CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 2016
ĐƠN KIẾN NGHỊ
(Chấn chỉnh ý thức tôn trọng pháp luật của một số cơ quan thực thi pháp luật)
Kính gửi:
|
– CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐẠI QUANG, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH TƯ PHÁP TRUNG ƯƠNG – BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN TÔ LÂM – CHÁNH ÁN TÒA ÁN TỐI CAO NGUYỄN HÒA BÌNH – VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT TỐI CAO LÊ MINH TRÍ |
I/ NGƯỜI KIẾN NGHỊ
Chúng tôi là những luật sư trong quá trình hành nghề đã chứng kiến nhiều hành vi vi phạm pháp luật của một số cơ quan tư pháp, xâm phạm quyền lợi hành nghề của luật sư, làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật.
Bằng ý thức về quyền hạn và trách nhiệm của mình theo pháp luật và có mong muốn thúc đẩy nền tư pháp Việt Nam được trở nên công minh tiến bộ, nên chúng tôi có kiến nghị như sau:
III/ NỘI DUNG VẤN ĐỀ KIẾN NGHỊ
Pháp luật về thủ tục tố tụng là những quy định có tính kỹ thuật đã được nghiên cứu thực nghiệm khoa học mà nếu làm đúng theo đó thì sẽ giúp tìm ra được tội phạm, tránh được oan sai.
Nhưng thực tế nhiều cơ quan tư pháp trong quá trình điều tra truy tố xét xử lại vi phạm quy trình thủ tục tố tụng mà nguyên nhân là trong tâm lý nhận thức của cán bộ tư pháp họ xem nhẹ các quy định. Họ tự đánh giá một số quy định pháp luật và quyền lợi của người khác là không quan trọng nên có hành vi vi phạm.
Một số cơ quan tư pháp được Đảng và Nhà nước giao trọng trách giải quyết những vụ án lớn phức tạp lại lạm dụng trọng trách quyền hành được giao, tự cho mình cái quyền vi phạm pháp luật xâm phạm quyền của chủ thể khác.
Luật sư bào chữa thường xuyên gặp chướng ngại khó khăn và trong bối cảnh từng vụ án cụ thể thì chúng tôi khó thể đấu tranh trực diện yêu cầu các cơ quan phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền của mình, vì nếu khiếu nại thì người giải quyết lại cũng chính là những cơ quan lạm quyền đó.
Ví như trong việc giải quyết vụ án giết người và hiếp dâm trẻ em xảy ra tại tỉnh Bắc Giang từ năm 2005, có bị can là Hàn Đức Long, hiện đang được điều tra lại làm rõ dấu hiệu oan sai. Vụ án đã nhận được sự quan tâm chú ý của các cấp lãnh đạo nhà nước và các ban ngành tư pháp và cộng đồng.
Một vụ án như vậy, được dư luận quan tâm như thế, thế mà việc giải quyết cũng vẫn cứ vi phạm pháp luật. Luật sư bào chữa bị cản trở không được tiếp cận hồ sơ vụ án, không được gặp bị can đang bị tạm giam. Đây là những vi phạm thô bạo nhất đối với những hoạt động nghiệp vụ căn bản nhất của luật sư bào chữa.
Liên quan đến quyền của luật sư được gặp người đang bị giam giữ, luật pháp quốc tế đã có quy định về vấn đề này. Cụ thể là Liên Hợp Quốc đã ban hành một văn bản về các nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư, được thông qua tại Hội nghị lần thứ tám về Phòng chống tội phạm và xử lý người phạm tội của Liên Hợp Quốc, họp tại Havana, Cuba, từ ngày 27/8 đến 7/9/1990.
Trong đó có nguyên tắc: Tất cả những người bị bắt, giam hay cầm tù phải được tạo cơ hội, thời gian và phương tiện đầy đủ để luật sư đến thăm, và được trao đổi hay tư vấn hoàn toàn riêng với luật sư không chậm trễ, không bị theo dõi hay kiểm duyệt. Những cuộc tiếp xúc hay tư vấn như vậy, có thể được tiến hành trong tầm nhìn, nhưng không trong tầm nghe của các nhân viên thi hành luật pháp.
Như thế luật pháp quốc tế đã có quy định và đó là chuẩn mực pháp luật mà các nước thuộc Liên Hợp Quốc phải tôn trọng. Song thực tế chuẩn mực quốc tế này ở Việt Nam thường xuyên bị xâm phạm, luật sư thường xuyên bị cản trở gặp người đang bị giam giữ.
Đúng ra những chuẩn mực tư pháp căn bản thì phải tôn trọng, càng những vụ án lớn phức tạp thì quá trình giải quyết càng phải tuân thủ pháp luật, càng những cơ quan tư pháp cấp cao thì càng phải nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật. Thay vì vậy lâu nay các quyền căn bản nhất cũng bị xâm phạm, các cơ quan cấp cao lợi dụng cái trọng trách được giao phó, lợi dụng các quy định pháp luật cho phép mà vi phạm pháp luật.
Đây là điều đáng lo ngại nghiêm trọng vì công lý không thể đạt đến thông qua những vi phạm pháp luật.
IV/ NAY CHÚNG TÔI KIẾN NGHỊ
Hiến pháp Việt Nam sửa đổi năm 2013 tại Điều 28 quy định: 1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
Chúng tôi kiến nghị:
1.Chủ tịch nước Trần Đại Quang là Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, đề nghị Chủ tịch nước lắng nghe ý kiến này và có chỉ đạo trong các cuộc họp của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, chấn chỉnh ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật của các cán bộ tư pháp.
2.Đề nghị Bộ trưởng Bộ công an, Chánh án tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao có chỉ đạo và quán triệt tới cán bộ dưới quyền, trong khi thực hiện công vụ thì không được vi phạm pháp luật. Vì khi vi phạm bất cứ quy định pháp luật nào thì cũng ảnh hưởng xâm phạm đến quyền lợi của chủ thể khác.
Vì pháp luật phải được tuân thủ để công lý không vắng mặt, cho nên chúng tôi kính mong kiến nghị được lắng nghe giải quyết.
Xin trân trọng cảm ơn
Những người kiến nghị
1.Luật sư Ngô Ngọc Trai, Đoàn luật sư tp Hà Nội
2.Luật sư Phạm Thanh Tùng, Đoàn luật sư tp Hà Nội
3.Luật sư Quách Thành Lực, Đoàn luật sư tp Hà Nội
4.Cựu Luật sư Lê Công Định