Hôm 10/7 vừa rồi, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với ba nhà hoạt động dân chủ gồm các ông Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc.
Kết quả Hội đồng xét xử giữ nguyên hình phạt tại bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử trước đó, tuyên ông Vũ Quang Thuận mức án 8 năm tù, ông Điển 6 năm 6 tháng tù, ông Phúc 6 năm tù.
Từ vụ án này đặt ra câu hỏi công dân có được quyền tham gia sinh hoạt chính trị?
Công dân có được quyền bày tỏ ý kiến, phê phán và chê trách đối với đường lối chính sách phát triển quốc gia và năng lực phẩm chất của các vị lãnh đạo?
Tuyên truyền chống đối
Trong vụ án trên, các nhà hoạt động bị cáo buộc đã làm ra các video clip đăng tải lên các trang mạng Facebook và YouTube có nội dung tuyên truyền chống nhà nước.
Trong đó thực tế họ chỉ đưa ra các bình luận về chủ nghĩa Mác Lê nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Đảng Cộng sản, về Hoàng Sa, Trường Sa cũng như phê phán một số vị lãnh đạo đương nhiệm.
Tòa án quy kết đó là hành vi phạm tội nhưng đó thực chất chỉ là sự thực hành các quyền tự do dân chủ của công dân, quyền biểu đạt các quan điểm chính trị, phù hợp với các giá trị quốc tế phổ quát về nhân quyền và quyền của công dân theo Hiến pháp.
Các ý kiến bày tỏ tuy đều có xu hướng bất lợi cho các cơ quan Đảng Cộng sản và Nhà nước hiện tại nhưng nếu chỉ vì thế mà xử lý hình sự thì đó là mất dân chủ.
Bởi lẽ không phải là người ta nói dối xuyên tạc sự thật mà là chỉ nêu ra những sự thật nhưng là những sai lầm bất lợi.
Việc quy kết tội là áp đặt bất công bởi lẽ công dân phải được quyền giám sát và quan chức chính quyền phải chịu sự kiểm soát của người dân, vì quyền lợi của họ phải đi kèm với trách nhiệm.
Đối với những lời lẽ chỉ trích chê bai về đường lối lãnh đạo của tổ chức chính trị, thì công dân được quyền làm việc đó.
Bởi chất lượng của chính sách và năng lực của cán bộ ảnh hưởng đến mức độ phát triển và ấm no hạnh phúc của người dân. Tổ chức chính trị hoàn toàn có đủ nguồn lực để giải đáp phản biện làm rõ chính sách đường lối của mình để giữ uy tín.
Đối với những cáo buộc chê trách đối với cá nhân lãnh đạo, thì cơ quan có thẩm quyền phải thanh tra kiểm tra làm rõ, xem lời chê trách của nhân dân là nguồn chứng lý, tiến hành kiểm tra cán bộ để rộng đường dư luận.
Nếu cá nhân vị lãnh đạo bị oan sai thì có quyền khởi kiện người thực sự đưa tin xấu vô cớ với ác ý để yêu cầu xin lỗi bồi thường.
Đó là cách mà nhà lãnh đạo Singapore là ông Lý Quang Diệu đã làm đối với những cáo buộc về mình.
Người ta dùng công cụ tư pháp dân sự để xử lý vụ việc, chứ không sử dụng bạo lực hình sự trấn áp.
Trong nhiều vụ án tuyên truyền chống nhà nước tại Việt Nam, đó thực chất chỉ là sự thực hành quyền tự do dân chủ mà trong thời điểm hiện tại là còn tương đối mới mẻ khác biệt đối với nhiều người.
Nhưng trong tương lai khi nhận thức của các ban ngành đã cao, cùng với ý thức trưởng thành về các quyền tự do dân chủ của công dân, thì khi đó mọi người sẽ thấy những việc làm như vậy là hoàn toàn bình thường.
Lợi dụng quyền dân chủ?
Một tội danh khác hay được các cơ quan an ninh sử dụng để xử lý những tiếng nói phản biện xã hội, đó là tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Mới đây cơ quan an ninh tỉnh Thanh Hóa đã sử dụng tội danh này để xử lý hình sự bắt giam một người là Nguyễn Duy Sơn 37 tuổi chỉ vì anh này chia sẻ các bài báo và đưa ra các bình luận về một số quan chức đầu tỉnh Thanh Hóa.
