Luật sư bào chữa lưu ý, về hai điểm mới của BLTTHS

LUẬT SƯ BÀO CHỮA LƯU Ý

VỀ HAI ĐIỂM MỚI CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ 2015

VÀ CÁCH THỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

————————–

Luật sư Ngô Ngọc Trai

 Công ty luật TNHH công chính

Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực từ 1/7/2016 tới, trong số nhiều điểm mới có hai điểm lớn đáng chú ý liên quan đến tác nghiệp của luật sư bào chữa, nếu làm tốt sẽ giúp ích lớn cho thân chủ và nghề luật sư

1.Nội dung của Điều 13 và cách thức triển khai thực hiện

Điều 13. Suy đoán vô tội

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Đây là điều luật mới, mặc dù đoạn nội dung thứ nhất đã được quy định tại Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (tuy cách hành văn có hơi khác nhưng cùng ý nghĩa). Điểm mới quan trọng nằm ở đoạn nội dung thứ hai, theo đó khi không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội thì phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Việc ‘không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội’, tức là còn tồn tại những điểm mù mờ dẫn đến nghi ngờ về căn cứ buộc tội. Tức là cơ sở buộc tội chưa thuyết phục, không chắc chắn, dẫn đến nghi ngờ, khi đó phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Cũng theo nội dung điều luật thì chỉ cần một căn cứ buộc tội (trong số nhiều căn cứ buộc tội) không thể làm sáng tỏ, tức là chỉ cần tồn tại một điểm nghi vấn bất hợp lý thì khi đó cũng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Đây thực chất là sự kết hợp bổ sung nguyên tắc Nghi ngờ hợp lý (Một nguyên tắc pháp lý tiến bộ) vào điều luật Suy đoán vô tội. Lâu nay chúng ta mới chỉ nghe đến nguyên tắc suy đoán vô tội mà ít thấy nhắc đến nguyên tắc nghi ngờ hợp lý, song thực chất thì hai nguyên tắc này song hành với nhau. Vì trước khi suy đoán vô tội thì phải có một điểm nghi ngờ hợp lý, điểm nghi ngờ là điều kiện tất yếu để dẫn đến suy đoán (chứ nếu mọi thứ đã rõ ràng không còn gì nghi ngờ nữa thì khẳng định luôn chứ không cần phải suy đoán nữa).

Hệ quả của quy định mới là gì?

Quy định mới tuy chưa gọi tên nhưng thực chất đã tiếp thu và truyền tải nguyên tắc Nghi ngờ hợp lý vào luật. Theo nguyên tắc pháp lý này thì chỉ có thể đưa ra phán quyết có tội khi không còn điểm nghi ngờ nào nữa, và nếu vẫn còn một điểm nghi ngờ không được làm rõ thì không thể kết luận có tội. Tất nhiên những nghi ngờ này không được vô lý mà phải là nghi ngờ hợp lý xác đáng dựa trên cơ sở tính duy lý và logic thuyết phục. Nghi ngờ hợp lý là nguyên tắc pháp lý văn minh tiến bộ đã được tiếp thu vào luật, các luật sư bào chữa cần nhận ra và thúc đẩy thi hành cho có lợi cho mình.

Lâu nay luật sư bào chữa thường thấy những Quyết định Phúc thẩm hay Giám đốc thẩm tuyên hủy án điều tra lại với lý do là cơ sở kết tội ‘chưa đủ căn cứ vững chắc’. Điều này về bản chất là căn cứ kết tội vẫn còn những chỗ không rõ ràng, không được làm sáng tỏ gây nghi ngờ, song thay vì kết luận không có tội thì tòa án lại hủy án để yêu cầu điều tra lại.

Nay với quy định mới tại Điều 13 thì khi không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội cũng có nghĩa là căn cứ kết tội không vững chắc, thì phải tuyên bị cáo không phạm tội, chứ không thể lại hủy án điều tra lại như xưa.

Một ví dụ để làm rõ: Năm 2005 ở Bắc Giang xảy ra vụ án Giết người và hiếp dâm trẻ em, bị can Hàn Đức Long bị xác định có tội mặc dù hồ sơ tồn tại nhiều điểm phi lý mâu thuẫn.

