Ở Việt Nam nhiều người mặc định một điều hiển nhiên là Chính phủ được quyền quản lý điều hành nền kinh tế. Vấn đề tưởng chừng đúng đắn miễn bàn cãi này đặt trong mối tương quan với việc nền kinh tế Việt Nam luôn duy trì ở thứ hạng các nền kinh tế yếu kém nhất thế giới buộc ta phải xem xét lại những tín điều lâu nay vẫn được xem là đúng đắn.
Vấn đề của kinh tế Việt Nam hiện nay dường như cho thấy chúng ta đang gặp vấn đề ách tắc ở tầm mức chủ thuyết phát triển chứ không phải chỉ do một vài chính sách sai lầm yếu kém đơn lẻ.
Nguyên lý thị trường
Lâu nay nhiều người nói đến kinh tế thị trường nhưng ít thấy những luận giải dễ hiểu chỉ ra tầng sâu bản chất nguyên lý vận hành của thị trường giúp nhân dân thấy được cái nguyên lý thị trường đó thực ra gần gũi và phổ quát với những cảm nhận của con người về lẽ công bằng.
Để rồi từ đó làm rõ vấn đề: Khi kinh tế thị trường vận hành với nguyên lý như thế thì vai trò quản lý kinh tế của chính phủ sẽ như thế nào?
Dễ hiểu nhất, nguyên lý thị trường thực chất là lẽ công bằng, cụ thể hơn đó là công bằng trong địa hạt kinh tế. Theo đó thành quả sẽ phụ thuộc vào nỗ lực, phát triển dựa trên những đầu tư, các tố chất con người được đề cao và vinh danh.
Nguyên lý thị trường là: Chăm chỉ sẽ hơn lười biếng, thông minh sẽ hơn ngu dốt, khéo léo sẽ hơn cẩu thả. Ai cố gắng hơn sẽ thu được nhiều kết quả hơn, ai thông minh hơn sẽ bớt sai sót hơn, cơ hội đến với mọi người nhưng việc nắm bắt phụ thuộc vào năng lực nội tại, đó là những giá trị của lẽ công bằng.
Cũng theo nguyên lý thị trường thì ai bán rẻ sẽ nhiều người mua, hàng kém hỏng sẽ mất khách, có cầu ắt có cung, hàng hóa được thoải mái lưu thông, quyền sở hữu tài sản được bảo vệ.
Dựa theo nguyên lý thị trường thì một cá nhân hay doanh nghiệp muốn thành công bao nhiêu thì phải bỏ ra nỗ lực tương xứng, đó chính là động lực khiến mọi người cùng cố gắng vì họ biết mình sẽ đạt thành tựu. Cái động lực khiến từng con người cố gắng cũng chính là động lực khiến cả nền kinh tế phát triển.
Cái nguyên lý giản dị và phổ quát đó phải được bảo vệ vì nếu bị xâm phạm sẽ triệt tiêu đi động lực phát triển của con người. Khi một doanh nghiệp đạt thành công hơn doanh nghiệp khác nhưng không phải từ những cố gắng chính đáng mà do thủ lợi từ các chính sách can thiệp thì không còn ai muốn cố gắng nữa.
Bài toán doanh nghiệp
Các cá nhân hay doanh nghiệp muốn đạt thành tựu đều phải có kế hoạch và họ lập bài toán kinh doanh dựa trên cơ sở những dữ kiện của hiện tại và dự đoán những biến động trong tương lai.
Những dữ kiện hiện tại thì có rồi như về vốn, giá nhân công, giá vật tư, đối tác khách hàng, nhu cầu thị trường. Những biến động trong tương lai thì khó nắm bắt hơn nhưng các doanh nghiệp vẫn phải dự liệu vì đó là một phần của cuộc chơi, và ai có đầu óc hơn hay nội lực mạnh hơn sẽ vượt qua được các thách thức.
Doanh nghiệp có thể dự liệu được biến động trong tương lai một khi các biến động đó cũng sinh ra từ những nguyên lý của thị trường hay từ các định luật nhân quả có liên hệ với các dữ kiện ở hiện tại.
Nhưng doanh nghiệp không thể dự liệu những sự kiện bất khả kháng như động đất, chiến tranh, sóng thần, dịch bệnh hoặc những sự can thiệp đột xuất, thất thường từ ý chí chủ quan của Chính phủ.
Khi Chính phủ ban hành một chính sách điều tiết kinh tế thực chất là xâm phạm vào sự vận hành của nguyên lý thị trường trên nền tảng công bằng, điều đó chẳng khác nào ném cho doanh nghiệp một tham số mới không có trong kế hoạch dự liệu, điều này nhiều khi làm vỡ lở hết kế hoạch sản xuất kinh doanh ban đầu.
Cũng khi chính phủ ban hành một chính sách, sẽ có những doanh nghiệp thụ hưởng thuận lợi từ chính sách mới, khi đó họ đạt được thành công mà không cần cố gắng, thành tựu đến từ bên ngoài. Điều này thủ tiêu tính công bằng, làm nản lòng và triệt tiêu sự cố gắng là động lực phát triển của doanh nghiệp.
Khi đó sẽ xảy ra tình trạng các doanh nghiệp chỉ lo chạy theo đeo bám quan chức và mua chuộc chính phủ thay vì tập trung vào cố gắng sản xuất kinh doanh.
Nhưng không thể bỏ mặc thị trường
Nguyên lý thị trường có bản chất là hệ giá trị của lẽ công bằng nhưng nếu để nó phát triển đến tận cùng thì sẽ dẫn đến tình trạng cá lớn nuốt cá bé, mạnh được yếu thua không tốt cho đời sống xã hội. Cho nên luật pháp sẽ có các quy định uốn nắn điều chỉnh hạn chế những mặt trái tác hại của thị trường.
