Vụ AVG – Mobifone là khuyết tật của nền kinh tế phi thị trường

Thanh tra Chính phủ vừa công bố Kết luận thanh tra thương vụ Mobifone mua AVG, đã chỉ ra một loạt sai phạm.

Kết luận cho biết giá trị của công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu gọi tắt là AVG được định giá cao hơn giá trị thực, khiến cho việc mua nó dự toán gây thiệt hại cho nhà nước lên đến hơn 7000 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra một loạt lầm lỗi của cán bộ các ban ngành thuộc Bộ thông tin và truyền thông, Bộ kế hoạch đầu tư, Bộ tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ công an.

Rốt cuộc Thanh tra Chính phủ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ công an xem xét khởi tố điều tra vụ án.

59

Nhà nước và tư nhân

Kết luận thanh tra vụ việc này được dư luận chờ đợi từ lâu, đến nay mới được công bố đã phần nào thỏa mãn được tâm lý chờ đợi của công chúng.

Tuy vậy thay vì hả hê trước viễn cảnh một màn kịch hay, quần chúng cần nhận ra lợi ích của mình bị xâm hại trong đó và nên quan tâm làm sao để bảo vệ quyền lợi của mình.

Tôi cho rằng vụ việc này là một điển hình về khuyết tật của một nền kinh tế còn kém tính thị trường.

Vì rõ ràng đây là thương vụ được thực hiện giữa một doanh nghiệp tư nhân và một doanh nghiệp nhà nước, trong đó Mobifone là doanh nghiệp trực thuộc quản lý của Bộ thông tin và truyền thông.

Nếu giả sử việc mua bán được thực hiện giữa hai doanh nghiệp tư nhân thì sự thể đã hoàn toàn khác.

Với cơ chế quản lý sử dụng đồng tiền gắn chặt với trách  nhiệm, doanh nghiệp tư nhân sẽ nỗ lực đảm bảo quyền lợi của họ một cách chặt chẽ.

Sẽ không bao giờ có việc bên mua chấp nhận mức giá cao hơn mấy lần so với giá trị thực của tài sản, điều đã được chỉ ra trong vụ việc này.

Nếu thương vụ AVG – Mobifone được thực hiện bởi các doanh nghiệp tư nhân, thì họ cũng sẽ không phải thực hiện theo một loạt quy trình thủ tục rối rắm được áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước.

Họ sẽ không phải lập đề án báo cáo xin phê chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để rồi từ đó bị đánh giá là báo cáo có trung thực hay không.

Họ cũng sẽ tránh được rắc rối trong việc xác định rốt cuộc thì ai là người có quyền quyết định việc mua bán, và ai là người có thể cản trở việc này.

Ví như trong trường hợp này với mức đầu tư 8,9 nghìn tỷ đồng thì theo Luật đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, nhưng Thủ tướng Chính phủ sẽ không quyết định ngay mà lại yêu cầu các bộ có liên quan cho ý kiến về lĩnh vực quản lý ngành.

Những rối rắm phức tạp đó sẽ không xảy ra giữa các đơn vị tư nhân trong một nền kinh tế thị trường đầy đủ.

anh 6

Dự liệu vẫn không xong

Nhà nước, mặc dù đã dự liệu về thói vô trách nhiệm của những kẻ được giao quyền quản lý khối tài sản doanh nghiệp nhà nước, cho nên đã ban hành ra một loạt quy định về trình tự thủ tục, thẩm quyền trách nhiệm nhằm kiểm soát quản lý.

Đó là những luật như Luật đấu thầu, Luật đầu tư công, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Biết bao quy định được đưa ra, nhưng thực tế thì sao? Hóa ra tất cả các quy định pháp luật này vẫn không đủ, và sai phạm vẫn rất nghiêm trọng.

Chính những người có trách nhiệm trực tiếp nhất lại là những người sai phạm nhiều nhất.

Không chỉ một đơn vị mà một loạt cán bộ thuộc Bộ thông tin và truyền thông, Bộ kế hoạch đầu tư, Bộ tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ công an đều bị quy cho sai phạm.

Điều này cho thấy đúng như một mệnh đề người ta đã nói, đó là không có cách làm đúng cho một việc làm sai.

Khi đã sai về bản chất như giao tài sản vào tay những người thiếu động lực trách nhiệm, thì cho dù có cố cách đến mấy cũng chẳng trông mong gì được vào hiệu quả sử dụng.

Cho nên mặc dù nhà nước đã kỹ lưỡng dự phòng rồi nhưng vẫn nhận lấy thất bại trước những thủ đoạn cố ý nơi con người.

anh 4

Kinh tế thị trường bảo hiểm cho doanh nhân

Một nền kinh tế thị trường sẽ là môi trường kinh tế lành mạnh bảo vệ, bảo hiểm cho chính cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, giảm tránh đi những lầm lỗi vào một lúc nào đó mà sự dễ dãi ngon ăn của cơ hội dễ làm mờ mắt con người.

Trong một nền kinh tế thị trường, những yếu tố thuộc về bản chất nơi con người đều được thừa nhận và phát huy. Nguyên tắc thị trường sẽ trao cho những người tham lam nhất cơ hội phát huy khả năng tạo ra nhiều của cải nhất cho xã hội.

Để tránh đi lòng tham được đặt sai chỗ, để tránh đi những vụ AVG – Mobifone thì phải gia tăng thuộc tính thị trường cho nền kinh tế. Phải trả lại cho thị trường quyền năng điều tiết các nguồn lực kinh tế và năng lực con người.

Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, một trong các việc phải làm là tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước một cách khẩn trương dứt khoát. Đây là chính sách đúng đắn sẽ giúp gia tăng hiệu quả trên một đơn vị của cải, và giúp nền kinh tế Việt Nam vận hành tiệm cận với kinh tế thị trường.

Cộng đồng doanh nhân cần thúc đẩy chính sách này, nhưng không phải bằng mọi cách trục lợi từ đó, làm giàu từ việc gây thiệt hại cho nhà nước và người dân. Các doanh nhân cần phải xác định rõ làm kinh tế là tạo ra sự sinh sôi nảy nở cho của cải, đây là phần việc của các doanh nghiệp chứ không phải của Chính phủ đi kinh doanh.

anh 3

Cùng với đó nhiều triết lý nền tảng về kinh tế cần được định hình lại để xác lập khung khổ cho một nền kinh tế thị trường đầy đủ. Trong đó lãnh đạo những doanh nghiệp lớn sẽ có vai trò lãnh đạo tự nhiên đối với cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân.

Họ cần ý thức về vai trò sứ mệnh của mình và tiên phong đi đầu, thúc đẩy và cũng để thụ hưởng dài lâu cho chính họ, về một môi trường an toàn trong kinh doanh trong không gian của một nền kinh tế thị trường.

Bài đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google Search ‘Mobifone – AVG: Khi nhà nước là bên mua’