Trong những vụ án có thời gian giải quyết kéo dài như vụ Hàn Đức Long ở Bắc Giang (9 năm) hay vụ án Lê Bá Mai ở Bình Phước (10 năm) bị cáo phải chịu khổ là đương nhiên rồi. Nhưng phía gia đình bị hại cũng phải gánh chịu sự đau đớn kéo dài khi vết thương lòng không khép miệng mà cứ bị moi khoét ra mãi.
Đó là minh chứng rõ ràng cho thấy ngành tư pháp đang tồn tại một tệ trạng xấu là nhiều vụ án cứ giải quyết kéo dài mãi không có điểm dừng.
Chưa xử đã trả hồ sơ
Theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự hiện tại, tòa án sau nghiên cứu hồ sơ nếu thấy chưa đủ căn cứ để kết tội thì trả lại và yêu cầu điều tra bổ sung.
Quy định như vậy tức là khi tòa án đã mở phiên tòa xét xử thì trong nhận thức của thẩm phán hồ sơ đã đủ căn cứ để kết tội rồi. Có nghĩa rằng tòa án đã chủ định về phán quyết từ trước.
Kết quả là một khi tòa án đã mở phiên tòa thì hầu như bị cáo nào cũng bị tuyên có tội, vì nếu chưa thể kết tội thì người ta đã không mở phiên tòa mà sẽ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Quy trình giải quyết án như vậy chính là bản chất của cái gọi là án bỏ túi đã nói lâu nay.
Kiểu xử án bỏ túi không hẳn là tòa xử sai nhưng nó vô lý và bất công vì tòa án theo đuổi việc kết tội đến cùng đi ngược lại với thể thức của việc xét xử phải đi đến một trong hai kết cục có tội hay vô tội. Nó cũng tạo ra sự nhàm chán vì phán quyết đã biết từ trước, diễn biến phiên tòa chỉ còn là hình thức.
Chưa xử đã trả hồ sơ thì tệ rồi, nhưng còn vô lý hơn nữa khi đang xử cũng trả hồ sơ. Không hiếm những phiên tòa sau khi đã diễn ra hết phần xét hỏi, tranh luận và nghị án, đến khi tuyên án thì tòa lại tuyên trả hồ sơ. Đây là lối tuyên án mà luật không quy định nhưng thực tế vẫn diễn ra mà không thấy ngành tòa án chấn chỉnh.
Việc phân xử phải đưa đến một trong hai kết quả hoặc có tội hoặc vô tội, nếu thấy không kết tội được thì phải tuyên vô tội chứ sao lại lửng lơ ở giữa là điều tra bổ sung? Xử như thế thì công lao của luật sư bị bỏ đâu?
Khi luật sư đưa ra được những luận chứng thuyết phục khiến cho tòa không thể kết tội thì thay vì tuyên vô tội tòa lại yêu cầu điều tra bổ sung.
Tức là nếu luận chứng buộc tội thắng thế thì tuyên có tội, còn luận chứng bào chữa thắng thế thì lại trả hồ sơ, như thế công bằng ở chỗ nào?
Có ý kiến cho rằng vụ án chưa rõ nên cần trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, đó là lối làm việc thận trọng nghiêm túc tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan. Nhưng chỉ nên cho trả hồ sơ ở giai đoạn viện kiểm sát thôi, đến giai đoạn tòa thì không cho trả hồ sơ nữa.
Vì nếu phán quyết của tòa bị cho là bỏ lọt hay làm oan thì vẫn còn phiên phúc thẩm sửa chữa cơ mà.
Hủy án điều tra lại
Có một tệ trạng khác cũng rất phổ biến khiến cho việc giải quyết án bị kéo dài, đó là tình trạng hủy án điều tra lại. Các trường hợp thường thấy như án phúc thẩm hủy án sơ thẩm hoặc quyết định giám đốc thẩm hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra xét xử lại.
Thực tế thấy rằng tòa án dễ dàng thực hiện việc hủy án điều tra lại, điều này thể hiện ở số trường hợp các vụ án bị hủy rất phổ biến.
Có lẽ mục đích của tòa muốn xử án với chứng cứ hồ sơ đầy đủ, nhưng không loại trừ nguyên nhân là sự yếu kém năng lực hoặc có yếu tố tiêu cực khiến tòa dễ dãi trong việc hủy án.
Một số luật sư biết thân chủ không thể tránh khỏi trọng tội nên cũng tìm cách kéo dài trì hoãn việc phán quyết.
Trong hầu hết các trường hợp điều tra lại thường tòa yêu cầu điều tra theo hướng củng cố căn cứ kết tội và việc điều tra do cơ quan điều tra cũ thực hiện.
Chỉ những trường hợp cá biệt hiếm hoi có dấu hiệu oan sai yêu cầu điều tra theo cả hai hướng làm rõ căn cứ có tội hoặc vô tội thì để đảm bảo tính khách quan người ta giao cho một cơ quan khác tiến hành điều tra lại.
Ví dụ vụ Hàn Đức Long tòa án tối cao có kháng nghị giám đốc thẩm đã đề nghị cơ quan điều tra của Viện kiểm sát tối cao điều tra lại vụ án mà không để cơ quan cảnh sát điều tra của công an tỉnh Bắc Giang điều tra lại.
Hoặc trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn việc điều tra lại được giao cho cơ quan điều tra của Bộ công an thay vì để cơ quan điều tra của công an tỉnh Bắc Giang điều tra.