Ví dụ để hạn chế sự quá trớn của một trong các bên và duy trì mối quan hệ lao động hài hòa, luật pháp quy định về mức lương tối thiểu, về thời giờ làm việc thời giờ nghỉ ngơi, về trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội…
Để tránh tình trạng lũng đoạn của doanh nghiệp lớn luật quy định về cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền, về công bố thông tin, báo cáo tài chính … luật cũng quy định về quyền sở hữu công nghiệp và tên thương mại để bảo vệ cho các hoạt động làm ăn chân chính.
Để bảo vệ nền kinh tế còn yếu kém trước áp lực hội nhập với kinh tế bên ngoài nên trong một thời gian ngắn hạn luật quy định một số hạn chế đối với doanh nghiệp nước ngoài, hoặc đối với một số sản phẩm thiết yếu có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội luật quy định giá bán như các sản phẩm: Sữa, thuốc chữa bệnh, điện, nước (về lâu dài thì phải theo nguyên lý thị trường những hạn chế này sẽ bị dỡ bỏ).
Những quy định uốn nắn đó sẽ được cơ quan làm luật quy định bằng các văn bản pháp luật, Chính phủ theo đó có trách nhiệm triển khai các luật vào thực tế và duy trì kiểm soát việc tuân thủ thực hiện các hoạt động đó.
Nếu dừng lại ở đây thì nền kinh tế thị trường mà các nước trên thế giới xây dựng đều được thực hiện trên những quan điểm tư tưởng như vậy.
Nhưng ở Việt Nam có một điểm khác biệt mà từ đó dẫn đến hệ quả nền kinh tế yếu kém đó là: Thay vì chỉ can thiệp rất hạn chế có mức độ vào các nguyên lý thị trường thì chính phủ Việt Nam lại thường xuyên liên tục tác động vào thị trường với cơ sở là thẩm quyền quản lý điều tiết nền kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam khi được hỏi họ chỉ có một nguyện vọng đó là chính phủ nên giữ ổn định nhất quán trong quan điểm chính sách để họ còn yên tâm làm ăn.
Hiến pháp đã bớt quyền chính phủ
Tất cả những gì tạo ra sự bất công đều thủ tiêu đi sự cố gắng.
Để kinh tế phát triển thì phải duy trì động lực cố gắng của các doanh nghiệp, đồng nghĩa với đó là bảo vệ lẽ công bằng cũng tức là tôn trọng các nguyên lý thị trường.
Khi đã hiểu điều đó thì việc cần làm tiếp theo là đừng để chính phủ can thiệp vào thị trường bằng các quyết sách này nọ. Chính phủ cần lùi lại đúng ở vị trí cần đứng đó là cơ quan hành chính hoặc cơ quan hành pháp có vai trò dẫn đưa các quy định pháp luật vào thực hiện và duy trì kiểm tra giám sát việc tuân thủ thực hiện các quy định pháp luật.
Nhiều người cho rằng kinh tế Việt Nam chậm phát triển là do xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đổ lỗi cho doanh nghiệp nhà nước đã làm méo mó đi nền kinh tế thị trường.
Thực chất cần phải hiểu yếu tố định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo ra thẩm quyền quá lớn cho Chính phủ trong khả năng can thiệp vào thị trường tự do, doanh nghiệp nhà nước chỉ là một trong số các công cụ do Chính phủ nắm giữ để tác động vào thị trường.
Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã lược bỏ rất nhiều nội dung quy định về vai trò của Chính phủ. Toàn bộ đoạn nội dung sau đây viết về vai trò của Chính phủ theo Hiến pháp năm 1992 đã bị bỏ đi: Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Nhà nước; bảo đảm hiệu lực của bộ máy Nhà nước từ trung ương đến cơ sở; bảo đảm việc tôn trọng và chấp hành Hiến pháp và pháp luật; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm ổn định và nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân.
Toàn bộ đoạn nội dung sau đây viết về nhiệm vụ và quyền hạn của chính phủ theo Hiến pháp năm 1992 cũng đã bị bỏ đi: Thống nhất quản lý việc xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân; thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quản lý và bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc sở hữu toàn dân; thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước;
Việc lược bỏ đi các nội dung thẩm quyền của Chính phủ trong địa hạt kinh tế đã tạo ra khung khổ hiến định cần có để xây dựng nền kinh tế thị trường. Ở đây xem ra Đảng cộng sản đã cứng rắn trên nguyên tắc nhưng mềm mỏng khi thực hiện, vẫn giữ vấn đề định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng lược bỏ yếu tố can thiệp vào thị trường tự do.
Nếu khai triển đúng đắn tinh thần của Hiến pháp mới thì một vài hệ quả có thể dẫn đến là: Chính phủ không được tự ý quyết định chi tiêu ngân sách mà chỉ được trình dự án ngân sách trước Quốc hội; Chính phủ không lãnh đạo chỉ đạo Ngân hàng nhà nước mà đó phải được hiệu chỉnh thành một thiết chế độc lập với chính phủ; Chính phủ không được nắm doanh nghiệp nhà nước mà trả về cho Quốc hội;
Quốc hội và hệ thống chính trị nói chung cần quan tâm sâu sát, thúc đẩy việc khai triển các nội dung mới của hiến pháp vào thực tế. Rà soát lại các quy định pháp luật để sửa đổi cho phù hợp, lưu ý không để Chính phủ ban hành các quyết sách mới trái với nội dung tinh thần của Hiến pháp. Bằng cách đó nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển theo hướng kinh tế thị trường.
Luật sư Ngô Ngọc Trai
Bài đã đăng trên BBCVietnamese tại đây: Google search: ‘Chủ thuyết nào cho nền kinh tế’