Đây là vụ việc cho thấy tình trạng mất dân chủ nghiêm trọng ở địa phương.
Nơi mà nhận thức của các ban ngành còn rập khuôn theo kiểu cũ lạc hậu và coi thường các quyền tự do dân chủ của công dân.
Họ không hiểu rằng công dân có quyền sinh hoạt chính trị, trong đó có việc đưa ra các bình phẩm đánh giá về các cá nhân cán bộ lãnh đạo.
Người dân được phê phán, chỉ trích cán bộ lãnh đạo thông qua những thông tin dư luận xã hội về đời sống cá nhân hoặc những yếu kém trong lãnh đạo điều hành dẫn đến những sự vụ xảy ra trên thực tế đời sống, mà đó chính là hệ lụy của việc yếu kém năng lực của cán bộ và bộ máy.
Người dân được quyền nghi ngờ về năng lực phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, trách móc và mắng mỏ, bảy tỏ sự thất vọng chán ghét, đó là quyền chính đáng của công dân.
Cán bộ và bộ máy không thể buộc người dân hoặc chỉ lặng im hoặc chỉ khen ngợi mình.
Thực trạng đời sống xã hội hiện nay có quá nhiều lý do để người dân đưa ra những lời phê phán trách móc về khả năng lãnh đạo điều hành ở cấp độ địa phương cũng như cả nước.
Nếu cứ cho đó là nói xấu làm mất uy tín lãnh đạo để rồi bắt giam xử lý hình sự thì đó là cực kỳ mất dân chủ.
Công ước quốc tế và Hiến pháp nói gì?
Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc năm 1966 được Việt Nam ký kết tham gia năm 1982 có nội dung, “mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp”.
“Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.”
Hiện thực tinh thần đó, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 cũng có quy định:
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Và: Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.”
Như vậy việc người dân biểu đạt các quan điểm chính trị dù không có lợi cho Đảng cộng sản và Nhà nước hiện tại thì cũng không phải là vi phạm theo Công ước quốc tế và Hiến pháp, càng không phải là tội phạm.
Cần thay đổi
Ở Việt Nam hiện nay rất nhiều người bị bắt giữ xử tù chỉ vì bày tỏ quan điểm chính trị mà quốc tế họ gọi đó là những tù nhân lương tâm, những người vì lương tâm lên tiếng mà bị bắt bớ trấn áp.
Đây là một điều rất tai hại cho dân cho nước.
Thực tế cuộc sống cho thấy mỗi người có những khuynh hướng suy nghĩ việc làm và đam mê khác nhau. Có thể vì môi trường sống hoặc bản năng tính cách khiến cho ai đó có những phẩm chất nhất định.
Khi đó điều cần ở xã hội và nhà nước là tạo lập ra những định chế và điều kiện công bằng để giúp cho người dân phát huy sở trường thế mạnh, thỏa mãn đam mê khát vọng và thực ra là để cho người dân mưu cầu hạnh phúc.
Nhiều người có khuynh hướng hoạt động chính trị, hoạt động xã hội. Họ có năng lực làm việc đó và đam mê làm việc đó.
Nhưng các định chế chính trị xã hội hiện tại lại không tạo điều kiện cho họ, lại ngăn cấm bắt bớ và trấn áp họ.
Họ trở thành nạn nhân của năng khiếu đam mê, của năng lực bản thân, của tố chất và phẩm chất cá nhân, của sự bất công xã hội. Và đó là môi trường không đáng có, chưa đáng sống cho mỗi con người.
Nếu hệ thống pháp luật hôm nay không tháo gỡ, không tạo ra được một môi trường công bằng để dung nạp, thu nhận mọi năng lực phẩm chất con người, thì một ngày trong tương lai người thân của chúng ta có khi lại vì một năng lực đam mê nào đấy mà trở thành nạn nhân của những định chế chính trị xã hội lạc hậu của thế hệ hiện nay để lại.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Công dân VN bị cấm chê trách quan chức?’