nhất định thì thuật ngữ “nhà nước” có thể được coi là ngôn từ chính trị quan trọng bậc nhất ở Việt Nam.
Việc khám phá ra và sử dụng thuật ngữ “nhà nước” đã tạo lên sự phù hợp, logic cho việc xác lập một thể thức nắm giữ sử dụng quyền lực trên đất nước Việt Nam.
Hãy cùng xem một số thông tin về vấn đề này.
Hiến pháp năm 2013 có 120 điều sử dụng đến 131 lần từ nhà nước
Hiến pháp năm 1992 có 147 điều trong đó có tới 160 từ nhà nước.
Hiến pháp năm 1980 có 147 điều thì có tới 209 từ nhà nước
Hiến pháp năm 1959 có 112 điều thì có tới 70 từ nhà nước.
Trong khi đó, Hiến pháp năm 1946 chưa xây dựng theo mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Xô thì có 70 điều chỉ có duy nhất 1 từ “nhà nước”, được quy định tại Điều thứ 15 với nội dung “Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình Nhà nước”.
Tìm hiểu mở rộng thêm thì thấy.
Hai bản Hiến pháp của Việt Nam Cộng Hòa không có từ ‘nhà nước’ nào.
Tuyên ngôn độc lập do chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1945 có 1009 từ nhưng không có từ ‘nhà nước’.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến do chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1946 có 210 từ nhưng không có từ ‘nhà nước’.
Như vậy đã có thời kỳ thuật ngữ ‘nhà nước’ đã không được xem trọng sử dụng. Chỉ từ khi xây dựng mô hình nhà nước toàn trị kiểu Liên Xô thì thuật ngữ Nhà nước mới được sử dụng với một mật độ tần suất rất lớn.
Theo học thuyết Mác – Lê Nin thì nhà nước là công cụ bạo lực của giai cấp thống trị, và là một bộ máy bao gồm trong đó Quốc Hội, Chính phủ, Tòa án, Quân đội, Công an, Mặt trận tổ quốc .v.v.
Các nhà lập pháp xã hội chủ nghĩa đã gom vào trong nhà nước rất nhiều tổ chức khác nhau mặc dù các tổ chức đó được thành lập độc lập, có tên gọi riêng, chức năng riêng. Nhưng gom vào để làm gì khi bình thường tự các tổ chức kia đã là những chủ thể độc lập có chức năng quyền hạn riêng biệt rồi?
Xin thưa rằng gom vào để tập trung quyền lực, nhà nước tập trung vào trong nó tất cả quyền lực mà các cơ quan nằm trong nó có sẵn.
Và đã nói đến ‘bên trong’ thì có ‘bên ngoài’ và ‘bên trên’. Bên ngoài là xã hội, bên trên là Đảng cộng sản. Tất cả chỉ nhằm phục vụ cho một mục tiêu luận điểm là ‘Đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội’.
Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của thuật ngữ “Nhà nước” trong việc luận giải cho dễ hiểu học thuyết về nhà nước kiểu Xô Viết, mà nếu thiếu nó thì rất khó diễn dải được mô hình về nhà nước toàn trị.
“Nhà nước kiến tạo” có đúng?
Trong thực tế khi nghe nói về một sự kiện ở Mỹ hoặc Châu Âu, người ta nói rõ là Tổng thống Mỹ, Chính phủ Mỹ hoặc Thượng viện, Hạ viện Mỹ làm một việc gì đó, chứ chúng ta không nghe thấy người ta nói đến nhà nước Mỹ.
Theo thể chế của họ thì họ đã phân định rạch ròi về các quyền hạn lập pháp, hành pháp và tư pháp cho các tổ chức riêng biệt và không có một chủ thể nào nắm quyền bao trùm cả ba quyền này.
Ở Việt Nam hiện nay nhà nước gộp cả ba quyền, nhưng thực chất nhà nước chỉ là ngôn từ để diễn đạt thôi chứ nó không phải là một thực thể tổ chức hiện hữu.
Đối với quốc tế, nhà nước không phải là một chủ thể của công pháp quốc tế. Thay vào đó quốc gia (bao gồm lãnh thổ con người và bộ máy chính quyền xây dựng trên đó) mới là chủ thể trong đối ngoại giữa các nước.
Đối với quốc nội, chúng ta có Luật tổ chức quốc hội, Chủ tịch quốc hội; Luật tổ chức chính phủ, Thủ tướng chính phủ; Luật tổ chức tòa án, Chánh án tòa án nhân dân. Nhưng chúng ta không có Luật tổ chức nhà nước và không có chủ tịch nhà nước.
Cho nên cần xác định rằng “nhà nước” chỉ là một thuật ngữ có nội hàm không rõ ràng nhằm diễn giải cho một học thuyết về bộ máy nhà nước kiểu cũ. Và mô hình nhà nước cũ đang là cái gây cản trở lớn nhất cho phát triển kinh tế thị trường và khai phóng sức sản xuất hiện nay.
Mô hình nhà nước toàn trị coi trọng sự quản lý kiểm soát mà không tính đến hiệu quả kinh tế. Kết quả là một bộ máy nhà nước cồng kềnh đè nặng lên cơ thể xã hội tiêu ngốn một lượng lớn nguồn lực quốc gia.
Một đất nước tuy nhỏ về lãnh thổ nhưng lại được chia ra làm rất nhiều tỉnh thành. Một bộ máy hành chính phân cấp trên dưới với nhiều tầng nấc trung gian như Hội đồng nhân dân xuống tận cấp quận huyện, xã phường.
Hai bộ máy Đảng và Nhà nước tồn tại song hành cùng phải trả lương, các hội đoàn thể được trợ cấp ngân sách như cánh tay nối dài của nhà nước chui sâu vào mọi ngõ ngách đời sống.
Những vấn đề bất cập đó thực tế đã được nhận diện và ban lãnh đạo Đảng cộng sản hiện nay cũng đang xử lý khắc phục từng phần thông qua các chương trình cải cách thể chế.
Thực tế là như thế cho nên quan điểm của Tiến sĩ Thành trong khi tìm kiếm xây dựng một phương ngôn phát triển mới cho Chính phủ nhưng lại sử dụng đến cái ngôn từ quan trọng nhất của hệ thống cũ đã gây ra mọi hệ lụy kinh tế xã hội hiện tại, thì điều đó tôi cho là trình độ chưa có tầm.
Và ngoài ra việc Chính phủ nhiệm kỳ trước sử dụng thuật ngữ “Nhà nước kiến tạo”cho thấy đã có sự không phân định đúng về phạm vi quyền hạn của Chính phủ. Vì Chính phủ muốn kiến tạo gì thì kiến tạo, nhưng Chính phủ sao có thể đòi hỏi “Nhà nước kiến tạo” trong đó bao gồm cả Quốc hội, Tòa án, hay các đoàn thể Mặt trận?
Chính phủ là cơ quan quản lý thực hiện vai trò hành động thì nói kiến tạo còn nghe được, trong khi Quốc hội là cơ quan bàn luận làm luật thì kiến tạo cái gì? Tòa án là cơ quan phán xét xử tội thì kiến tạo cái chi?
Cho nên ngược lại với đó, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện nay đã đúng khi sử dụng ngôn từ “Chính phủ kiến tạo”.
May mắn là nó đã không đụng chạm gì đến những gì còn mơ hồ gây tranh cãi, nhưng quan trọng hơn là nó giúp phân định rõ ràng về phạm vi quyền hạn của Chính phủ.