Kết luận điều tra cho rằng vào một buổi chiều bị can Long đã bắt bế một cháu bé ra cánh đồng hiếp rồi giết. Cơ quan điều tra tiến hành giám định pháp y cho kết quả cháu bé chết sau bữa ăn cuối cùng từ 4 đến 6 giờ. Cơ quan điều tra hỏi bố mẹ cháu bé thì được biết cháu bé ăn bữa cuối cùng lúc khoảng 12 giờ trưa cùng ngày. Từ đó xác định cháu bé chết trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 giờ chiều.

 Song vấn đề là ngày xảy ra vụ án là ngày 26/6/2005 là một ngày mùa hè nóng nực, thời gian từ 4 đến 6 giờ chiều trời còn sáng rõ, cánh đồng khi đó ruộng vừa mới cấy không gian thông thoáng, liệu tội phạm có dám đưa cháu bé ra cánh đồng hiếp giết ở khoảng thời gian đó không?

Đây là một điểm rất vô lý trong cơ sở kết tội bị cáo.

Điểm vô lý thứ hai, cháu bé được mô tả là đã bất tỉnh, bị can Long đặt cháu ngồi trên bờ mương đất rồi đẩy cháu ngã xuống mương nước rồi bỏ chạy về. Khám nghiệm hiện trường thì mực nước mương chỉ là 35cm, có nhiều cỏ và khoai nước, bờ mương thoải, trong khi cháu bé có chiều cao 1,07m. Với chiều cao đó và mực nước đó thì nước chỉ tới đầu gối cháu bé, khó thể làm chết đuối cháu được, chỉ cần cháu gượng ngồi dậy cũng cao hơn mực nước.

Khám nghiệm tử thi cháu bé cho thấy trong phổi và khí phế quản có nhiều dị vật lẫn bùn đất, chứng tỏ cháu bé vẫn hít thở mạnh và nhiều khả năng là bị dìm cho chết sặc chứ không phải chết do đuối nước do bị đẩy ngã. Kết luận điều tra mô tả Long đẩy cháu bé ngã xuống nước khiến cháu bị chết đuối không phù hợp với kết quả giám định pháp y và khám nghiệm hiện trường.

Đó chỉ là hai điểm cho thấy căn cứ kết tội vô lý khó tin, qua nhiều năm cũng không được làm sáng tỏ được. Cả hai lần Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ra Quyết định giám đốc thẩm đều hủy án yêu cầu điều tra lại với lý do cơ sở kết tội chưa đủ căn cứ vững chắc (thực chất là căn cứ kết tội có nhiều điểm không làm sáng tỏ được).

Với quy định mới tại Điều 13, nhiều vụ án kêu oan (thường tồn tại một hoặc nhiều điểm vô lý trong hồ sơ kết tội) sẽ có cơ sở để đấu tranh buộc cơ quan tố tụng kết luận bị cáo không phạm tội.

Song để làm được điều này thì cần vai trò thúc đẩy của cả giới luật sư bào chữa, chứ từng luật sư bào chữa cố gắng trong mỗi vụ án cũng khó đạt được hiệu quả. Các luật sư bào chữa cần xác lập nhận thức chung để cùng thúc đẩy, có như thế mới tạo hiệu quả tích cực trong hoạt động bào chữa, chúng ta sẽ có nhiều hơn những bản án tuyên bị cáo không phạm tội

2.Vấn đề quyền im lặng

Đây là nội dung gây nhiều tranh cãi trong quá trình soạn thảo ban hành bộ luật, cuối cùng quyền im lặng được coi là có tiếp thu bằng việc quy định Người bị tố giác, Người bị kiến nghị khởi tố, Người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, Người bị bắt, Người bị tạm giữ, Bị can đều có quyền: Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;

Thay vì quy định trực diện dễ hiểu giúp mọi người hiểu đúng làm đúng rằng bị can được quyền giữ im lặng hay từ chối khai báo, luật quy định theo hướng khai báo là quyền chứ không phải nghĩa vụ.

Quy định này sẽ đem lại hệ quả gì?

Tôi cho rằng khi đã là quyền thì người ta có thể không thực hiện mà không bị cho là sai, vì đó không phải là nghĩa vụ. Lấy ví dụ người bị bắt, bị can được quyền mời luật sư bào chữa, nhưng nếu họ không mời luật sư tức không thực hiện quyền thì cũng không bị cho là sai.