Điều tra lại đem lại gì?
Thường khi tòa yêu cầu điều tra lại không phải vì thấy bị cáo bị oan mà vì luận chứng kết tội chưa thuyết phục. Nhưng vấn đề là việc đánh giá hồ sơ đã đủ sức thuyết phục hay chưa lại tùy thuộc vào nhận thức của mỗi người.
Phía cơ quan điều tra thì đương nhiên họ cho rằng chứng cứ đủ sức thuyết phục rồi, có như thế họ mới hoàn tất việc điều tra và ban hành kết luận điều tra, viện kiểm sát cũng thấy đủ căn cứ kết tội rồi mới ban hành cáo trạng.
Những vụ án phải điều tra lại do phát hiện ra tình tiết mới như trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn phát hiện ra hung thủ là người khác là rất hiếm có. Còn lại hầu như các trường hợp điều tra lại không xuất phát từ tình tiết mới mà chỉ do sự đánh giá khác nhau về giá trị các tài liệu hồ sơ chứng cứ.
Tức là việc điều tra lại thực ra không xuất phát từ những lý do thực sự cần thiết cho nên tính hiệu quả thiết thực của nó cũng rất đáng ngờ. Nhiều trường hợp vì vụ án chẳng có tình tiết gì mới nhưng vẫn phải điều tra lại nên cơ quan điều tra đã làm những việc điều tra rất thiếu độ tin cậy.
Ví như vụ án Hàn Đức Long trước đây đã từng điều tra lại, quá trình điều tra lại cơ quan điều tra đã lấy lời khai của những người từng bị giam giữ cùng phòng với Long và những người này khai rằng đã nghe Long nói chuyện trót phạm tội giết hiếp một bé gái.
Họ đã phải sử dụng những lời khai kiểu đó để củng cố chứng cứ kết tội.
Sự thiếu tin cậy của chứng cứ loại đó cho thấy hướng điều tra đã bế tắc. Đến nay nếu vụ án lại điều tra lại thì liệu cơ quan điều tra sẽ làm được gì hay chỉ tốn thời gian vô ích?
Một ví dụ thực tế dưới đây cũng cho thấy sự nhảm nhí không cần thiết của yêu cầu điều tra lại.
Hội đồng xét xử khi thấy chưa đủ căn cứ để kết tội nên đã tuyên án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Nhưng sau đó Viện kiểm sát không chịu điều tra bổ sung vì cho rằng hồ sơ đủ căn cứ kết tội rồi, đến khi tòa án mở lại phiên xử vẫn bộ hồ sơ cũ thì lại tuyên bị cáo có tội.
Tức là điều tra lại thì cũng được, không thì cũng chẳng vấn đề gì.
Sự việc này xảy ra tại tòa án huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa. Bị cáo trong vụ án là một nông dân tuổi trung niên đã chết sau khi được cho về nhà vài ba tháng. Thời gian ban đầu được tại ngoại thì bị cáo chối tội, đến sau khi bị bắt tạm giam thì khai nhận tội, khi ra tòa bị cáo nói đã bị hành hạ ghê gớm.
Bỏ lọt còn hơn làm oan
Việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung hoặc hủy án điều tra lại được cho là nhằm mục đích làm rõ sự thật, tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội.
Nhưng đó là trạng thái lý tưởng không phải lúc nào cũng đạt được mà nếu cứ theo đuổi sẽ khiến người ta quên mất rằng thời gian cũng là một phần quan trọng trên tiến trình tìm công lý.
Từ nhận thức đó pháp luật các nước văn minh đều quy định một khoảng thời gian giới hạn cho việc chứng minh tội phạm. Hết thời gian đó nếu không chứng minh được bị cáo phạm tội thì phải tuyên bị cáo vô tội.
Có thể vẫn còn nghi vấn lăn tăn khi làm điều đó nhưng thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan người vô tội, vì bỏ lọt chỉ sai một lần còn làm oan lại sai những hai lần.
Pháp luật hiện tại cũng có quy định về thời hạn điều tra nhưng lơi lỏng cho phép nhiều trường hợp gia hạn kéo dài, cộng với tình trạng hủy án trả hồ sơ ở khâu xét xử dẫn đến quy định về thời hạn chứng minh tội phạm bị vô hiệu hóa mất tác dụng.
Khi đó dẫn đến tình trạng là trong khi cơ quan tố tụng khoan thai thư thái với các hoạt động trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung hay hủy án điều tra lại thì bị cáo đang ngày đêm chịu khổ vì bị giam giữ.
Đó là sự đày đọa vô cảm trước nỗi đau của bị can mà pháp luật tiến bộ đã liệu định ngăn ngừa.
Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc ban hành năm 1966 mà Việt Nam ký kết tham gia năm 1982 đã viết rằng: Trong các vụ án hình sự, tất cả các bị cáo đều được hưởng đồng đều những đảm bảo tối thiểu sau đây: … Được xét xử mau chóng, không kéo dài quá đáng.
Nội dung này lâu nay đã không được ngành tố tụng thấu triệt, cộng với việc sợ trách nhiệm nên thay vì tuyên vô tội vụ án lại cứ điều tra xét xử kéo dài mãi.
Hệ quả là trong những vụ án như vụ Hàn Đức Long hay vụ Lê Bá Mai, thật khó đánh giá được tổn hại do tội phạm gây ra và tổn hại do pháp luật gây ra cái nào lớn hơn cái nào.
Luật sư Ngô Ngọc Trai