Ngay như luật sư trong quá trình điều tra cũng được quyền tham gia hỏi cung bị can, được đưa ra tài liệu đồ vật yêu cầu, nhưng nếu luật sư không thực hiện thì cũng không bị cho là sai. Như thế có thể thấy khi khai báo là quyền thì bị can có thể không thực hiện. Đây là suy luận logic hợp lý khoa học, hoàn toàn đúng theo nghĩa đen của quy định pháp luật.

Song thực tế như các luật sư bào chữa đã biết, trong môi trường bị giam giữ mà dám im lặng không khai báo thì sẽ gặp khó khăn nhất định. Ngay như các luật sư bào chữa bao năm qua liệu cũng đã có ai giải thích cho bị can hiểu anh có quyền trình bày lời khai và khi đã là quyền thì anh có thể không thực hiện? Vì quy định quyền trình bày lời khai thực chất đã có từ Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 rồi? Hầu như chưa luật sư nào làm vậy có thể vì e ngại sẽ bị quy cho là gây khó khăn cản trở cho hoạt động điều tra. Nhưng bây giờ nếu cứ như vậy thì khi bị can phải khai báo như là nghĩa vụ, hồ sơ vụ án đã khớp, vai trò của luật sư bào chữa cũng mất tác dụng.

Nay để việc thực hiện quyền im lặng được thuận lợi, làm lợi cho thân chủ, làm lợi cho nghề thì cần sự đồng lòng tham gia của cả giới luật sư bào chữa. Từng luật sư bào chữa trong mỗi vụ án dù cố gắng mấy cũng khó đem lại hiệu quả. Để biến vấn đề mới lạ trở thành lề lối làm việc chuẩn mực hợp pháp văn minh, ngay từ bây giờ các luật sư bào chữa cần xác lập rõ nghĩa và thống nhất nhận thức về cách thực hiện quyền trình bày lời khai: Khi đã là quyền thì có thể không thực hiện.

Liên đoàn luật sư cũng có trách nhiệm trong vấn đề này, Liên đoàn cần xác lập thống nhất nhận thức cách hiểu và cách thực hiện về quyền trình bày lời khai, gửi văn bản ý kiến tới các cơ quan tư pháp, thông báo trước cho họ biết rằng các luật sư khi bào chữa sẽ giải thích cho người bị bắt, bị can rằng anh được quyền trình bày lời khai, và khi đã là quyền thì anh có thể không thực hiện

3.Vấn đề của luật sư bào chữa

Vai trò của luật sư bào chữa trong các vụ án hình sư lâu nay còn hạn chế mờ nhạt. Dư luận xã hội và ngay trong giới luật sư cũng có những đánh giá tiêu cực về hoạt động luật sư bào chữa, cho rằng chỉ có tác dụng chạy án này kia. Điều này phần nào phản ánh sự thật đáng buồn là hoạt động bào chữa đã bị làm cho méo mó biến dạng. Sự méo mó biến dạng này có nguyên nhân là còn nhiều áp lực hành nghề, do tồn tại nhiều chướng ngại từ chính từ thể thức quy trình tố tụng hình sự còn nhiều bất cập làm mất tác dụng của luật sư bào chữa.

Nay với việc Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã tiếp thu truyền tải những lý thuyết pháp lý mới tiến bộ như Quyền im lặng, Suy đoán vô tội và Nghi ngờ hợp lý, đã phần nào cải biến thủ tục tư pháp hình sự, cải thiện môi trường pháp lý giúp nâng cao vị thế luật sư bào chữa. Song mọi thứ không thể rõ ràng thuận lợi ngay, mà các luật sư bào chữa phải nỗ lực thúc đẩy. Các luật sư bào chữa cần tìm hiểu và khai thác triệt để những điểm thuận lợi từ các điều luật mới để nới rộng cởi trói cho hành nghề. Làm việc này nếu chỉ cá nhân nỗ lực thì khó đạt hiệu quả, mà cần sự quan tâm tham gia của cả giới luật sư bào chữa và Liên đoàn luật sư.

Còn nhiều khó khăn vướng mắc đặc thù mà chính các luật sư bào chữa cần chung tay tháo gỡ cho mình, trước mắt xin chỉ ra hai vấn đề nêu trên và mong mọi người cùng quan tâm thúc đẩy.

Trân trọng!

Luật sư Ngô Ngọc Trai

 Công ty luật TNHH công chính